Đầu thai dưới bóng hỉ tinh

Thứ Sáu, 01/07/2016, 08:30
Đây rồi! Số phòng 306! Đúng như địa chỉ ông đã dò tìm theo lời trăng trối của kẻ đã khuất. Khu tập thể của một xóm lao động nghèo xưa kia được chuyển đổi để giải phóng mặt bằng xây dựng. Đây là nhà của mẹ cậu ta. Và hơn một năm trước đây đã chính thức trở thành mẹ ông. Đúng hơn là mẹ của trái tim ông. Vậy mà bà đâu có biết điều đó.

Bất giác ông thích thú đặt tay lên ngực trái. Thịch! Thịch!… Thịch! Thịch!… Chao ôi, trái tim tươi tốt của ta. Con yêu của ta! Con mới trẻ trung, khỏe khoắn làm sao! Cứ như tiếng bước chân nhí nhảnh, nghịch ngợm của một cậu bé con đang tung tăng chạy nhảy trên mặt trống vậy!

Ông mỉm cười hài lòng liếc nhìn bóng dáng mình in vào sáu tấm kính gắn nơi khung cửa ra vào. Một thân hình to lớn, đĩnh đạc. Sống mũi cao giữa hai mắt kính sẫm màu gọng mạ vàng. Khóe miệng hơi mím lại, trễ xuống nhuốm một vẻ tự tin, kiêu bạc.

Ông trẻ, khỏe và đẹp lên biết bao so với thân hình ọp ẹp, xập xệ cách đây hai năm. Mái tóc loáng thoáng hoa râm lượn sóng đẹp mắt trên một gương mặt khả ái, phong trần náu mình dưới vành chiếc mũ phớt màu ngà. Mái tóc ấy dường như mỗi ngày một đen lánh.

Mình đang trẻ lại như có phép mầu nhiệm. Nghĩ vậy, mắt ông lại rưng rưng lệ. Từ cõi chết trở về, ông bỗng trở nên nhân hậu, dễ mủi lòng trước mọi chuyện không đâu. Bác sĩ chăm sóc tinh thần cho ông phán rằng: "… chuyện đó là bình thường đối với một người mang trái tim của người khác trong mình. Một người mới từ cõi chết trở về. Giai đoạn đầu bao giờ cũng có những xung đột tâm lý. Rồi thời gian sẽ xóa nhòa ranh giới giữa cái của ta và không phải của ta ấy…".

Song, thực tế đã trải qua cho ông thấy rằng những điều bác sĩ lý giải ấy vẫn còn khiên cưỡng. Từ khi mang một trái tim mới trong ngực, có một điều huyền bí nào đó ông linh cảm thấy vẫn luôn luôn lẩn quẩn quanh ông. Nó thúc giục ông làm một điều, mà lúc đó ông đã hứa một cách không lấy lệ. Nó muốn ông đến quỳ xuống dưới chân người đã ban cho trái đất này một người con có trái tim phù hợp với ông - về mặt y học. Một trái tim thay thế cho trái tim đã rữa nát của ông.

Suốt gần hai năm nay, từ khi biết chắc chắn cuộc phẫu thuật đã thành công mĩ mãn, ông đã nhẩm đi nhẩm lại không biết bao nhiêu lần những lời cảm ơn lâm ly, thống thiết rất bài bản của mình. Cái bài ông sẽ đọc trước một bà trung niên, mà ông vẫn mường tượng rằng to béo phây phây nhờ tiền của của ông gửi một cách vô danh đến bà, thông qua một hội từ thiện. Ấy vậy mà giờ đây, phút giây giáp mặt sắp tới, ông lại quên nhẵn. Trái tim tươi trẻ của ông đang hồi hộp, chạy nháo lên dồn dập trong lồng ngực. Có lẽ ông hãy khoan gõ cửa. Ông cần có vài phút để trấn tĩnh tinh thần.

