Điều cuối cùng còn lại

Thứ Sáu, 28/04/2017, 09:58
Mền phải làm gì đây? Khóc? Nước mắt đâu thể tẩy sạch những nhơ nhớp dính đầy cuộc đời cô? Mạnh mẽ bước ra thế giới ngoài kia và làm lại từ đầu? Cô không đủ can đảm. Bởi, có những câu nói độc hơn nọc rắn. Có những ánh nhìn sắc lẹm hơn dao. Căn buồng ẩm thấp này là cái kén để cô thu mình trốn tránh nhân gian...

Cái tin Mền chưa chồng mà chửa chẳng mấy chốc đã theo gió lan khắp mảnh xóm nhỏ ven sông này. Suốt ngày Mền ru rú trong nhà, thẫn thờ nhấm nhấm móng tay như người trầm cảm. Tết đang đến, xuân đang về mà không khí trong nhà ảm đạm chẳng khác nào có đám tang. Bụng Mền đã đùn lên ung ủng. Chắc chừng tháng Giêng đứa con sẽ ra đời. Ngôi nhà này thiếu một người đã nhiều xáo trộn, giờ thêm một người lại càng xáo trộn hơn.

Cha Mền đi đâu cũng phải lấy chiếc mũ cối sờn che mặt, tránh chỗ đông người, gạt ngoài tai những lời bỉ bai đàm tiếu. Về nhà, ông chỉ biết làm bạn với cây điếu cày. Mỗi bữa, ông ăn qua loa vài ba thìa cơm. Còn lại thì “hút thuốc lào cũng no rồi”, như lời ông dằn dỗi. Thi thoảng, ông ra ngồi bệt dưới hiên nhà, nhìn lên trời sao và đôi mắt tự dưng sền sệt nước. Chẳng biết do khói thuốc cay hay là ông đang khóc uất?

Đến cả thằng em Mền hết mực yêu thương cũng mặt nặng mày nhẹ với Mền. Nó bảo nó hoàn toàn sụp đổ niềm tin về người chị phải nửa chừng cắt đứt giấc mơ dở dang để về quê lam lũ đồng dưới, ruộng trên nuôi nó ăn học mà nó từng vô cùng biết ơn và kính trọng. Nó muốn có một cái vỏ trên lưng như con ốc, để khi bạn bè ông ổng đá xoáy và công khai nhìn nó cười nửa miệng thì nó có thể ngay lập tức chui vào cho đỡ nhục.

*

- Mày ấy à mà sống vào thời của bọn tao thì đã bị đem ra đình làng cạo trọc đầu bôi vôi rồi, con ạ! - Cha Mền vén tấm rèm hoa màu tím ngăn cách gian nhà ngoài với gian buồng, dứ dứ chiếc điếu cày vào mặt Mền.

Một lần khói thuốc trắng đục từ miệng ông loằn ngoằn phả ra khắp gian nhà. Mắt ông đỏ đòng đọc. Mền chẳng dám nhìn thẳng vào đôi mắt cha. Từ bé đến giờ, Mền chưa từng bị cha đánh đòn, nhưng cô vẫn sợ. Đôi mắt ấy đã chứa đựng, dồn nén rất nhiều sầu nhục, uất nghẹn, đắng cay. Đôi mắt ấy đêm đêm dù cố khép lại vẫn chập chờn những nỗi đau dồn dập.

