Đường về thanh xuân

Thứ Sáu, 10/07/2020, 08:32
Chồng Thiết đang công tác ở nước ngoài, dùng mọi lời khuyên ngăn, nhưng ý cô đã quyết. Mẹ chồng đến chơi nhà thăm cháu, cảu nhảu:- Có chồng con rồi mà cứ đi qua ngày, qua đêm suốt suồn suột...

Chiếc xe Minsk khừng khực cắt ngang dòng suối cạn lởm chởm đá dăm làm bọt trắng tung lên trong ánh ban mai lấp lánh. Cảnh tượng sống động đang hiện ra trước mắt Thiết đẹp như bức tranh với hai sắc màu tương phản: một bên là sóng núi hoang vu thâm nâu cổ thụ, một bên là những nấc ruộng bậc thang chảy tràn sắc vàng lúa chín. Lâu lắm rồi, Thiết mới được tận hưởng cảm giác tan dần vào thiên nhiên.

Miền sơn cước này khiến Thiết da diết nhớ những ngày tháng thanh xuân thỏa sức vượt đèo, leo dốc “phượt” khắp Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai... Thiết nhớ cái cảm giác đứng trên đỉnh núi cao chót vót khắc tên mình vào tảng đá hàng nghìn năm tuổi. Nhớ những lần loay hoay chụm củi nhóm lửa nướng gà bên khe suối giữa cái lạnh xuyên thấu thịt da. Nhớ cái đêm cả nhóm trải lá chuối rừng ngủ lại trong căn nhà ma âm âm tiếng gió. Và nhớ cả những khúc cua tử thần mà tai nạn luôn rình rập, chực chờ.

Thấm thoắt đã ba năm. Từ ngày lấy chồng, như con chim mỏi cánh, niềm đam mê chinh phục những vùng đất lạ trong Thiết đành gác lại. Đôi khi, cái sự êm đềm và bình lặng của cuộc sống hiện tại khiến Thiết cảm thấy vừa trống trải, vừa dư thừa. Thiết nghĩ, gác lại chứ chắc chắn không phải là chấm dứt. Đợi con gái lớn hơn một chút, Thiết sẽ xin trở về ban Đời sống mà mình từng gắn bó. Đó mới chính là sở trường, niềm đam mê thực sự của cô.

*

Hồi mới vào tòa soạn, để viết được một bài báo hai trang in cho ban Đời sống, có khi Thiết mất cả tháng ròng xuôi Nam, ngược Bắc săn tìm tư liệu. Đồng nghiệp dạy khôn, việc gì phải khổ, ca nào xa quá thì bảo nhân vật chụp ảnh gửi qua mail kèm theo dăm cái gạch đầu dòng giới thiệu hoàn cảnh bản thân, còn lại thì tùy cơ ứng biến thêm mắm dặm muối. Thiết đáp lại bằng ánh mắt lạnh lùng.

Đồng nghiệp bĩu môi dài thườn thượt: “Để xem nhiệt huyết được mấy hôm”. Thứ công thức gian dối ấy đã giúp họ sản xuất ra những bài báo cụt ngủn, nửa vời. Những bài báo còn không xứng đáng làm tờ giấy gói xôi chứ chưa nói đến chuyện được xếp trang trọng vào giá sách của bạn đọc. Thiết biết, cô chưa là gì cả, non nớt kinh nghiệm, hạn hẹp điểm nhìn. Một bài viết để lại ấn tượng đậm nét vẫn là giấc mơ mà cô phóng viên mới tốt nghiệp luôn hướng tới.

