Con đẻ con nuôi

Thứ Sáu, 06/05/2016, 08:11
Từ khi biết chuyện con đẻ con nuôi, ông Thịnh như bị con ma vô hình hớp hồn, bồn chồn trong bữa ăn lẫn trong giấc ngủ. Những trăn trở, hụt hẫng hằng ngày đè lên ngực ông. Nhiều đêm trằn trọc, thắp cây nhang cho vợ, nằm xuống thì thấy bà  hiện về, đi quanh giường, nhìn các góc nhà như tìm ai đó rồi đưa tay quệt nước mắt. Đúng là bà ấy về tìm con rồi...

Ông Thịnh ngồi trên bậc cửa chẻ tre vót đũa. Đám gà con chiếp chiếp chạy quanh, thi thoảng vươn đôi cánh còn ngắn cũn để thử sức. Có bóng người đi từ ngoài vào. Ông Thịnh ngước nhìn, một bà trạc tuổi thất tuần, tóc bạc quá nửa đầu, hai má sệ xuống. Bà tên là Thuận, từ dưới tỉnh lên. Sau khi hỏi cặn kẽ về gia đình ông Thịnh và biết chắc ông là người mà bà cần gặp, bà Thuận bắt ngay vào câu chuyện:

- Tôi gặp riêng ông để nói chuyện này. Tôi đã làm nhầm con trai ông với một đứa con trai khác.

Ông Thịnh trố mắt nhìn. Bà Thuận chắp tay xin lỗi, giọng rung rung:

- Hồi ấy chị nhà vì hay bị đau bụng nên đến gần ngày sinh đã xin xuống bệnh viện tỉnh nằm chờ. Có bà mẹ đi cùng. Tôi làm y tá bệnh viện. Bà sinh cháu trai và đặt tên là Tiến. Nghĩa là tiến lên. Cùng lúc có  cô sinh viên bị lừa gạt nên mang thai, khi biết thì đã quá muộn. Cô ấy cũng sinh con trai đặt tên là Tiền, mong con sau này kiếm được nhiều tiền. Nhưng cô ấy nhờ tôi, nếu ai xin thì cho họ nuôi, cô không thể nuôi được. Mỗi cháu sơ sinh  quấn một cái tã bằng vải có ghi tên vào. Trong  mấy ngày đó tôi đang lấn bấn về chuyện hiểu nhầm của chồng, công việc bị phân tán nên một lần tắm tôi đã quấn nhầm tã của cháu Tiến với tã của cháu Tiền, bởi hai cái tên chỉ khác nhau cái dấu nên cũng dễ nhầm. Có người đã nhắc nhưng tôi nhất quyết là mình không nhầm. Bởi vậy mới nên nông nỗi này.

 Ông Thịnh không giữ được bình tĩnh:

- Chuyện xảy ra cách đây đã hơn ba mươi năm mà sao bây giờ bà mới nói? Bà định hại tôi à?

 Bà Thuận thở dài:

- Thực ra tôi cũng không nhớ, có điều sang năm nay tôi ngủ thường thấy chị nhà hiện về, chỉ tay vào mặt tôi quát: Con tao đâu? Thằng Tiến đâu? Rồi chị ấy gào  khóc. Tôi sợ quá, có lúc như hoảng loạn. Tôi đang khỏe đột nhiên đổ bệnh. Người ta bảo thánh Nam Tào sai quân về bắt. Tôi sợ quá, cố vắt óc để  nhớ lại. Tôi lên bệnh viện xin xem lại hồ sơ, đi tìm hỏi một số người cùng công tác lúc đó, nay đã nghỉ hưu. Tôi thấy quả là đã có sơ suất. Tôi đau khổ và ân hận vô cùng. Đắn đo mãi tôi mới đánh bạo đi tìm và nói chuyện với ông chứ có dám lộ ra với ai đâu?

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Ông Thịnh lặng im, sắc mặt đổi khác. Từ giận dữ sang trầm ngâm. Ông chợt nhớ mấy lần cũng mơ thấy bà vợ hiện về, đi quanh giường, như tìm kiếm cái gì. Ông  nghĩ người già kém ngủ, mơ thấy lung tung là chuyện thường. Nay nghe bà Thuận nói vậy ông bỗng giật mình:

- Bà có biết cậu kia giờ sống với ai không?

- Nó ở ngay thành phố chứ đâu?