Mấy lần ông gặng hỏi thế nào, cô vẫn chẳng khai ra “tác giả” của cái thai. Mền lầm lũi: “Cái số con nó khổ vậy rồi!”. Cha cô vốn hiền lành vậy cũng mặt đỏ hừng hừng bực mình nổi giận: “Chả khác gì cái con mẹ mày!”. Mền nín lặng. Cô chờ bóng cha đi khuất ra cổng rồi mới vùi mặt vào gối nức nở. Có những lúc nên giả câm, giả điếc, giả mù lòa, giả như không biết thì mọi chuyện sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn đôi chút.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Mền phải làm gì đây? Khóc? Nước mắt đâu thể tẩy sạch những nhơ nhớp dính đầy cuộc đời cô? Mạnh mẽ bước ra thế giới ngoài kia và làm lại từ đầu? Cô không đủ can đảm. Bởi, có những câu nói độc hơn nọc rắn. Có những ánh nhìn sắc lẹm hơn dao. Căn buồng ẩm thấp này là cái kén để cô thu mình trốn tránh nhân gian. Cô sẽ ẩn nấp được bao lâu? Và biết đâu, một ngày nào đó, khi cầm trên tay mảnh gương phẳng, cô không còn nhận ra chính mình với mái tóc xơ khô, chẻ ngọn; với hốc mắt lởm chởm nếp nhăn; với bờ môi tóp teo, bợt bạt; với làn da nhợt nhạt, xanh xao?

*

Miệng lưỡi thế gian thường có chung một công thức: Một đồn mười, mười đồn trăm, chuyện trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã tường. Mấy bà chuyên buôn dưa lê, bán dưa chuột vì tò mò nên cố bịa ra hàng chục giả thuyết về cha đứa bé. Rồi họ loáng thoáng nhắc đến Đặng với một niềm thương cảm sâu sắc. Đại khái, trong chuyện này, Đặng là người đau đớn nhất. Đặng thực sự đã yêu nhầm một cô gái lăng loàn. Đặng và Mền ở cùng xóm, phải lòng nhau từ lâu rồi. Năm ngoái, trước khi Đặng lên máy bay sang Đài Loan xuất khẩu lao động, hai bên gia đình đã làm lễ ăn hỏi. Đặng hứa đúng ba năm sau sẽ về cưới Mền. Vậy mà mới qua một năm...

Cha Mền muối mặt mang lễ vật sang trả lại gia đình bên ấy. Lúc về đến nhà, ông ho sằng sặc:

- Mày biết ông bà bên ấy nói gì không? Họ chửi tao là đồ không biết dạy con đấy. Thằng này hiền quá, nên sống hơn nửa cuộc đời toàn phải chịu nhục. Đúng là bọn đàn bà!

Ngồi bó gối đan chiếc bao tay bằng len, đầu Mền nặng trĩu. Cha mẹ Đặng từng quý mến Mền bao nhiêu, thì nay họ khinh thường cô bấy nhiêu. Chỉ vì cái bụng bầu của cô mà kéo theo bao nhiêu hệ lụy. Cha Mền lao tâm khổ tứ nên gầy sọp như trái vải sấy khô. Chẳng nhẽ cô cứ sống chui, sống lủi suốt đời? Thiên hạ cười cười, nói nói mãi rồi sẽ chán thôi. Mền là lao động chính trong nhà. Nếu cô cứ dầm mình trong ủ dột thì mai mốt biết lấy gì nuôi nổi bốn miệng ăn?

*

Mền nhớ Đặng, nhớ những hẹn thề bên bến sông quê lấm chấm cỏ may. Nỗi nhớ như nọc độc loài kiến lửa đốt lâm râm lồng ngực, đau rưn rứt, từ từ, thấm thía. Ngày ấy, Mền từng dũi đầu vào ngực Đặng và nói:

- Anh có đi ba năm, hay thậm chí mười ba năm, em vẫn đợi.

Đặng đặt một nụ hôn lên tóc cô, bông đùa:

- Lúc đó giàu có rồi, anh sẽ bỏ em thì sao?

- Thì em cũng không hối hận cho những năm tháng đợi mong mù quáng.

Màn đêm trùm lên chỗ hai người ngồi, quánh đặc. Phía chân trời xa, những vì sao sáng đều, nhấp nháy. Gió từ cuối sông hất lên lành lạnh. Mền ngồi ép vào lòng Đặng thật chặt. Họ im lặng. Nhịp đập của hai trái tim sắp xa nhau rung lên rộn rực. Đặng hôn lên tóc, rồi mạnh dạn hôn lên cổ Mền. Tay khéo léo luồn sâu vào ngực cô, anh thẽ thọt:

- Ngày kia anh đi rồi. Em cho anh được chứ?

