Con đường chưa đi

Thứ Hai, 24/08/2015, 08:00
Con Sủi thản nhiên bao nhiêu thì người lớn trong cái nhà này sốt ruột sốt gan bấy nhiêu. Mười bảy tuổi rồi chứ còn non nớt gì. Tính cả quãng tuổi trong bụng mẹ thì con Sủi đã mười tám. Ấy thế mà việc chồng con chưa đâu vào đâu. Mày có biết hôm nay nhà thằng Phù giả lời dứt khoát vào mặt thằng bố mày thế nào không? mà còn ngồi ì ra đấy. Sò muốn gầm lên như thế. Nhưng may mà kìm được.

Con Sủi đang ngồi trên bực cửa nhai mía chàm chạp thì Sò về. Trên vai Sò là khúc củi khá lớn. Khúc củi bị ném xuống sân, lún cả đất. Củi tươi. Mỗi ngày vài khúc củi tươi ném ngổn ngang ở sân. Dự báo là nhà có việc lớn, nhưng mà thong thả, chứ chưa ngay được. Sò hỏi con gái: "Mẹ đâu?". Con Sủi nhè cái bã mía ra khỏi miệng, lắc đầu. Sò không hỏi han gì thêm, đi thẳng vào bếp. Rồi trong ấy có sự to tiếng, cãi vã. Sủi thản nhiên nhai mía. Bố mẹ nó dạo này hay như thế lắm.

Con Sủi thản nhiên bao nhiêu thì người lớn trong cái nhà này sốt ruột sốt gan bấy nhiêu. Mười bảy tuổi rồi chứ còn non nớt gì. Tính cả quãng tuổi trong bụng mẹ thì con Sủi đã mười tám. Ấy thế mà việc chồng con chưa đâu vào đâu. Mày có biết hôm nay nhà thằng Phù giả lời dứt khoát vào mặt thằng bố mày thế nào không? mà còn ngồi ì ra đấy. Sò muốn gầm lên như thế. Nhưng may mà kìm được.

Dạo này, Sò đi lo liệu việc của nó mãi chưa xong. Mỗi lần gặp một người về, Sò vác theo khúc củi cho làng xóm đỡ bàn tán. Ông thầy người Tày bản Phùng xem cành lá mà Sò bứt ngoài cổng mang vào nhà, nói: "Đám này vỡ thôi, không thành đâu. Không hợp tuổi".

Bà bói người Dao tận trên Hon thì vừa cầm bàn tay Sò lên đã lắc đầu nguầy nguậy: "Đừng cho chúng lấy nhau, thần linh quở chết". Hôm nay Sò lên thị trấn, ông thầy người Kinh lấy bộ bài tây ra, đưa cho Sò, bảo tráo vài cái rồi rút ra một lá duy nhất. Thầy gật gật đầu, dù cái mặt không vui: "Nếu biết làm lí thì vẫn êm thôi, ở được với nhau". Sò nhìn con bài đen ngòm, hỏi ông cái lí thế nào, thì ông lắc đầu không biết.

Vợ Sò mới có ba mấy tuổi, nhưng mà trông thân hình đã như cây vừng phơi ngoài sân bị đập hết hạt. Mẹ con gái với nhau, cứ nói chuyện chưa kín một đường may gấu quần là đã cãi nhau. Cũng chỉ vì cái tội con Sủi chỉ ưng thằng Phù, chứ không thích thằng nào khác. Đấy, vừa tối qua hai mẹ con cãi nhau, con Sủi bỏ sang nhà bạn ngủ, sáng nay mới về. Cả đêm Sò chửi vợ không tiếc lời.

Vợ Sò nằm im nghe chửi, thi thoảng lại ho một cái, để Sò biết là vẫn còn thức. Ở nhà này, hình như Sò hợp và quý con Sủi hơn cả bốn thằng con trai. Quý hơn cả bạc. Thế nên, từ khi nó ngấp nghé có người dòm ngó, Sò đã chủ trương gả con chồng gần rồi. Xét ra, nhà thằng Phù là gần nhất, hợp lý nhất. 

