Dọc đường chiến tranh

Thứ Năm, 15/08/2019, 08:05
- Tường Vi ... Em hãy tha lỗi cho tôi. Hiểu được hoàn cảnh của em thì đã quá muộn! Sau ngày em thôi học, lương tâm tôi luôn bị dằn vặt ... Nhưng thôi, Vi nhắc lại làm gì chuyện cũ. Tất cả là do chiến tranh mà...

Rời bến đò Năng An, tôi đi dọc theo con đường làng ngang qua ngôi trường cũ, dẫn đến một xóm nhỏ nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Đường trải bê tông, hai bên là bờ tre xanh nối tiếp nhau chạy về cuối xóm. Gần 20 năm làng quê nhiều thay đổi, tôi không còn nhận ra đây là con đường đất đỏ bazan mang nhiều kỷ niệm hồi còn là anh giáo làng đầy khát vọng!

Đến gốc đa tán lá sum suê cạnh ngôi đình cổ kính còn sót lại sau chiến tranh, gặp mấy chị thôn nữ đang ngồi tán gẫu, tôi dừng lại hỏi thăm về Tường Vi, cô học trò thân yêu của tôi ngày trước. Nhưng những người được hỏi đều lắc đầu bảo rằng, ở vùng quê chiêm trũng này, phần lớn con gái được cha mẹ đặt tên như Lài, Lạc, Gái, Lúa,... hoặc lấy thứ làm tên chứ không có đứa nào mang cái tên như vậy. Tôi thất vọng định rảo bước đi tiếp. Bỗng ông cụ đang ngồi vót nan tre gần đó dừng tay, hấp háy đôi mắt nhìn tôi như dò xét:

- Này… chú em! Tôi mới sực nhớ ra. Quả thật trên mười năm trước, làng này cũng có con nhỏ tên Vi. Có phải …trước năm 75 cháu Tường Vi tham gia bộ đội chủ lực huyện?

Tôi mừng rỡ cắt lời ông lão:

- Thưa bác, đúng là người cháu đang tìm rồi! Bác làm ơn chỉ hộ cho cháu nhà của Tường Vi.

Ông già lặng im trong giây lát như cố lục tìm trong kí ức cũ kỹ của người vừa qua cái ngưỡng "cổ lai hy", giọng ông chùng xuống:

- Sau chiến tranh, con Vi về quê phụ trách lớp mẫu giáo thôn được ba bốn năm gì đó rồi đăng ký đi bộ đội. Cuối năm 1979 hy sinh trên chiến trường Tây Nam!- Ông lão buông tiếng thở dài tiếp, - hiện giờ ở đây chẳng còn ai là họ hàng thân thích với cháu Vi nữa chú à!

Sau câu nói của ông già, một cảm giác nhói đau tràn dâng! Tôi đứng lặng người một lúc mới nói được lời cảm ơn ông lão rồi quay về hướng cũ.

*

Tốt nghiệp Ngành Sư phạm, tôi được phân bổ về dạy tại trường trung học của một huyện miền biển diện nghèo lại thiếu an ninh. Ngày đầu tiên đến trường nhận lớp, tôi rất ngạc nhiên vì học sinh lớp Đệ Ngũ tôi sắp hướng dẫn hầu hết lớn tồng ngồng, không thua kém gì bọn học sinh Đệ Nhị cấp trên thành phố. Một đồng nghiệp người địa phương mách nhỏ, học sinh ở vùng "xôi đậu" là vậy đó, có nhiều em đang học lớp Đệ Ngũ, Đệ Tứ tự dưng bỏ học nửa chừng ra đi lấy chồng, lấy vợ. Có em bỏ học tham gia kháng chiến nữa đấy!

Trong số bốn mươi hai học sinh lớp tôi phụ trách, Tường Vi có phần nhỉnh hơn về thể chất. Vi thuộc diện học sinh giỏi toàn diện lại nhanh nhẹn, thông minh, xinh xắn, lúc nào trên môi em cũng nở nụ cười. Nhờ những ưu điểm này mà tôi quyết định giao cho Tường Vi làm Lớp trưởng. Vi rất năng động và tích cực giúp tôi trong công tác hướng dẫn lớp.

