Đồng gió
Xe vừa chạy ngang đồng gió. Nắng đã thu mình về phía bên kia nhưng chói chang vẫn còn đủ khiến người hoa mắt. Tôi vén thêm bức rèm cửa sổ xe để nhìn rõ cánh đồng. Xe khách dịch vụ có máy lạnh nên cửa sổ bao giờ cũng đóng kín, cảm giác ngột ngạt len lỏi, nhất là khi ngoài kia là bầu trời. Những lần trước về quê, mỗi khi đi ngang đoạn đường này, tôi nhờ chồng mở giùm cửa sổ xe để đón chút gió ngoài đồng thổi vào. Với tôi, người giao tiếp với người bằng tiếng nói, còn thiên nhiên trò chuyện cùng con người bằng hơi thở.
Những người thông thạo đường như chồng tôi hoặc bác tài xế xe khách gọi đây là quản lộ mới, một đoạn đường bóng láng nhựa đen, ít xe cộ, người lái có thể thong thả khi chẳng phải đạp chân ga và nhấn còi liên tục. Với chủ nhân của những thửa đất có hoặc là phần lưng, phần bụng, hoặc là phần đầu dính dấp vào con đường, họ sẽ rất hào hứng gọi tên là con đường hy vọng. Ai cũng biết con đường là người lính tiên phong cho những dự án đầu tư khác tìm đến. Và nghiễm nhiên nó trở thành ông tiên ông bụt cho giấc mơ đổi đời của người nông dân sở hữu phần đất ven đường. Không phải tất cả nhưng hầu như là số đông, mà số đông thì bao giờ cũng đủ sức khiến người ta nghĩ rằng mình là đại diện cho tất cả.
Người thợ vừa xẻ đất làm đường thì chủ đất đã vội xẻ thịt người mẹ cánh đồng thành từng phần nhỏ rao bán cho những người giàu từ thành phố xuống. Giá đất đẩy lên chóng mặt. Người nông dân không ngờ mảnh đất phèn trồng gì cũng èo ọt mà họ đã từng chán nản muốn bỏ quê lên phố giờ lại đắt đỏ. Đất cũng không ngờ giá trị của mình bỗng thay đổi đột ngột, từ vô giá thành có giá. Con đường vừa xây xong, dấu tích của vụ mùa trước còn lại vừa đủ một màu xam xám của gốc rạ hay là cỏ úa. Vừa qua một mùa mưa dầm, đất anh ách nước, cỏ mọc lên xanh rờn. Lau sậy chẳng cần e sợ ngọn mác của người, chúng tự do sinh con, đẻ cháu, lấn đất thành nhà, biến đồng thành của riêng mình.
Bông lau đẹp nhưng buồn, nó nương náu một nỗi niềm và phảng phất vị tháng năm. Đó là cách nghĩ của người về loại cỏ thích chọn đất hoang. Đôi lúc tôi cũng cảm thấy thế nhưng một vài lần tâm trạng bất an, tôi cho rằng lau sậy là kẻ kiêu ngạo nhưng thê lương hơn là diễm phúc. Chúng cố vươn khỏi lớp đất bùn lầy để trở thành thứ cỏ cao nhất, khỏe nhất. Chúng dùng đất phèn, nước chua làm thành thứ dinh dưỡng để nở hoa. Tưởng mình đã thành công cho đến khi bông lau phơ phất giữa mênh mông trống vắng mới nhận ra mình không đủ sức để điều khiển chính bản thân. Rốt cục gió mới chính là kẻ chiến thắng sau cùng. Mưa đã hết mùa, nắng vừa tắt, cũng chỉ gió còn ở lại. Không có nghĩa là gió thủy chung. Nó ở lại để tìm kiếm, để rượt đuổi và chạy trốn.
Tôi gọi nơi đây là đồng gió. Qua khỏi đồng, một quãng đường không xa nữa là đến nhà. Không mở được cửa kính, tôi đã tiếc rẻ vì chẳng mang được chút gió theo mình làm một cuộc chạy trốn và tìm kiếm. Tôi về quê lần này không với mục đích nghỉ Tết hay dự đám cưới của ai. Tôi về một mình để thỏa mãn cảm giác trút hết gánh nặng trong vai một người mẹ, người vợ. Tôi cũng đã xin nghỉ phép dài hạn với lý do chữa bệnh. Chồng tôi là người khuyên tôi nên làm điều này sau những dằn vặt, lo âu mà tôi mang đến cho anh. Anh bảo tôi gặp vấn đề về tâm lý, mong muốn đưa tôi đi bác sĩ nhưng tôi nghĩ bản thân hiểu được bệnh mình.
