Đàn bà tuổi…Hợi

Thứ Tư, 14/04/2010, 14:00

Sự ám ảnh về đàn bà tuổi Hợi đôi lúc lại khiến chị đau nhói trong lòng. Một cuộc hôn nhân tan vỡ, dẫu là lý do gì vẫn khiến người ta bận lòng, nhất là đối với phụ nữ. Chị không ngoại lệ. Nhiều đêm, chị thèm hơi thở của chồng, cái thổi nhè nhẹ vào tai, cái siết chặt bất ngờ… Thậm chí, là cái cằn nhằn mỗi khi chị véo nhẹ, gọi chồng dậy để nói chuyện. Kỷ niệm lại về với chị ăm ắp. Cái thở dài héo hắt, gần như nuốt trọn màn đêm.

Chị sinh vào ngày mười chín, tháng chín, số đuôi của năm sinh cũng lại con số chín nốt. Ngày đón hai mẹ con ở nhà hộ sinh về, bố chị có làm cái lễ nhỏ để báo tổ tiền. Rất khiêm cung, sau phần lễ bái, ông nhẹ nhàng lấy quyển sách trên bàn thờ xuống, lặng lẽ nhìn vào và lẩm bẩm: "Kỷ Hợi, mạng Bình Địa Mộc, Thiên can: Kỷ gặp Kỷ, Địa chi: Hợi gặp Sửu…", tiếng rì rầm ngày càng chậm, và sau rốt là tiếng thở dài. Khói hương trên bàn thờ bảng lảng không che hết được cái u uất trong ánh mắt của bố chị. Quyển sách coi tướng vàng ố, gạch chéo ngang nham nhở…

Chị nằm, đợi cái phận tuổi gắn liền vào cuộc đời mình. Đàn bà tuổi Kỷ Hợi, giọng lẩm bẩm của bố chị như một điềm báo không lành. Nhưng điềm rủi, đôi khi không sống quá lâu trong ký ức con người. Tương lai bao giờ cũng huyền bí đầy mê hoặc dẫu nhiều cạm bẫy. Chị bình yên mà lớn, rồi cũng háo hức về nhà chồng.

*

Chị nhớ ông bố chồng chị với chòm râu dài dài, nhọn nhọn trông rất cũ kỹ.

Lần đầu theo anh về, nhìn thấy ông, chị đã có ý nghĩ như vậy, khiến chị kính nể ông, nhưng không bao giờ trở nên gần gũi. "Bố làm nghề thuốc, nên phong cách có khi là lạ, em đừng nhìn mặt mà bắt hình dong, nhé" -  Anh nói tếu táo rồi cười bỏ đi, không kịp nhận ra hai cánh mũi chị phập phồng bởi cái thở dài nhẹ gần như là phản xạ.

 "Tôi mà chữa thì chỉ có "bách phát bách trúng", con bệnh nào qua tay tôi mà không khỏe, ấy là cái số nó đã tận rồi. Họa có mà trời cứu" - Mỗi ngày không biết bao nhiêu lần bố chồng chị nhẩm đi nhẩm lại câu đấy. Có cảm tưởng, ông có thể nói từ năm này sang năm khác về cái nghề thuốc gia truyền  chữa bệnh vô sinh, rồi cả cái môn thuốc bí truyền trong thuật phòng the để có thể sinh con theo ý muốn. Ông lúc nào cũng chậm rãi đường bệ và nền nếp. Một cuộc sống được lập trình sẵn, cơm không quá ba bát, rượu không quá ba chén… Tuyệt nhiên, không bao giờ thấy ông ốm.

Cái tính ẩn sâu vào hình, có lẽ vậy, nên ông kín đáo giấu cả nỗi đau lớn nhất đời mình vào lòng. Nỗi đau mất con… Ông được ba người con trai, anh con trai đầu hy sinh năm 1975, chỉ trước giải phóng có ít ngày, làm ông gần như suy sụp, anh con trai thứ hai thì chết yểu năm mới lên sáu tuổi…

Nhưng ơn giời, còn người con trai út là anh, để lo hương khói, chống gậy lúc ông bà quy tiên. Như vậy, đối với ông cũng là niềm an ủi lớn. Ngày anh đưa chị về nhà, ông bà rất mừng vì anh đã quyết định lấy vợ. Ông bà mong có cháu đích tôn để nối dõi tông đường, nối nghiệp cái nghề thuốc bí truyền của ông. Ông muốn truyền nghề cho anh, nhưng anh nhất quyết không theo, dù ông bà cố công khuyên bảo.

