Đá đắng

Thứ Hai, 14/08/2017, 08:01
Bây giờ đã chẳng còn ai… Còn có ai? Tôi ngẩng đầu lên để cơn váng vất qua đi, và nhớ vợ con da diết dù họ thường lấy tôi ra giễu để mua vui. Trớ trêu cay nghiệt là ở đó. Tôi lại nhớ tới lời ông Tham, người thợ khắc cùng quê đó đã kinh qua bao tai ương sóng gió, hạnh phúc nhiều mà đớn đau cũng chẳng thiếu gì. Tôi lại nhớ… Tôi nhớ những gì?

1.

Trưa mùa hè, trời đổ lửa, lửa quét liếm mặt đất khiến cây cối chết lụi. Tôi gánh phân từ ngoài đồng về. Không khí hầm hập, hai chiếc lá ráy đậy trên sọt phân đã héo rũ rượi. Đi qua cánh đồng, đi qua chiếc cầu tre, nước dưới chân cầu lững lờ chảy. Một ống quần xắn cao tuột xuống khỏi bắp chân khiến tôi có cảm giác vướng víu khó chịu. Thây kệ! Cứ về tới nhà đã rồi tính tiếp.

Tôi không phải người ở đây. Quê tôi ở làng Nhồi, làng Nhồi nổi tiếng với nghề chạm khắc đá. Hồi còn trẻ, vì học lấy được cái bằng đại học rồi chạy đi làm phóng viên cho một toà soạn nên anh em đều gọi tôi là thằng thợ có tri thức. Mỗi lần như thế, vợ tôi lại cười khẩy: “Tri thức có nhét vào mồm ăn được không?”. Thằng con tôi ngồi nghịch đất, bi bô nhại lại theo mẹ: “I ức cò nhét…”. Vợ tôi lại xốc bổng thằng bé lên, gật gù ra chiều đồng thuận lắm: “Thóc, gạo mới nhét vào mồm được. Con ạ!”.

Bức tượng đang chạm đục dở nằm trong sân, như hiểu được tiếng người để mà xệch miệng cười tôi. Vậy là tôi lẫy. Nhân có việc chuyển lòng hồ ở Hoà Bình, người ta thuê thợ làng ra đục dỡ tấm bia Lê Lợi, tôi theo hiệp thợ đi lên phía Bắc. Vợ tôi mừng vui ra mặt, không biết thị kiếm đâu được một lon sữa bò đầy gạo nếp, đồ lên cho tôi ăn rồi sau đó còn tiễn tôi ra tới tận cổng làng.

Mồ hôi chảy ròng ròng xuống mắt xuống cổ khiến mắt tôi nhập nhèm, rát xót. Gánh phân trĩu xuống tì vào vai, hẳn giờ nó đang tấy đỏ lên. Nhưng khi cơn đau vượt quá giới hạn, người ta sẽ chẳng cảm thấy được gì nữa. Tôi vẫn đi phăm phăm.

 Bến đò hiện ra trước mắt, nơi gốc gạo, có mấy người phụ nữ tạm nghỉ chân sau khi phiên chợ sáng mới kết thúc. Những thuyền buôn đậu đầy quanh bãi cát, đám trẻ con theo chân cha mẹ trốn ngủ trưa, líu ríu chạy đuổi nhau giữa cái nắng rát mặt.

- Anh Lý mang phân về bón rau đấy hả?

Giọng nói khàn khàn không rõ chữ này hẳn không phải ai khác ngoài cô Phồng ở trên phố Thượng. Bố của cô cũng là người làng Nhồi, lưu lạc bôn ba từ khi còn nhỏ, về sau lên Hoà Bình thì lập gia đình và làm ăn ở đây luôn. Tôi vẫn chưa có dịp để tiếp chuyện với ông. Xa quê rồi, gặp được dù chỉ một người đồng hương cũng quý.

- Vâng, nhà chủ cho mảnh đất, mọi người tiện tay gieo ít rau để ăn – Tôi đáp rồi hỏi – Cô đi đâu mà trưa thế này?

- Bố em bảo mang cho các anh ít cá, em vừa ở bên đấy về xong.

- Vâng, thế cô cho tôi gửi lời hỏi thăm ông cụ. Gớm, cụ săn sóc anh em chúng tôi còn quá con đẻ.