Minh họa: Phạm Minh Hải |
Tôi mắc bệnh đa nghi. Mọi thứ xung quanh cuộc sống của tôi đều nằm trong viện tình nghi. Tôi luôn nghĩ đến trường hợp rủi ro và đặt mình vào nỗi sợ. Một bản hợp đồng ký kết giữa công ty tôi và đối tác, tôi không bao giờ vội vàng đặt bút ký. Tôi xem xét kỹ càng, đọc xuôi, dò ngược. Tìm hiểu cặn kẽ mỗi điều khoản và tự đặt những câu hỏi vì sao họ chọn mình và đem đến những khoản đầu tư hấp dẫn? Thật sự họ có đang âm mưu gì bên trong? Trong gia đình cũng thế. Tôi lo lắng chồng mình đầu tư sai hoặc gặp một sự cố nào đó khiến chúng tôi mất trắng khoản tiền. Thậm chí những lúc anh ấy đang làm việc, tôi đặt giả thuyết “Em thấy gần đây có nhiều phi vụ biển thủ của các nhân viên ngân hàng, lỡ như mình là kẻ vô tình bị hại thì sao anh? Dĩ nhiên chồng tôi mất hết tập trung và sụt ít tinh thần.
Đâu chỉ có thế. Một ngày nọ, khi thấy chồng ăn mặc đẹp đẽ ra ngoài cà phê. Tôi đã sinh nghi. Tôi bỏ hết việc nhà, tìm theo địa chỉ định vị trên điện thoại. Tôi làm chồng bối rối khi tự dưng xuất hiện trong quán đông người mà bên cạnh chồng toàn những quý ông bụng bự, đầu hói. Lần ấy không khiến tôi từ bỏ mối nghi ngờ. Tôi bắt đầu tự hỏi “Tại sao chồng mình tài giỏi, lịch thiệp và ga lăng nhưng lại không thấy xung quanh có bất cứ người phụ nữ nào? Hay là anh ta quá cao tay? Hay là bấy lâu tôi mù quáng vì đã tin tưởng tuyệt đối? Thế là tôi thường xuyên nhìn chồng mình bằng ánh mắt cảnh giác như thể anh ta đã ngoại tình hoặc dù chưa ngoại tình nhưng rồi sẽ ngoại tình.
Con bé gái vừa lên lớp 7 của tôi trước giờ vẫn ngoan và học giỏi. Rồi tình cờ tôi thấy con bé trở nên khác lạ. Nó hay ngắm mình trong gương, để ý đến quần áo mà tôi mua cho nó. Con bé thắc mắc làm cách nào để trắng da. Dù tôi vẫn thừa hiểu con bé đang bước vào tuổi dậy thì, những thay đổi về mặt tâm lý là cần thiết. Thế mà với vai trò một người mẹ, tôi vẫn sợ con mình sẽ nảy sinh những nếp nghĩ lệch lạc. Cám dỗ của học đường thời nay không phải là ít. Con bé thì lại xinh đẹp và tình cảm. Rồi thức ăn đồ uống bên ngoài có hợp vệ sinh? Xe cộ quá nguy hiểm, con người càng nguy hiểm hơn nào là bắt cóc, dụ dỗ... Cứ thế tôi giữ chặt con bé cạnh mình, trong tầm kiểm soát của mình như thể nó còn nằm trong nôi.
Ngay cả việc tôi cảm thấy tức ngực, khó thở dạo gần đây cũng trở thành nỗi ám ảnh về bệnh tật của một người có chút kiến thức về y học nhưng không đủ trình độ của vị bác sĩ như tôi. Tôi đi khám nhiều nơi, không tin lời bác sĩ rằng tôi chỉ bị mắc chứng trào ngược dạ dày do áp lực. Tôi lọ mọ vào các phòng khám tim, siêu âm, thậm chí là đề nghị nội soi dạ dày. Ngặt là vẫn chưa tìm được nguyên nhân nào khác. Tôi đành tạm tin bác sĩ dù cái suy nghĩ “Đâu biết chừng mình đang mang mầm mống một căn bệnh quái ác nào”. Tôi chưa đến mức nghi ngờ mọi người xung quanh đều dối trá và lọc lừa để rồi ráo hoảnh cặp mắt khi nhìn những hoàn cảnh thương tâm. Tôi không hề tệ với người thân, bạn bè, vẫn sẵn lòng cho họ mượn tiền khi cần thiết mà không nghi ngờ họ lợi dụng hay một ngày nào đó sẽ chơi trò lẩn tránh.