Mặt Mền nóng ran. Có một luồng khí theo các dây thần kinh lan ra khắp cơ thể. Bàn tay Đặng càng lấn tới, luồng khí ấy chạy càng nhanh. Dù gì hai đứa cũng đính hôn rồi. Mền định để yên như vậy. Nhưng rồi cô vùng dậy, cài lại cúc áo:

- Không được, anh ơi...

Đặng châng hẩng:

- Em không thích thì thôi vậy.

Nếu hồi đó bằng lòng hiến dâng sự trinh trắng của mình cho Đặng, hẳn bây giờ Mền sẽ bớt day dứt hơn chăng?

*

Căn buồng Mền nằm luôn um ủm bóng tối, mặc kệ ngoài kia mưa hay nắng, đêm hay ngày, đông hay hạ. Mền gặm nhấm nỗi cô độc để sống. Mền trò chuyện với lũ chuột làm thân. Thằng em ngoài miệng bảo ghét chị, nhưng một sáng nó hì hụi đục đục, khoét khoét bức vách cạnh giường, trổ thành một ô cửa xinh xinh rộng chừng bằng tờ lịch treo tường, rồi lắp thêm một cánh cửa gỗ màu mun trầm vuông vắn. Đoạn, nó vờ mắng mỏ:

- Chị cứ lót ổ ở đây, sớm muộn gì chưa sinh con đã sinh bệnh mà chết đấy!

Nghe câu ấy, Mền bỗng dưng thấy cõi lòng như được sưởi ấm sau những đằng đẵng ngày dài ủ mình trong cái lạnh của sự cô quạnh. Cô biết, máu mủ ruột rà đâu dễ bỏ nhau. Ô cửa sổ mở ra một luồng sáng mạnh. Mền nheo nheo mắt một lát mới quen với ánh nắng rạng rỡ ngoài kia. Sau lưng nhà, mảnh vườn nhỏ được choàng lên áo mới. Cải bắp đang cuộn tròn trên luống. Hoa mùi liu xiu nở trắng cạnh nách tường. Cây ổi sẻ trái vàng lúc lỉu. Dọc bờ ao, rau muống mọc tràn...  Mền đứng bên cửa sổ, hít một hơi thật sâu. Không khí len vào thơm tho và trong mát. Cha cô đang cặm cụi chặt một cây tre già chả biết để làm gì? Bất giác quay lại, bắt gặp ánh mắt thăm thẳm của Mền, ông ôn tồn nói:

- Ra vườn dạo chút cho khuây khỏa, con!

Từ “con” cuối câu chao ôi sao nhẹ nhàng, êm ái! Mền chợt thấy mủi lòng quá đỗi. Cô đáp:

- Vâng ạ.

Vừa bước ra vườn, Mền như không tin vào mắt mình. Cạnh đôi dép tổ ong ngổn ngang mối hàn của cha cô là một chiếc nôi tre đã đan được một nửa. Cô chưa kịp hỏi thì cha cô đã nói:

- Cha và em đã suy nghĩ thông suốt rồi, con. Phải học cách đón nhận thôi, con ạ. Nhà ta giờ có thêm trẻ con hẳn sẽ vui phải biết. Cha đang đan dở cái nôi thì thiếu mất nan tre.

Mền ôm choàng lấy vạt lưng lốm đốm mồ hôi của cha, nước mắt hai hàng bướt bện:

- Con cảm ơn cha!

Rồi cô xoắn quần lội xuống ao hái đầy tay những ngọn rau muống non chanh, tự nhủ hôm nay phải nấu một món thật ngon cho cha, cho em và cho cả chính cô nữa.

*

Cánh cửa sổ luôn được Mền mở tung cho đến khi khuya lạnh. Đêm rằm tháng Chạp, bầu trời u ám không che nổi vầng trăng tròn đang lồ lộ trên cao. Một lần nữa, ký ức như những thước phim tư liệu ùa về trong đầu Mền, quặn thắt...