Phù đang dạng chân bổ củi. Đống củi được bổ cao hơn đầu người. Phù vẫn bổ. Đến khi mẹ Phù lên tiếng: "Mày bổ nhiều để làm gì? Có lấy được đâu mà lấy", Phù mới ném búa, xuống bếp ăn cơm. Phù có hai đứa em gái đã lấy chồng. Bốn đứa còn lại sì soạp húp, nhai sồn sột, chỉ năm phút là đứng hết dậy. Bố Phù cầm cái măng luộc vàng óng giơ lên mắt, nheo nheo, như tính toán xem ăn cái gốc hay cái ngọn trước. Mẹ Phù cầm sừng trâu rót rượu ra ba cái chén. Ông nội Phù bưng chén đầu tiên. Cạn. Rồi đến bà nội. Rồi đến bố Phù. Được vài lượt thì cái sừng trâu chổng lên nhọn hoắt.

Ông nội đã đủ. Bà nội cũng đủ. Chỉ còn bố Phù là chưa thấy thấm tháp gì, nên lè nhè dọa nạt: "Cho nó ăn thịt cả cái nhà này đi. Móc mắt cả cái nhà này đi. Cho chúng mày chết hết cả đi". Chẳng thèm chấp lời đứa say rượu, ông bà đứng dậy đi ra ngoài. Ông ngồi dưới gốc đào, vót vót, chẻ chẻ bó nan để mai mang lên chợ đan rọ bán. Bà thì ngồi đầu hè, tay khư khư cuộn lanh mà bà chỉ rời ra lúc ăn và lúc ngủ. Bọn em Phù tản mát hết. Bố Phù sục sạo khắp nhà tìm rượu. Rồi cũng thấy.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Vì cái nhà này là do bố và ông nội làm, có cái ngõ ngách nào mà bố lại không biết. Ở với nhau hơn hai chục năm, mẹ Phù cũng hết chỗ giấu rượu rồi. Trưa đã đi sâu vào chiều bằng những cái bóng nắng cứ dài ra, dài ra mãi. Phù nằm ngủ mê mệt ngay trên bó cây ngô khô ngoài hè mà không vào nhà. Chỉ đến khi bị con lợn nái thè cái lưỡi ram ráp liếm vào bàn chân Phù mới tỉnh.

Phù năm nay hai mươi, hơn Sủi ba tuổi. Hai mươi tuổi mà không đi học ở đâu, cũng không đi bộ đội, là có lí do cả. Vì bàn tay phải của Phù từ lúc sinh ra, đã chỉ có ba ngón tay. Nếu không xấu hổ vì cái bàn tay khác thường thì Phù đã đi học như mấy đứa cùng bản rồi, đâu có cắt ngang lớp ba mà về lăn lóc với nương ruộng, than củi thế này. Người phản đối kịch liệt nhất việc Phù với Sủi không phải là bố hay ông bà nội Phù, mà là chú Dìn.

Chú Dìn là con út của ông bà nội. Chú hơn Phù đúng mười hai tuổi. Giờ, trong nhà Phù, có cả hai chú cháu đều cần lấy vợ. Vợ trước bỏ chú rồi. Cưới nhau hai người mới mười bốn. Còn chưa đủ tuổi ra ủy ban đăng kí, còn chưa trả xong nợ vay khi cưới vợ thì đã bỏ nhau xong. Tính đến giờ, chú có mười mấy năm ở không trong căn nhà ông nội làm cho hồi mới cưới vợ. Nghèo hèn thế, đứa nào dám lấy.

Cuối cùng thì bố Phù cũng có lúc tỉnh rượu. Đấy là lúc ông nội buông con dao và nắm nan rọ ra. Bà nội vẫn cầm cuộn lanh, vẫn chuốt chuốt, xe xe, nhưng mắt thì hóng theo miệng ông nội. Mẹ Phù thì cứ cởi ra lại cuốn vào cái xà cạp nơi bắp chân. Ông nói chuyện với bố. Nhẩn nha như người tra hạt. Chẳng biết lời ông có vào tai bố như hạt vào lỗ dùi không, mà bố lặng im. Thi thoảng bố đưa tay lôi cái mũ chàm ra khỏi đầu để gãi cái vùng tóc và da đầu suốt ngày được che đậy kín mít ấy.

Ông nội nói chuyện chú Dìn một lúc rồi mới chuyển sang chuyện Phù. Ông bảo là cứ để Phù lấy con Sủi đi, chẳng có đám nào ở bản này tử tế hơn đâu. Còn chuyện cấm kị, ông đã có cách. Phù thấy thấp thỏm quá. Thường ngày, ông nội ít nói chuyện với Phù. Ít hơn hẳn những đứa cháu khác. Phù lén đưa mắt nhìn mẹ thì bắt gặp ánh mắt lành lạnh của bà. Mẹ Phù tin thầy cúng hơn cả.