Mấy năm trước, ông còn ủ ê lắm. Trịnh Hữu Đại bước vào năm Tân Mùi mới có năm lăm tuổi. Đương nhiên cái tuổi "Thất thập cổ lai hy" còn lâu mới tới. Nhưng ai dám bảo vị sao "La Hầu" sầu đau oan khốc chiếu mạng năm ấy nể, không dám cho ông đi đứt? Thật ra, ông sẽ chẳng mê tín đến thế, nếu vài năm gần đây, sức khỏe của ông không có vấn đề. Mỹ mãn trên cả hai con đường quan lộc và tình ái, thân thể ông ngày một trở nên phì nộn và mệt mỏi. Ông coi cái sự béo là thường, lẽ đương nhiên của một người càng về già càng phát tài phát lộc. "Khà! Khà! Cái nơi đáng lẽ là trái tim thì lại là một cục mỡ!"- ông vẫn thường hóm hỉnh tự giễu cợt mình như vậy mỗi khi có ai đó thăm hỏi sức khỏe.

Đại vẫn tự chịu mình là một thằng đàn ông thông minh, hào hoa, lại có một trí nhớ phi thường. Với một người ưa khôi hài từ thời trai trẻ như ông, thì nghiêm túc là một biểu hiện của tâm thần phân lập. Ông như một lăng kính hài hước mà cuộc sống hàng ngày chiếu vào đó chỉ nhận lại mình dưới góc độ những trò đùa. Có lẽ vì ông được sinh ra vào ngày Mồng một tháng Tư chăng? Nhưng ngày đó chẳng là cái quái gì đối với dân Annammít nhà mình, nhất là đối với lứa người từ những năm 50 cổ xưa đã là thanh niên rồi. Nhưng ông lại là người đã từng được đi du học ở nước ngoài!

Sáu tháng tiếp thu một cách ồ ạt môi trường lạ lẫm đầy hấp dẫn, đã biến đổi ông hoàn toàn. Từ đó ông gần như Tây vậy: Ăn như Tây, mặc như Tây, nghĩ như Tây và gallant như Tây. Thời gian càng tăng cùng những nhầm lẫn sau các cuộc thuyên chuyển công tác, thăng quan, tiến chức, thì đối với mọi người: ông không phải chỉ là đi Tây có sáu tháng nữa, mà là sáu năm? Mười sáu năm? Hay là hai mươi sáu năm? Không ai rõ nữa. Mà ông cũng "quên rồi".

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Có được sang Tây ông mới biết: Té ra cái ngày mồng Một tháng Tư đó lại có ý nghĩa lắm. Ngày Đại bông đùa trong năm! Cái dân Annammít đầu tro mặt muội nhà mình đếch thèm biết. Song, ông chẳng thể cho qua một miếng mồi lý thú đến thế. Nó chính là mảnh đất màu mỡ cho tài năng đùa bỡn của ông thêm phát triển. Không biết có phải vì quá vui hay không mà cho tới quá ngũ tuần, ông vẫn chưa cảm thấy mình có đủ sự nghiêm túc để tiến tới "cái rọ" hôn nhân. Trong khi, các người tình đủ loại lao đến ông tấp nập, không thể đếm xuể theo thứ tự A,B,C mà phải xếp theo trật tự số học mới hết. Ông cứ việc nhởn nhơ bay lượn trên cái hàng ngũ ứng cử viên đông đảo đang chờ xét duyệt ấy.

Ồ, cái đám phụ nữ điên rồ như những con thiêu thân! Nếu họ biết ông đã thừa kế một món gia tài bất động sản kếch xù, và gần bốn trăm cây vàng của bà cô độc thân nơi quận Nhất Sài Gòn thì chắc thị trường tình nhân của ông sẽ đông đảo, sôi động chẳng kém siêu sao điện ảnh Mỹ (nghe nói siêu sao này đã thử yêu tới 1.300 vợ sắp cưới rồi mới chịu yêu lần đầu). Nếu có sao Hỉ Tinh trong cách tính tử vi thì hẳn ông đã được đầu thai dưới bóng của nó!

Đời chắc còn nhiều trò rôm rả, nếu như đột nhiên, cách đó vài năm, ngực ông không bỗng nhiên đau thắt đến dữ dội. Rồi ông ngất. Và ông không chỉ ngất một lần. "Đau tim! - Chuyên gia chuyên khoa tim mạch khẳng định - Nếu không có sức khỏe phi thường của cơ thể trước đây, ông đã bị trái tim mình đốn gục từ lâu rồi!".