Mặc ai bỉ bôi, đàm tiếu, cô sẽ làm việc theo cách của cô để không hổ thẹn với ngòi bút chính mình, để những trang viết ra dù chưa đặc sắc song tối thiểu phải là sự thật. Những bài báo của Thiết luôn là sự kết tinh của máu tươi, mồ hôi và nước mắt. Từ miền nắng cháy đến nơi sương mù, mình cô băng băng trên con xe Minsk tróc sơn già nua, cũ kỹ. Nhiều vấp ngã. Lắm đớn đau. Có khi xe thủng xăm, phải dắt bộ giữa đoạn đường rừng tối tăm như lối về âm phủ. Có lúc mưa dông, gió giật, vội ém mình vào trong hang đá lạnh ngắt, uống nước lọc cầm hơi. Lại có cả những lần làm phóng sự điều tra, bị cả đám nghiện phát hiện, cầm cái bơm kim tiêm dính máu và dao nhọn đuổi theo, ranh giới sự sống và cái chết là một bước chân ngắn ngủi.

*

- Tôi mới nhận được tin một học sinh nghèo bị bệnh tim bẩm sinh ở Mường Nhé, Điện Biên đã xuất sắc đỗ thủ khoa môn Lịch sử trong kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia vừa qua - Tổng biên tập mở lời. - Tôi cần một phóng viên trẻ xác minh thông tin, viết bài về em ấy. Ai tự tin nhận nhiệm vụ này?

Xem Youtube cũng biết vùng đất ấy hiểm trở thế nào. Đường vào bản làng vòng vèo như ruột lợn quấn quanh triền núi, lọt thỏm giữa ranh giới mong manh của vách đá cheo leo và vực sâu thăm thẳm. Nắng thì đỡ, ngộ nhỡ mưa rồi thình lình lũ quét, sạt lở đất... Thời tiết kỳ quặc này, không ai dám chắc điều gì.

Những phóng viên ban Đời sống cúi mặt, đùn đẩy cho nhau. Người còn tin bài này chưa đưa. Người bận phóng sự kia chưa viết. Toàn những khoản dầu sôi lửa bỏng. Trưởng ban Đời sống lên tiếng giữa những tiếng rì rầm chưa ngớt:

- Hay tìm cách liên hệ nhờ chính quyền địa phương trên ấy xác nhận, chụp cho vài kiểu ảnh rồi cứ thế mà viết có phải tiện cả đôi đường không?

Tổng biên tập quả quyết:

- Không được! Tôi muốn đích thân phóng viên trải nghiệm để trang viết có hồn chứ không phải là xác chữ làm màu, gượng ép.

Sau một vài phút im lặng như tờ, một cánh tay giơ lên. Thiết dõng dạc:

- Tôi có thể!

Hai mươi mấy cặp mắt của đồng nghiệp đổ dồn vào gương mặt cương nghị của Thiết, râm ran bàn tán. Tổng biên tập hỏi lại:

- Cô đã suy nghĩ kỹ chưa?

Minh họa: Đỗ Dũng

Thực ra, Thiết đã muốn giơ tay xung phong ngay sau câu phát biểu đầu tiên của Tổng biên tập rồi. Nhưng cô chọn cách ngồi im để xem các đồng nghiệp phản ứng ra sao. Những thứ xương xẩu, khó nhằn mới trơ lại đó thôi. Cuộc họp kết thúc, sau lưng có tiếng xì xàm cười nhạo. Họ nghĩ Thiết là con ngốc? Bởi lẽ, tuần trước, giữa rầm rộ tin đồn dùng chất bảo quản quá liều lượng cho phép, một công ty thực phẩm ở ngay trung tâm thành phố đem đến một bản thành tích giải thưởng dài dằng dặc, ngỏ lời nhờ Thiết viết bài PR với mức giá hậu hĩnh nhưng cô đã từ chối thẳng thừng. Giờ Thiết lại đi đâm đầu vào chỗ khó khăn mà nhuận bút có khi chẳng bù nổi tiền xăng. Ừ thì Thiết ngốc… Cô nghĩ, làm báo mà chọn mãi những cái dễ dàng, phẳng lặng thì cũng như người phụ nữ vụng về chỉ biết làm món trứng luộc mà thôi. Cô sẽ đi!