Thường mỗi buổi chiều tan học, Vi cứ lẽo đẽo theo tôi suốt từ cổng trường cho đến khi tôi bước chân lên chuyến đò ngang cuối ngày sang bên kia sông trở về thị trấn sông Vệ. Những lần đầu Vi còn e dè không dám gợi chuyện. Sau thành quen và thường hỏi tôi về cuộc sống ở những vùng thôn quê chưa có bóng dáng chiến tranh, về việc học tập của đám học sinh trên thành phố, về ngôi trường sư phạm tôi đã theo học. Vi tâm sự: "Lẽ ra năm nay em phải học lớp Đệ Tam hay Đệ Nhị rồi thầy ạ! Tuổi thật của em mười bảy rồi chứ có bé bỏng gì đâu. Nhưng sống trên miền quê vừa nghèo lại vừa "tranh tối tranh sáng" thế này biết làm sao hơn hả thầy?". Vi ước mong sau này sẽ được vào học trường sư phạm ra làm cô giáo và nhất là được dịp biết về thành phố biển quê tôi.

Thật lòng mà nói, tuy rất bức xúc vì vừa mới ra nghề đã bị điều động đến vùng quê chiến tranh rình rập từng ngày. Nhưng bù lại, được một cô học trò thông minh, học giỏi, năng động phụ giúp công tác điều hành lớp, tôi cũng đựơc an ủi phần nào. Tình thầy trò chúng tôi ngày càng gắn bó hơn. Giờ Việt văn nếu vắng Tường Vi lớp học trở nên buồn tẻ, tiết dạy thiếu sinh động. Những buổi chiều từ trường đến bến đò ngang không có Vi đi bên cạnh, tôi cảm thấy lòng mình trống vắng!. Những hôm tôi bị ốm hoặc khu vực trường có biến cố phải tạm nghỉ học, Vi rủ bạn gái lội bộ gần năm cây số đến nhà trọ thăm tôi và giúp tôi nhiều thứ lặt vặt.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Một hôm, tình cờ bắt gặp trong ánh mắt của Vi nhìn tôi đang tiềm ẩn một điều gì đó rất lạ, không phải là ánh mắt của một cô học trò đối với thầy mà là ánh mắt của một cô gái đang đến tuổi biết yêu! Tôi thầm nghĩ vậy.

Quả thật cuộc sống vô thường không biết đâu mà lường trước! Gần cuối năm học, tôi rất ngạc nhiên phát hiện ra học lực của Tường Vi bỗng dưng giảm sút đến tồi tệ: bài học ít khi thuộc, bài kiểm tra chỉ đạt điểm bốn, điểm năm! Giáo viên bộ môn cứ than phiền với tôi về Tường Vi. Lúc ấy, tôi nghĩ rất đơn giản rằng, đây là thời kỳ chuyển biến về tâm sinh lý của một cô gái đang đến tuổi dậy thì!

Để giúp Tường Vi yên tâm tập trung vào việc học, tôi dần dần tránh xa em và thường tỏ ra nghiêm khắc hơn trong tình cảm thầy trò. Mặc khác, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất giúp Vi khắc phục khó khăn và hy vọng, Vi sẽ nhận ra, rằng chỉ có học tập tốt sau này mới có cơ hội thi đỗ vào trường sư phạm và trở thành cô giáo như em hằng mơ ước. Nhưng hy vọng bao nhiêu càng thất vọng bấy nhiêu! Mọi cố gắng của tôi đều mang lại kết qủa không mong muốn! Lực học của Vi ngày càng sa sút, thi thoảng còn bỏ giờ, đi trễ, về sớm!

Một hôm, trong tiết Việt văn, bắt gặp Vi đang ngồi ngủ gật. Một hiện tượng lạ chưa từng gặp ở cô học trò chăm ngoan nầy. Tôi gọi em lên bảng thuyết giáo:

- Vi! Là một Lớp trưởng em phải làm gương cho các bạn noi theo. Đằng này, lực học ngày càng giảm sút lại còn tỏ ra vô kỷ luật trong giờ học. Em đã đánh mất niềm tin của bạn bè, làm tiêu tan mọi hy vọng của thầy cô rồi đó. Nếu cứ tiếp tục học kiểu này thì em nên thôi học ở nhà giúp cha mẹ.

Thấy cô học trò cứ cúi mặt xuống gầm bàn, đôi bờ vai run rẩy, tôi càng điên tiết:

- Thầy nói oan cho em phải không? Với quyền hạn của giáo viên hướng dẫn lớp, tôi cho em tạm nghỉ 3 ngày làm bản kiểm điểm, kể từ chiều nay. Em hãy thu xếp sách vở đi ra khỏi lớp!