Thầy cúng người Mông là đại diện cho trời đất, thần linh, thầy nói là phải đúng. Thầy bảo con dâu của mẹ, vợ của Phù, nhất định không thể là Sủi được, thế thôi. Sợ mẹ mở lời lúc này là hỏng việc, Phù bèn nắm lấy tay mẹ, lắc lắc. "Ông nội nói đúng đấy mẹ ạ". Mẹ Phù rút bàn tay ra khỏi tay con trai, đứng dậy. Bố Phù cũng đứng dậy theo và nói như người ném thóc: "Muốn làm gì thì làm, lấy thì lấy, không nói nữa". Ông nội thở phào. Bà nội đứng dậy. Thế là mọi việc của Phù sẽ phó mặc cho ông nội. Dù sao Phù cũng nói được một câu để bênh vực cho cuộc hôn nhân của mình. Chứ chẳng như chú Dìn.

Chú Dìn câm bẩm sinh. Nhà này, nói chuyện với người câm giỏi nhất là ông nội. Từ dạo nghe tin thằng Phù yêu con gái lớn nhà Sò, ông nội đã thấy trước điều không hay. Ông nói chuyện ấy với chú Dìn trước tiên. Chú Dìn nhìn chăm chăm vào hai bàn tay của ông nội. Đến khi ông dừng những động tác vừa lạ lẫm vừa dữ dội thì chú Dìn rời ghế ngồi, bước ra thềm. Đôi mắt chú long lên, hai cánh tay múa may rất lạ. Có lúc, Phù thấy chú giống hệt như con hổ rình mồi và rượt đuổi con mồi một cách hung hãn. Có lúc Phù lại thấy chú như con thú bị săn đuổi, bị tấn công và tột cùng sợ hãi, tuyệt vọng…

Chú Dìn nói bằng ngôn ngữ của người câm với ông nội về cuộc sống của chú với người vợ trước đấy. Phù tuy không hiểu hết nhưng cứ giật mình thon thót. Phù với Sủi, hai đứa lớn lên bên cạnh nhau như những cái cỏ trong ruộng ngô, nấp bóng cha mẹ, ông bà, tổ tiên, tục quán mà lớn lên. Người lớn nói thì con trẻ phải biết nghe lời. Vì đâu mà hai đứa cưỡng lại lời người lớn?

Tất cả chỉ tại một lời hứa. Lời hứa mà Phù và Sủi cùng hứa với nhau rằng thương nhau đến chết, yêu nhau đến chết. Nếu hai đứa không lấy nhau, mỗi đứa về làm dâu, làm rể một nhà, thì sao có thể yêu thương nhau được nữa? Chẳng thà không lấy được nhau thì cùng chết cho xong. Gần đây, Phù nghĩ nhiều về cái sự chết, nhưng cứ để im trong bụng, không nói ra. Nên Phù mới bổ nhiều củi đến thế. Giờ nghe ông nội nói thế. Phù mừng lắm, sẽ phải nói ngay với Sủi mới được. Người lớn phải đợi ngày giờ tốt để nói, chứ Phù đợi sao được?

*

Trâu đã ở yên trong chuồng với lá ngô và cỏ dự trữ. Dê cũng ở yên trong chuồng. Chỉ có bọn trẻ con là tung tẩy nô đùa thỏa thích. Trai bổ quay chan chát. Gái phồng mồm thổi bóng bay. Trong nhà, trước bàn thờ, giấy xanh, giấy đỏ trang hoàng lộng lẫy. Nào là cuốc, cào, dao, búa. Nào là cày, bừa, là khung cửi, máy khâu, vải lanh. Tất cả đều sạch sẽ và được dán cho một miếng giấy đỏ tượng trưng cho tấm áo mới để đón xuân. Tất cả được xếp ngay ngắn bên dưới bàn thờ, bên dưới mâm cơm cúng tổ tiên thịnh soạn, có cơm nếp, bánh ngô, gà luộc và trứng vịt, muối, rượu, tiền âm.

Thần linh ăn tết trước. Rồi đến tổ tiên, ông bà. Rồi đến đồ dùng, vật dụng thân thiết ăn tết. Rồi mới đến người. Chiều ba mươi tết. Nhà nào nhà nấy đông vui, nhộn nhịp như một cái góc chợ. Vì ngày thường, người đi nương, người đi rừng, trẻ con đi học, làng bản vắng teo. Mỗi năm, chỉ có cái tết này là to nhất, là đông vui nhất thôi mà. Không khí trong nhà Sò khá ắng lặng. Vì chuyện của cái Sủi vẫn chưa rành mạch rõ ràng. Tuy nhiên, Sò vẫn cố tỏ ra bình tĩnh. Mâm cơm cúng vừa hạ xuống thì bọn trẻ reo lên. Có khách.

