Đàm đạo

Thứ Bảy, 23/11/2019, 07:37
Mã tấu sáng loáng vung lên bổ thẳng xuống kẻ hỗn hào trước mặt. Bỗng từ phía sau, một bàn tay kẹp cứng bóp mạnh. Gã hộ pháp kêu oái một tiếng buông thanh mã tấu rơi xoảng ngay xuống dưới chân...

Cổ trấn Từ Văn, thủ phủ châu Hợp Phố, mùa thu năm 531. Kể từ ngày Lương Vũ Đế soán ngôi nhà Nam Tề, việc giao thương buôn bán ngày càng được mở rộng, trọng trấn Hợp Phố là nơi đám thương thuyền tập kết hàng hóa các vùng, sau đó theo cửa biển vận chuyển đi các nơi.

Ngay kinh đô Kiến Khang cũng nhiều lần phải vời tới đội thương thuyền chuyên chở các sản vật mua bán, cống nạp từ Giao Châu sang. Bởi vậy, đám lái buôn phương Bắc, đội nào cũng có sẵn trong tay đoàn thuyền lớn nhỏ.

Có chiếc thuyền gỗ đi biển dài đến chục trượng, khi vào bến tựa như những tòa thành nổi trên sông. Nạn cướp bóc, hãm hiếp, thảo khấu, hải tặc các nơi theo về trong trấn Hợp Phố kéo theo các băng đảng khiến công việc trị nhậm của quan quân gặp không ít khó khăn.

Buổi tối, quang cảnh chăng đèn kết hoa ở khu phố trung tâm cổ trấn vô cùng tấp nập. Đám thương thuyền sau ngày dài đi biển đầy sóng gió tụ tập ăn uống rất náo nhiệt. Trên gác hai một tửu quán, một kẻ dáng chừng là nho sinh với vẻ ngoài trang nhã đang ngồi nơi góc khuất, bên cạnh là túi hành lý buộc gọn ghẽ bên chiếc thùng gỗ có quai treo mà đám nho sĩ dùng đựng tư trang đi du hiệp các nơi. Đang khi chờ tửu bảo đem lên món đồ nhắm, vị nho sinh lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ xuống phía dưới đường phố, người xuôi kẻ ngược tấp nập, bỗng giật mình thấy một đại hán cao to bước sát đến bàn đặt cạch bao kiếm lớn xuống hất hàm rất thô lỗ:

- Bàn này gia gia quen ngồi từ trước, ngươi có mắt hay không? Hãy cút xéo mau!

Nho sinh khẽ chau mày nhìn gã hộ pháp to lớn, bộ râu quai nón rậm rì, trên đầu úp sụp chiếc nón lá ngang tàng. Trên bàn, thanh trường kiếm dài hơn một thước nằm chình ình như gia tăng oai vệ cho chủ nhân.

Nho sinh điềm đạm nói:

- Tại hạ không biết đây là chỗ của ai. Có điều ngài đến sau hãy tìm chỗ khác.

Lời nói trang nhã. Vẻ mặt thản nhiên như không. Cặp mắt sáng linh lợi lướt nhìn từ đầu đến chân gã hộ pháp.

Gã hộ pháp nghe thủng câu nói của nho sinh, gương mặt đột ngột đỏ bừng, giận dữ quát:

- Cút!

Vừa quát mắng, gã nhanh như chớp đưa cánh tay to lớn chụp chuôi kiếm toan rút ra chém thẳng vào kẻ vừa dám khiêu khích.

Bộp! Bàn tay gã chụp trúng mặt bàn gỗ lim đau điếng.

Nho sinh vẫn ngồi yên mà thanh kiếm trên bàn đã bị đẩy khỏi chỗ cũ chỉ gang tấc.

Gã hộ pháp điên tiết nhìn sững thanh kiếm, không tin mình vừa rút hụt, thuận tay quơ nhanh cây kiếm lên. Nhưng như có phép thần, thanh kiếm lại dịch nhanh về phía nho sinh. Gã hộ pháp nhoài người toan đè cả tấm thân to lớn lên thanh kiếm, rút cục thanh kiếm vẫn nhẹ nhàng thoát khỏi đôi tay của gã.