Minh họa: Phương Bình.

Cô Phồng bật cười nói:

- Bố em bảo các anh lên để đưa tấm bia đá đi trước khi chỗ này bị phá là quý lắm.

Tôi đặt gánh phân xuống, kéo hai vạt ống tay lấm đất lau tạm mồ hôi, chẳng biết nói sao chỉ đành gãi đầu gãi tai:

- Cụ nhà cứ nói quá, chúng tôi chỉ là thợ người ta thuê, làm việc cũng vì bát cơm thôi.

Cô Phồng ngượng nghịu, hai bàn tay nắm chặt vào với nhau, một lúc sau mới bảo:

- Thôi, anh về nghỉ đi, em cũng lên trên Thượng bây giờ.

Trời nắng quá. Tôi ghé vai vào trong đòn gánh, nhấc hai sọt phân lên, hỏi:

- Cô lên trên Thượng có việc gì thế?

- Ông Ninh trên đấy tự dưng phát bệnh thấp khớp, không đi lại được, bố em bảo mang cho ông ít vỏ cây gạo còn lại từ bận trước để đắp.

- Thôi, cô đi đi cho chóng, trưa rồi.

Cô Phồng cười, vết sẹo trên trán lộ ra rõ ràng trước nắng. Tôi đâm lẩn thẩn, vợ tôi cũng có một vết sẹo như thế, cô ấy bị thương khi một mảnh dăm đá sượt qua.

- Vâng, vậy chào anh, em đi. À mà bố em mời anh tối mai lên nhà em ăn bữa cơm, ông cụ muốn cảm ơn vì anh đã cho mượn bộ Tam Quốc.

Giọng nói của người trước mắt kéo tôi trở lại. Chả là khi tới đây, tôi có mang theo khá nhiều tiểu thuyết Tàu và tiểu thuyết Liên Xô, ông Tham thấy thích nên mượn, tôi bèn mang đến bộ “Tam Quốc diễn nghĩa” để cụ đọc cho khuây khoả. Tôi gật đầu ậm ừ, nhìn theo bóng cô khuất sau dốc cao lên Thượng rồi quảy gánh về nhà.

“Nhà” của chúng tôi thực chất chỉ là một căn lán tập thể, vách bằng tre đan nong đôi, mái lợp bằng cọ khô, còn giường thì đắp đất rồi rải rơm lên trên, thảy đều do dân chài làm cho cả. Hiệp thợ chúng tôi gồm hai mươi người, trong đó phân nửa là người làng Nhồi, còn đâu thì là thợ của Ninh Bình sang. Ở đây được non một tháng, chúng tôi đã đẽo gọt được một số phần của tấm bia đá ấy. Đó quả thực là công việc nặng nhọc, hiểm nguy hơn nhiều so với việc chạm khắc thông thường ngày trước, không cẩn thận là chết như chơi.

Tôi xếp hai gánh phân vào góc vườn rồi căng bạt phủ lên. Phủi tay đi vào trong, mọi người đều đang ngủ cả. Lĩnh, người bạn đồng hương đang ngồi cắm cúi gọt tỉa gì đó, nhìn kỹ ra, đó là hình một con sư tử gỗ. Anh này hơn tôi hai tuổi, khéo tay, đồ do anh làm ra bao giờ bán cũng chạy hơn. Chắc Lĩnh đang thử mẫu. Thấy tôi, anh chỉ vào mâm cơm dưới chiếu, bảo:

- Mọi người ăn cơm trước rồi, có để phần cho chú đấy.

- Vâng.

Tôi lật gối lấy cuốn Kiều mà ông Tham cho mượn, ngồi xuống vừa ăn vừa đọc. Đây là thói quen hình thành trong thời gian làm việc ở toà soạn, rất nhiều năm sau tôi vẫn không bỏ được. 

2.