Nói rồi bà Thuận đưa cho ông xem tấm hình của người con trai ấy mà bà có được cách đây hơn tháng. Nhìn thoáng qua cũng nhận ra anh ta có cặp mắt tròn và đường sống mũi dẹp, dài giống bà vợ ông, còn dáng người thì nhiều nét giống ông, cao to, cặp vai bành chắc, hai cánh tay rắn rỏi sung sức. Lẽ nào nó lại chính là thằng Tiến, con trai ông? Ông Thịnh nuốt ực miếng nước bọt, lặng người đi.

- Tôi tìm gặp ông để nói sự thật câu chuyện và chính là để tạ tội trước vong linh của chị nhà. Mong chị nhà bỏ qua cho. Còn bây giờ nên  ra sao, đó là tùy ông. Tôi sẵn sàng giúp đỡ khi ông có yêu cầu. Có điều tôi cũng hơi buồn về thằng Tiền, nó được bố mẹ nuôi nuông chiều từ bé nên lớn lên công ăn việc làm cũng chả ra sao, mải chơi quá, đã ngoài ba mươi mà vẫn chưa chịu lấy vợ. Ông bà đằng ấy cũng buồn lắm. Nếu ông cần gặp thì tôi sẽ cho người đón ông xuống tỉnh.

Từ khi biết chuyện con đẻ con nuôi, ông Thịnh như bị con ma vô hình hớp hồn, bồn chồn trong bữa ăn lẫn trong giấc ngủ. Những trăn trở, hụt hẫng hằng ngày đè lên ngực ông. Nhiều đêm trằn trọc, thắp cây nhang cho vợ, nằm xuống thì thấy bà  hiện về, đi quanh giường, nhìn các góc nhà như tìm ai đó rồi đưa tay quệt nước mắt. Đúng là bà ấy về tìm con rồi.

Ông dằn vặt, không biết nên bắt tay vào việc này  như thế nào? Chưa lúc nào thấy cô đơn như lúc này. Nhà có ba đứa con, hai gái đầu thì vào Nam tìm việc rồi lấy chồng, sinh cơ lập nghiệp ở trong đó. Ngoài này chỉ có thằng Tiến - là con út. Nó học Trung cấp Cảnh sát xong được phân công vào Sài Gòn nhưng nó xin ở lại làm ở Trại tạm giam Công an tỉnh.

Nơi ấy khó khăn nhiều mặt, ở cách tỉnh lỵ gần hai chục cây số lại giáp bìa núi. Ai cũng tránh ra nhưng thằng Tiến lại xin về vì lí do đơn giản là trại chỉ cách làng chưa đầy chục cây số, nó tính về đó được gần nhà để chăm sóc bố mẹ. Rồi nó  lấy vợ là giáo viên cấp 2 ở ngay trong xã. Mấy năm bà Thịnh ốm liệt giường liệt chiếu, may mà có vợ chồng nó gần gũi săn sóc nên bà Thịnh cũng sống thêm được dăm sáu năm và ra đi thanh thản.

Ông rất hạnh phúc khi thấy có Tiến sống bên cạnh, thân hình to cao, tuy nóng tính nhưng có chí tiến thủ. Hơn mười năm vừa đi làm vừa đi học, có được cái bằng đại học tại chức, vừa rồi được cất nhắc lên cái chức đội trưởng, với cái làng ít quan chức này, cái mác đội trưởng của trại tạm giam cũng là “oách xì dầu” lắm rồi.

Ông Thịnh định vào thăm  hai đứa con gái, tiện thể để nói chuyện này. Xem ý chúng nó ra sao? Nhưng nếu thằng Tiến biết chuyện thì sao? Nó lại xồn xồn lên hỏi dồn ông tại sao không nói chuyện ấy với nó thì ông biết tìm lỗ ở đâu mà chui xuống? Nếu nói chuyện này với thằng Tiến thì nó sẽ nghĩ sao? Nếu vợ chồng nó bỏ đi thì ông sẽ sống với ai? Nếu…, nếu… và nếu... Ông Thịnh cứ quanh đi quẩn lại trong sự chần chừ như vậy. Ông gầy hẳn, trán nhô ra, hai má tóp lại, nhìn ông ai cũng đoán như là người đang ủ bệnh.