Sò nhìn ra sân, sững người vì bất ngờ. Sao lại thế này? Sao không nói để người ta chuẩn bị trước? Trong bóng tối đang ùa xuống gấp gáp là bốn bóng người đang đi vào. Người đi đầu là ông mối, người thứ hai là ông nội Phù, người thứ ba là chú ruột Phù và thứ tư là Phù. Khách quý đấy. Sò thấy tim mình đập mạnh. Cổ họng nghèn nghẹn. Thế rồi, ông mối đặt một chân lên thềm nhà Sò và cất tiếng hát.

Ôi, câu hát chào hỏi của người Mông được cất lên từ miệng ông mối. Sò nhìn quanh, nhà không còn ai khác ngoài mình có thể đối đáp trôi chảy với người đàn ông họ Má có tài ăn nói thế này. Sò hít một hơi dài và hát đối lại. Những câu hát đối mà Sò ngầm chuẩn bị từ khi con Sủi mới lên mười, giờ mới được cất lên. Một tay Sò cầm tay ông nội Phù, một tay cầm tay chú ruột Phù và rước khách vào nhà. Họ vừa hát vừa uống rượu với nhau chừng hai tiếng thì số phận của Sủi và Phù được định đoạt. Ngày tiến hành lễ hỏi cũng đã được định rồi.

*

Nói sao cho hết cái nỗi mừng vui của Sò. Thế là cuối cùng thằng Phù cũng thành rể nhà này. Con gái Sò yêu Phù có thể là vì cái tiếng khèn môi, vì cái điệu múa xoay tròn, vì lời ăn tiếng nói của nó. Còn Sò thì quý thằng Phù ở cái sức khỏe, cái nết chăm làm và cái bụng tử tế. Nhà nào có thằng rể như thế chả quý. Mỗi ngày tết đối với Sò đều là một ngày hội. Đến đâu, nhà nào Sò cũng khoe sắp lên bố vợ.

Mới đến mồng ba tết, Sò đã lại bàn thờ, lẩm rẩm "tao xin lỗi mày nhé" rồi cầm cây búa xuống, gỡ cái mảnh giấy đỏ dán trên cán búa ra. Sò xếp những khúc củi ngổn ngang ngoài sân vào một góc rồi hăng hái bổ. Vợ Sò chạy ra chạy vào, quét chưa sạch chỗ này, lại dọn chỗ kia như sợ không kịp. Vợ Sò giờ thì có thể ngẩng cao đầu mà bước ra đường rồi. Không sợ người ta nói này nói nọ nữa.

Trước đây, đứa em dâu nhắc khẽ: "Gió thổi rát mặt, lời nói lạnh tai, chị có nghe thấy gì không?". Giờ nó lại đổi sang "gió thổi mát mặt, lời nói ấm bụng". Gió ấy là cái gió đồn thổi, bàn tán từ miệng người thổi ra. Trước, người người chê, nhà nhà chê con Sủi là cái giống hổ cái vồ chết chồng con. Họ bảo con Sủi má hây hây đỏ như quả đào, mắt long lanh như thú rình mồi, tóc đen như bóng đêm và da trắng như bánh khoải trên mâm cúng. Nhiều nhà trong bản, nhiều trai trong vùng muốn lấy Sủi về làm dâu, làm vợ mà không được nên cứ bịa tạc ra đủ thứ chuyện.

Chả phải là Sò không thích thông gia với những nhà kia mà vì con Sủi nó chọn thằng Phù thì Sò phải chọn theo thôi. Nhiều đám, bỏ qua mà phải cắn răng lại vì tiếc. Ví như nhà thằng Sùng ở Lao Chải, bố nó là chủ tịch xã đấy. Hay như thằng Van ở Hầu Thào, bố nó làm hiệu phó trường học.

Hay như thằng Lở ở bản này, bố nó có mảnh đất to đùng trên phố, nghe nói bán đi thì thành người giầu nhất bản… Tiếc lắm mà đành chịu. Chỉ tại cái con Sủi cứng đầu cứng cổ. Nhiều lúc, Sò mong cho nó lên chợ, thằng nào đó cõng luôn đi, rồi cho đồng nào thì cho, còn đỡ thấp thỏm, phập phồng. Thế mà, chùng chình, dan díu vào thằng Phù ngót ba năm, giờ mới tạm thở xuôi được một cái.