...Đêm hạ đó, trăng thong thả đậu trên ngọn tre làng. Trên nền trời vằng vặc, những chòm mây đang lững lờ trôi về phía đỉnh núi mờ lam. Gió ướp đầy cỏ hương đồng nội len lỏi trườn trên đám lá chuối xạc xào. Tiếng đêm thao thức như tiếng lòng của cô gái ngóng người yêu xa xứ. Sau khi đã thái xong mớ sắn, Mền tranh thủ bê chậu quần áo đầy ứ ự ra bến sông giặt.

Dòng sông đa tình quấn riết những chân núi xa xa rồi khi trở về đây lại dùng dằng ôm lấy cả cánh đồng ngan ngát. Như được khảm một lớp thạch nhũ, những đêm trăng đẹp thế này, sông lóng lánh, dập dềnh, huyền hoặc. Từng gợn sóng trở mình hôn lên mép cỏ, lăn tăn, lăn tăn. Đặt chậu quần áo lên ụ đất bên cạnh, Mền lội xuống bến sông, chụm tay múc nước tát vào mặt cho tỉnh táo. Bóng trăng vỡ tan ra óng ánh sắc vàng. Tự dưng Mền muốn đằm mình vào sông mà thỏa sức vẫy vùng như hồi còn bé dại. Sông trăng cuốn hút đến lạ...

Đang chải cái cổ áo sơ mi của thằng em trai, bất chợt Mền nghe thấy tiếng bước chân lọp sọp phía sau. Cô chưa kịp quay lại thì ai đó nhanh tay dùng một chiếc bao tải trùm kín đầu cô, hùng hục lôi lên bờ. Đẩy Mền ngã dúi ra đám cỏ, người đó đè úp lên cơ thể Mền, khoắng tay giật tung cúc áo, thô thiển sờ soạng bầu ngực cô. Cô hét lên. Cô giẫy đạp. Cô đấm thùm thụp vào lưng kẻ bệnh hoạn. Nhưng cô càng chống cự, hắn càng hung hăng hơn. Chút sức lực yếu ớt cuối cùng của cô chẳng thể xô bật phản thịt ục ịch đang xập xình chuyển động...

*

Đúng mùng 3 Tết, Mền sinh hạ một bé gái, hai tay co quắp, hai chân dính chặt làm một như đuôi cá. Bác sỹ bảo, con bé bị nhiễm chất độc da cam. Đầu óc cô choáng váng như búa bổ. Mền hận cuộc đời sao quá bất công? Cô không còn đủ sức để khóc nữa. Ôm lấy con, cô nghẹn ngào:

- Hay mẹ con ta cùng chết, được không con?

Cha Mền đặt bàn tay xương xẩu lên vai cô, nước mắt rỉ ra từ khóe mắt sâu trũng:

- Đừng nghĩ quẩn, con ơi. Có gì thì cha và em luôn ở bên con rồi!

Mẹ con Mền lại trở về căn buồng ẩm thấp chật chội ấy. Ngoài vườn, hoa xuân khoe sắc xinh tươi mà cô tưởng như đang thấy những nụ cười chế nhạo.

*

Đứa trẻ ba tháng tuổi vẫn chỉ khọt khẹt bằng cái bắp tay người lớn. Nó sống cũng như không, hay là giải thoát cho nó? Đã bao lần, Mền nghiền nát những viên thuốc ngủ định trộn vào tô cháo. Nhưng rồi khi nhìn thẳng vào đôi mắt long lanh tội nghiệp, cô lại khựng tay vứt thứ bột màu trắng ấy ra vườn. Dạo này, đứa trẻ sốt cao nên sinh thói hay uốn khóc. Chán nựng nịu, cô đét mạnh vào mông nó, quát mắng:

- Mày khóc thì khóc to lên, khóc thi với tao đây này.

Đang cuốc đất ngoài vườn, nghe vậy, cha Mền vội vã chạy vào, giằng lấy con bé:

- Nó có biết gì đâu mà mắng nó - Rồi ông hôn nhẹ lên má con bé - Nàng Tiên Cá của ông, ngoan nào! Ngoan nào!