Nhiên - vợ Tiến là người nhạy cảm, không có chuyện gì mà qua được tai mắt. Nhiên đã bí mật dò la chuyện người đàn bà xa lạ tìm đến gặp ông Thịnh. Bà ấy không phải là người tình cũ mà là người có liên quan đến chuyện con đẻ con nuôi. Nhiên đã rỉ tai chuyện này với chồng. Nghe xong, Tiến “e hèm” một cái thật  to rồi ngồi thừ ra. Vẫn là cái điệu muôn thuở. Chờ mãi thấy Tiến vẫn ngồi im, Nhiên đùa:

- Nếu ông đồng ý thì vợ chồng mình hoán đổi. Anh ấy về ở với ông. Vợ chồng mình về thành phố. Đằng nào cũng là con nuôi nhưng về thành phố ở cho sướng.

Tiến trừng mắt nhìn vợ “e hèm” một cái nữa rồi nói như quát:

- Cô đi ngay đi. Tôi chẳng đi đâu cả, chỉ biết ông Thịnh là bố tôi thôi.

Rồi Tiến chủ động gặp bố Thịnh để hỏi rõ sự việc. Ông Thịnh đè tay lên ngực cho đỡ bớt ho, giọng như yếu hẳn:

- Chuyện không có người nói ra thì thôi, bây giờ đã như thế này, mẹ con nằm dưới mồ cũng không yên, đêm cứ hiện về khiến bố thêm não lòng não ruột. Bố cũng chưa biết tính ra sao? Con có cách gì giúp bố với.

Thấy bố buồn phiền quá, Tiến “e hèm” rồi nói để ông bớt nghĩ:

- Chuyện này bây giờ có gì là khó đâu bố? Thử một phát ADN là xong ngay.

- Nhưng nếu đó là sự thật thì mình tính sao?

Tiến cười:

- Lúc đó thì tùy bố, muốn đón về ở đây cho vui cũng được.

Ông Thịnh cầm tay Tiến:

- Nghe nói anh ta công việc không ra gì, nếu về đây vừa khó cho bố vừa làm mất uy tín của anh thì sao?

Tiến lại cười:

- Bắt đi cày đi bừa dăm hôm nửa tháng là hết cái bệnh lười ngay. Không chịu được thì cho vào trại.

Thằng Tiến ăn nói dứt khoát mang tính cách của người quản trại. Nói cái gì cũng đanh mà nghe nhẹ tênh. Mọi khi có việc gì nghe Tiến nói như vậy thì ông yên tâm, còn trong chuyện này ông lại thấy khó hiểu. Không biết trong bụng nó nghĩ những gì? Ông lại nghĩ nhiều về thằng Tiến kia. Linh tính mách bảo hay sao mà chỉ mới nghe như vậy, ông Thịnh đã nghiêng nhiều về khả năng nó chính là con trai ông bị thất lạc. Ông thương nó, nghĩ mông lung về nó. Không biết có phải vì được nuông chiều mà nó sinh ra lười nhác, hư hỏng hay là do nó bị lưu lạc, ông trời lấy mất thần hồn nên bị ma quỉ sai khiến như thế? Tự nhiên nước mắt ông ứa ra.

*

Mấy ngày nghỉ, Tiến nói là đi công tác xa không về được. Nhiên sinh nghi. Tiến lâu nay có nghe anh ấy nói đi công tác xa bao giờ đâu? Bây giờ lại nói như vậy. Trước đó thì anh bảo vợ rút tiền tiết kiệm để đem đi. Đi công tác ở đâu mà Nhiên lên hỏi cơ quan không ai biết cả. Hay là anh ấy đã có suy nghĩ gì khi biết mình là thằng con nuôi? Anh ấy cũng đi tìm bố mẹ chăng? Hay anh đang tính chuyển đi xa khỏi cái làng này? Nhiên lo lắng đem chuyện sang nói lại với ông Thịnh. ÔngThịnh nghĩ có lẽ Nhiên nói đúng. Từ trước đến giờ nó là người tốt. Nhưng biết đâu nghe chuyện con nuôi con đẻ, nó lại suy nghĩ khác. Lòng người đổi thay ai mà lường được. Càng nghĩ ông Thịnh như đứng ngồi trên đống lửa.

