Đẻ thuê

Thứ Bảy, 09/03/2019, 08:59
Quê tôi một tỉnh vùng cao, cách xa thành phố, nhiều người không nói được tiếng Kinh, có phải vậy mà còn nhiều hủ tục? Có hủ tục tưởng chỉ có từ xa xưa, chẳng hạn chuyện “thả cỏ”...

Thả cỏ là từ dân gian, không biết ai nghĩ ra, nhưng cả làng đều biết đến nó. Chồng không thể có con, anh ta vui vẻ cho vợ đi quan hệ trực tiếp với một người đàn ông nào đó để có con. Người ta quan niệm rằng đây là một sự “giúp đỡ”, không ai dị nghị chê bai, không liên quan đến tiền bạc. Nếu do người vợ không thể có con thì có chuyện đẻ thuê, cũng quan hệ trực tiếp. Chỉ có điều đẻ thuê thì người đẻ thuê được bồi dưỡng một khoản tiền nào đó theo thỏa thuận.

Đã xảy ra chuyện phải thuê đẻ thì người vợ thường giám sát chặt chẽ ông chồng, sợ chồng được đằng chân lân đằng đầu, cứ lằng nhằng mãi với người đẻ thuê, cho nên khi người đẻ thuê đã có bầu thì ông chồng bị cấm cửa, cấm tiếp xúc, cấm quan hệ, đến lúc nhận con cũng không thể có mặt.

Tôi được làm chứng một buổi bàn giao con, mà chị Hương - bạn tôi - là người được nhận. Hôm ấy là cuối thu, bóng chiều xô dạt, con đường đầy lá rụng, mùa này lá rụng bời bời. Chị Hương đứng đợi người đàn bà đẻ thuê đã khá lâu, chị có vẻ sốt ruột, chốc lại đi tới đi lui. Khi người đàn bà đến nơi thì chị Hương tiến lại gần, nhìn sâu vào đứa bé đang nằm trong vòng tay mẹ nó. Nhìn thấy chị Hương, người đàn bà nói trong nước mắt:

- Đắng cay này tôi mang trả chị, ngọt bùi này tôi cũng mang trả chị. Chị hãy nhận lấy.

Chị Hương giơ tay đỡ đứa bé vào lòng. Đứa bé nhẹ tênh mà lòng chị trĩu nặng. Chị nhìn người đàn bà nhiều duyên nợ với mình, nhưng lại là người đàn bà lần đầu tiên chị nhìn rõ mặt. Một sự sắp đặt đầy trớ trêu của tạo hóa, một sợi dây ràng buộc đầy phi lý của nhân gian. Chị bảo người đàn bà:

-  Thôi chị đi đi, đừng bao giờ quay lại đây nữa.

Nói rồi, không hiểu sao chị lại buột miệng “nhưng...” để rồi cả chị và người đàn bà đều không hiểu. Người đàn bà nhìn đứa bé bằng đôi mắt ướt, đôi mắt ấy vừa buồn, vừa se thắt, nhưng lại ẩn dấu một vẻ đẹp kín đáo, hoang sơ, nó không mầu mè, trau chuốt. Thấy chị Hương cứ nhìn xoáy vào mặt mình, người đàn bà đột nhiên bối rối. Dường như muốn thoát khỏi cái giây phút nặng nề ấy, người đàn bà khẽ cúi đầu, như một nghi lễ, rồi từ tốn bảo :

- Tôi với chị thế là... thôi. Có nợ nần nhau...

Nghe người đàn bà nói vậy, chị Hương sững sờ:

- Nợ nần ư? Chị muốn nói đến nợ nần nào? Tôi tưởng chồng tôi đã... thanh toán…

- Tôi không nói... chuyện tiền bạc.

Nghe hai tiếng tiền bạc, mắt chị Hương đỏ lên:

- Chị không nói về tiền bạc thì nói về... tình nghĩa chắc. Trời ơi sao tôi khổ thế này.