Từ nhà cô Phồng về, phải đi qua khoảnh ruộng ngay gần cầu. Ở đây, sau khi thu hoạch xong, người ta thường đào các hố ủ rơm để làm phân bón, hoặc trữ cho trâu bò ăn trong những ngày rét lạnh. Chuyện là hôm nay tôi có tới chỗ cô để gửi cho ông Tham cuốn sách, nhưng hiềm nỗi người cần tìm lại không có ở nhà. Nên tôi đành ra về. Đường đêm tĩnh mịch, trăng như trái cây chín nẫu toả màu vàng rọi sáng mặt đất. Xa xa, bãi Cánh Chim lấp lánh những cát thạch anh trắng, hơi nước bốc lên phả hơi lành lạnh gai người, đâu đây vang tiếng lội bì bõm của mấy đứa trẻ đi tìm nhặt đó đã đặt từ khi trời tinh sương ban sáng.

Bên kia, đối diện với chỗ tôi đang đứng là tấm bia đá đang được di dời dở dang. Có truyền thuyết rằng hễ tới đêm rằm, trên sông sẽ xuất hiện một con thuyền chiến cổ rất lớn, nó đậu ngay dưới tấm bia và từ trong thuyền, người ta có thể nghe thấy tiếng hò reo ầm ĩ, tiếng bước chân người rầm rập qua lại.

Cổ họng bỗng bứ lại, chắc tôi phải gió rồi, chất dịch lợm đắng chua nồng xộc lên từ dạ dày, tôi gập người xuống nôn thốc nôn tháo. Loạng choạng mất một lúc, tôi ra bờ sông để uống ngụm nước cho tỉnh.

Bây giờ đã chẳng còn ai… Còn có ai? Tôi ngẩng đầu lên để cơn váng vất qua đi, và nhớ vợ con da diết dù họ thường lấy tôi ra giễu để mua vui. Trớ trêu cay nghiệt là ở đó. Tôi lại nhớ tới lời ông Tham, người thợ khắc cùng quê đó đã kinh qua bao tai ương sóng gió, hạnh phúc nhiều mà đớn đau cũng chẳng thiếu gì. Tôi lại nhớ… Tôi nhớ những gì? Làng Nhồi với vàng son nghề cổ trăm năm giờ dần mai một, học được ít chữ nghĩa cũng đành rút ruột gan ra chơi với giấy bút. Nghĩ nhiều quá, nhớ nhiều quá. Con người sinh ra vốn không phải để nhớ nhung, để viết lách, để hy vọng.

Tôi chăm chắm chú tâm vào làn sóng nước dập dềnh bởi cơn gió đêm. Bất chợt một tiếng kêu xé vang lên chói tai khiến tôi giật nảy mình. Đó là giọng một đứa bé gái. Tôi đứng bật dậy, lần theo dấu âm thanh tiến gần tới đụn rơm mà dân cày gom lại từ buổi chiều. Nắm chắc con dao găm cài ở thắt lưng, tôi thận trọng bước từng bước. Tiếng kêu đó đã ngừng lại. Nơi ấy, một người với bóng lưng gầy guộc đang loay hoay, tôi rút dao ra, hỏi lớn:

- Ai đấy?

 Tôi cố tình làm vậy là bởi để lấy dũng khí, bởi quanh sông ắt hẳn phải có nhà chài còn thức. Thằng tôi cũng nhát gan chẳng kém ai. Người nọ ngẩng đầu lên. Tôi kinh ngạc thốt:

- Bác Tham, bác làm gì ở đây vào giờ này?

Ông cụ bị giật mình, luống cuống chân tay một lúc rồi ngoẹo đầu cười:

- À, thằng Lý đấy hử? Hôm nay bác đánh rơi mất cái bút máy mày tặng, ngẫm đi ngẫm lại thì chỉ ở đây thôi.

Tôi ái ngại bảo:

- Thôi, để cháu gửi người ta mua cho bác cái mới, chứ bác tìm đêm hôm thế này nhỡ cảm thì sao.

- Ừ nhỉ, lẩn thẩn mất rồi.

- Mà… - Tôi sực nhớ ra việc kỳ lạ lúc nãy, thuận miệng hỏi – Bác có nghe thấy tiếng gì lạ không?

Ông cụ nhìn tôi trân trân:

- Tiếng gì lạ cơ?

- Cháu nghe như có tiếng trẻ con khóc – Tôi đáp lại.

Ông Tham phủi hai ống tay áo, cười bảo:

- Ở đây thiếu đếch gì trẻ con, chắc con gái mụ Phước đấy, nó mà khóc thì trên Thượng dưới Hạ đều nghe thấy.