Quá sửng sốt, gã hộ pháp chửi đổng:

- Cái con bà ngươi! Hãy xem bản lĩnh gia gia!

Vừa chửi mắng, gã hộ pháp vừa đưa tay ra sau rút soạt thanh mã tấu sáng loáng, vũ khí chuyên dùng của dân cướp biển. Thường trên tàu sóng gió lại chật chội, mỗi khi đi đánh cướp, lũ hải tặc thường thủ mã tấu ngắn trong người.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Mã tấu sáng loáng vung lên bổ thẳng xuống kẻ hỗn hào trước mặt. Bỗng từ phía sau, một bàn tay kẹp cứng bóp mạnh. Gã hộ pháp kêu oái một tiếng buông thanh mã tấu rơi xoảng ngay xuống dưới chân.

Một tiếng người lành lạnh ngay sau gáy y:

- Đây không phải chỗ để ngươi giở thói cuồng của hải tặc. Mau xin lỗi tiên sinh rồi cút. Về nói với Ó biển, từ nay quản thuộc hạ cho kỹ khi lên bờ, kẻo lão gia không tha mạng cho đâu.

Gã hộ pháp tái mặt lúc lắc cổ tay còn nhói buốt nhìn ra sau, thấy một vị trung niên đậm chắc bận trang phục vải nâu giản dị, thần thái đĩnh đạc khác thường giống như thương khách lớn. Phía sau bảy tám thanh niên đi tay không mặt mũi khôi ngô, ánh mắt sắc lạnh liếc nhanh toàn bộ gian quán như có ý kiểm điểm mọi ngóc ngách. Biết đã gặp phải cao thủ, lại nghe nhắc đến trùm Ó biển khét tiếng mà y chỉ thuộc vào hàng lâu la bèn vội quay về phía nho sinh nói:

- Tiểu nhân không biết, đã trót mạo phạm tiên sinh. Xin được thứ lỗi!

Nho sinh bấy giờ mới nói:

- Ngươi hãy đa tạ vị đại nhân vừa nhẹ tay với ngươi, nếu không ngươi đã hỏng bàn tay phải rồi đó.

Gã hộ pháp vội quay về phía vị trung niên:

- Tiểu nhân xin đa tạ đại nhân đã nhẹ tay. Từ nay lên bờ tiểu nhân thề không bao giờ dám dùng tới đao kiếm nữa.

Nói dứt lời, gã hộ pháp vụng về thu nhặt lại đao kiếm rồi lủi thủi rời khỏi tửu quán. Khi đó, khách trung niên mới quay sang đám người đi cùng ra hiệu cho chúng chọn một góc quán tự gọi đồ ăn còn mình quay sang nhìn nho sinh ấm giọng hỏi:

- Tiên sinh chắc từ xa đến? Tại hạ có thể ngồi trò chuyện một lát được chăng?

Nho sinh đứng lên thi lễ đáp:

- Đại nhân quả con mắt tinh tường. Tiểu sinh đây từ phương xa tới đây được bốn năm rồi. Thấy Hợp Phố có phần giống với quê hương nên ở luôn hai năm đi khắp các vùng Giang Đảng, Liên Châu, Thương Sa, Loan Thạch, Tinh Đảo, Ác Khẩu, Bạch Sa, Sơn Gián để tìm hiểu lề lối phong tục, cũng là muốn mở mang đầu óc.

Vị khách trung niên vuốt chòm râu thong thả nói:

- Quả chí hướng giống tại hạ thuở hoa niên. Ngày trước, nếu không bận mải việc công, tại hạ đây ưa thích nhất là chu du thiên hạ.

Vừa nói hai vị khách một già một trẻ ngồi xuống cũng là lúc tiểu nhị đem ra một bình rượu rót luôn hai bát.

Khách trung niên mỉm cười:

- Tại hạ xin mời tiên sinh! Rượu cổ trấn Từ Văn tuy đắng chát nhưng cay nồng hậu vị hiếm có ở Trung Nguyên đấy.

Nho sinh nhỏ nhẹ:

- Hân hạnh mời đại nhân! Chắc hẳn ngài là quan lớn triều đình cải dạng vi hành xuống cổ trấn?