Mền tựa lưng vào tường, chán nản:

- Sớm muộn con cũng sẽ chết mòn, chết mỏi vì nó thôi. Con với chả cái.

*

Mền trúng tuyển chân tạp vụ tại một xưởng may mới thành lập. Từ ngày có việc làm, cô thay đổi hẳn. Tóc xoăn. Mày xăm. Mi cong. Môi hồng. Bầu ngực tròn phập phồng của cô như tôn lên đường nét quyến rũ cho những chiếc váy công sở giản đơn. Đôi dày cao gót lênh khênh cố kéo dài thêm cho đôi chân nà nuột. Đúng là gái một con trông mòn con mắt. Gã phó giám đốc đầu hói mê cô như điếu đổ. Một trưa vắng, trong phòng làm việc, hắn nhìn chằm chằm vào cái rãnh ngực thấp thoáng của cô, kể công:

- Nếu không có thằng này thì làm sao em có được vị trí ấy.

Mền tế nhị cầm cuốn tạp chí vờ đọc để che phần ngực gợi cảm lại, giọng nhỏ nhẻ:

- Em cảm ơn anh. Em sẽ cố gắng hết mình trong công việc.

Gã gí mặt mình vào mặt Mền:

- Công việc chưa phải quan trọng nhất. Anh muốn em hết mình trong chuyện khác cơ.

Đúng lúc đó, anh bảo vệ bê bình nước lọc vào, gã phó giám đốc giật mình chỉnh lại cổ áo ngay ngắn. Mền kiếm cớ xin phép gã ra ngoài một chút. Cô vào nhà vệ sinh, khóa chặt cửa, soi gương, tự ngắm mình từ đầu xuống chân. Cô nhận ra mình hãy còn xinh đẹp. Nhưng kể từ cái ngày bị kẻ giấu mặt cướp đi đời con gái, Mền thấy sợ đàn ông, ngoại trừ Đặng. Anh và cô chẳng còn dính dáng đến nhau. Song, mỗi lần nhớ về anh, cô vẫn luôn đau đáu đợi chờ. Cô muốn đợi chờ Đặng về, kể rõ đầu đuôi mọi chuyện. Đặng có thể sẽ thương cảm hoặc cười khểnh. Tuy nhiên, cô tuyệt đối sẽ không bao giờ ích kỷ nắm níu anh.

*

Mền chẳng cần đợi lâu. Đặng bất ngờ trở về với người vợ mới và đứa con hơn một tuổi đã lẫm chẫm tập đi trong khi con gái Mền chưa đầy nửa tuổi. Đồng nghĩa là vừa sang đến Đài Loan, anh ta đã... Như có một hòn than nóng chạm xượt qua trái tim, Mền ghì lấy lồng ngực. Hóa ra, anh ta mới là kẻ phản bội. Cô và anh không còn thuộc về nhau. Vậy thì việc gì phải đau, phải nhói?

Gã phó giám đốc gọi điện cho Mền rồi dài dòng văn tự trình bày về cuộc đời của hắn. Tóm lại là hắn đã nghe nhân viên xưởng may kể về Mền. Hắn chấp nhận bỏ qua những lầm lỡ ấy để yêu cô. Mền giờ chẳng vướng bận điều gì nữa. Mền muốn có một chỗ dựa vững chắc, nên khi hắn nhắc lại câu hỏi: “Làm vợ anh được không?”, không chút do dự, cô đồng ý ngay.

*

Ông Trời đã tạm ngừng đùa dai với số phận của Mền. Khi Mền bần thần chưa biết nên mang đứa bé về nhà chồng hay để lại nương nhờ ông ngoại thì một người đàn bà làng bên gương mặt khoảng chừng ngoài ba mươi, nhưng tóc đã rắc muối tiêu lác đác, đến xin nó về làm con nuôi. Mền ngần ngừ nói:

- Nó bị... nhiễm chất độc da cam. Chị...

- Tôi thật lòng muốn nuôi con bé. Hôm kia tôi đi bói, thầy bói phán rằng năm nay gia đình tôi có hạn lớn. Nên phải nuôi một đứa bé tàn tật làm phúc thì mới tai qua nạn khỏi.