Nhìn dáng vẻ chị hông rộng, eo thon, ngực nở, gọn gàng xinh xắn, ông bà lấy làm vừa ý lắm. "Kiểu này, mình sớm có cháu đích tôn thôi" - Cả ông lẫn bà đều tự nhủ. Đám cưới được tổ chức linh đình ồn ã. Hai ngày, hai đêm cỗ bàn la liệt, ai cũng nức nở khen đám cưới to nhất làng… Chị trở thành niềm hy vọng lớn nhất trong cái gia đình thừa nghề thuốc nhưng thiếu… người này.

Hạnh phúc đến với chị quá đỗi suôn sẻ, tới mức chị không tin được. Anh chị yêu nhau thắm thiết, tâm đầu ý hợp, cha mẹ hai bên vun vén… Hạnh phúc thật trọn vẹn và ngọt ngào. Một năm sau, cô con gái đầu lòng ra đời. Ông bà rất phấn khởi, vì gần bảy mươi tuổi ông bà mới có đứa cháu đầu. Ai đến thăm, bà cũng bế cháu ra khoe với câu cửa miệng "ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng".

Khi con bé mới được gần hai tuổi, ông bà lại giục chị đẻ nữa. Bà thẽ thọt: "Giờ bố mẹ còn khỏe, bố mẹ trông nom bế ẵm cho, mai kia già yếu rồi thì ai trông… Mới lại, đẻ cho bố mẹ đứa cháu trai nữa, kẻo khi nhắm mắt xuôi tay, không được nhìn thấy mặt cháu".

Tuy không nói thẳng ra, nhưng nỗi ám ảnh về đứa cháu trai nối dõi tông đường đã làm ông bà mất ăn mất ngủ. Ông ăn thừa tự mấy sào vườn thờ họ, phải có người hương khói tổ tông. Còn anh con trai khỏe mạnh cường tráng, ông chẳng lo lắng gì nhiều. Hơn nữa, ông lại là một ông thầy lang có tiếng về chữa vô sinh, thích có con trai thì được con trai… Bao nhiêu người nhờ ông mà được toại nguyện.

Tuy nhiên, cũng có những nỗi lo không định hình vương vất, ông bắt đầu chắt lọc từ các bài thuốc, bao nhiêu loại quý hiếm, bao nhiêu vị bổ, ông tự tay sao tẩm, dùng tiết chim bồ câu pha lẫn với rượu làm thang, rồi ông cẩn thận xem mạch cho anh con trai, gật gù ra chiều đắc ý. Rồi ông phấp phỏng đợi chờ tin vui…

Ngày ấy, mới ngoài hai mươi tuổi, lại là người sôi nổi, chị không để ý nhiều tới những chuyện ông bố chồng nung nấu. Buồn cười thật, chị nghĩ thầm, con trai hay con gái thì hạnh phúc của anh chị có giảm đi chút nào đâu. Anh là người chăm bẵm vợ con hết lòng, một người chồng dịu dàng.

Có mấy người đàn bà hài lòng về chồng mình đâu, chị cho rằng họ ích kỷ, hay là chị may mắn? Chị tiếp tục mang bầu lần nữa, khi đứa con đầu lòng mới được gần hai tuổi. Ngày đó, làm gì có siêu âm ba chiều như bây giờ, có thai là đợi đẻ, nhưng ông bố chồng chị bắt mạch cho chị và giọng ông đầy phấn khởi rằng chị sẽ đẻ con trai.

Ông bà hy vọng tràn trề, bao nhiêu thứ ngon nhất cả nhà đều dành cho chị, bắt chị phải ăn thật nhiều, tẩm bổ thật nhiều để sau này cháu trai của ông bà được khỏe mạnh. Mong ước nhiều nên thất vọng cũng nhiều, con bé thứ hai ra đời. Ông bà bỗng sững lại, không nói nên lời. Về quê, ông không dám khoe đứa cháu mới sinh. Ông cảm thấy xấu hổ, bởi vì ông còn là một thầy lang, ông biết nói thế nào với bệnh nhân của mình? Rõ là "dao sắc không gọt được chuôi!".