Minh họa: Đặng Thảo Ngọc

Sau tiếng than của chị Hương là khoảng trống giữa hai người đàn bà, là tiếng khóc ré lên của đứa bé. Chị Hương nhìn vào đứa bé, nó không giống chị. Chị nghĩ, khi đứa bé không giống chị sẽ là bão tố trong nhà? Người đàn bà xoa nhẹ vào mông đứa bé, nhưng mặt lại ngẩng lên nhìn trời, bằng con mắt buồn. Những đám mây đuổi nhau về phương Bắc, quầng sáng còn sót lại của ánh ngày, cứ nhỏ dần, cứ xa lắc xa lơ. Giờ này những cánh chim lẻ bạn, đang mải miết quay về. Bầu trời mầu tro xám, như báo hiệu nhiều giông gió. Người đàn bà quay đi, như ngã vào bụi cuốn, như người trốn chạy, nhưng chị Hương đã vội kêu lên:

- Chị đứng lại đã, tôi còn điều này muốn hỏi.

Chị Hương đã định “không hỏi điều này” khi đến nhận đứa bé. Chị muốn chôn vào lòng tất cả, xóa hết dấu vết, xóa mọi nghi ngờ, xóa mọi đắng cay. Nhưng khi nhận ra vẻ đẹp của người đàn bà, chị lại cồn lên thôi thúc “muốn làm cho ra nhẽ”.

Hóa ra đối với người đàn ông thì vẻ đẹp của người đàn bà, mọi phẩm hàm chức tước đều vô nghĩa. Còn với người đàn bà thì không phải vậy. Chị nhìn người đàn bà bằng cái nhìn ngờ vực. Chị ta có khuôn mặt đẹp, da trắng, môi mọng, mắt buồn. Vẻ đẹp trời cho, không điểm tô, không son phấn. Chính vẻ đẹp này làm chị Hương ứ nghẹn trong lòng. Tuy vậy chị vẫn nhẹ nhàng:

- Tôi muốn chị... thật thà…

Chị Hương nói xong mới biết mình lỡ lời. Chị định bảo “muốn chị thật với mình hơn”, nhưng không hiểu sao... Nghe chị Hương nói vậy, lòng tự ái của người đàn bà bị tổn thương. Chị ta nhìn chị Hương, nhưng không nói, rồi quay mặt đi, dấu một tiếng thở dài. Câu nói lỡ của chị Hương đẩy hai người đàn bà xa một khoảng cách , lòng tự ái lại đẩy khoảng cách ấy xa thêm. Im lặng, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ. Không ai nói gì, chỉ tiếng lanh canh của thuyền đánh cá gõ vào mặt sông vô tận.

Chiếc thuyền nan xuôi dòng, mái chèo cứ phẩy những nhát buồn vào sóng nước, những đám mây mầu chì, chốc chốc lại ùn ùn từ đâu kéo tới. Nó làm nhòe đi cái ánh ngày cuối thu vốn đã nhòe nhoẹt. Tiếng rù rì của bầy ong, bay trong sương, nghe cả tiếng lào phào của gió, phả ra từ những cánh mỏng. Vài chiếc lá lìa cành, chao trong sương nghe tiếng rơi đầm đậm.

Chợt tiếng nói của người đàn bà run lên nghẹn nghẹn:

- Chị bảo tôi gian dối chỗ nào... hở giời?

Chị Hương đang ở tư thế của người chủ, người có tiền, người đang chất vấn, bỗng trở nên lúng túng: 

- Ý tôi là... không phải vậy, tôi chỉ muốn chị... nói thật.

Người đàn bà lại nghẹn ngào:

- Chị nghĩ là... tôi... dối trá sao?

Nói rồi đưa tay quệt nước mắt. Chị Hương nghe xong cũng bật khóc. Có lẽ chị khóc bởi ý nghĩ: chị cũng chả là gì so với người đàn bà này. Khóc vì thương thân tủi phận. Tự nhiên chị thấy giận chồng “Cái lão... lúc nào cũng... con với cái”, còn chị thì không thể!

Nỗi đắng cay của người không được làm mẹ, như kim đâm, như muối xát. Chị nuốt nước mắt vào trong, nhưng nước mắt tự nó vẫn chảy, chả sức mạnh nào ngăn được nước mắt, chả đắng cay nào nước mắt không chan. Chị phải lấy chiếc khăn lau giàn giụa mới nhìn được hàng cây phía trước. Hàng cây vẫn đứng yên, chỉ xào xạc lá, mà lòng chị đã bão giông. Người ta bảo nước mắt có hai dòng: dòng trong, dòng đục. Nước mắt khổ đau thì dòng đục, nước mắt sung sướng thì dòng trong. Ở đây ai dòng trong, ai dòng đục?