Tiến nói với vợ là đi công tác xa mấy ngày, kì thực là anh xuống tỉnh để tìm hiểu về Tiền. Đúng như những gì mà bà Thuận đã nói với ông Thịnh. Vợ chồng ông Phượng - Giám đốc Công ty Thương mại lâm sản và bà Mỹ - là cán bộ  Sở Tài chính đều không có khả năng sinh con nên họ đã nhờ xin con nuôi. Bà Thuận đã giúp làm việc đó.

Tên người con nuôi là Tiền, về sau đổi là Quyết. Vợ chồng ông Phương tuy không phải là đại gia nhưng cũng vào loại làm ăn khá nên  có phần nuông chiều Quyết từ khi còn nhỏ. Bây giờ đã ngoài ba mươi mà công ăn việc làm vẫn chẳng đâu vào đâu, mải chơi quá chẳng thiết lấy vợ, ham rủ bạn bè đánh bài, ngồi “buôn dưa lê” ở các quán.

Tiến ngồi một mình trong phòng, uống hết hai ấm trà mà vẫn thấy trong người bức xúc. Như nghĩ ra điều gì, anh vội khoác áo, phóng xe đến nhà Giám thị.

...Mấy ngày sau Quyết bị bắt đưa vào trại tạm giam về hành vi đánh bài ăn tiền. Tiến gọi lên hỏi. Hắn đi ưỡn ngực, hai tay khuỳnh ra, mắt nhìn ngược nhìn xuôi ra vẻ tự tin. Bảo viết tường trình, hắn không viết, đánh bài ăn mười nghìn một ván, bé tẻo teo, có gì mà cứ bé xé ra to. Hắn thách đố: rồi sẽ biết tay nhau. Tiến như không nghe biết câu nói ấy, anh “e hèm” thật to, nói từ tốn mà kiên quyết: “Không viết thì cứ ngồi đó mà chờ, đã vi phạm thì mức nào cũng có thể xử được”.

Thấy Tiến cương quyết, hắn phải chùn bước cuối cùng phải viết. Tiến bắt viết đi viết lại mấy lần rồi gọi lên hỏi xoáy, hỏi từ chuyện đánh bài ăn tiền sang chuyện lười lao động, không chịu đi làm, ăn bám bố mẹ. Thì ra Tiến đã biết rất nhiều về hắn. Quyết nghĩ và bỗng chốc đã thay đổi thái độ, không dám hung hăng như lúc đầu.

Nghe tin Quyết bị tạm giữ về tội đánh bạc, vợ chồng ông Phương rất lo lắng.  Không hiểu nó đánh bạc cỡ nào mà lại bị bắt như thế. Vợ chồng bàn với nhau rồi vội vào trại để tìm cách xin cho nó ra. Tiến tiếp vợ chồng ông Phượng ở phòng khách và xếp cho Quyết ngồi nghe ở phòng bên cạnh. Họ hỏi về mức độ vi phạm của Quyết. Tiến trả lời chung chung là đang trong quá trình điều tra, không thể tiết lộ được.

Họ hỏi chừng nào thì cháu được ra. Tiến cũng trả lời rằng đang tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm.Nếu không có gì thì sẽ cho về trong ngày một ngày hai, nếu có những nghi vấn cần làm rõ thì cũng chưa nói trước được. Tiến nói giọng bình thường nhưng ngẫm kĩ thì thấy rất cứng, không chút khoan nhượng.

Ngồi trao đổi một lúc, ông Phượng đạp nhẹ vào chân vợ. Bà Mỹ hiểu ý liền mở túi lấy ra chiếc phong bì đưa về phía Tiến. Tiến cười, phong bì à? Bà Mỹ vội nói ngay, biết các anh làm việc ngày đêm vất vả, chúng tôi không làm sao mà chia sẻ được, có chút quà nhỏ gọi là…

Tiến đẩy phong bì lại rồi vẫn giữ nguyên nụ cười, nói: “Bệnh của Quyết không chữa bằng tiền được. Ở đây chúng tôi đã có một loại thuốc đặc trị rồi. Đó là kỉ luật, trách nhiệm, lương tâm và tình thương. Những thứ đó trộn lẫn với nhau, hằng ngày cho anh ấy uống. Chịu uống thì chóng khỏi, nếu không thì cũng đành chịu”. Vợ chồng ông Phượng nghe vậy, không nói lại được câu nào đành im lặng ra về, trong lòng đầy lo âu bởi cách nói chung chung của Tiến.

