Cỏ tò vò

Thứ Bảy, 08/02/2020, 07:46
Thơm về chơi, tóc nhuộm vàng, môi xăm đỏ như cánh hồng, nhìn thấy Hới đầu tóc bù xù như tổ quạ, liền cho tiền giục đi cắt tóc. Hới chạy ngay ra gốc đa, nơi ông Chắc dựng quán cắt tóc đã có thâm niên.

Gốc đa hôm nay bỗng dưng có thêm một hàng thuốc rong. Người đàn ông mặt quắt như miếng cau khô, đang vừa bấm cổ tay ông Chắc, vừa phán bệnh, giọng líu la líu lô, nghe là biết không phải người vùng này.

- Chàng trai lại đây. Thuốc mạn ngược của ta là hay lắm đấy! Trông nước da là ta biết cậu hay bị mót đái, đau lưng rồi, có đúng không nào?

Người mặt quắt cất giọng mời chào. Hới cất vội tiền vào túi quần. Chẳng dại mà khoe ra lúc này. Ông Chắc đã rút đến đồng tiền lẻ cuối cùng để đổi lấy ba gói thuốc chữa bệnh. Hới đi đến đây để cắt tóc chứ không phải mua thuốc. Nếu về nhà mà vẫn còn cái tổ quạ trên đầu thì chắc rằng chị Thơm sẽ cho ăn đòn. 

Chị Thơm dữ đòn lắm, chẳng thế nên bố mẹ mất, một tay chị nuôi hai đứa. Mấy năm nay, chị lên phố làm thuê cho người ta. Giờ thì anh Hởi cũng đi làm xa, chỉ còn Hới ở nhà với con trâu và mấy sào ruộng khoán.

Người mặt quắt vẫn xoắn xít, điều đó càng làm Hới e dè. Phải công nhận là ông ta nói trúng phóc. Hới hay bị đau lưng và mót đái thật. Nhưng mót đái thì có gì khó? Mót lúc nào, Hới vạch quần ra tè luôn lúc đó là xong. Còn đau lưng ư? Dân làng này, ai chẳng kêu đau lưng, nhất là khi vào mùa gặt, mùa cấy, có người xong mùa thì còng rạp như lúa đổ sau bão, cứ gì Hới.

-   Không mua đâu, chỉ đi cắt tóc thôi.

Quay đầu, Hới đi vào gốc đa. Tiếng người mặt quắt vẫn đuổi theo:

-   Phải chữa chứ chàng trai trẻ, để còn lấy vợ.

Hới cười tủm. Nghĩ bụng lấy vợ làm quái gì cho bận. Thằng Bùn lấy vợ chưa đầy một tháng thì vợ chồng đánh nhau, nghe đâu vì tội vợ thằng Bùn cãi láo bố mẹ chồng. Bùn đã vung tay tát cho một phát như trời giáng vào mặt vợ. Vợ Bùn phọt máu mồm, uất quá bỏ về nhà đẻ.

Hới ngồi xuống ghế chờ đợi. Không bị ông bán thuốc rong lôi kéo thì bác Chắc đã vồ vập trò chuyện với Hới để câu khách rồi. Nhưng nay bác còn mải tiếp chuyện với người bán thuốc rong kia. Phải nói, cả làng này hiếm có người nào nói chuyện có duyên như bác Chắc. Đến mấy bà chuyên buôn dưa lê giỏi cũng bị bác cho thổi lỗ tai thun thút. 

Chuyện xưa, chuyện nay, trên trời dưới bể, chuyện gì bác cũng biết. Đấy bác lại đang kể chuyện ngày xưa có gã khách buôn chết chôn ở đồng Lạc, rồi đến chuyện nhà ông Tơi sang cát cho mẹ chết đã bảy năm chưa sạch lại phải gọi xe đưa đi hỏa táng. Cả chuyện vợ thằng Bùn mới chân ướt chân ráo về làm dâu dám cãi tay đôi với bố mẹ chồng, giờ đã tự động bỏ về nơi sản xuất... Có lẽ các câu chuyện của bác Chắc đã hấp dẫn khách hơn cả tay kéo của bác.