Khách trung niên không đáp ngửa cổ uống hết bát rượu sảng khoái:

- Rượu ngon! Rượu ngon! Tiên sinh đến từ phương Nam chăng?

Nho sinh cũng cười:

- Xin đa tạ! Tiểu sinh đến từ Giao Châu. Chắc chưa bao giờ đại nhân đặt chân tới vùng Giao Châu nhỉ?

Khách trung niên cười ha hả:

- Thật là tri ngộ! Tri ngộ! Lão phu đây vừa từ Giao Châu trở về. Hôm nay là buổi đầu tiên lên bờ đó.

Nho sinh giật mình nhìn kỹ thấy ông khách vừa xưng là lão phu mặt mũi cân quắc, râu ba chòm uy nghi, mặt vuông tai lớn, dáng vẻ đường bệ, chắc hẳn là quan lớn triều đình, lại nói là mới từ Giao Châu về, trong lòng bối rối chưa kịp hiểu ra sao đã thấy vị khách nói:

- Tiên sinh chớ thấy đó làm lạ. Người phương Bắc xưa nay xuống Giao Châu làm ăn, trị nhậm kể đã ngót ngàn năm. Nhưng người như tiên sinh đây từ Giao Châu ngược sang phương Bắc ngao du mới là chuyện lạ. Lão phu quả có lòng nể phục người trẻ tuổi lại sớm có chí hướng vân du như tiên sinh.

Nho sinh trong lòng như đã tự giải được thắc mắc bèn thong thả đáp:

- Xin thứ lỗi cho tiểu sinh nói thẳng. Người phương Bắc từ thượng cổ xuống phương Nam làm ăn, buôn bán, sinh sống, đem theo cả phong tục tập quán cũng là lẽ tự nhiên. Còn như nói xuống Giao Châu trị nhậm tức là đem binh tướng xuống xâm lấn, cướp phá là trái đạo trời. Nam - Bắc trời đất đã phân phong. Đi cướp nước người ta, giết dân chúng người ta còn bảo là thay trời trị nhậm không trời đất nào dung được.

Khách trung niên trang nghiêm:

- Đúng tiên sinh là người Giao Châu thực, khí khái cương cường, lại đã sang đến tận đây ắt có chủ kiến riêng. Song có đôi chỗ lão phu xin nói thẳng. Lẽ thường xưa nay mạnh được yếu thua. Trời đất có phân phong thì cũng có hợp tan, sáp nhập. Phương Bắc hết thái bình lại tao loạn đã nghìn năm. Nước khi chia năm xẻ bảy, khi gộp thành một thể như Tần Thủy Hoàng đế thống nhất thiên hạ, kế đến Hán Vũ Đế thống nhất thiên hạ cũng là lẽ thường. Nay Lương triều ta, trên có hoàng thượng sáng suốt, dưới có bách quan trung lương, tướng sĩ dũng lược thì việc thống nhất thiên hạ chỉ là chuyện nay mai mà thôi. Còn như xứ Giao Châu, kể từ thượng cổ đã cúi đầu xin thờ phương Bắc, cam tâm để các hoàng đế nối nhau cai trị như một quận huyện cũng là lẽ thường. Tiên sinh thấy ta nói có đúng chăng?

Nho sinh đáp lại trang nghiêm:

- Như ngài nói quả là sử sách phương Bắc cũng đã từng chép thế. Phương Bắc tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan cũng đã nghìn năm. Việc trị loạn của người phương Bắc xưa nay khác xa với phương Nam. Phương Nam từ thời Âu Lạc hưởng thái bình thịnh trị mấy trăm năm, khi nào cũng có vua sáng tôi hiền, lễ giáo tập tục, quy củ dân chúng đều sáng sủa. Còn như các vị Tần Thủy Hoàng Đế, Hán Vũ Đế, Tấn Vũ Đế, ngay như đương kim hoàng thượng Lương Vũ Đế dẫu văn võ toàn tài, uy lực bốn bể cũng đều là dựa trên núi xương biển máu của dân chúng trong thiên hạ. Sự nhất thống thiên hạ đó hỏi có ích gì cho muôn dân lầm than phương Nam phương Bắc? Người phương Bắc, đời đời đưa binh tướng xuống phương Nam rút cuộc cũng chỉ là say mê cơn chém giết mà thôi. Người phương Nam vẫn là phương Nam, từ ăn ở, thờ cúng đến mọi tập tục trong chốn dân gian đều phân rõ rành rành với phương Bắc. Ngay như chùa chiền, đền miếu cũng mỗi nơi mỗi khác, tuyệt không thể gộp phương Nam vào với phương Bắc được đâu.