*

Chồng Thiết đang công tác ở nước ngoài, dùng mọi lời khuyên ngăn, nhưng ý cô đã quyết. Mẹ chồng đến chơi nhà thăm cháu, cảu nhảu:

- Có chồng con rồi mà cứ đi qua ngày, qua đêm suốt suồn suột.

- Dạ, công việc tòa soạn dạo này nhiều - Thiết lựa lời - Chị phóng viên phụ trách mảng này lại đang nghỉ sinh nên con phải kiêm nhiệm.

Mẹ chồng giọng vẫn rỉa rói:

- Tòa soạn thiếu phóng viên trẻ hay sao mà việc gì cũng đến tay cô?

- Dạ… - Thiết bối rối - Việc quan trọng nên… nên… cần một phóng viên có kinh nghiệm, mẹ ạ.

- Tôi chỉ nhắc thế thôi - Bà quắc mắt. - Đừng nghĩ mình là số một. Còn cả tá con gái xếp hàng muốn làm vợ con trai tôi đấy.

Nói rồi, bà ngúng nguẩy ra về. Thiết ngồi thụp xuống tấm thảm lau nhà, đầu nặng trĩu. Mẹ chồng chẳng ưa gì Thiết. Hồi chồng dẫn Thiết về ra mắt, biết cô làm nghề báo, bà đã thể hiện sự khó chịu ra mặt. Chồng thiết kể, bà từng là nạn nhân của một trang báo đưa tin sai lệch. Chuyện xảy ra hơn ba chục năm rồi. Ngày ấy, do sự nhầm lẫn trong quá trình dàn trang, ảnh bà xuất hiện giữa bài báo mang dòng tile “Mẹ mìn xuyên quốc gia đã bị bắt”. Trong khi ảnh “mẹ mìn” lại được gắn chú thích tên bà trong mục tôn vinh gương mặt trẻ tiêu biểu cấp thành phố ở bài báo liền kề bên dưới.

Ngay số báo ngày hôm sau, tòa soạn đã công khai cải chính và đưa ra lời xin lỗi bà. Nhưng sai lầm tai hại ấy đã gieo rắc vào cuộc đời bà những điều tồi tệ. Để rồi sau này, ra đường, đâu đó vẫn có những người len lén nhìn bà xì xồ chỉ trỏ. Đáng nhẽ được ngẩng cao đầu kiêu hãnh thì từ đấy, bà luôn phải xuất hiện với gương mặt khẩu trang bịt kín. Một thời gian dài, bà có triệu chứng trầm cảm, sợ tiếp xúc với người lạ. Bài báo sai lệch kia đã làm thay đổi hoàn toàn tính cách của bà…

- Nghề nào cũng có người này, người nọ, xin mẹ đừng vơ đũa cả nắm.

Thiết là một nhà báo chân chính và có trách nhiệm từng giành được nhiều giải báo chí uy tín.

Hồi ấy, mặc cho con trai giải thích thế nào, bà cũng ra sức phản đối. Lúc bụng Thiết đã lùm lùm đội lên sau lớp áo, bà mới miễn cưỡng chấp nhận với những lời bóng gió nhói lòng. Sau sinh, Thiết bị stress nặng. Chồng Thiết đứng ở giữa, một bên là mẹ, một bên là vợ con, chẳng biết làm cách nào mà cân bằng nổi. Cuối cùng, hai vợ chồng đành dọn ra ở riêng.