Vợ Sò sinh con Sủi vào cái ngày giờ oái oăm bao nhiêu thì cái thằng Phù lọt lòng mẹ cũng chẳng tính giờ tính ngày gì cả. Dù sao, trong việc này Sò cũng có công nhiều nhất. Vì cuộc gặp gỡ giữa Sò và ông nội Phù chỉ là hú họa nhưng kết quả thì thật là suôn sẻ, thuận lợi đến không ngờ. Nghĩ miên man chuyện này chuyện kia, Sò bổ hết đống củi to tướng trong khi làng xóm vẫn ngất ngây say men rượu tết.

Người trong họ Má nhà thằng Phù có vẻ không mấy tán thành cái đám cưới cắc cớ này. Nhưng cũng đành chịu. Vì ông nội Phù đã quyết định thế. Ông xem ti vi, ông đọc báo, ông nghe đài, ông thấy các tộc người khác, người ta sống tân tiến đổi mới nhiều lắm rồi mà người Mông cứ ì ạch đằng sau với bao nhiêu thứ tục lệ trói buộc, níu kéo.

Ông còn nhớ, hôm ấy ở chợ, vừa bưng chén rượu lên miệng thì Sò bước vào. Ông với lấy cái chén, rót cho Sò chén đầy, bưng lên tận miệng. Sò không uống. "Mày chê rượu đắng à?". Sò bảo. "Rượu có thể ngọt, nhưng cái miệng người đắng lắm". Ối dà, cái thằng này văn vẻ quá, khác xa với thằng con hay rượu của ông. Đắng hay ngọt thì nó cũng phải say trước đã, rồi tỉnh mới nói chuyện. Không muốn để cái thằng bằng tuổi con trai mình khinh, ông nắm tay Sò mà hứa hẹn. "Việc của con hổ với con lợn ấy, để lão già này lo. Không lo được thì cái chén này vỡ đôi".

Ý ông nói là nếu không giúp được việc gì cho hai đứa thì ông không bao giờ uống rượu nữa. Cuộc chiến đấu giữa con người với tập tục mà thần linh và tổ tiên quy ước, thật không dễ dàng. Chẳng biết từ bao giờ, người Mông vùng này lại sinh ra cái thói kiêng kị là không cưới con dâu tuổi hổ cho con trai tuổi lợn, tuổi khỉ. Ông đã lặn lội để gặp gỡ bao nhiêu người già trong bản, trong vùng để nói chuyện về cái cách nào đó có thể khiến thần linh mủi lòng, chiếu cố và tổ tiên tha thứ, vì chúng nó chót thương nhau rồi. Nếu không kĩ càng, thằng Phù có mệnh hệ gì thì ông ăn nói thế nào với con dâu, con trai?

Thằng Phù là đứa con trai duy nhất của bố mẹ nó đấy. Thằng bố nó, được ông nuông chiều, nên sinh ra hư hỏng, nát rượu. Giờ đến thằng Phù, ông không dám gần gũi, mơn trớn, chỉ dám lẳng lặng ủng hộ, giúp đỡ nó thôi. Với lại, vẫn còn trong lòng ông, nỗi ám ảnh về thằng Dì#n với cái hốc bùng nhùng mắt nhoe nhoét máu đêm ấy.

Nhớ đến đám cưới thằng Dìn, ông run người lên. Hôm cưới con dâu về, lửa đốt cả đêm trong buồng cưới. Dao búa, kiếm, gậy dắt đầy vách. Chưa kể bao nhiêu thứ mặt nạ ma quỷ mà thầy cúng dán lên màn theo nghi lễ là để hạn chế và hủy diệt sự nguy hiểm của "vía hổ". Đứa con dâu mười bốn tuổi phát hoảng với sự đón tiếp kì dị, cuống lên, nó hỏi chồng, dù biết chồng bị câm. "Thế này là thế nào?".