Đau tim! Ông lấy làm sửng sốt, rồi bàng hoàng. Đau tim giữa lúc bước đường công danh đang rộng mở? Ông vừa mới được đề bạt lên chức giám đốc một công ty xuất nhập khẩu chưa đầy ba tháng. Đau tim giữa lúc tiền bạc tràn trề? Thế mới hài hước một cách chua chát!

Gần sáu mươi tuổi, đường đời nếm trải kể cũng đã nhiều, người ta có chết cũng chẳng mấy luyến tiếc, nhất là những người chẳng có vợ con để bận tâm như ông. Song ông lại chẳng giống người. Càng già ông lại càng ham sống. Càng cận kề cái chết, ông càng hốt hoảng. Cái tính khôi hài chắc cũng chỉ phù hợp với những người có sức khỏe. Giờ thì ông rất nghiêm túc tìm đọc sách y khoa, nhất là những sách chuyên về tim mạch.

Nhưng càng đọc sách ông càng vỡ lẽ rằng trong ngực ông có một quả tim sắp biến dạng và sứt sẹo vì nhận được quá ít máu do các động mạch bị hẹp lại. Nguy cơ sẽ tới là hoạt động của tim bị giảm đi, máu không được bơm đủ vào các mô và các cơ quan của cơ thể. Những cơ quan này rồi sẽ bị đói do thiếu ôxy và sẽ bị úng ngập trong những chất nước cần loại thải. Hết thảy các cơ quan trong cơ thể rồi sẽ trở nên dễ bị nhiễm trùng. Thật kinh khủng.

Đợt đau tim vừa rồi đã biến ông thành một kẻ vô dụng. Đợt tiếp theo có thể sẽ biến ông thành một kẻ tật nguyền hoặc… Quả tim của Đại đang to dần lên và đập không đều nữa. Những lúc trái tim nhói buốt, ông lại cuống cuồng hốt hoảng. Cứ nghĩ thần chết sẽ lượm ông đi tức khắc, ông lại tiếc đời, tiếc của đến đứt ruột.

Từ khi phải nghỉ mất sức, Đại đâm mau nước mắt và dễ tủi thân như một cậu bé. Trước, ông còn khóc giấu giếm. Sau ông sụt sùi trước mặt bất kể ai, nếu người đó hỏi han sức khỏe của ông. Ông kể tỉ mỉ, nhiệt tình như thể ông đang hưởng một vinh hạnh mà người khác thiệt thòi chưa được nếm trải. Rồi ông lại chỉ mong người ta đi cho mau để ông được tự do nức nở với nỗi bất hạnh của mình. Ông nức nở cho đến lúc ngủ thiếp đi.

Thời gian đầu vì hờn dỗi với dòng đời bên ngoài cứ cuồn cuộn nhựa sống mà chẳng xuống dốc như ông, ông treo một tấm biển để nhắc nhở: "Yêu cầu: Khe khẽ! Nhẹ nhẹ!". Sau mọi người vì tôn trọng tấm biển mà lác đác lai vãng, rồi sau tạnh hẳn, thì ông lại chửi đổng: "Tiên sư chúng nó! Ông chưa chết mà chúng đã chôn sống ông!". Giờ thì ông là người bẳn tính nhất trong số những người bẳn tính.

Ông đâm giận trời đã bày trò giễu cợt ông. Ông giận những kẻ dưới quyền, hám vui xưa kia vẫn xúm xít, xu nịnh quanh ông nay thấy ông hết quyền, đau ốm lại ít lui tới, sợ lây buồn! Ông giận cả những cô trước kia đã từng cùng ông thề non hẹn biển, nay… chẳng thấy giữ lời nguyền! Song hễ có người phụ nữ nào tới thăm nom là y như rằng ông lại nhìn thấu tâm can con mụ đốn mạt ấy. Nó đang rắp tâm lừa gạt trái tim tội nghiệp của ông để chiếm lấy cái hầu bao nặng ký của ông.