Với đôi mắt dân dấn nước, Vi ngước mặt nhìn tôi vừa như nhận lỗi vừa như trách cứ. Tôi giục:

- Thôi! Em ra khỏi lớp được rồi đó. Ngày đến lớp nhớ phải nạp bản kiểm điểm và chép bài đầy đủ!

Quyết định dứt khoát và bất ngờ của tôi khiến Tường Vi úp mặt vào lòng bàn tay khóc nức. Một lúc sau, em lặng lẽ ôm cặp rời khỏi phòng học trước sự ngỡ ngàng của cả lớp.

Ngay chiều hôm ấy, trên con đường ra bến đò ngang trở về nhà trọ, tôi lại tự trách mình quá nóng vội đưa ra hình thức xử phạt quá nghiêm khắc dành cho một cô học trò chăm ngoan mới lần đầu sai phạm!

Ngày hôm sau, nghĩ sao tôi lại nhờ một em học sinh gần nhà bảo Vi đi học trở lại.

Cậu học trò cung cấp cho tôi một nguồn tin khiến tôi bàng hoàng, choáng váng: Tường Vi đã được một cơ sở bí mật móc nối đưa vào hoạt động cách mạng từ giữa học kỳ I của năm học! Bạn thân của Vi còn cho biết thêm, ban ngày Vi đến trường, ban đêm tham gia hoạt động nội tuyến. Tin về Tường Vi không cần phải kiểm chứng, bởi đây là chuyện thường xảy ra trên những vùng "xôi-đậu" thời bấy giờ! Tôi chỉ biết buông tiếng thở dài!

Rồi một lúc nào đó, bỗng dưng trong đầu tôi lại loé lên ý nghĩ rất lạ lẫm và cũng rất thực tế: Rằng lòng người thay đổi bất thường, Tường Vi còn trẻ người non dạ, sống chủ yếu bằng cảm tính, bằng trái tim. Có thể Vi lấy việc tôi đuổi học làm hận thù! Từ suy nghĩ đó, những buổi chiều tan học, trên con đường từ trường đến bến đò Năng An, tôi cứ thấp thỏm lo âu và tưởng tượng có một họng súng đen ngòm lẩn khuất sau lũy tre xanh sẵn sàng hướng về phía tôi nhả đạn! Vài vụ thanh toán nhau theo kiểu này đã từng xảy ra trên những vùng quê còn đang tranh tối tranh sáng.

Đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, tôi quyết định chuyển công tác về thị trấn.

*

Năm 1975. 

Hình như đã sàng lọc từ trước, ngay tuần lễ đầu tiên của chính quyền mới, lượng giáo viên trường tôi đang công tác bị sa thải gần một nửa vì lý lịch bản thân. Tôi may mắn được giữ lại chủ yếu giúp Ban Giám hiệu ổn định trường lớp chờ năm học mới sẽ giảng dạy theo phương pháp mới, theo chương trình mới. Đặc biệt, tôi còn được chính quyền Cách mạng quan tâm cho tham dự khóa học chính trị sơ cấp 2 tháng, tổ chức vào ban đêm tại Hội trường Ủy ban thị trấn.

Một buổi tối lớp chính trị sơ cấp phải nghỉ sớm vì máy phát điện của thị trấn hết nhiên liệu đột ngột. Về nhà trọ chưa kịp tắm rửa, anh Hai Be - chủ nhà trọ - gọi tôi đến thuật lại nguyên văn bản tin BBC vừa mới phát lúc 19h: "Thành phố Quy Nhơn vừa được quân Giải phóng tiếp quản lúc 12h trưa nay 31-3…". Tin vui đến bất ngờ nhưng tôi chưa vội bày tỏ cảm xúc. Thời bấy giờ, trên các nhật báo miền Nam có quá nhiều tin vịt! Ai dám tin vào một cơ quan truyền thông nước ngoài không có cơ sở kiểm chứng. Sáng hôm sau đến trường, vừa chạm mặt tôi tại văn phòng, thầy Hiệu trưởng hồ hởi chia vui: "Chúc mừng cậu. Quy Nhơn đã hoàn toàn giải phóng rồi".

*

Tôi xin chuyển về quê hương.

Trạm kiểm soát Bình Đê đóng trên đỉnh đèo, giữa núi đồi hoang vắng, giáp giới với tỉnh Bình Định. Đây là trạm kiểm soát nổi tiếng nghiêm ngặt nhất trên tuyến quốc lộ I.