Khách trung niên thấy nho sinh trẻ tuổi mà học cao biết rộng, lại chỉ một câu đã khái quát toàn bộ thành tựu, tâm tính thủy tổ hoàng đế các triều đại Tần, Hán, Tấn, Lương, trong bụng bảy tám phần cảm phục bèn nói:

- Tiên sinh quả học cao biết rộng, đã chỉ cho lão phu nhiều điều mới mẻ, xin được lĩnh hội. Nhân nhắc đến đình đền chùa miếu, lão phu xin thỉnh giáo tiên sinh, thời Sĩ Nhiếp là người như thế nào?

Nho sinh thấy khách trung niên không chỉ vẻ ngoài đĩnh đạc mà bên trong kiến thức sâu rộng, lại rất biết tôn trọng người đàm đạo, trong lòng tín phục bèn nói:

- Tiểu sinh đã từng hỏi thầy nhiều về Sĩ vương. Cũng thật kỳ lạ, trong hàng trăm quan Thái thú, Thứ sử xuống trị nhậm Giao Châu chỉ ưa thích đao gươm chém giết lại có được Sĩ vương dốc lòng vì dân chúng, yêu dân kính Phật, đắp đền dựng miếu cho các vua chúa tướng lĩnh người phương Nam rất thành kính. Sĩ vương đã quán thông đạo trời chăng? Sĩ vương tổ tông vốn là gốc phương Nam chăng? Tại sao trước Sĩ vương và sau Sĩ vương không có người nào được như thế nữa? Chỉ quen thi thố mọi thủ đoạn thâm hiểm khiến càng đào sâu thêm mối hận thù Nam - Bắc?

Tiểu sinh cũng biết, thời Sĩ vương có những bậc hiền thần, hiền sĩ chạy loạn từ phương Bắc xuống phương Nam đều được chu cấp đủ đầy. Như mẹ con thiền sư Mâu Tử nổi tiếng Trung Nguyên từng nhiều lần cự tuyệt không muốn làm quan cho các triều, ngay cả Sĩ vương vời ngài chủ trì đại cuộc ở Luy Lâu không được cũng đều trước sau một mực kính thờ. Đạo lý người phương Nam ăn cây nào rào cây đó, ở bầu thì tròn ở ống thì dài, đạo dân là đạo trời, Phật pháp theo với muôn dân đã tự giáo hóa mà thành Sĩ vương chăng?

Tiểu sinh chỉ biết rằng, yêu dân thì dân đời đời thờ phụng, lừa dân thì dân đời đời khinh khi. Dẫu đao kiếm như mây, quyền cao chức trọng cũng chỉ là cục đất ven đường. Chính từ yêu kính Sĩ vương mà tiểu sinh đi chu du phương Bắc để tìm hiểu những bậc danh sư vậy.

Khách trung niên càng nghe càng không khỏi kinh ngạc về kiến văn, Phật pháp của nho sinh người Giao Châu. Than ôi, nhân tài Giao Châu còn lẩn khuất trong nhân gian nhiều lắm. Chẳng qua những kẻ trị nhậm phương đất ấy chỉ ưa nghe nịnh hót nên xung quanh thuần một lũ tiểu nhân, vô lại, trách nào xứ đó không loạn lạc, nghèo đói triền miên. Như tên nho sinh đây không chỉ học rộng biết nhiều mà tinh thần hưng dân phục quốc hẳn đã ăn sâu trong tủy não. Giá mà ngày trước, hoặc là ta mời bằng được người này, dùng phương lược của y vào việc trị nhậm, hoặc giết quách trừ hậu họa. Nay thân ta còn khó giữ nói chi đến việc giúp người, càng không thể làm việc giết người thất đức như lũ tiểu nhân trộm cướp.