Trước khi về quê, tôi đã có một ngày nghỉ để cân đo lòng mình. Căn cơ cội rễ của những hoài nghi trong tôi một phần do mắt và tai tôi mách bảo. Ngoài ấy, có không ít kẻ bị mất tiền, mất chức thậm chí là tù tội chỉ vì một chữ ký. Xung quanh tôi thiếu gì chuyện ngoại tình, ly hôn, chia tài sản. Rồi các thể loại trà xanh, tiểu tam tươi ngon, đầy cạm bẫy. Những vụ bạo lực học đường, những con quỷ râu xanh núp bóng, những kẻ bán buôn thừa mánh khóe mà thiếu đạo đức... tất cả khiến tâm trí tôi cứ quẩn quanh trong nỗi sợ.
Tôi còn biết nhiều người bị chính người thân, bè bạn mình đâm sau lưng hay vô tình nuôi sống những kẻ lợi dụng lòng thương của người đời. Tuy vậy tôi không mấy lo lắng và bận tâm đến những điều này. Vậy hóa ra phần còn lại của căn bệnh mà tôi mang trong người là do sự đủ đầy. Như người giàu sợ mất của, tôi có một công việc tốt, một người chồng lý tưởng và một đứa con ngoan. Tôi quý và yêu những điều đó, xem ấy là lẽ sống và cuộc đời. Vậy nên càng yêu càng tin tôi càng sợ mất. Một lần nữa tôi tự mình làm bác sĩ để chẩn đoán bệnh mình.
Tôi đã nói mình là bác sĩ nửa vời. Biết bệnh, hiểu bệnh nhưng không cách nào tìm ra cách chữa. Chuyến về quê lần này là sự sắp xếp của chồng tôi và cũng là mong muốn của tôi được vài ngày thư thả và một lần tìm những niềm tin đã mất.
Quê tôi không quá cách xa thành phố khi mà giao thông phát triển như hiện nay. Tôi vẫn về mỗi năm nhưng có lẽ chưa bao giờ có cảm giác bồi hồi như hôm nay. Cảm giác giống lần đầu tiên trở về nhà mẹ của cô dâu mới vừa lên xe hoa ba ngày trước. Dù nhà cửa, đất đai, lối sống quê không còn như trước nhưng điều đó không khiến tôi cảm thấy lạ. Tôi chỉ tò mò căn nhà bé xíu vách lá, lợp tôn phía trước nhà của chú Sáu, hàng xóm tôi xưa nay. Gọi là căn nhà nhưng đúng hơn giống như một căn phòng nằm riêng lẻ. sau cuộc trò chuyện với ba, tôi mới biết đó là cái am thờ, còn thờ ai, thờ thế nào thì ba tôi không quan tâm. Ông vẫn giữ giọng điệu của ngày tôi còn bé “Tao một đời chỉ biết thờ ông bà, cha mẹ!”.
Hồi đó, chính xác là hơn ba mươi năm. Có khoảng thời gian chị em tôi xem nhà chú Sáu như nhà mình. Ba tôi không họ hàng với chú nhưng thân thiết như anh em. Hai nhà chung một cái ao nhỏ làm ranh đất, đi cùng một bờ ruộng và hai cái nghèo tuy có khác nhau nhưng nguyên nhân cũng đều do đất ít, con đông, không được hưởng của ấm của ông bà lại thêm hết mùa dưa thất bát đến mùa lúa mất giá. Năm đó, chú thím Sáu và cả ba má tôi bán mặt ngoài đồng nắng, xách từng thùng nước trong cái mương sắp cạn, cứu đám dưa hấu cháy lá. Lũ trẻ chúng tôi thì vô tư chạy nhảy. Người lớn vắng nhà chúng tôi càng thấy thích thú. Hết trốn tìm, nhảy dây, chúng tôi lại bày trò trèo lên đống rơm trượt xuống. Chú Sáu có về bất chợt cũng không la rầy chúng tôi, chú chỉ lắc đầu rồi đem theo cơm trưa ra ruộng.