Theo hiệu lệnh của nhân viên, tôi dừng lại cách xa cổng trạm hơn 10 mét. Trước mặt tôi lúc này là tốp lính phía bên kia áo quần te tua, mặt mũi hốc hác như ma đói vừa mới đến trước tôi không lâu. Họ đang hồi hộp, lo lắng chờ nhân viên trạm khám xét giấy thông hành. Một anh lính mặt còn non choẹt nói với tôi, giọng Nam bộ:

- Sau ba tháng quân trường, bọn em bị đẩy ra Vùng I chiến thuật, chủ yếu làm bia đỡ đạn. Chính quyền Cách mạng xét thấy bọn em chưa có nợ máu nên mở lượng khoan hồng cho về nguyên quán.

Trạm trưởng Bình Đê ngoắc tôi lại ra lệnh xuất trình giấy tờ tùy thân. Bình tĩnh và tự tin, tôi đưa cho lão các loại giấy tờ cần thiết. Thấy lão cứ lật qua lật lại các văn bản, tôi đoán chắc trình độ văn hóa của lão chưa hết lớp 2. Cuối cùng, lão trả lại giấy tờ tùy thân, nhìn tôi bằng ánh mắt sắt lạnh, phán một câu:

- Anh là sĩ quan cảnh sát ngụy cải trang. Anh trở lại hàng ngũ và chờ lệnh!

"Trở lại hàng ngũ" có nghĩa là...tiêu rồi! Thôi thì đàng nào cũng chết, tôi lật từng trang văn bản và chỉ cho lão những con số và chữ ký với dấu son đỏ chói, phân tích:

- Anh xem kỹ lại. Giấy chứng nhận tôi là giáo viên do ông Trưởng phòng Giáo dục ký cách đây vài ngày. Còn đây là giấy giới thiệu đi đường do ông Phó Chủ tịch lâm thời huyện Mộ Đức cũng vừa mới ký!

Thấy tôi có vẻ quyết liệt, Trạm trưởng cầm tờ giấy lật qua lật lại vài lần nữa rồi quắc mắt nhìn tôi, quát:

- Thôi được, để tôi xác minh lại.

Quay sang anh du kích mang AK đang đứng gần đó, Trạm trưởng nheo nheo mắt mấy cái rồi hất đầu về phía đám tàn quân. Nhận mật hiệu của thủ trưởng, biết mình phải làm gì. Anh nhân viên lệnh cho đám lính:

- Nầy các anh, theo tôi lại đằng kia nghỉ mát rồi tính sau!

Những con người đói lả lảo đảo bước theo anh du kích đi về phía bìa rừng. Trạm trưởng đích thân dẫn tôi đến một phòng tạm giam gần đó, mở cửa ấn tôi vào rồi lập tức khoá lại. Dưới ánh sáng lờ nhờ của căn phòng, khoản mươi con người, nam có, nữ có, chắc họ cũng trong hoàng cảnh như tôi đang ngồi ủ rũ, mặt lộ nét lo âu. Tôi ngẫm nghĩ, trong lúc giao thời chưa có luật pháp, sinh mạng của chúng tôi hoàn toàn nằm trong tay của gã Trạm trưởng hắc ám!

Vì mệt, vì đói, tôi ngồi tựa lưng vào vách tường vôi, mắt nhắm nghiền. Một lúc sau chìm dần vào cơn ác mộng. Trong mơ, thấy một đoàn người trẻ tuổi, thân hình gầy đét, quần áo tả tơi bê bết máu tươi đang bấu víu nhau lảo đảo ngược về phía hoàng hôn. Máu từ trên trán, từ ngực, từ bụng của họ vọt ra xối xả hòa thành dòng suối đỏ lòm tuôn ra phía biển. Một hình người đầu vỡ toang hoác, đôi tròng mắt bật ra ngoài tách hàng vói tay về phía tôi níu kéo. Tôi thét lên một tiếng kinh hoàng. Người ngồi bên cạch vỗ nhẹ vào vai tôi:

- Làm gì mà kêu thét khủng khiếp thế anh bạn?

Lúc này đầu óc tôi nặng chịch, mồ hôi vã ra như tắm, toàn thân nóng ran, ngồi bất động như pho tượng trong bóng tối lờ nhờ của phòng tạm giam…Khoảng xế chiều, có tiếng chìa khóa tra vào ổ khua lách cách, cánh cửa bật mở, căn phòng vỡ òa ánh sáng. Một cô gái còn rất trẻ mặc quân phục, đeo súng ngắn bên hông xuất hiện. Tôi nghĩ bụng, đây là một cán bộ cấp trên đến quyết định số phận của chúng tôi. 