Tôi gãi đầu, cười trừ:

- Vâng, vậy chắc cháu nghe nhầm thật. Mà để cháu đưa bác về luôn.

Ông Tham nheo mắt, khịt khịt chiếc mũi đầy sẹo rỗ, thủng thẳng nói:

- Thấy mày có lòng, vậy để bác gả con Phồng cho nhé?

Câu nói đùa của ông cụ làm tôi bật cười, bỗng chốc quên đi hết những điều phiền muộn đang ngổn ngang trong lòng. Sau khi tận mắt nhìn thấy ông Tham đi vào nhà, tôi cũng trở về. Dưới ánh đèn dầu tù mù, tôi lục tìm tập giấy trắng mà may thay lúc lên Hoà Bình đã mang theo ra và bắt đầu cặm cụi viết.

3.

Suốt ba bốn tháng trời ròng rã làm việc, hôm nay sẽ là ngày hoàn thành các công đoạn cuối cùng. Hiệp thợ phải chèo thuyền sang bên kia sông – nơi vách đá có khắc tấm bia cổ. Trong lòng chất nào là thuốc nổ, cuốc thuổng, dây thừng, các bọc cơm nắm độn sắn, một lọ mắm mà dân chài đưa cho khiến chiếc thuyền trầm hẳn xuống, những tưởng có thể lật úp bất cứ lúc nào. Thời gian này, chúng tôi cũng đã dần thông thạo sông nước nên không còn lúng túng như những ngày đầu nữa. Gió thổi có lẫn cát, ai nấy phải nhắm mắt lại để cho khỏi rát.

Dưới sông, các thân gỗ bị cuốn từ trên thác xuống dập dềnh nổi trôi. Đời người có bao lần nổi trôi… Trên bờ bên kia, lũ trẻ con nhảy xuống bơi ra vớt chúng lên rồi hò nhau công kênh vác về nhà.

Nước sông bốc mùi tanh. Trận gió ngày một mạnh, cây cối oằn mình xuống rồi quật bật thẳng lên.

Không rõ vì sao mà thời tiết hôm nay lại quái đản đến vậy. Chờ cho thuyền cập bờ, Lĩnh hiệu cho mọi người yên lặng rồi anh lấy trong chiếc túi vải ra một bó hương. Châm lửa, hương toả thơm, Lĩnh lầm rầm khấn vái. Chân hương bốc, gió chợt tan. Trái tim tôi nảy thình thịch trong lồng ngực, ngước cổ lên nhìn tấm bia, giống dây leo rừng nhanh tái sinh đã lại ôm chặt lấy nó chừng như không muốn để nó bị mang đi.

Lĩnh trèo lên trước, đến nơi, anh thả dây xuống. Buộc sợi thừng ngang bụng, tay cầm con dao quắm mài sắc, tôi vịn theo từng mỏm đá thuận lực của người bên trên để leo. Tìm được vị trí để đứng thăng bằng, tôi phạt bỏ những sợi dây dại, tất thảy mối lằng nhằng cuộn thành búi lớn rồi lăn tuột xuống, chìm nghỉm nơi đáy sông. Bỗng, con dao bập phải tấm bia gây ra một vết xước nhỏ, có máu rỉ ra từ đá. Tôi cả sợ, thiếu chút nữa thì trượt chân rơi xuống.

- Này, đặt thuốc đi – Lĩnh thấy tôi thất thần, mở miệng nhắc rồi theo sợi thừng, anh xuống thuyền trước.

Tôi choàng tỉnh lại, gật đầu rồi làm việc của mình. Liếc mắt nhìn tấm bia trong e dè, chỉ thấy mọi thứ đều sạch trơn như thể tôi chỉ vừa hoa mắt mà thôi. Xong xuôi rồi, tôi chuẩn bị châm lửa lên, hô lớn:

- Cho thuyền dạt ra đi!

Rồi cố gắng trèo ra xa khỏi khu vực đặt thuốc nổ, tấm bia cũng đã được cách ly đủ để không bị phạm phải những dòng chữ cổ, tôi nấp vào một khe đá hẹp.

Lửa bắt đầu cháy, gió khiến lửa cháy càng mạnh hơn.