- Nhưng... - Mền vỗ vỗ đầu - Chị cho tôi một ngày cân nhắc thật kỹ nhé!

Người đàn bà kia cố gắng tác động thêm:

- Tôi nghe nói cô sắp lấy chồng. Nên xin cô hãy cho tôi được nuôi con bé. Nhà tôi khá giả, cô yên tâm. Và khi nào nhớ con, cô có thể về thăm nó. Đây là số điện thoại của tôi...

Tối đó, Mền đã trăn trở rất nhiều. Gã phó giám đốc tỏ thái độ không muốn dính líu đến đứa con riêng của Mền. Vả lại, gã và cô bận ngàn việc trăm công, lấy đâu thời gian chăm sóc cho nó? Cha cô thì đã già yếu, liệu còn đủ sức trông nom đứa cháu tật nguyền? Người đàn bà kia, tướng mạo nhìn cũng thật thà, phúc hậu. Và Mền đã điều tra ra, nghe đâu, nhà bà ta giàu có nhất nhì làng bên. Thôi thì đứa bé về đấy chắc chắn sẽ được sống no ấm, đủ đầy. Biết quyết định như thế này là nhẫn tâm, nhưng còn hơn là cứ bắt nó chịu khổ cùng mình. Lừng chừng mãi, Mền cầm điện thoại, bấm gọi...

*

Mền và gã phó giám đốc chuyển vào làm việc tại một chi nhánh may mặc miền Nam. Cuộc sống mới chẳng biết nên diễn tả bằng từ ngữ nào là chuẩn xác. Viện lý do “Anh quen ngủ một mình”, gã chủ động mua hai cái giường đặt ở hai phòng riêng biệt: một của gã, một của Mền. Ban đầu, Mền cảm thấy hơi khó chịu với cái thói quen quái đản của gã. Dần dà, cô không còn bận tâm nhiều nữa. Nhiều đêm nhớ con, Mền không khép mắt nổi, nước mắt ầng ậng tuôn ra đẫm ướt trên chiếc gối bông mềm nhũn. Vợ chồng Mền kiếm được nhiều tiền hơn mỗi ngày. Nhưng tiền không thể là chăn để ấp ủ một giấc ngủ ngon. Tiền không thể xoa dịu những nỗi niềm khắc khoải. Tiền không thể là thứ thuốc tinh thần làm lành sẹo vết thương quá khứ. Và tiền cũng không thể là keo để kết dính một cuộc hôn nhân vốn dĩ nảy sinh những rạn vỡ từ đầu...

Mền giờ thừa tiền mà thiếu tình. Gã phó giám đốc luôn quan tâm, chiều chuộng cô. Những ngày lễ hay sinh nhật Mền, gã chu đáo tặng cô những món quà nhiều tiền, sang chảnh. Duy chỉ có chuyện chăn gối của hai vợ chồng là thưa thớt và nhạt nhẽo. Thành ra, Mền luôn thấy hạnh phúc cô đang sở hữu, thứ hạnh phúc mà người ngoài nhìn vào luôn miệng ngưỡng mộ xuýt xoa thật là giả tạo. Cô từng viết vào cuốn nhật ký rằng: “Người ta một mái nhà tranh hai trái tim vàng. Còn tôi một căn nhà lầu hai trái tim băng”.

Một khuya, Mền lò dò ra nhà vệ sinh tẩy trang. Qua phòng chồng, cô nghe thấy những tiếng rên kéo dài đầy khoái lạc. Chân tay Mền bủn rủn. Cô đẩy nhẹ cánh cửa khép hờ. Mền giật nảy cả người. Trên giường, chồng cô đang xoắn riết lấy một chàng trai trẻ trần truồng như nhộng. Chàng trai ấy là nhân viên bốc vác của xưởng may. Họ hôn nhau cuồng nhiệt mà không hề hay biết sự xuất hiện của Mền. Cô đóng “rầm” cửa rồi bỏ chạy. Ra đến toilet, cô thốc tháo nôn mửa như ốm nghén. Khi quay lại, chồng cô đã đứng sau lưng: “Anh xin lỗi! Có những thứ bản năng không kìm hãm được...”.