Nữ cán bộ bước vào phòng tạm giam đảo mắt nhìn khắp mọi người một lượt. Cái ánh mắt ấy bỗng chiếu thẳng vào người tôi rồi dừng lại. Nhờ nét mặt và đôi mắt quen thuộc, tôi nhận ra ngay cô gái ấy chính là Tường Vi, cô học trò cũ! Trời ơi! Tôi kêu thầm rồi co rúm người, mắt cụp xuống và đinh ninh, đời mình đến đây là kết thúc! Vi sẽ không bao giờ tha thứ về cái tội bị tôi đuổi học. Nếu không xử bắn ngay lập tức thì cũng bị đưa lên núi học tập cải tạo ít nhất là vài ba năm rồi cuối cùng bỏ mạng chốn rừng sâu nước độc vì sốt rét ác tính! Trong lúc đang hoang mang đến cực điểm, Tường Vi lao thẳng về phía tôi, giọng thảng thốt:

- Thầy ơi! - Cố kềm nén xúc động đang trào dâng một lúc, Vi tiếp - Em cứ ngỡ sẽ không còn được gặp lại thầy nữa! Vậy mà…

Sau đó, Vi đưa tôi vào một phòng khách gần trạm kiểm soát. Lúc này chỉ còn có tôi và Vi. Chúng tôi ngồi đối diện nhau, im lặng, ... Một lúc lâu, Vi lên tiếng bằng giọng hờn trách pha chút ngậm ngùi:

- Em đã biết nguyên nhân thầy xin chuyển trường. Thầy lo xa như thế cũng phải. Với con nhỏ Tường Vi ngây thơ, ngờ nghệch lại đa cảm thì ai dám tin tưởng một điều gì? Nhưng…có một điều thầy chưa hiểu được, đó là sau khi thầy rời trường cũ, có những buổi chiều em lang thang trên con đường từ trường đến bến đò ngang rồi đứng tần ngần nhìn sang bên kia sông như kẻ vô hồn cho đến lúc trời chạng vạng ...

- Tường Vi ... Em hãy tha lỗi cho tôi. Hiểu được hoàn cảnh của em thì đã quá muộn! Sau ngày em thôi học, lương tâm tôi luôn bị dằn vặt ... Nhưng thôi, Vi nhắc lại làm gì chuyện cũ. Tất cả là do chiến tranh mà. Vi biết đấy, bây giờ tất cả đã đổi khác rồi. Cũng như em, đâu còn là cô học trò như ngày xưa mà đang là nữ cán bộ đàng hoàng chững chạc. Còn tôi, một nghi phạm đang chờ xét xử.

- Thầy ơi! Theo em được biết, mặc dù tỉnh Bình Định đã được chính quyền Cách mạng tiếp quản, nhưng vẫn còn vài huyện miền núi tàn quân chưa rút kịp, chờ cơ hội quấy rối! Thầy về trong lúc này là vô cùng nguy hiểm. Hay là thầy cứ ở lại đây tiếp tục giảng dạy. Khi nào cuộc sống mới được ổn định, đường sá thông thương, xe cộ hoạt động trở lại, lúc ấy thầy xin chuyển công tác?

Tường Vi nói chưa hết câu thì có lệnh từ huyện gọi về gấp nhận công tác mới. Vi vội đứng lên nắm chặt lấy tay tôi bùi ngùi không nói. Tôi an ủi:

- Thế nào sau này tôi cũng trở lại tìm em, lúc đó thầy trò ta sẽ có thời gian để nói những gì mà hiện giờ chưa thể nói được. Em hãy bảo trọng, cuộc chiến ác liệt chưa thật sự kết thúc!.

Đêm hôm đó nằm trong nhà tạm giam nghĩ về cuộc chiến ngày càng tàn khốc đang diễn ra tại các tỉnh phía Nam, nghĩ về Tường Vi tuổi đời còn quá trẻ, nghĩ về nhóm tàn quân của phía bên kia tôi vừa mới gặp chiều nay trước cổng trạm. Nửa đêm về sáng lại chìm sâu trong giấc ngủ mê đầy mộng mị. Lúc nhân viên trạm đánh thức, tôi ngồi bật dậy, mặt trời đã lên khỏi bìa rừng phía đông. Trạm trưởng đưa cho tôi một phong thơ, giấy giới thiệu đi đường do Chủ tịch huyện Đức Phổ ký với một bì lương khô, bảo tất cả của cô Tường Vi gửi. Tôi mở thư của Vi ra đọc, nét chữ viết vội, nội dung ngắn gọn:

"Thầy kính!