Sau những vụ mùa gần như trắng tay, chú Sáu bỏ đi đâu mất biệt. Chú nói với thím và bầy con đi làm xa nhưng đi đâu và làm gì thì thím không biết hoặc thím biết mà không muốn nói. Hơn năm ròng, chú trở về, ngoài vợ con chú chắc có lẽ ba tôi mừng nhiều nhất. Không mừng sao được khi thằng bạn chí cốt cùng lớn lên cùng chia nhau không biết bao ly rượu, điếu thuốc đã trở về. Một ngày sau khi chú Sáu về, ba tôi qua nhà tìm trong sự háo hức. Trước khi đi ông còn dặn má nấu thêm phần cơm và nướng vài con cá khô bổi, lát rủ chú Sáu qua lai rai. Cả năm nay ông cũng ít khi đụng vào rượu.
Ba từ nhà chú Sáu trở về một mình. Ông lặng lẽ ăn cơm. Má tôi nhận ra điều khác lạ nhưng chưa muốn hỏi chồng. Đến khi ba tưởng chúng tôi đã ngủ hết, ba thì thầm với má.
- Thằng Sáu nó đi chuyến này về khác quá! Nó nói chuyện trên trời, chuyện luân hồi, nhân quả. Tôi nghe mệt óc.
Má tôi cũng ngạc nhiên không kém.
- Vậy chú ấy đi cả năm nay là đi học làm thầy hả ba mày?
- Thầy bà gì. Dạy người ta điều hay điều tốt thì mới gọi là thầy.
- Thì dạy người ta sống đạo đức, hiền lương như nhà Phật cũng là điều tốt vậy ông.
Ba tôi lắc đầu:
- Bà chưa qua đó, chưa hiểu. Hôm nào rảnh qua bển mà nghe chú ấy dạy bà.
Tôi không bận tâm những điều ba nói. Hôm sau đã có mặt ở nhà chú Sáu. Chú ở nhà chứ không ra ruộng như lúc trước. Tôi chơi nhảy dây với mấy đứa nhỏ con chú ngoài sân mà mắt vẫn nhìn bộ áo lam chú mặc. Đôi lần theo má đi chùa, tôi đã nhìn thấy. Tôi định vào nhà trước chơi trốn tìm nhưng con Út ngăn tôi. Nó nói cha nó cấm bọn trẻ chơi đùa gần nơi ông thờ cúng. Tôi càng tò mò về nơi ấy. Đến lượt tôi trốn, tôi không núp vào bụi chuối hay đống rơm nữa, tôi chạy thẳng vào nhà trước, nhân lúc chú Sáu không có đó để quan sát.
Bên cạnh bàn thờ ông bà, chú Sáu lập một trang thờ cao hơn phía phải. Trên ấy thờ Tam thế Phật, thật ra điều này lớn lên tôi mới biết. Lúc ấy, tôi chỉ cảm thấy các vị ai cũng hiền lành, đức độ. Có lẽ sự đức độ này ít nhiều trấn áp những toan tính, ích kỷ cá nhân nên mỗi lần vào chùa, nghe tiếng kinh kệ lòng tôi tạm trút bỏ được nỗi lo lắng thường trực. Đứa trẻ hơn mười tuổi giật mình trước bức tranh có tông màu đỏ chủ đạo. Trong tranh là ba người đàn ông mặt mày khác lạ. Ba người ba sắc mặt khác nhau và màu mặt cũng khác nhau. Dưới ánh đèn cà na, gương mặt như bừng bừng đỏ. Tôi hoảng sợ co cẳng chạy một hơi ra ngoài vườn.
Tôi vốn là đứa trẻ nhát gan và dễ bị ám ảnh bởi những điều tôi cho là đáng sợ. Đó cũng là điểm yếu để bọn nhỏ con chú Sáu lấy ra hù dọa mỗi khi chơi với chúng. Lạ đời là càng sợ tôi lại càng tò mò. Như một người càng sợ ma thì càng muốn coi phim ma dù đến những lúc con ma được dàn dựng, thuộc kịch bản xuất hiện thì chân víu lại, dựa sát vào người bên cạnh, mắt nhắm nghiền, tay bịt tai. Mà hồi ấy, làm gì có chiếu phim ma. Con ma đầu tiên chúng tôi thấy trên màn ảnh trắng đen là bà hoàng hậu không đầu trong một vở cải lương nổi tiếng. Lớn lên, tôi chẳng những không can đảm hơn mà còn mang thêm nhiều nỗi sợ. Đứa trẻ sợ nhất là ma, còn người lớn như tôi thì sợ cả ma lẫn người, chưa biết nỗi sợ nào lớn hơn.