Đầu ông dường như thấp xuống, chòm râu bạc rung rung. Bà mẹ chồng thì bắt đầu bóng gió: "Rõ khổ, nhìn nó thì ai bảo rằng nó không biết đẻ. Người ta dăm bảy thì tốt, còn mình một thì xấu". Bà mắng con dâu, không biết áp dụng khoa học, đẻ rặt con gái…

Chị đâm sợ phải nhìn thấy ông bà thất vọng. Chị cảm thấy nỗi tủi cực không những cho mình, mà còn cho con gái chị, cái sinh linh bé bỏng không được trông đợi. Có lẽ vì vậy, chị thương nó đến cháy lòng. Chị buồn tủi cho thân phận của mình, nhưng nhìn đứa con gái bé bỏng, thơ dại, chị nghĩ mình phải vươn lên. Hơn nữa, bên chị còn có anh…

Nhưng từ hôm chị sinh con đến giờ, anh đâm ra bê trễ. Đành rằng, anh biết lỗi không phải tại chị, nhưng nhìn cảnh nhà với hai ông bà già thở vắn than dài, mà anh lại là người xưa nay rất thương và chiều bố mẹ, anh cũng đâm ra chán nản. Nhiều khi hết giờ làm việc, anh lại la cà ở những đâu tới tối mịt mới về, quên cả việc lo cơm nước cho vợ. Vừa đẻ được vài hôm, chẳng có ai chăm sóc, giúp đỡ, chị đã phải tự mình làm tất cả mọi việc, từ việc chăm cho cô con gái lớn đến việc giặt giũ, cơm nước.

Cái sự đàn bà sinh đẻ xưa nay có tục kiêng khem rất kỹ. Chị nhớ ngày chị sinh đứa con đầu lòng, ông bà chăm bẵm như thế, vậy mà bây giờ ngay cả người chồng đầu gối tay ấp, người mà chị tin yêu hơn hết, tin hơn chính bản thân mình, cũng bỏ mặc chị khi đang sinh nở yếu đuối.

 Ôi lòng người! Sao có thể vô tình đến như vậy. Họ chỉ nghĩ đến bản thân họ… Nỗi buồn còn không lớn bằng nỗi thất vọng đang ngấm ngầm gặm nhấm chị. Đã đành ở cơ quan, bị cắt lương, cắt thưởng vì tội đẻ dày, vi phạm kế hoạch hóa gia đình, nhưng đồng nghiệp còn đến hỏi thăm an ủi, ai cũng thương cảm, thế mà, những người ruột thịt lại ngoảnh đi… Chị vốn là người vui tính, tếu táo, vậy mà bây giờ nước mắt lúc nào cũng chảy, mi mắt sụp xuống, có lẽ vì đợt đau mắt ấy mà bây giờ mắt chị kém hẳn đi…

Câu chuyện rồi cũng nguôi ngoai. Chị đã bớt nhìn đời màu hồng hạnh phúc. Tuy ở cơ quan, chị vẫn là cái "đinh" của những cuộc vui. Nhưng với anh, với bố mẹ chồng, đã có những rạn nứt ghê gớm xảy ra. Sinh cô con gái thứ hai mới được hai năm, ông bà lại ngọt nhạt động viên đẻ tiếp: "Đẻ cho tao bằng được thằng cháu trai thì thôi" - Bà quả quyết.--PageBreak--

Nỗi kinh hoàng khi đứa con gái thứ hai chào đời chưa hết, chị lại phải nghe những lời động viên của ông bà: "Mà nhất định lần này phải là con trai, không thể là con gái được. Chồng mày khỏe như lực điền không thể vô lý đẻ toàn con gái được". Chị buồn bã bảo ông bà:

- Bố mẹ cứ từ từ, để cho các cháu lớn thêm chút. Vài năm nữa cũng chưa muộn…

Ông bà nói dỗi:

- Chúng tôi sắp đi đến nơi rồi, chị còn đợi đến bao giờ nữa. Bây giờ anh chị còn trẻ, còn khỏe, thì đẻ, mai kia có tuổi rồi lại khó…

- Nhưng con đi làm nhà nước. Đẻ nữa thì bị đuổi việc.

- Về nhà buôn bán, kiếm đâu mà chả được tiền, sao lại cứ phải bám vào mấy cái đồng lương chết đói ấy… Cứ đẻ tôi nuôi - Giọng bà mẹ chồng đanh lại.

Chị buồn lắm. Anh thì không đứng ra bảo vệ được vợ. Ông lại bắt đầu "chiến dịch" sao tẩm thuốc. Lần này kỹ hơn lần trước, ông nghiền ngẫm các loại sách, mong sao không thể sai được nữa.