*

Gửi con nhỏ cho mẹ ruột chăm nom, Thiết yên tâm lên đường. Biết đường sá xa xôi, khúc khuỷu, cô vẫn cố đèo thêm một túi quần áo cũ to đùng của trẻ con mấy nhà hàng xóm trong khu chung cư. Cả chiều hôm trước, cô đã gõ cửa từng hộ xin về, hì hụi phân loại, gấp thành từng bộ vuông vắn. Thôi thì chịu khó một chút, những thứ dưới này mình dư dả thì biết đâu trên đó người ta đang thiếu thốn. Vả lại, hình ảnh đám trẻ vùng cao lông nhông cởi truồng chạy đuổi nhau trên con dốc mờ sương buốt lạnh Thiết thấy trong chuyến đi phượt ngày xưa vẫn còn hằn in rõ nét trong tâm trí cô. Niềm ước ao được ăn no, mặc ấm vẫn còn thổn thức trong từng ánh mắt thơ ngây, trong trẻo.

Chuyến đi này ngoài mục đích khai thác thông tin viết bài, nó còn là hành trình trở về thanh xuân, tìm lại cảm xúc bị lãng quên trên những cung đường tuổi trẻ đượm vàng nắng, rực rỡ hoa, mênh mang gió và bát ngát mùi hương cỏ dại… Qua những ngọn núi, qua những dải đồng, con đường cứ nhỏ hẹp dần như thách thức sự kiên trì của vị khách lạ. Thiết cầm chắc tay côn. Lòng cô nôn nao như cảm giác ngày nhỏ chờ đón Tết. Bản làng người Thái với mươi nóc nhà sàn lúp xúp đang hiện ra trong ráng đỏ cuối chiều thanh bình đến lạ. Từng đàn bò, đàn trâu dung dăng kéo nhau về, tiếng lục lạc vang lên lộp cộp. Xa xa, nhà ai đang nhóm bếp, khói lam bảng lảng bay lên thao thiết một vùng trời. Ấy là bản Huổi Lao. Thiết lôi chiếc máy ảnh, nháy mấy kiểu rồi ngắm đi, ngắm lại.

*

Nhà của Lò Văn Lả, cậu học trò nghèo nằm ở cuối bản. Căn nhà xiêu vẹo trát vách đất qua bao mùa mưa nắng, mái tranh đã mục ruỗng. Thiết đến nơi thì trời sâm sẩm tối. Lả chạy ra đón cô, ánh mắt ngơ ngác:

- Em chào chị. Chị là…

- Chào em, cho chị hỏi đây có phải nhà của Lả không? - Giọng Thiết hơi khàn vì đang có dấu hiệu viêm họng. - Chị là phóng viên báo Tương lai.

- Dạ, em là Lả ạ! - Lả vẫn rụt rè - Mời chị vào nhà em.

Lả xập xình chạy lên nhà, bật bóng đèn. Thiết chậm rãi lần từng bậc thang tọp tẹp, đi theo. Căn nhà ba gian chật chội, ẩm thấp nhưng ngăn nắp, gọn gàng.

Bốn vách tường dán kín những tờ giấy khen vuông vức. Thiết dõi mắt đọc qua những thành tích của em. Lả bê cốc nước sôi còn ấm, mời Thiết:

- Chị có mệt lắm không?

- Chỉ hơi mỏi tay một chút thôi, em - Thiết nở nụ cười thân thiện. - Bố mẹ em đi đâu rồi?

- Mẹ em lên đồi hái rau rừng, chắc chốc nữa sẽ về - Nói đến đây, Lả im lặng một lát rồi nghẹn ngào - Còn bố em… bố em sẽ không về nữa chị ạ.

Hai chị em tâm sự một lúc thì mẹ Lả về. Trong lòng tay là một nắm rau rừng xanh mướt. Thiết xoắn tay áo phụ giúp mẹ Lả nhặt rau trong khi Lả loay hoay làm ruột con cá trắm bắt được dưới suối nhốt trong chum sành từ hôm qua để chế biến món pa pỉnh tộp. Bếp lửa được nhen lên, ấm hồng cả góc nhỏ. Thiết vừa cởi mở trò chuyện với mẹ Lả như hai người quen lâu ngày gặp lại, vừa lắng nghe tiếng củi khô lách tách tâm sự chuyện núi đồi, nghe tiếng nồi cơm đang sôi sùng sục nói về khát khao no đủ. Những toan tính, bon chen của thành phố lùi lại sau lưng để nhường chỗ những an nhiên vỗ về trái tim đa cảm. Bên ngoài, bóng tối đã bao trùm khắp không gian...