Thời gian đầu khi chú Sáu làm cư sĩ, chú vẫn còn qua lại thường xuyên với ba tôi. Chú vẫn ăn mặn và uống rượu. Ba tôi vẫn hề hà mần con gà trống tiếp đãi. Rượu đã vào, thì lời sẽ ra, ông bà ta nói vậy. Chú Sáu làm đúng như lời ông bà. Chú ngà ngà cầm ly rượu.
- Tôi nói cái này anh Hai đừng giận. Anh làm thịt gà vịt như vầy là sát sinh, là tội lỗi.
Ba tôi cau mày, ông nhấp hết ly rượu.
- Vậy tôi hỏi chú có ăn thịt không? Ở nhà chú mỗi lần ăn gà vịt nó đều tự vô nồi lên mâm cho chú sao?
Chú Sáu bối rối.
- Ừ thì mua người ta làm sẵn hoặc vợ tôi làm.
- Vậy chú không sát sinh mà đẩy cái tội sát sinh cho người khác. Tội nào tôi thấy cũng là tội.
- Anh nói vậy sao phải?
Ba tôi không kìm được tức giận.
- Tôi thấy nếu sát sinh có tội như chú nói thì người ăn hay người giết thịt đều mang tội như nhau. Có ăn người ta mới giết. Chú tu gì tùy chú. Phật ở trong lòng chứ không phải qua cái miệng.
Đó là lần cuối cùng ba và chú Sáu nhậu cùng, trừ những lúc đám tiệc vô tình chung mâm. Chú Sáu lại đi, đi thường xuyên hơn, một lần vài ba tháng. Thím Sáu một mình còng lưng gánh nước tưới dưa. Bầy nhỏ nheo nhóc đứa lớn giữ em, đứa kế nấu cơm thay mẹ. Mặt mũi chúng lúc nào cũng lấm lem còn cái bụng thì lép xẹp. Ba tôi xách vá đào khoai lang sau hè, nói với má “Má mày đi qua thím Sáu sẵn mang cho mấy đứa nhỏ rổ khoai luộc ăn. Tu hành kiểu như cha nó thì tu ít mà hành vợ con thì nhiều”.
Mỗi chuyến đi, chú Sáu lại mang về vị Phật này, bậc thánh nọ để thờ. Chú lập thêm bàn thờ nhỏ, bàn thờ lớn trong gian nhà trước mấy chục năm chưa sửa sang, xây cất. Khoảng cách của ba tôi và chú cũng xa dần theo mỗi chuyến chú về.
Đến hôm nay, lúc tôi hỏi thăm chú Sáu, ba chỉ lắc đầu “Tao không quan tâm”. Tôi lại rất quan tâm. Thật ra tôi tò mò nhiều hơn vì tôi vẫn chưa hiểu sao chú lại có nhiều niềm tin đến thế. Không chỉ chú, hầu hết những vị khách lạ đến nhà chú nhờ thầy cúng bái đều có chung một niềm tin mãnh liệt rằng vị thánh kia, ông thần nọ có thể đem đến cho mình vận may trong làm ăn để cửa hàng kế bên phải dẹp tiệm vì ế khách, hoặc lão chồng già của mình sẽ lại quay về sau khi đem hết của cải theo gái trẻ, hoặc niềm tin của người đàn ông trung niên vào những lá bùa mà thầy cho “đem bùa này đặt đầu giường thằng bé, nó sẽ sáng suốt, thông minh, học hành mau lẹ, thi đậu đại học” dù cho bình thường nó có chây lười, dốt nát. Nhiều người lại có thể dễ dàng tin vào những điều thuộc cõi hư vô tai không nghe, mắt không thấy ấy. Hay chính vì chẳng thể nghe và thấy mà người ta mới dám tin?
Sự xuất hiện của tôi khiến các vị khách tò mò. Cũng tiếng kinh kệ, mùi nhang thơm và không khí thờ cúng trang nghiêm. Nhưng tôi không cảm thấy lòng mình nhẹ như khi vào chùa. Có cái gì đó lạ lắm, ngột ngạt và u ám. Tôi ra phía sau nhà trò chuyện với cô con dâu chú Sáu được biết chú chuẩn bị lên đồng cầu số cho những vị khách ruột ao ước kiếm tiền bằng những trò nhập thần xuất quỷ. Đến lúc ấy, tôi mới hiểu vì sao ba lại có thành kiến và gần như tuyệt giao với chú.