Và rồi lần này cái điều mong đợi của ông đã được đáp ứng. Nhưng không biết là rủi, hay là may, chị bị chửa ngoài dạ con, thế là phải bị cắt mất một bên buồng trứng. Ông bố chồng vào bệnh viện thăm, gặp lúc bác sĩ đang khám cho chị. Sau một hồi ngập ngừng, ông lúng túng hỏi:

- Tôi hỏi bác sĩ khí không phải…

- Bác cứ hỏi ạ.

- Thưa bác sĩ, cháu nó bị cắt một bên buồng trứng thế này có thể đẻ được nữa không?

- Có bác ạ. Nhưng phải sau năm năm.

Ông trầm ngâm suy nghĩ một lúc, rồi ông nói một mình: "Lâu quá!".

Ông buồn bã nghĩ đến cái công ông công cốc bồi dưỡng cho anh con trai. Còn chị, trong cơn đau tê dại, vẫn cảm thấy mừng rỡ, tuy chẳng đủ sức nở một nụ cười…

Thời gian rồi cũng qua mau, chị lại lo thót ruột khi sắp hết thời hạn năm năm mà ông bác sĩ nói. Ông bà lần nào ra Hà Nội thăm con cháu cũng thúc giục. Hai đứa con chị cũng đã lớn, chúng ngoan ngoãn, lễ phép và rất thương mẹ.

Mặc dù không còn tình yêu thắm thiết nhiệt thành ngày nào đối với chồng, nhưng chị vẫn cảm thấy thỏa nguyện với cái gia đình nhỏ bé, với hai cô con gái xinh xắn đã biết giúp mẹ việc nhà. Lần này, ông bà còn quả quyết hơn nữa, vì như có sự giao kèo trước. Bà bảo:

- Dứt khoát tôi phải có thằng cháu trai. Nhà người ta có nếp có tẻ, đây đường đường là ông thầy lang đi chữa bệnh cho thiên hạ, mà người nhà mình thì không chữa được. Người ta cười cho…

Thời buổi bây giờ, sống ở thành phố sinh con thứ ba là hiếm lắm. Không ai muốn như vậy, cũng không cơ quan đoàn thể nào cho phép… Chị nghĩ đến hoàn cảnh của mình, chị rùng mình sợ hãi. Chị nói với mẹ chồng:

- Con nghĩ kỹ rồi. Con không đẻ nữa đâu.

Bà mẹ chồng gầm lên:

- A, chị này giỏi! Nếu chị không đẻ thì để bà lấy vợ hai cho con trai bà…

- Thì mẹ cứ lấy vợ cho nhà con, con không phản đối đâu - Chị uất ức nói.

Nhưng chị không ngờ bà mẹ chồng chị nói là làm. Bà giục con bà về quê mẹ lấy vợ cho!

Tính anh vẫn vậy, không cãi lời mẹ, cho dù anh không muốn như thế. Anh muốn êm đẹp cả đôi đường nên bàn với vợ cố đẻ cho bà thêm một đứa nữa. Cho dù chị không muốn, nhưng cái sự nung nấu của ông bà và những lời dịu ngọt của chồng cũng khiến chị xiêu lòng. Chị nghĩ, thôi đành "trời chẳng chịu đất thì đất phải chịu trời" vậy chứ biết làm thế nào. Vào cái thời điểm đó, nhà nước giảm biên chế, nghỉ theo chế độ, thế là chị nhắm mắt xin nghỉ việc. Khỏi phải nói, bố mẹ chồng chị phấn khởi đến thế nào.

Số tiền nghỉ chế độ, chị dùng để mở một quán cà phê nho nhỏ. Địa thế nhà chị trước đây vắng vẻ, mấy năm gần đây, thành phố mở thêm cổng ga mới, khiến cho đông vui nhộn nhịp hẳn lên. Khách nhậu, khách buôn chuyến, xích lô, bốc vác đủ loại tụ ở ga thâu đêm suốt sáng.

Quán cà phê của chị ngày một đông khách, tiền kiếm được khá hơn rất nhiều hồi còn đi làm. Chẳng mấy chốc căn nhà cấp bốn lụp xụp của anh chị được tân trang, bài trí khang trang và quán cà phê của chị cũng được nâng cấp lên nhiều lần, khách ra vào nườm nượp.

Ông bố chồng chị lại bắt tay vào một đợt tẩm bố mới cho chồng chị. Hàng ngày chị phải chuẩn bị bữa ăn cho anh theo thực đơn mà ông đã lên kế hoạch và uống thuốc một cách đều đặn. Anh thực hiện rất nghiêm túc, nghiêm túc đến buồn cười.