Chiều nay, nghe anh Trạm trưởng nhắc đến tên thầy em rất mừng và không giấu được những giọt nước mắt! Những năm tháng xa thầy, em mong ước dù chỉ một lần được gặp lại thầy, người mà em vô cùng quý mến khi thầy mới về trường công tác. Như một phép mầu, em vô cùng xúc động thầy ơi!

Lẽ ra, em phải đến tiễn thầy một chặng đường, nhưng em không thể. Mong thầy thứ lỗi. Em gửi thầy các loại giấy tờ cần thiết, nó sẽ giúp thầy an tâm hơn trong cuộc hành trình. Mặc dù cuộc chiến sắp đến hồi kết thúc, nhưng vẫn còn nhiều bất trắc đang rình rập. Thầy phải hết sức cẩn trọng. Sau này dù trong hoàn cảnh nào thầy cũng trở lại thăm miền quê khốn khổ này. Em sẽ mãi chờ thầy!

Em!

Tường Vi!".

Đọc xong thư của Tường Vi, mắt tôi cay xè, cổ họng nghẹn cứng!

*

Thành phố lúc này rực rỡ cờ sao, không một dấu vết chiến tranh, nhưng phố xá buồn hiu như thị trấn Sông Vệ trong những ngày đầu tiếp quản. Hỏi thăm một người dân còn trụ lại, anh ấy bảo: "Trước khi thành phố được tiếp quản, có tin đồn, sẽ diễn ra một trận đánh quyết liệt giữa hai bên ngay tại đây. Do vậy, bà con rủ nhau chạy về Nam lánh nạn. Chỉ còn một số ít trụ lại. Trong số này cũng có những thành phần bất hảo.- Anh chỉ tay về phía những chiếc xe ba gác đang lạng lách trên một góc phố tiếp - Họ lợi dụng an ninh chưa ổn tranh nhau đi hôi của!".

Hèn chi, ngôi nhà của tôi trên trục phố chính cửa ngõ toang hoác, trong nhà không còn một thứ gì ngoài chiếc bàn thờ với bộ bàn ghế cũ.

30-4 -1975, hai miền thống nhất. Ai quyết chí ra đi thì đã ra đi. Ai còn ở lại lần lượt trở về cùng với chính quyền Cách mạng xây dựng lại cuộc sống mới. Không bao lâu thành phố hồi sinh, mọi hoạt động trở lại nhộn nhịp như nó vốn có. Bố mẹ tôi lo khôi phục lại nghề mộc dân dụng, tôi tiếp tục đi dạy dưới danh nghĩa giáo viên lưu dung.

Đôi lúc đứng trên bục giảng da diết nhớ về Tường vi, cô học trò của tôi ngày trước.

Thời ngăn sông cấm chợ, an ninh nghiêm ngặt, đành phải gác lại lời hứa với Tường Vi vào buổi chiều năm ấy!

Khi cơ chế bao cấp chuyển sang kinh tế thị trường, tôi xin thôi dạy chuyển sang phụ giúp ba tôi phát triển mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu. Cuộc sống dễ thở hơn.

*  

Trời đã về chiều. Gió từ lòng sông Vệ thổi lên lồng lộng. Tạm biệt ông lão tốt bụng, tạm biệt miền quê cũ từng bị chiến tranh tàn phá, tôi lên chuyến đò ngang cuối ngày về lại thị trấn, nơi trước đây gần 20 năm tôi từng ở trọ. Thị trấn sông Vệ ngày nay đã hoàn toàn đổi mới.

Ghé vào khách sạn mini thuê phòng, luôn tiện hỏi thăm nhà anh chị Hai Be. Chị lễ tân ngạc nhiên nhìn tôi:

- Đây là nhà của chú Hai Be. Vợ chồng chú vào Nam định cư nên bán lại. Em tu sửa thành nhà nghỉ phục vụ khách vãng lai.

Bắt ghế ngồi trên ban công tầng 3 nhà nghỉ nhìn thị trấn sông Vệ nhộn nhịp vào đêm. Bất chợt, những kỷ niệm vui buồn của một thời đã xa trên miền quê nghèo ùa về, thấy nao nao buồn!

Truyện ngắn của Trần Quang Lộc
.
.