Rồi bác Chắc cũng rứt câu chuyện với người bạn hàng mới.

Bác xoay kéo lách tách, buộc vào trước ngực Hới mảnh vải màu nước gạo, từ từ lia kéo lên đầu Hới. Chỉ một loáng, Hới đã có cái đầu cua gọn gàng. Đứng dậy phủi tóc, ngắm nghía đầu mới trong gương, Hới gật gù ra chiều đồng ý. Bác Chắc lấy mười lăm nghìn. Đi cắt tóc có lãi, vậy là con lợn đất Hới giấu dưới gầm giường bữa nay lại được ăn no.

Đằng kia, một bà còng vừa chống gậy đi qua lập tức bị lời mời líu lo như chim của người bán thuốc thôi miên, đã chìa tay cho ông ta bắt mạch.

Minh họa: Lê Tiến Vượng.

Chiều tối, dắt trâu về chuồng, nhìn qua hàng rào cúc tần, Hới thấy bác Chắc dẫn người bán thuốc vào ngôi nhà của bố mẹ bác. Ngôi nhà sát nhà Hới, từ khi bố mẹ bác mất thì không có ai ở, chỉ ngày giỗ, Tết bác Chắc mới vào dọn dẹp, hương khói. Hới đứng len lén nhìn trộm sang. Ba người đang nói chuyện rất thân mật.

Chị Thơm đang nằm võng, quát Hới đi nấu cơm kẻo tối. Chị còn bảo, dạo này ở nhà, sẽ đi cắt tóc gội đầu thuê ngoài phố.

Trời hôm qua vừa mưa, rơm rạ ẩm ướt nên khói bếp bay mù mịt. Hới vừa thổi lửa vừa ho sụ sụ.

Chợt người đàn bà bán thuốc hồi chiều vào xin ít rơm để nấu cơm tạm, ngày mai cô ấy sẽ đi chợ mua củi. Bác Chắc đã cho hai người này thuê nhà ở trong thời gian họ ở đây bán thuốc chữa bệnh. Người này giới thiệu tên là Hoa, còn người đàn ông, chồng cô ta tên là Thạch. Hới chọn cho cô Hoa một ôm rơm khô nhất trong bếp, cô Hoa cảm ơn rối rít.

Đang ăn cơm, Thơm chợt dặn:

- Cho rơm thế đủ rồi, đừng gần gũi với họ quá. Họ chỉ là kẻ bán hàng rong.

Hới gật đầu. Mắt Hới còn mải nhìn một con tò vò đang tha đất lên xây tổ ở cạnh chân bàn thồi. Chẳng biết con tò vò xây tổ từ lúc nào, tổ đã to bằng quả nhãn. Xây xong nó sẽ bắt nhện nhốt vào tổ để nuôi cho mà xem, cả một chiều mưa phùn nọ, Hới đã ngồi theo dõi con tò vò làm chuyện đó.

Thơm giục:

- Ăn đi còn rửa bát. Mà lấy chổi quét cái tổ tò vò ấy đi cho đỡ bẩn. Các cụ có câu tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quện nhau đi.

- Khổ thân con tò vò.

- Ai biết được là khổ thân con tò vò hay khổ thân con nhện đấy.

Hới nghĩ ngợi câu chị Thơm nói. Đúng là ai biết được là khổ thân con nào? Con nhện đã bị con tò vò bắt nhốt trong tổ để nuôi cơ mà.

*

Sáng. Hới đi chăn trâu trên đồng Lạc. Giữa đồng Lạc là đống Mả khách, vốn là bãi tha ma từ xưa nhưng nay làng đã chuyển nghĩa địa lên đồng Khoai, nơi đấy gần sông lớn, gần đường nhựa vừa sạch sẽ vừa tiện, nên đống Mả khách giờ còn là bãi tha trâu. Hới hay dắt trâu lên chăn vì nơi này nhiều cỏ non và nhiều cây tò vò, đất lại rộng, tha hồ thả không sợ trâu xuống phá lúa như ở các cánh đồng khác.