Nhưng sự đời chẳng chiều lòng người. Một trận sốt kéo dài đã làm cho cái quan trọng nhất của anh... hỏng, theo như bác sĩ nói, rằng anh bị mắc bệnh "liệt dương". Bao nhiêu công lao đổ xuống sông xuống biển. Chị bảo anh phải nói cho ông bà biết, anh cấm chị không được nói. Chị âm thầm tìm thầy, tìm thuốc cho anh, nghe nói ở đâu có thầy thuốc hay chị đều tìm đến, xa cách mấy chị cũng lần mò tìm bằng được.

Sáu tháng sau, tình hình bệnh của anh cũng tạm ổn. Chị khuyên anh nên đến bệnh viện khám và xét nghiệm lại xem tình hình đã ổn định thật sự chưa. Bác sĩ kết luận khả năng có con của anh là hơi khó. Anh buồn lắm, chẳng còn thiết làm ăn gì cả. Chị động viên an ủi anh: "Mình đã có hai đứa con gái lớn, được gọi bằng bố, bằng mẹ thế là may mắn lắm rồi, đừng tự dằn vặt mình làm gì nữa…".

Chị khuyên anh nên nói thật với ông bà, để ông bà khỏi hy vọng, nhưng anh kiên quyết không. Anh không thể làm mất nguồn hy vọng của ông bà như ngọn đèn trước gió, suốt đời lo lắng cho con, mà bây giờ nhận được kết cục thế này… Anh sinh ra cáu bẳn, nhiều lần chị khuyên giải, lựa lời nói với anh. Chị bảo, chị sẽ nói cho ông bà biết, để ông bà đừng ảo tưởng, khổ thân. Anh nói lạnh lùng:

- Nói là tôi ly dị!

Ly dị thì anh ở với ai, lấy ai được nữa? Lòng tự ái bị tổn thương, nhưng chị lâu nay cũng đã quen với sự nín nhịn. Tuy vậy, một dịp bà mẹ chồng ra chơi, chị lựa lời nói với bà. Bà không cho rằng con trai bà bị bệnh, mà cho rằng chị muốn trốn tránh việc đẻ thêm con nữa cho nên mới nại ra cái lý do đó.

Rồi tiếp theo bao nhiêu chuyện đổ ập xuống cái gia đình bé nhỏ ấy khiến vợ chồng chị cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Chồng chị thì thương bố mẹ, còn chị không thể chịu đựng nổi sự giày vò của bố mẹ chồng và nhất là chồng chị, từ ngày bị bệnh anh đâm ra giở tính giở nết.

Khi ra tòa để giải quyết việc ly hôn, chị ngạc nhiên nhiều hơn là buồn. Tại sao hạnh phúc lại nhanh chóng rời bỏ chị? Tại sao hai người từng yêu nhau như thế lại đến nông nỗi này? Chị không hối tiếc những gì mình đã làm, nhưng hối tiếc hạnh phúc đã vuột khỏi tầm tay…

Sự ám ảnh về đàn bà tuổi Hợi đôi lúc lại khiến chị đau nhói trong lòng. Một cuộc hôn nhân tan vỡ, dẫu là lý do gì vẫn khiến người ta bận lòng, nhất là đối với phụ nữ. Chị không ngoại lệ. Nhiều đêm, chị thèm hơi thở của chồng, cái thổi nhè nhẹ vào tai, cái siết chặt bất ngờ… Thậm chí, là cái cằn nhằn mỗi khi chị véo nhẹ, gọi chồng dậy để nói chuyện. Kỷ niệm lại về với chị ăm ắp. Cái thở dài héo hắt, gần như nuốt trọn màn đêm.

"Đàn bà Kỷ Hợi, mạng Bình Địa Mộc, Thiên can: Kỷ gặp Kỷ, Địa chi: Hợi gặp Sửu…" - Phải lâu lắm rồi, tiếng rì rầm của bố chị mới lại vang về.

Phải lâu lắm rồi, chị mới nghĩ lại lời "tiên đoán" đó. Đàn bà tuổi Hợi, truân chuyên một đời.

Có khi, chỉ biết an ủi rằng, rồi ai không qua một kiếp người. Rồi ai cũng phải sống thôi mà!

Dẫu rằng, sống không phải khi nào cũng dễ

.
.