Cứ vậy, ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng khác. Đại đơn côi gặm nhấm nỗi bất hạnh trớ trêu của mình. Cho đến một buổi sáng ông mua một gói xôi, và tình cờ đọc thấy một dòng tít như phép lạ của Đấng cứu thế trong mảnh báo cũ gói xôi: "Tổ chức thi Maratông cho những người đã thay tim…". Trịnh Hữu Đại nghiến ngấu đọc bài báo:

- Chà chà! Lại có những người sống dư hai chục năm với trái tim của người khác! - Ông vỗ đùi reo lên - Lại còn thi Maratông nữa cơ chứ!

Nỗi sung sướng chấn động cả người làm trái tim ọp ẹp của ông suýt tắt lịm. Lần đầu tiên sau mấy năm từ khi phát hiện bị bệnh tim, ông phá luật: "Khe khẽ! Nhè nhẹ!" mà không sợ trái tim đồng bóng của mình làm mình làm mẩy.

Có lẽ đã lâu lắm rồi, Đại mới lại thấy mình sảng khoái như vậy. Bài báo phục hồi lại cho ông sự hứng khởi trước cuộc đời của chàng kỹ sư hóa thực phẩm - Trịnh Hữu Đại đầy dí dỏm năm xưa: "Ô là la…! Cuộc đời là một bữa tiệc, ngon dở là tùy ở khả năng chế biến của mỗi người… Còn phụ nữ - là món tráng miệng cho cuộc đời thêm thi vị!". Lẽ nào ta lại chào thua số mệnh?

Ngay sau đó, Đại vội vã bán một số gia sản được thừa kế của bà cô để lấy tiền trang trải cho công cuộc tự cứu vãn cuộc sống. Ông cấp tốc yêu cầu bà chị ruột, Việt kiều bảo lãnh cho sang Pháp với ý đồ từ đó đi Mỹ để làm phẫu thuật thay tim. Nếu không nhanh chân, có thể ông sẽ chẳng còn cơ hội để thực hiện quyết tâm của mình, vì chẳng đủ sức chịu đựng một chuyến bay xuyên lục địa.

Tóm lại, ông đang chạy đua thời gian với tử thần để giành giật quyền được sống. Táo bạo hơn, ông còn thuê người thường xuyên phục sẵn ở các bệnh viện, móc nối với các nhân viên ở đó, nhằm nhanh nhất đón ngay một cơ hội hữu ích cho ông. Từ lúc nảy ra ý đồ mới, ông thấy mình khỏe khoắn hẳn lên.

Song ông cũng phải thừa nhận rằng cái số của ông rất may mắn. Đúng lúc ông đã mất hết hy vọng có được một trái tim không phải của Tây (biết làm sao được, những tế bào trong cơ thể của ông, thật đáng buồn, vẫn là của giống mũi tẹt da vàng), người ta mật báo cho ông một tin rất khả quan: một ca tai nạn ôtô rất phù hợp với những yêu cầu của ông. Phù hợp với ông từ nhóm máu cho đến từng thông số y học của cơ thể. Cậu ta mới mười bảy tuổi, hiện đang sống nhờ chạy thận nhân tạo.

Điều hứa hẹn là nếu cậu còn sống ngày nào, cậu còn là một kẻ ăn hại tốn kém hơn bất cứ một tên ăn bám khủng khiếp nào. Mỗi một giờ chạy thận tốn kém hàng trăm ngàn. Đối với bộ óc sáng suốt của cậu thì sự sống mỗi ngày của cậu không kém những bản án tử hình hàng ngày cho bà mẹ cao quý tuyệt vời của cậu. Vậy là phù hợp đến cả một việc rất vặt đối với một người giàu có như ông là - cậu ta đang rất cần tiền để lại cho mẹ để trang trải nợ nần do tai nạn của cậu gây ra.

Vậy là bằng tiền của ông, họ đã làm được tất cả: ông đã đưa cậu ra nước ngoài đến với nền y học hiện đại như trong truyện cổ tích. Trên danh nghĩa là ông sẽ giúp cậu có được hai trái thận mới, nhưng thực tế là để cậu có thể trao trái tim của cậu cho ông được toàn vẹn hơn. Điều này là giao ước bí mật tuyệt đối giữa hai người. Bù lại, ông phải thực hiện hai điều kiện: một là, trang trải mọi khoản nợ nần cho mẹ cậu, hai là nếu sau cuộc phẫu thuật ông còn sống thì hãy đến thăm bà ngay, và hãy chăm sóc bà như thể mẹ ông. Ô một hiệp ước với Thiên thần. Chẳng còn gì dễ thực hiện hơn thế. Để ban thưởng niềm vui cho trái tim sắp là của ông, ông hứa như đinh đóng cột sẽ thực hiện nguyện ước của nó ngay khi có dịp.