Vừa quan hoài ngẫm ngợi, khách trung niên vừa thong thả hỏi:

- Tiên sinh luận về Sĩ vương quả mười phần thấu đáo, có chỗ còn bổ khuyết sự thiếu vắng cho ta. Vậy hỏi tiên sinh, thời Lương Vũ Đế đây là người thế nào?

Nho sinh thoáng chút giật mình, tự vấn không biết người phía trước là quan lớn cỡ nào ở Giao Châu? Mấy tháng nay, tin triều đình nhà Lương đổi người sang Giao Châu trị nhậm. Đích thân Lương Vũ Đế hạ chỉ cho Vũ Lâm hầu Tiêu Tư sang thay làm Thứ sử cho Lý Tắc, một viên tướng văn võ song toàn, từng có công đánh dẹp Thứ sử cũ nhà Nam Tề là Lý Khải và dư đảng vốn rất được Lương Vũ Đế tin dùng.

Không hiểu sao Lương triều giữa dòng thay ngựa? Chắc hẳn Vũ Lâm hầu phải có tài cán hơn người và mưu đồ thống thuộc thiên hạ của Lương Vũ Đế hẳn đang sôi sục lắm mới thay tướng để mở mang phương Nam, vơ vét tài vật cho công cuộc thống nhất thiên hạ. Có lẽ nào đây chính là đại quan Lý Tắc? Thiên hạ vốn vô cùng chẳng biết đâu mà lường. Như ta từ ngày rời cổ tự cũng đã được bốn năm đi khắp các vùng phương Bắc mở mang ít nhiều, song nội triều Lương Vũ Đế còn nhiều điều chưa biết. Nhân đây ta cũng nên dò xét một phen.

Nho sinh nhìn khách trung niên điềm đạm nói:

- Thưa đại nhân! Việc bàn về đương kim hoàng thượng Lương triều là điều đại kỵ. Đại nhân đây là mệnh quan triều đình chắc hẳn tường tận hơn người hàn sĩ như tiểu sinh. Song, đại nhân đã hỏi đến, là người khách quan ngoài cuộc, tiểu sinh cũng có đôi lời góp nhặt, xin chớ chê cười. Lương Vũ Đế là anh hùng thời loạn, trí dũng quyền mưu đều đến bậc thượng thừa. Trong đám quần hùng Nam Tề, Bắc Ngụy, Thổ Đạo Hồn, Nhu Nhiên thập diện mai phục, Vũ Đế không chỉ làm chủ cục diện, xưng đế lập quốc, ổn định triều dã, khơi ngòi đào sông, không hổ danh dòng giống danh thần Tiêu Hà thời Hán. Lương triều khai quốc đã hơn hai mươi năm, quốc thổ mở rộng, lương tướng hiền thần một lòng vị quốc là cái chân đế vững vàng của Tiêu thị. Nhưng cái chân đế ấy có bền vững lâu dài hay không, Tiêu thị có đời đời làm chủ được Trung Nguyên hay không thật là khó nói.

Nho sinh nói đến đâu, khuôn mặt khách trung niên vừa cảm khái vừa thâm trầm u uẩn đến đó. Không thể ngờ một kẻ tuổi còn trẻ ở tận xứ Giao Châu xa xôi lại có thể tường tận về Lương triều đến thế.

Vị khách gật gù thán phục:

- Tiên sinh quả thật tuổi trẻ thần đồng, ở nơi ngàn dặm còn biết được tường tận Lương triều ta. Ngài nhận định về đương kim hoàng thượng vừa tỉnh táo khách quan vừa hài hòa sâu sắc. Xin tiên sinh hãy nói cái khó của Tiêu thị cho ta biết được chăng?

