Đêm trăng sáng
Mùa khô khắc nghiệt. Cái nắng như lửa đốt đã vặt đến chiếc lá khộp cuối cùng. Vỏ cây nứt nẻ, trông cứ như những cái miệng há hốc, khát nước. Dãy lán của binh trạm được dựng sát bờ sông Xianoòng. Đoàn nhà báo chúng tôi theo đoàn quân ra trận nhận lán, đặt balô rồi xuống sông tắm. Chúng tôi về đến lán thì đã thấy hai cô gái Lào chờ ở đó. Mỗi cô có một vẻ tươi tắn riêng.
Được tắm mát mẻ sau những ngày lặn ngụp trên chặng đường đất đỏ bụi mịt mù nay lại có "người đẹp Trường Sơn" đến, sự hưng phấn như được nhân lên nhiều lần. Dù không nói ra nhưng trong ánh mắt nhìn nhau ai cũng ngầm cảm thấy điều ấy. Và, giữa cánh rừng khộp già nua đen đủi, bốn bề toàn là áo lính trận mạc, vẻ đẹp của các cô gái càng lộng lẫy hơn, rực rỡ hơn. Cô gái Lào có khuôn mặt đầy đặn, đôi má lúm đồng tiền tươi cười và rất hồn nhiên giới thiệu tên mình là Khônxavay, diễn viên hát. Cô đập nhẹ tay lên vai người bạn đi cùng, giới thiệu tên là Mahảxay, diễn viên múa. Cô văn công Lào có vóc dáng thật đẹp. Cặp chân thon. Eo lưng mềm mại. Bờ vai thanh mảnh. Cổ cao gáy trắng nõn nà. Nhìn cô cứ như hạt nếp giống chín thơm. Hai cô ở đoàn văn công quân đội Lào. Các cô đều nói được tiếng Việt, tuy nhiều âm còn lơ lớ. Khônxavay trông vẻ dịu hiền nhưng lại có những cử chỉ "rất diễn viên", cô nói, giọng nhí nhảnh:
- Chúng em bị sốt, ốm, biết các anh là nhà báo quân đội Việt
Anh Cao nhìn hai cô văn công, anh vuốt vuốt cái đầu tóc quăn tít rồi niềm nở mời hai cô vào. Anh nói:
- Xamakhi, chờ nhé! - Anh nhanh nhẹn xách balô để trên sạp lán. Dáng người anh cao, đôi chân dài nên phải ngồi khom xuống. Anh mở túi thuốc, rồi mở luôn cả ba túi cóc balô. Anh mở đến túi dết, mở cả bao máy ảnh để... tìm thuốc. Anh nói chuyện rất vui với hai cô văn công, có pha chút hài hước. Phải nói rằng, sự hài hước là bản tính đáng quý của anh. Điều ấy làm cho cái nhọc nhằn, mệt mỏi của chúng tôi vơi đi, niềm hưng phấn tăng lên. Anh đi đến đâu, tiếp xúc với ai cũng rất mau cuốn hút được tình cảm họ. Anh Cao chậm rãi bày các thứ trong balô ra sạp như người bán hàng xén. Anh cầm lên đặt xuống quần áo, tăng võng... sổ sách, lương khô, ruốc thịt mà vẫn chưa... thấy thuốc. Hai cô văn công cũng vừa đối chuyện rất có duyên vừa... chờ. Phải hơn ba mươi phút, anh Cao mới tìm được thuốc... ở ngay trong túi thuốc của anh, nơi anh mở đầu tiên. Anh đưa cho mỗi cô mấy viên vitamin B1, vitamin C, pôlivitamin... Anh nói:
- Xamakhi, uống đi sẽ khỏi hết bệnh.
Anh Hà ngồi trên sạp cạnh đó bỏ cặp kính trắng xuống nhìn hai cô, anh nói bằng tiếng Lào, cũng lơ lớ:
- Nhớ đến hát Chămpa và múa Lămvông đoàn kết nhé.
Hai cô văn công Lào chắp tay cúi đầu chào cám ơn rất lịch lãm theo nếp văn hóa của người Lào.