*

Bữa cơm đạm bạc với đĩa cá pa pỉnh tộp nướng vàng ươm với đĩa rau bò khai luộc xanh ngắt chấm chẳm chéo ngon không tả nổi. Thiết đã nhiều lần lên vùng cao, nhưng đây là lần đầu tiên được quây quần bên bữa cơm truyền thống với một gia đình người Thái. Mẹ Lả là một người đàn bà mặn chuyện, dù vốn tiếng Kinh của bà không nhiều.

Bà kể, bà rất yêu bố Lả, nhưng ông không thực lòng thương bà. Ông chấp nhận lấy bà bởi hai người đã trót ăn nằm với nhau dưới gốc ban trong một lần bố Lả say rượu. Rồi vì không chịu nổi cái nghèo, cái khổ, ông dắt theo đứa con trai cả xuống thị trấn, gá nghĩa vợ chồng với một người đàn bà quá thì, lỡ lứa. Kể đến đó, mẹ Lả hát những câu buồn xé ruột bằng tiếng Thái rồi dịch lại cho Thiết hiểu:

“Ơ, trách núi cao làm chân người mỏi
Người bỏ em ở lại một mình
Về đi anh
Lúa trên nương chín rồi
Vợ chồng ta cùng nhóm bếp hồng nấu xôi nếp mới
Bầy con ngoan ríu rít nô đùa…”.

Đêm nằm cạnh mẹ Lả trong căn nhà bốn bề thông thốc tiếng gió và sự phối bè của tiếng côn trùng ri rỉ, nhớ con khắc khoải, Thiết không sao khép mắt nổi. Không biết giờ này, nó đã chịu ngủ chưa? Hay còn nũng nịu đòi bà ngoại pha sữa uống? Bên cạnh, mẹ Lả cũng chưa ngủ dù câu chuyện của hai người đã kết thúc khá lâu. Bà kéo chăn đắp ngang ngực Thiết. Mảnh chăn thổ cẩm mỏng manh chẳng đủ cho hai người. Khẽ trở mình, Thiết choàng tay ôm ngang eo mẹ Lả. Mùi hoa cỏ núi rừng vương trên áo bà tỏa ra dìu dặt đưa Thiết vào giấc ngủ, êm đềm, chậm rãi…

Nửa đêm, cơn mưa bất chợt kéo Thiết và mẹ con Lả ra khỏi giấc ngủ. Căn nhà mưa dột tứ tung, lẹp bép từng giọt khô khốc trên sàn nứa. Lả nhanh nhảu chạy xuống bếp, lấy hết nồi, xong, tô, bát đem hứng dưới những chỗ dột. Mẹ Lả luống cuống chốt chặt các cửa. Thiết kéo túi quần áo để vào nơi góc nhà khô ráo. Tiếng những đôi chân chạy qua chạy lại lạch xạch. Dưới gầm sàn, mùi phân lợn bị ướt nước bốc lên khăn khẳn. Mẹ Lả nhìn cô, ái ngại:

- Cháu thông cảm…

- Vâng, không sao đâu, cô ạ.

Mẹ Lả kéo manh chiếu chếch xuống dưới, lách những chỗ dột rồi bảo Thiết ngả lưng ngủ tạm. Lả thì vẫn đu đưa trên chiếc võng đay. Thiết gối đầu lên chiếc gối lót bằng vỏ đỗ tằm, giả vờ ngủ ngon lành để mẹ Lả đỡ đắn đo, khó xử.