Nay ông đã trở về đây. Ông đang đứng trước cửa nhà cậu. Đại nuốt một hơi không khí rồi thở phào ra. Ông cần nạp thêm một chút dưỡng khí cho trái tim đi mượn của mình trước khi bước vào cuộc gặp gỡ long trọng, trang nghiêm.

- Cộc! Cộc! Cộc! - Ông nghiệm thấy rằng ba tiếng gõ cửa dõng dạc, từ tốn bao giờ cũng gây ấn tượng người gọi cửa là một người có uy quyền và đáng trọng vọng. Có tiếng dép lê loẹt quẹt khe khẽ dừng lại sau cánh cửa. Rồi một cái đầu đàn bà tóc tai bơ phờ, một đôi mắt mọng đỏ với tròng mắt bạc phếch trên một khuôn mặt nhàu nhĩ, đau khổ ngó ra:

- Ai hỏi gì đấy?

Hừm, mướn một người giúp việc già lão, hom hem thế này thì quả là phí tiền. Đại buông một câu hách dịch:

- Cho tôi hỏi bà Đào Nguyên Hương!

Rồi bước thẳng qua người đàn bà, ông vào giữa phòng ngó nghiêng: Đồ đạc mới sơ sài làm sao! Một cái giường gỗ mộc tồi tàn. Một cái tủ ọp ẹp dưới ban thờ mộc mạc. Trước khung ảnh một thiếu niên là một bát hương đầy ắp chân nhang, đang nghi ngút khói. Mùi hương không xua nổi mùi ẩm mốc lưu cữu. Có lẽ đến trăm năm chủ nhân nơi đây không thèm mở cửa căn nhà này! Ông nhăn mũi kinh tởm, nhắc lại:

- Bà Hương đâu?

- Tôi đây! - Người đàn bà nghẹn ngào trả lời.

- Bà là Đào Nguyên Hương? - Ông kinh ngạc. Cậu ta nói mẹ cậu ta mới bốn mươi tuổi - vậy bây giờ là bốn mươi hai. Nhưng bà già trước mặt ông đây chỉ còn thiếu mái tóc trắng như cước nữa sẽ là đủ trăm tuổi.

- Vâng! Đào Nguyên Hương chính là tôi! - Người đàn bà khẳng khiu, nhỏ bé, lập cập bước tới gần, giương cặp mắt mờ đục ghé sát mặt ông - Có việc gì thế ạ?

Bỗng, bà há hốc miệng kinh hãi. Bà loạng choạng lùi lại, quờ quạng bám vào mép tường. Anh ta! Đúng là anh ta! Vẫn cái gương mặt ấy, vẫn những đường nét ấy, những đường nét của cả con trai bà nữa. Chỉ khác là con trai bà thì tuấn tú trong sáng như thiên thần còn anh ta trông bệ vệ hơn, dày dạn hơn, trác táng hơn. Cái gương mặt mà bà đã chờ đợi biết bao năm ròng rã.

- Hừm! Hừm!… Thưa bà mẹ đáng kính! - Đại xoa hai bàn tay vào nhau - Tôi đã nóng lòng chờ đợi biết bao cuộc gặp gỡ này. Tôi xin tự giới thiệu: tôi là Trịnh Hữu Đại!

Ông ta không nhận ra bà. Bà buột miệng:

- Trịnh Có To chứ! - Phải, bà cũng đã từng chờ đợi biết bao, chờ đợi đến mỏi mòn. Bà đã từng hy vọng biết bao, sẽ gặp lại Trịnh Hữu Đại. Nhưng không phải là bây giờ, khi trái tim của bà đã chết theo cái chết của con trai mình.

- Ô, bà thật dí dỏm! - Ông ngạc nhiên rồi nhíu mày - Ờ, mà hình như bà có nghe nói về tôi, nên mới biết biệt danh tự đặt từ thời thanh niên đó của tôi? - Người đàn bà này không quá già như ông tưởng.