Hai cô văn công đi rồi, anh Cao cười hóm hỉnh nói với chúng tôi: "Các cậu thấy rõ chưa, hai cô văn công Lào xinh đẹp và trông thật dịu hiền. Vẻ đẹp của người Lào là như thế đấy. Mình cố giữ họ lại lâu để các cậu chiêm ngưỡng mà... làm thơ. Chỉ tiếc rằng nhiếp ảnh gia của chúng ta chưa có cớ để chụp ảnh "Người đẹp Trường Sơn"!... Còn mình cho các cô những loại thuốc ấy thì bệnh gì cũng uống được cả. Vô hại. Mình dốt chuyên môn thì cứ cho thuốc bổ là an toàn".
Thế rồi, sau bữa cơm chiều, hai cô văn công Lào đến thật. Các cô mặc váy áo đẹp, tay đeo vòng bạc, đánh môi son má hồng trông cứ như đi biểu diễn vậy. Cô Khônxavay còn mang theo cả chiếc máy ảnh Kiép. Cô khoe là vừa lắp cuốn phim mới vào máy. Cô vừa có cử chỉ rất tự nhiên vừa nói:
- Thuốc của các anh quý quá, chúng em đỡ ốm rồi. Chúng em đến hát cho các anh nhà báo Việt
Chúng tôi hưởng ứng ngay. Anh Hà có thời từng ở chiến trường Lào, anh biết hát một số bài bằng tiếng Lào, càng hăng hái.
Chiều theo ý các cô, trước buổi vui đoàn kết, tất cả cùng đứng trước lán chụp ảnh chung kỷ niệm. Khônxavay đưa chiếc máy ảnh Kiép cho anh Vũ Đạt chụp. Cô cứ đòi phải được đứng gần người đã cho mình thuốc ban chiều...
Đêm ấy, trên bãi đất ven sông, trăng Trường Sơn sáng trong, dưới gốc những cây khộp cao vút, ban đầu chỉ có đoàn nhà báo với hai cô văn công Lào hát bài "Hoa Chămpa". Thế rồi anh em lái xe ra, mang theo cả thùng xăng không ra gõ. Rồi các đoàn khách ở các lán đến. Rồi anh em chị em trong Binh trạm kéo tới, mang theo cả hăngz gô, xoong, nồi đánh nhịp. Thế là trở thành một đêm văn nghệ tưng bừng và đầm ấm bên sông. Chúng tôi ở lại binh trạm mấy hôm để chờ xe vào. Hai cô văn công Lào cũng ở lại để chờ người sang đón... Những đêm ấy trăng Trường Sơn thật đẹp.--PageBreak--
Câu chuyện tưởng đã lãng quên theo thời gian. Nhưng nào ngờ đúng hai mươi lăm năm sau nó được đánh thức dậy. Đó là dịp tôi sang công tác ở Lào. Tôi đến một cơ quan văn hóa của bạn. Lạ thay trong buổi làm việc ở đó, có một người phụ nữ Lào cứ chăm chăm nhìn tôi. Nhiều lần tôi cúi xuống viết và khi ngửng lên lại vẫn thấy ánh mắt đẹp, lấp lánh của chị chiếu về phía tôi, ánh mắt như tìm kiếm, như dò hỏi…
Rồi sau những bữa cơm chiều chị phụ nữ Lào đó tìm đến gặp tôi. Đi theo chị có một người con trai Lào. Cậu ta rất trẻ. Chị đã đứng tuổi. Chị có vẻ đẹp đoan trang. Khuôn mặt tròn nom phúc hậu và dịu hiền. Còn người con trai Lào đi theo chị thì có dáng người cao, da nâu ngăm ngăm, mái tóc đen nhánh, quăn tít. Chị chắp hai tay cúi đầu chào rồi tươi cười và có những cử chỉ rất tự nhiên. Chị chìa tay ra trước bắt tay tôi. Chị cầm thật chặt và vào đề ngay:
- Có phải anh là nhà báo năm xưa em gặp ở Xianoòng không?