Thực ra, đầu cô vẫn còn hoang mang với giấc mơ ban nãy. Giấc mơ kể về việc chồng cô không chịu đựng nổi cá tính có phần bướng bỉnh của cô nên đã bế con bỏ đi theo một người đàn bà khác. Tự dưng, nước mắt Thiết ứa ra, nóng rẫy rơi trên mền chăn ủ mùi quế. Chỉ là giấc mơ thôi. Chỉ là giấc mơ...

*

Tiếng bầy lợn đói ăn ủn ỉn gọi ngày mới thức dậy. Sau cơn mưa, ánh nắng chiếu xuyên qua tán cây sổ rạng rỡ hơn, tinh khôi hơn. Những triền núi vừa được mưa tắm gội, cỏ cây bật lên màu xanh mươn mướt. Đâu đó, tiếng chim gọi bạn ngân lên thánh thót. Con suối sau nhà róc rách, trong êm. Thiết được mẹ Lả tỉ mẩn búi tóc tằng cẩu, mặc váy cóm Thái rồi mang liềm và tất nhiên là cả máy ảnh nữa, thong dong theo mẹ con Lả lên nương gặt lúa. Cô như biến thành một sơn nữ rẻo cao, khác hẳn phong cách Military bụi bặm, bất cần thường thấy để trở nên nữ tính, mại mềm...

Lúa trên nương bị trận mưa đêm qua quật đổ tơi bời. Mẹ con Lả thoăn thoắt lượm từng bông một. Nhìn cái cách họ nâng niu bông lúa mới biết để làm ra được hạt gạo đặc sản Điện Biên bán ở các quầy hàng tạp hóa, người nông dân cực nhọc đến mức nào. Thế mà hôm, giận chồng nhậu nhẹt mãi tận khuya chưa về, Thiết nhịn đói, mang cả nồi cơm nguyên xi đổ vào sọt rác. Giờ mới biết xót, biết thương, biết tiếc. Thiết là cô gái sinh ra và lớn lên ở thành phố, nên không quen với việc đồng áng thế này. Chiếc liềm trong tay cô lóng nga lóng ngóng như đứa trẻ mới vào lớp một cầm bút viết chữ. Mấy lần mải hỏi chuyện, cô suýt chút bị đứt tay. Lả bảo:

- Chị mệt thì cứ lên bờ ngồi nghỉ à.

Thiết gạt những giọt mồ hôi rịn ra trên trán:

- Chị cố một chút nữa, mệt nhưng mà thú vị, em ạ!

*

Hai ngày trải nghiệm cuộc sống vùng cao là dấu ấn đẹp đẽ trong chặng thanh xuân cuối cùng của Thiết. Thiết biết, cô sẽ khó có cơ hội quay lại cái bản Huổi Lao này thêm một lần nào nữa. Thiết mang tặng Lả chiếc điện thoại đen trắng của mình, dặn, lúc nào xuống thành phố dự Lễ Vinh danh học sinh giỏi thì liên lạc với chị. Mẹ Lả tặng cô một gói hoa bưởi rừng phơi khô để nấu nước gội đầu. Người ở, người đi nắm tay nhau bịn rịn. Mới hai ngày mà mọi thứ trở nên thân thương, gần gũi quá. Cô thầm cảm ơn mẹ Lả, người phụ nữ có tấm lòng nhân ái, cảm phục Lả, cậu học trò nghèo biết tựa vào núi mà đứng lên, chân cứng bằng đá, chí cao ngang mây. Cô đã học được rất nhiều điều từ con người nơi đây, những điều cô chưa từng đọc qua trên sách báo, những điều mà sự sáo rỗng ngôn từ chẳng thể nào diễn đạt. Ấy có lẽ là điều vị Tổng biên tập tòa soạn cần nhất ở một phóng viên.

Bánh xe lăn những vòng chầm chậm như quyến luyến với con đường cợn đá. Những người tiễn Thiết ngoài mẹ con Lả còn có những đứa trẻ mặc những bộ quần áo thơm tho Thiết mới tặng chiều qua, ánh mắt trong như nước suối. Chúng khoanh tay, đồng thanh hô to:

- Chúng con chào cô Thiết!