- Không những biết, mà còn quá rõ nữa là khác! - Bà ngập ngừng, đắn đo. Bà đã từng hình dung ra hàng trăm, hàng ngàn kiểu gặp gỡ với Trịnh Hữu Đại trong suốt gần hai mươi năm qua. Nhưng cuộc đời chẳng diễn ra giống như bà mong đợi.

- Bà dạy sao kia ạ? - Đại tò mò.

- Tôi đã tàn tạ quá rồi, phải không?- Bà nhìn vào mắt ông buồn rầu - Làm sao ông còn nhận ra "trái đào vĩnh cửu", "trái đào trường thọ", "trái đào tiên" của ông cách đây gần hai mươi năm nữa?

- Bà bảo sao? Bà tên là Hương kia mà? - Đại kinh ngạc. Lẽ nào bà già xương xẩu, nhăn nheo trước mặt ông đây lại chính là cô gái mũm mĩm hàng xóm của một anh bạn sơ quen? Người đã được đóng vai cô dâu với một chiếc nhẫn cỏ trong ngày mồng Một tháng Tư, ngày sinh nhật của ông? Một trong những chiến tích đáng ghi nhớ của ông thuở trai trẻ. Một trong những trò đùa xa xỉ về tinh thần mà ông vẫn thường khoe khoang với bạn bè?

- Phải! Tôi đấy! Cái con bé ngu xuẩn năm xưa đã nhẹ dạ hiến mình cho ông vì cái nhẫn cỏ với những lời có cánh của ông, để rồi sáng hôm sau tỉnh dậy một mình với mẩu giấy trong tay: " Ở phương Tây, ngày mồng Một tháng Tư là ngày Hội nói dối! Hãy quên anh đi! Kịch đã hạ màn!". Tôi căm thù ông!…

- Kìa…kìa … bà… bà… - Ông lắp bắp, ấp úng.

Bà gào lên:

- Khốn nạn cho thân tôi! Đến cái tên thật của tôi ông cũng không thèm biết! - Bà nhắm mắt lại rên rỉ - Phải, hồi đó tôi tròn trịa lắm, thơm tho lắm, nên chính ông đã đặt cho tôi cái tên "Đào Tiên". Đến cái tên thật của một cô gái đã hiến mình cho ông, ông cũng không thèm lưu tâm, vậy hôm nay ông đến đây tìm cô ta làm gì? - Bà bỗng choàng tỉnh, chĩa đôi mắt soi mói nhìn ông - Ông cần gì ở tôi?

- Chẳng là… chẳng là… - Ông lúng túng chẳng biết nói sao, bèn rụt rè chỉ lên tấm ảnh trên bàn thờ.

- Ông đi tìm con trai ông? Ha ha… hu hu… - Bà cười điên loạn rồi khóc nức lên - Đấy! Nó đấy! Nó chết rồi! Muộn quá rồi… Người ta giết chết nó rồi! Ôi con ơi! Mẹ không cần tiền, con ơi!… Hu hu…

- Sao? Bà nói sao? Con trai tôi? Cái thằng bé ở trên ban thờ kia? - Ông bàng hoàng, rùng mình lắp bắp - Ôi đúng nhóm máu! Ôi đúng các chỉ số y học!…- Càng lắp bắp nói ra ông càng run rẩy nhớ tới lời chúc của chuyên gia tim mạch: "…Chỉ có anh em song sinh cho tim nhau là tuyệt vời nhất. Nếu không thì cũng phải là người có dòng hệ trực thuộc gần gũi nhất, như cha với con chẳng hạn. Ông quả là người may mắn nhất thế giới, may mắn tuyệt vời. Hai người chẳng có quan hệ ruột thịt gì. Đây là trường hợp duy nhất từ trước tới nay y học chưa từng gặp…" - Chẳng có may mắn nào cả! Ôi con trai của ta! Trái tim trong ngực của ta!

Trịnh Hữu Đại lảo đảo khụyu xuống. Trò đùa này ngoài tầm hài hước của ông. Lần đầu tiên trong đời Trịnh Hữu Đại có một trò đùa không phải của ông mà là dành cho ông. 

Nguyễn Thị Anh Thư
.
.