Thấy tôi ngỡ ngàng trước câu hỏi đột ngột đó, chị mở cặp lấy ra tập ảnh. Chị trao cho tôi xem. Chị chỉ vào từng tấm ảnh. Không phải một tấm mà có đến tám tấm. Chị nói:
- Anh đứng đây này. Cái anh dáng người cao, có giọng nói rất vui đứng gần em đây này - Chị chỉ vào anh Cao - Đúng anh này cho em thuốc đấy, em không quên mà. Còn anh đeo kính trắng biết hát tiếng Lào đây này - Chị chỉ đúng vào anh Hà. Em là Khônxavay, văn công mà. Gặp các anh hôm đó vui lắm. Nhớ mãi.
Tôi nhìn các tấm ảnh. Tôi nhìn lại chị. Tôi đã lờ mờ nhận ra chị cái thời xuân sắc ấy, và nhớ dần về buổi gặp năm xưa ở binh trạm Trường Sơn, nhớ cái đêm trăng sáng vui múa Lămvông bên bờ sông Xêanoòng…
Chị nói tiếp - cử chỉ của chị vui, nhí nhảnh:
- Con trai em đây, cháu hai mươi bốn tuổi rồi - Chị đập nhẹ tay lên vai cậu con trai - Về Lào thì em sinh nó mà - Chị nhìn lại tấm ảnh. Đôi mắt chị dừng lại ở người đứng bên chị trong ảnh - Em luôn nhớ anh nhà báo cho em thuốc. Em biết ơn anh ấy lắm. Các anh bây giờ có ở Hà Nội cả không?
Cậu con trai của chị thì không biết nghe, biết nói tiếng Việt. Cậu ta ngồi nhìn tôi, nhìn các tấm ảnh và cười. Thỉnh thoảng chị lại dịch những câu đối thoại giữa tôi và chị cho cậu ta nghe. Tôi trả lời chị:
- Có. Anh cho chị thuốc hôm ấy là nhà văn. Anh đang phụ trách một nhà xuất bản ở Hà Nội. Còn anh đeo kính trắng biết nói tiếng Lào cũng là nhà văn đang phụ trách một tờ báo của ngành văn hóa.
- Ôi! Mừng quá. Em sang Hà Nội chắc sẽ được gặp. Mừng nhất là được gặp cái anh đã cho em thuốc. Thế nào em cũng tìm đến gặp anh ấy. Tên anh ấy là gì nhỉ?
Tôi trả lời chị. Chị lấy bút ghi ngay vào sổ tay. Niềm vui của chị sáng lên trong ánh mắt:
- Em sẽ đưa con trai em sang thăm. Em có thai nó từ bên ấy mà. Con em nó giống bố nó lắm. Giống cả người, giống cả khiếu viết văn mà - Chị cười cởi mở, nói vô tư, thoải mái. Còn tôi lúc này người như nóng dần lên: "Ôi! Lẽ nào lại có điều đó. Nhưng… nhưng mà, những hôm sau… trăng rừng sáng rất đẹp… Biết đâu…?". Tôi chăm chắm nhìn ngắm cậu con trai của chị. Tôi để ý nhiều đến nước da nâu ngăm ngăm, cái mũi nhỏ nhô cao, ánh mắt nhìn toát lên rất rõ nét cương trực và đầu tóc quăn tít của cậu ta. Tôi rót nước mời chị, mời cậu con trai chị uống để mong nguôi ngoai sự căng thẳng.
Tôi hỏi chị:
- Tên cháu là gì?
Chị cười:
- Bun Khăm Nam, Bun Khăm Nam mà. Để nhớ nhiều về Việt Nam, em đặt tên con em như thế. Khăm là vàng mà anh. Có vàng từ Việt Nam mà…
Giọng tôi ngập ngừng bối rối cố tìm ra "cái nút" của câu chuyện.
Tôi cứ mong rằng chị đừng nhận ra điều ấy ở gương mặt tôi:
- Thế bố cháu Bun Khăm Nam nay ở đâu?
- Ở gần đây thôi! Viêng Chăn đây. Ngày đó vợ chồng chúng em cùng được sang Việt Nam học. Em học hát trong trường nghệ thuật. Chồng em học môn văn ở trường đại học. Năm ấy trên đường về Lào để phục vụ mặt trận thì em gặp các anh…
Tôi quay đi cố giấu chị cái thở phào nhẹ nhõm…