Dìn không trả lời nó được, vì hai cái tay nói cả ngày đã mệt quá rồi, thõng thượt trên đùi. Thế là con dâu nổi cơn điên lên. Nó lao vào giật lấy và xé toang những mặt nạ. Chưa thỏa, nó điên cuồng cào cấu, cắn xé chú rể. Cửa chốt trong, tiếng ú ớ của kẻ câm không đánh thức được những cơn say ngủ mê mệt. Dìn đã mất một con mắt ngay đêm chồng vợ đầu tiên. Rồi làng xóm, họ hàng trách ông, sao lại lấy về con dâu tuổi hổ, lại là con hổ bị bệnh thần kinh, bệnh viện nhà nước đã trả về và các thầy cúng cũng không chữa được?

Ông không biết giải thích thế nào. Chỉ biết tự an ủi mình, an ủi con. Có đứa con gái nào bình thường mà lại chịu lấy một thằng con trai vừa câm, vừa thọt, vừa nghèo hèn như thằng Dìn nhà ông? Thôi thì số cái con lợn què nó thế. Được mấy năm thì con dâu tự bỏ về nhà đẻ. Thằng Dìn không đi đón vợ. Thế là chúng nó tan vỡ. Giờ cả hai đứa ở không, không dám mon men đến gần nhau. Có lẽ nào, chính cái hủ tục khiến con người ta khốn khổ? Nhưng tục lệ luôn có cái lý và sức sống của nó. Giữ lấy hay bỏ đi? Ông là cái thá gì mà dám quyết đây.

Giờ đón dâu là giờ con dê, ban ngày ban mặt. Chứ không thể giờ đêm như nhiều đám khác. Dù đã được căn dặn trước, nhưng Sủi đã ứa nước mắt khi thấy người nhà chồng trùm khăn kín mặt mình cho Phù cõng đi. Lối đón dâu về là một con đường vòng. Con đường cô dâu chưa từng đi bao giờ. Thầy cúng bảo, có như thế thì cô dâu mới không bỏ nhà chồng mà về được.

Dọc đường, những lá bùa, những hình nộm được bố trí rất lạ. Ở mỗi chặng cô dâu, chú rể và hai họ dừng chân nghỉ uống nước, đều treo một con lợn nhỏ còn sống kêu eng éc trên cành cây. Đoàn đón và đưa dâu đông đến năm chục người. Tất cả đều lặng lẽ, không nói cười ồn ã như những đám đón dâu khác. Giữa ban ngày mà còn đốt đuốc soi đường. Phù thấy lạ lắm nhưng không dám thắc mắc gì cả, chỉ cắm cúi bước đi, ngay cả thở mạnh cũng không dám vì sợ vợ biết.

Sau một giờ rồng rắn, đi tắt qua ruộng ngô, vườn đào, ruộng lúa, cuối cùng đoàn đón dâu cũng về đến nhà Phù. Lưng áo Phù ướt đầm. Lễ cúng tổ tiên của thầy cúng diễn ra khoảng một canh giờ. Sủi đã muốn lả đi vì mệt thì thầy cúng dắt tay cô dâu chú rể đi vào buồng của hai người.

Căn buồng tối om. Hai cây nến đỏ không đủ chiếu sáng. Giờ là lúc Sủi được gỡ cái khăn trùm trên mặt ra. Sủi dụi mắt một lúc rồi mới dám nhìn quanh căn buồng. Một cảnh tượng hãi hùng hiện ra làm cô dâu mười bảy tuổi ngã quỵ xuống. Mọi người xúm vào, khiêng Sủi lên giường. Người nhà trai tỏ ra vui mừng khôn xiết.

Ông nội, bà nội và mẹ Phù gà gật bên ngoài buồng cô dâu chú rể không ai dám ngủ. Vẻ mặt mọi người đăm chiêu và nơm nớp lo âu. Ngoài xó cửa, bố Phù gối đầu lên cái chổi chít mà ngủ, ngủ trong cơn say bí tỉ chả khác ngày thường là mấy. 

Sủi đã ngủ một giấc dài mê mệt, đến khi mở mắt thì trời đã tang tảng sáng. Buồng im ắng. Phù đang ngồi cạnh, nắm chặt bàn tay Sủi. Sủi đã bình tĩnh lại, vẫn thấy con lợn to, phanh đôi, treo lủng lẳng ngay trên cột, cách cô chỉ một với tay, máu đã se lại, bầm tím. Xa hơn là cái đầu dê với hai con mắt nhìn Sủi thao láo. Cả căn buồng toàn mùi máu tanh ngòm. Phù cười ngượng nghịu: "Đấy là thức ăn của hổ. Để hổ tha cho chú rể đêm nay. Để chú rể được sống và chăm sóc cô dâu trọn đời". Sủi nghe thế thì òa lên nức nở.

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân
.
.