Nho sinh điềm đạm nói tiếp:

- Tại hạ không nói chắc đại nhân cũng rõ cả rồi. Xưa nay trong thái bình thịnh trị cũng là lúc ẩn tàng sự đổ gãy hôm mai. Đương kim hoàng thượng dẫu trí dũng song toàn, minh mẫn sáng suốt đến mấy rồi thì cũng phải tuổi cao sức yếu, phải tìm người kế vị. Cái sự bền vững của một triều đại không thể chỉ căn cứ vào một ông vua cụ thể nào. Cái vững của ngôi nước phải là pháp độ, quy củ từ thượng tầng đến bách dân. Mạch nước đã thông nguồn ra biển lớn thì ai ngự trên thuyền rồng cũng đều thế cả. Đạo lý này ngay cả dân chúng học hành lỗ mỗ còn biết đến, chắc hẳn đại nhân có chỗ chê cười tiểu sinh đây.

Khách trung niên giật mình nói:

- Chỗ tiên sinh vừa nói quả là vương đạo cổ kim người đời chỉ thấy đầu không ai thấy được đuôi. Vua nào cũng biết, càng những vị hoàng thượng khai quốc càng thấu rõ điều này. Nhưng rốt cục đời sau tại sao đều đi vào vết xe đổ gãy? Đó cũng là cái bí ẩn của hóa công mà đám hạ thần như lão phu không thể làm khác được. Tiên sinh nói cái vững của ngôi nước phải là pháp độ, quy củ từ thượng tầng đến bách dân quả đã khai mở cho lão phu nhiều lắm. Lão phu xin đa tạ tiên sinh.

Nhân đây, lão phu cũng nói thật với tiên sinh, ta chính là Thứ sử Giao Châu Lý Tắc đang phụng chỉ về triều. Nếu tiên sinh không chê, xin được mời cùng đến Kiến Khang với lão phu. Lão phu đã nguội lạnh chí làm quan từ lâu rồi, nay nghe tiên sinh nói càng thêm tỉnh ngộ. Nay mai vào triều, lão phu khẩn xin với hoàng thượng tuổi tác đã cao, trong người lắm bệnh mong ngài gia ân cho được về quê dưỡng già. Lão phu có một số đồng liêu là những bậc danh sư túc nho nức tiếng, mai kia sẽ giới thiệu để tiên sinh cùng đàm đạo.

Nho sinh vội đứng dậy thi lễ đáp:

- Tiểu sinh thật thất lễ! Có mắt mà không thấy Thái Sơn trước mặt, xin được thứ lỗi. Lý đại nhân hai mươi năm ở Giao Châu hẳn quá hiểu vùng đất phương Nam. Tiểu sinh xin được kính cẩn nghe lời.

Nghe đến đó, khách trung niên trầm ngâm nói:

- Hơn hai mươi năm lão phu ở Giao Châu mà nào đã biết gì nhiều về người Giao Châu đâu. Như tiên sinh đây, mới vài năm ở Trung Nguyên đã tường tận Lương triều, nhiều lý giải của tiên sinh đại thần còn không theo được. Mối giềng trị loạn, phong tục Bắc - Nam, đạo lý ở đời, người phương Nam nhiều chỗ còn vượt người phương Bắc. Ta nay được đàm đạo với tiên sinh ở buổi cuối chiều không còn mong gì hơn nữa. Cũng từ đó mà ngộ ra rằng, sớm muộn gì Vũ Lâm hầu Tiêu Tư cũng ngậm ngùi thảm bại mà thôi.

Nho sinh thấy khách có vẻ ngậm ngùi, bèn đứng lên thi lễ:

- Xin đa tạ đại nhân! Lời ngài nói cũng khiến tiểu sinh đây tỉnh ngộ. Nay xin bái biệt, chúc ngài thượng lộ bình an. Việc cùng đến Kiến Khang hãy để dịp khác vậy.

Khi cái bóng nho sinh khuất dạng trên đường phố, khách trung niên mới thở dài than:

- Không quá mười năm nữa, người Giao Châu ắt tự cường lập quốc.

Quả đúng như lời Lý Tắc. Mười năm sau, vị tiên sinh chính là danh nho Tinh Thiều người ở Long Biên đã cùng với các tù trưởng Phạm Tu, Triệu Túc ở Giao Châu giúp Lý Bí khởi nghĩa đánh đuổi quân Lương lập nước Vạn Xuân xây nền tự chủ.

Truyện ngắn của Phùng Văn Khai
.
.