Thấy chị Hương cũng khóc, người đàn bà ngại ngùng:

- Tôi với chị mỗi người mỗi phận...

- ...?

- Thế rồi... run rủi...

Chị Hương quay đi dấu tiếng thở dài, mãi sau mới buồn bã:

-  Trớ trêu này, chỉ tại... chồng tôi...

Nói rồi không hiểu sao... chị lại quay về ý nghĩ ban đầu… muốn làm cho ra nhẽ:

- Thế này chị ạ...

Người đàn bà chưa tỏ thái độ gì sau câu nói ấy, nhưng nét mặt đã hơi biến sắc:

- Vâng... chị cứ nói.

- Chúng ta đều là phụ nữ...

- Vâng, nhưng mà... sao cơ?

- Tôi không biết chị...

Nói đến đây chị Hương phải dừng lại, hít một hơi thật sâu, rồi mới nói tiếp:

- Chị có phải chỉ là người... đẻ thuê đơn thuần...?

Người đàn bà mặt đỏ lên, nhưng vẫn cố giữ vẻ bình tĩnh:

- Chị về... hỏi chồng chị... sao lại hỏi tôi?

Bị dội một gáo nước lạnh, chị Hương giơ tay bưng mặt. Người đàn bà mắt cũng ngân ngấn nước:

- Chị tưởng tôi sung sướng lắm sao?

Nói rồi người đàn bà cũng khóc:

- Tôi cũng chìm nổi... một phận người...

Sau câu nói ấy là một khoảng lặng, nghe rõ cả tiếng tim đập, nhưng không rõ tim ai. Câu nói nhiều khi trượt đi như gió thoảng, nhưng ở đây: “Tôi cũng chìm nổi một phận người” làm chị Hương đờ ra, tim loạn nhịp. Thì ra sung sướng chỉ có một, còn khổ đau thì muôn nỗi. Không hiểu sao chị lại thấy mình với người đàn bà này cùng cảnh ngộ. Chị nhìn vào mắt người đàn bà rồi vội vã quay đi. Màu mắt buồn của người đàn bà làm chị không dám nhìn lâu. Chị sợ màu mắt ấy? “Màu mắt của người chìm nổi, đắng cay...”. Chị nghĩ vậy, nhưng không dám hỏi: “Chồng đâu, con đâu?”, sợ lại chạm vào nỗi đau thân phận. Rồi như chợt nhận ra điều gì khó lí giải ở cuộc đời này, chị cúi xuống như người có lỗi:

- Tôi… xin lỗi chị, bởi vì... chúng ta mỗi người đều có một nỗi khổ.

Người đàn bà lấy khăn lau nước mắt, mãi sau mới nói được:

- Nhưng từ giờ trở đi, chị không khổ như tôi.

Nghe vậy chị Hương lặng đi, rồi vội vã  nắm tay người đàn bà, như là an ủi, như là dỗ dành:

- Tôi xin lỗi chị… mà...

Người đàn bà nghe xong, bưng mặt rảo bước, như người trốn chạy. Chị Hương nhìn theo người đàn bà khuất vào ánh ngày bợt bạt, khuất vào sâu thẳm chiều buông, như cố níu lại đôi mắt buồn trên khuôn mặt đẹp. Chị cúi nhìn đứa bé.

Đến lúc này chị mới thấy nó không giống chồng chị, nhưng lại giống mẹ nó. Chị ôm con vào lòng thủ thỉ. Nắng đã tắt, chỉ còn sót lại một chút vàng trên đỉnh tháp chuông, ở ngôi chùa xa lơ xa lắc. Hàng cây bên đường không biết đứng đợi ai, cứ tự mình tư lự. Chiếc thuyền thôi gõ trong sương, đang tìm về bến đỗ. Sóng vẫn vỗ rì rào, dòng sông hát miên man.

Truyện ngắn của Bùi Nguyên Ngọc
.
.