Kiểu này thì phải chạy án cho nó. Có người rỉ tai với ông Phượng, bà Mỹ như vậy. Phải tìm đến tận nhà, đi cửa sau, lót tay cho bà vợ mới xong, chứ chạy án mà đến trại thì hạ sách rồi. Ông bà Phượng hiểu ra ngay rồi chuẩn bị quà, tìm đến nhà của Tiến ở quê. Ông bà Phượng không ngờ rằng Tiến là con nuôi ông Thịnh, mà ông Thịnh lại chính là bố đẻ của Quyết theo như lời bà Thuận khẳng định.

Ôi trời đất, sao mà oái oăm thế. Thế này là thế nào? Bà Mỹ đặt túi quà xuống rồi nói như năn nỉ, mong ông Thịnh ra tay giúp, đừng để anh Tiến vì chuyện con đẻ con nuôi mà ra tay với thằng Quyết thì ông bà không sống nổi. Nghe vậy ông Thịnh lại càng nóng ruột. Thì ra Tiến đã giấu ông về chuyện bắt thằng Quyết vào trại. Sao lại làm thế hả Tiến? Ông thầm kêu lên như vậy rồi giục Nhiên gọi ngay thằng Tiến về cho ông. Phải tin cho Tiến về ngay.

Tiến đang đọc bản tường trình viết đến lần thứ 3 của Quyết. Lần này thì Quyết đã chịu nghe theo. Anh ta viết đầy hai tờ giấy A4. Nội dung cũng thật hơn. Những gì mà Tiến yêu cầu đều đã có trong bản tường trình, Quyết ngồi đối diện nhìn cặp mắt Tiến nhíu lại mà trống ngực cứ đập mạnh. Chỉ sợ Tiến bắt bẻ chỗ này chỗ kia, bắt viết lại thì gay. Nhưng rồi Tiến gật đầu mỉm cười, thái độ khác hẳn mọi hôm.

- Tường trình thế này là được - Tiến nói - Cái bệnh phải chữa của anh là không chịu làm việc, ngại lao động, từ đó mà ham chơi cờ bạc. Vậy bây giờ anh có quyết tâm sửa chữa không?

Quyết im lặng. Tiến lại nói tiếp:

- Anh cố nghĩ sâu một tý, anh định sau này sẽ sống thế nào khi bố mẹ đã già yếu. Mình lớn lên nhờ bố mẹ thì sau này mình phải có trách nhiệm trở lại. Nếu cứ như thế này thì anh không thể nuôi nổi anh chứ đừng nói gì đến chuyện nuôi bố mẹ. Mà bố mẹ anh đến lúc chết chắc cũng không cần tiền, ông bà chỉ cần anh thành người. Người khổ nhất chính là anh. Không thể chậm trễ được nữa đâu anh Quyết ạ, bởi bố mẹ anh cũng đã gần xế bóng rồi. Từ chiều ngả về tối là nhanh lắm đấy. Một ngày qua đi là một ngày anh xa bố mẹ thêm một tí. Anh phải sốt ruột chứ. Không nên dửng dưng mãi nữa. Tôi muốn giúp anh làm điều đó. Anh thấy thế nào?

Quyết ngước nhìn Tiến, cảm thấy ở Tiến thái độ và tình cảm với mình đã thay đổi hẳn. Những gì Quyết nghe được làm cho anh thật xúc động. Hôm nay Quyết như mới thấy rõ hơn, thật hơn về Tiến.

Tiến đang nói thì vợ từ nhà gọi điện thoại tới. Nghe vợ kể chuyện vợ chồng ông Phượng tìm đến nhà cạy cục. Ông Thịnh sốt ruột bảo anh phải về ngay. Tiến trả lời là không về. Không bao giờ anh giải quyết việc cơ quan ở nhà cả.

Chờ cho Tiến quay lại bỏ điện thoại vào túi, Quyết mới nói:

- Thưa anh, tôi hứa với anh lần này về nhà sẽ làm lại tất cả.

Tiến cầm chặt tay Quyết nói “tốt, tốt”, khiến Quyết cảm thấy như có dòng điện sung sướng lan chạy khắp người. Im lặng một lúc Tiến nói nhờ Quyết giúp đỡ một việc. Quyết gật đầu chấp thuận ngay. Bếp ăn của đơn vị được thuê 3 suất làm hợp đồng, nhưng hiện nay có một cô xin nghỉ đẻ 6 tháng chưa tìm được người thay. Quyết ở lại làm giúp, khi nào có người thay thì thôi.