Thiết ngoảnh lại, vẫy vẫy tay tạm biệt. Và mắt cô lại nhòe đi như có sương giăng…

*

Bài báo của Thiết được Tổng biên tập hết lời ngợi khen. Ông bảo, lồng ngực ông còn nhoi nhói sau khi tắt laptop. Học sinh nghèo vượt khó thì hầu nơi đâu cũng có, thậm chí nhiều em hoàn cảnh thương tâm hơn Lò Văn Lả. Nhưng không hiểu sao, qua ngòi bút của Thiết, mọi thứ hiện lên dung dị, chân thật và thấm đẫm chất thơ, ấm áp tình người, tình đời giữa chốn núi rừng heo hút.

Cộng đồng mạng thi nhau chia sẻ bài báo về Lò Văn Lả trên Facebook tạo thành một hiệu ứng truyền cảm hứng tích cực lan ra mạnh mẽ. Mười đầu ngón tay cô vẫn không ngừng lách tách trên bàn phím để sắp sửa cho ra lò những phóng sự tiếp theo về cảnh sắc, văn hóa vùng đất Điện Biên hứa hẹn nhiều điều bất ngờ, hấp dẫn đang chờ. Điện thoại tòa soạn đổ chuông liên tục. Tổng biên tập chạy lên phòng Thiết, báo tin:

- Các nhà hảo tâm đã ủng hộ Lò Văn Lả hơn hai mươi triệu đồng rồi đấy, Thiết ạ!

Thiết hò reo sung sướng:

- Mình làm được rồi!

Thiết háo hức mở máy gọi ngay cho Lả.

*

Buổi sáng đầu tuần, Thiết đi làm, thấy vài đồng nghiệp nhìn cô cười nhếch mép. Cô bước vào phòng. Trên bàn là bài báo với dòng tít: “Bắt đối tượng Lò Văn Lả về hành vi mua bán trái phép chất ma túy” của một tờ báo khác, số ra sáng hôm nay. Cái phần giới thiệu lai lịch đối tượng viết rõ: “Lò Văn Lả. Sinh năm 2002. Quê quán… Chỗ ở: Bản Huổi Lao…”. Trong ảnh, Lả đang cúi đầu, tay xỏ vào còng số “8”. Chân tay Thiết run lên lập cập. Sau lưng, đồng nghiệp cố ý nói với âm lượng đủ để cho cô nghe thấy:

- Làm ăn vô trách nhiệm. Ai đời lại đi ca ngợi một tên tội phạm!

- Chắc cũng kiếm chác được chút.

Những tiếng cười vang lên rúc rích. Tim Thiết đập bình bịch. Thiết ghì ngực trái, hít thở thật sâu rồi mở máy thử gọi cho Lả. Đầu máy bên kia, vẫn chất giọng điềm đạm ấy, Lả đáp:

- Em chào chị. Em đang trên xe khách xuống Hà Nội dự Lễ vinh danh. Em định đến nơi mới gọi chị…

Chuyện gì đang xảy ra? Thiết ngắc ngứ:

- Lả ơi, có phải em là Lả thật không? Thế cái người bị bắt…

Hiểu ngay vấn đề Thiết đang định nói, Lả đáp:

- Chị ơi, đấy là anh Lò Văn Lá, anh trai song sinh của em, đang sống với bố em ở thị trấn.

Thiết như vừa được gỡ một tảng đá nặng ra khỏi lồng ngực. Những ánh mắt đồng nghiệp nhìn cô săm soi, hóng hớt. Thiết không nói gì. Tâm hồn cô đang bận khấp khởi trôi theo những trang viết về miền sơn cước Huổi Lao vẫn còn đậm màu trong ký ức…

Truyện ngắn của Phan Đức Lộc
.
.