Bấy lâu nay, Mền chỉ là một bức bình phong để hắn che mắt thiên hạ. Ngay trong đêm đó, cô xếp vài ba bộ quần áo vào va li và chìa tờ đơn ly hôn trước mặt chồng: “Ký đi anh. Em thông cảm cho anh. Nhưng em không muốn mãi là một thứ hoa nhựa để anh trang trí”.

*

Mền trở về, tìm đến nhà người đàn bà tóc muối tiêu làng bên. Người đàn bà mở cửa mời Mền vào. Vừa chạm chân đến bậc tam cấp, cô đã nghe những tiếng ú ớ chói tai và những tràng cười man dại phát ra từ căn phòng kín giáp phòng khách, tự dưng thấy rờn rợn tóc gáy. Người đàn bà rót trà mời Mền uống. Mền đi thẳng ngay vào vấn đề:

- Chị! Hôm nay, tôi đến đây là muốn xin lại đứa bé!

Người đàn bà mở cửa căn phòng kín ra. Phía trong là bốn đứa trẻ, trong đó có đứa con gái của Mền, với bốn hình hài kỳ dị. Gặp khách lạ đến chơi nhà, chúng cứ ngơ ngác nhìn rồi phá lên cười nghềnh nghệch. Người đàn bà chậm rãi nói:

- Mấy tháng trước, ca phẫu thuật tách chân cho bé đã tiến hành không thành công. Tôi xin lỗi. Tôi đã cố gắng hết sức.

- Chị! Sao trên đời lại có người tốt như chị chứ?

- Tôi rất áy náy. Nhưng nếu không nói ra điều này, tôi sẽ bị ám ảnh suốt đời mất.

- Xin chị cứ nói.

- Tôi làm tất cả những việc này vì chồng tôi, mặc dù tôi là một cô vợ lẽ. Chồng tôi luôn khao khát có một đứa con lành lặn - Người đàn bà quệt tay qua đôi mắt đỏ hoen - Ông ấy thù hận chiến tranh, thù hận cuộc đời. Ngày trước gia đình chồng tôi ở trong vùng bị nhiễm chất độc hóa học.

- Tôi vẫn chưa hiểu lắm. Rồi sao nữa ạ chị?

- Ca phẫu thuật thất bại. Ông ấy chán đời. Lại sinh thói cũ.

- Thế giờ chồng chị ở đâu? - Mền bắt đầu mang máng hiểu ra vấn đề.

- Tháng trước, ông ấy đã bị kết án tù 7 năm vì tội hiếp dâm cô bé hàng xóm trong lúc say rượu... Trước khi bước vào trại giam, ông ấy ngoái đầu lại, quỳ rạp xuống rồi nói với tôi một câu: “Cầu xin bà xã hãy thương lấy nó!”.

Mền đổ khuỵu xuống bên cánh cửa. Mền nhìn những đứa trẻ. Cả bốn đứa đều có chung một nét mặt. Chỉ là mang những dị dạng khác nhau. Người đàn bà vuốt vuốt vai Mền. Bà ta đang khóc, khóc ào ạt như một lon cô ca nén ga vừa được mở bung nắp. Mền thấy lạnh toát toàn thân như có một bàn tay khổng lồ túm mạnh lấy tóc cô dìm xuống một bể bơi tràn đầy nước đá. Cô ôm chầm lấy bà ta, nước mắt chan hòa. Có một cái gì đó vừa đóng lại và một điều gì đó lại mở ra. Mền và người đàn bà ấy, cùng là phận đàn bà với nhau. Ai đau khổ hơn ai? Mền không biết. Cô hít một hơi thật sâu, bình tâm nói với người đàn bà:

- Chị có thể cho em ở lại đây để cùng nuôi những đứa trẻ chứ?

Trong kia, những đứa trẻ vỗ tay cười hềnh hệch, hềnh hệch như có gì vui lắm lắm... 

Truyện ngắn của Phan Đức Lộc
.
.