Nói rồi Tiến dẫn Quyết xuống nhà bếp gặp một cô gái rất trẻ tên là Hậu: “Chú giao cho cháu cùng anh này làm ca chiều nhé”. Hậu “dạ” rồi kéo ghế cho Quân cùng ngồi. Hậu đặt mấy bó rau muống xuống bên cạnh rồi nói: “Nhặt đi anh, cùng làm với em cho vui”. Nghe cái giọng rất tự nhiên khiến Quyết không còn cảm giác bỡ ngỡ. Hậu có nước da trắng hồng, mặt tròn và mái tóc dài, thuộc vào loại mới nhìn đã thấy “bắt mắt” ngay, tốt nghiệp Trường Trung cấp Thương mại của tỉnh, chưa có việc làm, mới xin vào làm hợp đồng được gần 3 tháng nay.

Hậu hỏi Quyết: “Anh quan hệ họ hàng thế nào với chú Tiến?”. Quyết trừng mắt: “Họ hàng gì đâu? Anh bị anh ấy bắt vào đấy chứ”. Hậu bĩu môi: “Anh giấu em làm gì? Chú ấy đã nói cho em biết cả rồi, anh là con một người bà con với chú ấy, vì ham chơi không chịu đi làm nên chú ấy đưa anh vào đây để giúp đỡ tiến bộ, chứ có phải tội phạm gì đâu?”. Hậu nhìn lại rồi quay mặt mỉm cười, hai má đỏ bừng: “Chú ấy còn nói bố anh là giám đốc công ty, mẹ cũng là cán bộ tỉnh, gia đình có điều kiện như vậy sao anh lại bỏ lỡ, dại thế?”. Quyết lặng người, không nói ra được điều gì hơn. Bất chợt mấy sợi tóc dài của Hậu bay vờn trước mặt Quyết, tỏa mùi thơm nhẹ.

Hậu bày cho Quyết cách ngắt, rửa rau, vo gạo, nhóm lò. Quyết học rất nhanh. Mới có vài ngày mà cả hai đã quen thân nhau. Rồi Hậu rủ Quyết xin ở lại làm hợp đồng cùng mình cho vui. Quyết lặng im nhìn sang bắt gặp ánh mắt Hậu nhìn vội, đôi má nóng bừng.

Quyết điện thoại về kể hết mọi chuyện trong trại cho bố mẹ nghe. Câu chuyện nghe có vẻ như huyền bí ấy rồi cũng được ông Phượng, bà Mỹ và rồi cả ông Thịnh  hiểu. Thì ra trong chuyện này Tiến đã có cách đi riêng.

Ông bà Phượng vào trại đón Quyết về. Cùng lúc ông Thịnh xuất hiện. Ông Thịnh cầm chặt tay Tiến rồi ôm lấy vai Quyết. Như hiểu được nỗi lòng ông, Tiến nhìn mọi người, cất giọng “e hèm” rồi nói:

- Chuyện này con cũng chẳng muốn nói dài dòng nữa. Chỉ biết việc làm của con đối với Quyết là xuất phát từ suy nghĩ con nuôi con đẻ không quan trọng, quan trọng là phải thành con người.

Quyết nhìn Tiến, nhìn ông Thịnh, nhìn khắp lượt mọi người, miệng cứ há hốc ra, lúc sau anh có phần như đã hiểu, mắt rơm rớm.

Ông Phượng cầm chặt tay Tiến:

- Hôm nay tôi mới được nói câu thật lòng, nhìn trại tù thì ai cũng sợ nhưng nhìn các anh thì đáng yêu vô cùng.

Mọi người nhìn nhau cười.

Quyết đeo túi lên vai, nói với bố mẹ:

- Con chỉ về vài ngày thôi, con xin phép bố mẹ sẽ vào đây  làm chân hợp đồng dài hạn, anh Tiến xin cho rồi.

- Được thế thì tốt quá - ông Phượng nói luôn - Anh em ở với nhau cả đời cũng được.

Quyết vỗ mạnh một phát vào ngực mình rồi cười ra vẻ ta đây.

Thoáng ở phía nhà bếp, bóng Hậu mặc chiếc áo trắng đang đưa tay lên vẫy theo.

Hà Nội, tháng 4 năm 2016

Truyện ngắn của Phạm Văn Thạch (Bộ Công an)
.
.