Cơn chấn động bật ra, tôi chỉ thấy bốn bề rung chuyển, đất đá vụn bắn khắp xung quanh, có mảnh bập thẳng vào trán tôi khiến máu chảy ròng ròng. Tôi hơi ghé đầu ra xem, có thứ còn quan trọng hơn cả tính mạng lúc này, đấy là tấm bia. Nếu như nó có bất kỳ tổn hại nào, nếu vết nổ không đủ sâu để tháo được nó ra, nếu vết nổ quá sâu khiến tấm bia rơi xuống, chúng tôi sẽ thất bại. Hiềm nỗi, vừa kịp hé mắt thì cơn chấn động tiếp theo đã ập thẳng tới. Tôi không còn hiểu điều gì đang xảy ra nữa, chỉ thấy đầu như bị ai đó đập mạnh rồi hai mắt tối sầm...

Lúc tỉnh lại được thì tôi đã nằm trên cáng khiêng, bột đá lạo xạo trong miệng đắng ngắt như thuốc ký ninh chuyên trị sốt rét. Người tôi nóng bừng, dễ nhiệt độ phải bằng lò lửa. Tôi bặm môi cho đỡ háo nước.

- Tỉnh rồi đấy à? – Kiên, một người quê ở Ninh Bình hỏi tôi.

Hiện giờ tôi mệt đến nỗi chẳng thể nói được câu gì. Lĩnh bảo:

- May có cái khe đá, không thì chú đi đời nhà ma rồi.

Đi ngang qua cánh đồng, nơi ấy chỉ thấy hàng chục người xúm xít vào chỗ hố rơm bàn tán gì đó. Lọt qua đám đông là tiếng gào khóc nghe gờn gợn sống lưng. Tôi gượng ngẩng lên ngóng xem có chuyện gì đang xảy ra. Nhìn sâu vào, giữa những đầu người lố nhố là bà Phước. Sau giải phóng mới lấy chồng, mãi sau mới sinh được một mụn con, hiện bà đã gần năm mươi tuổi, rệu rã và héo mòn. Tính ra không rõ bà còn có kịp được trông thấy con mình đi lấy chồng hay không?

Lĩnh hỏi một người ở đó:

- Có chuyện gì thế anh?

- Con gái bà Phước chết rồi.

 Câu nói này vang lên khiến đầu óc tôi bỗng dưng quay cuồng.

Con bé chưa được mười tuổi, sao dễ dàng mà đi như thế? Hay là chết đuối?

Tiếng khóc của người tóc bạc tiễn kẻ đầu xanh vang lên rõ mồn một, cũng lúc này, tôi thấy ông cụ Tham đứng cạnh bà Phước, tóc ông đã bạc hẳn đi từ sau đêm hai chúng tôi gặp nhau. Cái đêm tôi nghe tiếng trẻ con khóc…

Lúc tôi tỉnh lại được thì thấy mình đã nằm ở nhà, Lĩnh ở cạnh giường đưa cho tôi cốc nước thuốc sắc bằng lá cây mà dân đi rừng bán cho. Rồi anh thuật lại hết mọi chuyện.

Ai đó đã cưỡng hiếp, bóp cổ con bé tới chết và giấu xác nó xuống hố rơm. Nhưng lâu ngày, đến thời kỳ thi thể bị phân huỷ, cái mùi đặc trưng đã cựa quậy thoát ra để tố cáo kẻ thủ ác.

Lĩnh thở dài đứng dậy, nói:

- Để anh xem còn ít gạo thì nấu cho chú bát cháo. Phúc tổ bảy mươi đời, chú chưa tan xác.

Tôi biết tính Lĩnh độc miệng nên chẳng oán trách gì cho cam. Tối hôm ấy, sau khi ăn xong cơm chiều, theo thói quen hằng ngày, tôi lại lôi xấp bản thảo ra viết. Ngày tháng đã mất, dòng sông trong chốc lát đã bị nhuốm đen bởi bàn tay của kẻ ác độc nào đó, tấm bia lịch sử đã được tháo dỡ thành công để lại một khoảng trống sứt sẹo đau thương nơi vách đá.

Tay cầm bút chững lại, tôi nhớ lại mái đầu bạc trắng của cha cô Phồng giữa đám đông ken đặc. Ký ức về cái đêm chúng tôi gặp nhau vụt hiện về. Tiếng trẻ con khóc, thi thể bé gái, ông Tham…

Tôi bỗng thấy lạo xạo nơi đầu lưỡi, mồm miệng đắng ngắt, tôi nhấc cốc nước thuốc lên uống một hơi song vẫn chẳng trừ được vị đắng ấy.