Ba và tôi đều người trần mắt thịt. Tôi không nhìn thấy điều mà chú Sáu thấy là một lẽ, còn những vị khách đang cúi đầu lạy lấy lạy để trong nghi ngút khói hương kia có khác gì tôi sao họ có thể cư xử như thánh đang đứng trước mình. Mê tín dị đoan là câu chuyện của hàng thế kỉ, nó chẳng mới mẻ gì để mà bàn cãi. Cái tôi nghĩ không chỉ mê tín mà là niềm tin. Phải chăng họ cũng mất nhiều niềm tin vào cuộc đời mà gửi niềm tin vào thần thánh. Nếu vậy thì họ có chút giống căn bệnh của tôi. Đâu biết chừng một ngày nào đó tôi cũng bỏ đời mà chạy theo thần thánh. Cho đến khi nhìn cách họ vui mừng hay đau khổ khi nghe kết quả xổ số mỗi chiều thì tôi mới dám chắc, tôi khác họ. Họ không phải mất niềm tin vào đời mà chính xác hơn họ mất niềm tin vào lao động chân chính.
Những lúc chú vắng nhà, thím Sáu thường qua nhà tôi để tỉ tê với má. Má tôi kín tiếng, ít nói và giữ chữ tín nên thím Sáu tin tưởng mà tâm sự. Ban đầu, thím can ngăn chồng mình vì thím biết cái trò lộng thần lộng quỷ không đùa được. Chồng thím không đùa. Chú ấy làm thế vì mỗi lần cho các vị thần nhập xác là chú được một khoản tiền kha khá, không rõ là bao nhiêu nhưng chắc nhiều hơn một ngày ba tôi cặm cụi làm hồ. Chưa kể đến những quà bánh, thịt cá người ta đem cúng. Thỉnh thoảng có vị khách sộp trúng khẳm còn tặng chú thím chiếc tivi to đùng. Nghề nào cũng có nghiệp, chú không bỏ được sau nhiều lần muốn dứt ra. Chú bắt đầu tin vào những điều mình bịa ra. Chú lên xác như thể có ai đó nhập vào mình. Nhiều khi thím nghi ngờ “ông ấy diễn hay là thật?”. Đến lúc này, chú Sáu đã thật sự tin mình có thể trò chuyện với cõi âm.
Một ngày, nhà chú Sáu đông hơn thường lệ, chẳng phải tín đồ hay khách lạ mà là công an địa phương đến lập biên bản và mời chú về trụ sở làm việc. Xóm tôi không mấy ai ngạc nhiên về kết cục sớm hay muộn này. Từ xã chú về, cái dáng thất thểu như vừa đánh mất thứ gì quý giá. Tôi nhớ cái ngày ba tôi từ nhà chú trở về, ba cũng ảo não như thế. Chú về, căn nhà chỉ thêm sự im lặng. Người trong xóm bàn tán, người ta đồn chú bị mấy con ma đề làm cho ngu muội. Đứng trước pháp luật, chú vẫn khăng khăng là có thần thánh, ma quỷ trên đời.
Chú Sáu về nhưng không trở lại là thằng bạn nối khố mà ba tôi mong đợi. Chú tự tay cất cái nhà nhỏ phía trước. Chú dọn hết bàn thờ, Phật lớn Phật nhỏ ra ngoài ấy. Tiếng gõ mõ, khấn vái nhòe trong nhang khói. Người ta thấy chú giam mình trong am đó cho đến một ngày lửa ngùn ngụt cháy. Vợ con chú hốt hoảng gào thét dập lửa. Tia lửa cuối cùng bị dập tắt thì bên trong am chẳng còn gì nguyên vẹn. Ba tôi tìm chú Sáu nhưng chú đã đi sau khi đem đống rơm khô đặt vào ngọn đèn cầy trước bàn thờ. Lần này, chú cũng không nói gì với vợ con. Chú chọn cách đi để người ở lại cứ mãi bàn tán, tò mò. Ba tôi thở dài “Nó sẽ không về nữa!”.
Tôi về lại nhà, trên chuyến xe khách đóng kín và đi ngang đồng gió. Dù không mang được chút gió của đồng nhưng lòng tôi nhẹ nhàng quá, tưởng chừng có thể bay.