4.

Ngày tháng dềnh dàng, chúng tôi sắp phải trở về quê bởi việc đã xong mà người ta cũng chuẩn bị phá nơi này đi rồi. Có điều vụ giết người ấy vẫn đeo đẳng tôi mãi. Đã bao lần nhắc nhở mình rằng bản thân không có trách nhiệm phải nghĩ về nó nhưng cái bóng vật vờ của bà Phước ngày ngày đi khắp phố Bờ để tìm con cứ ám vào tôi. Đôi lúc ban đêm tôi còn mơ thấy linh hồn một đứa bé gái tới tìm mình, hỏi rằng vì sao không lôi hung thủ ra ngoài ánh sáng. Những phán đoán đôi khi chẳng thể chính xác. Tôi cũng chẳng thể đi hỏi ai.

Mùa cá sặc bùn, từng đàn từng đàn chết dạt vào bờ sông. Người người mang chậu, mang rá ra vớt. Nhiều cá quá, dùng không hết thì bỏ vào vại muối cho lợn ăn. Trên thượng nguồn, muốn bắt cá thì khó hơn, phải lội vào vũng bùn để tìm, có người bị ngạnh cá đâm vào lòng bàn chân đến không đi lại được.

Hôm ấy là một sáng đẹp trời, tôi đương vẩn vơ ngồi trước xấp giấy và suy nghĩ về chuyện ông Tham thì Lĩnh từ đâu chạy về, anh có vẻ rất gấp, thở hồng hộc nói:

- Cô Phồng, cô Phồng chết rồi!

Tôi giật mình nhảy dựng lên, trợn mắt hỏi:

- Chết, làm sao mà chết? Người đang sống sờ sờ ra đó.

- Cô ấy đi tìm cá tươi trên thượng nguồn, bị dẵm phải chỗ xoáy, bùn hút lún xuống không ai cứu được.

Tôi chết trân, thẫn thờ ngồi xuống:

- Ở đấy đông người như thế mà không ai cứu?

Lĩnh đáp:

- Ai cũng không cứu được, cô ấy lội ra xa quá.

- Cô ấy đi lúc nào?

- Vừa sáng nay.

Tôi thở dài. Cái chết không biết lựa chọn người tốt kẻ xấu. Tôi đứng dậy, mặc quần áo và đi lên phía thượng nguồn. Đến khi mặt trời đã cao quá ngọn sào mới tới được nơi.

Nắng chói chang khiến lớp bùn dần se khô lại. Tôi thấy cô Phồng nằm trên một manh chiếu, làn da cô tái bợt đi.

Bên cạnh đó, ông Tham thu mình cạnh con, mắt cứ hướng mãi về phía đống bùn đen. Tôi ngồi xuống cạnh ông, cát găm vào lòng bàn chân. Nước sông lững lờ chảy, bụi đất cát đá đều lắng sâu xuống chỉ để lại một tấm gương phẳng lặng. Nước sông lững lờ chảy, vi vút tiếng gió lùa qua những lùm cây rậm, tựa tiếng gọi vọng về từ kiếp khác. Nước sông lững lờ chảy…

- Bác còn nhớ con gái bà Phước chứ? – Tôi buông lời hỏi.

Ông Tham chầm chậm quay sang nhìn tôi, đôi mắt thất thần ẩn hiện một tia đau xót, ông phục xuống xác cô Phồng mà khóc rưng rức. Vẫn không có câu trả lời. Và, người luống cuống là tôi. Có lẽ tôi đã nhầm. Tôi là một thằng khốn nạn khi tìm tới một người cha vừa mất đi con gái để mà chất vấn, nhất là gia đình ông lại yêu quý đám thợ nhiều tới nhường nào.

Tôi thở dài đứng dậy bỏ đi. Bỏ cả những hoài nghi, những nỗi đau thương thuộc về nơi này. Sau lưng, nước sông thăm thẳm, nước sông mênh mang kéo một đường loang tới tận chân trời. 

Truyện ngắn của Phạm Thị Thuý Quỳnh
.
.