Chẳng biết sao hôm nay thằng Bùn không đi chăn trâu nữa. Hới chăn một mình. Tò vò mọc chằng chịt khắp bãi, quả xanh, quả chín căng đầy kẽ lá. Hới nhấm nháp chán thì nhớ đến chị Thơm, liền hái lưng mũ đem về cho chị. Hồi bé, mấy chị em hay ngắt quả tò vò để ăn, cái vị chát chát, đắng đắng của nó cứ quặn lại trong dạ dày cũng góp phần làm giảm thiểu cơn đói đang sôi ùng ục trong những cái dạ dày rỗng tuếch.

Thơm đang dũa móng tay, sai Hới đi mổ cá để nấu canh chua, con cá quả Thơm mới ra gốc đa mua được của người kéo lưới dưới sông lên. Thấy Hới đổ lưng mũ quả tò vò lên bàn thồi, Thơm ngạc nhiên hỏi:

- Hái về làm gì đấy?

- Cho chị ăn.

- Thằng hấp. Giờ còn ăn cái ngữ này để đau bụng, dị ứng à? Có nhiều mò lắm đấy. Thôi đem đổ đi.

Hới xụ mặt. Rồi cũng gạt lũ tò vò vào mũ đem ra bờ rào cúc tần đổ đi. Lúc ấy bên kia hàng rào, cô Hoa đang thu dọn mấy đám lá thuốc, đã nhìn thấy, liền lại gần, cầm ít quả tò vò lên, bảo Hới đợi. Cô chạy vào nhà, lúc sau, chú Thạch ra theo, hỏi:

- Cháu ngắt quả tò vò ở đâu?

- Ở bãi tha trâu.

- Bãi tha trâu nào?

- Trên đồng Lạc, chỗ đống Mả khách.

- Sao lại gọi là đống Mả khách?

- Nghe kể, ngày xưa có chôn một người khách buôn.

- Ờ. Chú cũng đã nghe bác Chắc kể chuyện này.

Hai người quay lại, to nhỏ điều gì đó, Hới không thể nghe được. Lúc sau quay ra, chú Thạch nói.

- Cái quả tò vò này mọc ở đó phải không?

- Đúng rồi.

- Có cây nào khác mọc nữa không?

- Có cỏ nữa.

Chú Thạch gật gù:

 -Tốt rồi. Mai cháu cho ta theo ra đồng Lạc một chuyến.

Hới không hiểu.

- Sao lại tốt? Chú ra đồng Lạc làm gì?

- Rễ của cây tò vò này là một loại thuốc chữa bệnh. Chú muốn ra xem có đúng thứ cây chú cần tìm làm thuốc không. Nếu đúng, cháu đào về đây cho chú, chú mua hết.

- Rễ cây tò vò mà làm thuốc ư?

- Người nào không biết thì cây này là cây dại nhưng với chú nó là thuốc quý. Một cân rễ tươi chú sẽ mua với giá năm mươi nghìn đồng.

Đắt gần gấp mười lần thóc. Hới nghĩ bụng.

*

Hôm sau, Hới đi chăn trâu, còn cầm thêm dao, cuốc lên đống Mả khách, theo sau là vợ chồng người bán thuốc rong.

Đồng lộng gió. Trâu thấy cỏ tung tăng gặm ngoàm ngoạp như lưỡi liềm. Hới đứng nhìn. Một màu cỏ xanh, tò vò cũng xanh ngàn ngạt, vài ba cái mộ cũ xây gạch tròn đã bị cây cỏ trùm kín. Chú Thạch và cô Hoa đi một vòng quanh đống, chẳng quản gì bùn đất, cây cỏ rậm rịt. Lúc lâu sau, hai người trở lại chỗ Hới đang chống cuốc đứng cạnh con trâu mê mải gặm cỏ. 

Chú Thạch chìa một cây tò vò chú nhổ chỗ bùn lầy còn nguyên cả chùm rễ bảo Hới cứ cuốc nhổ nguyên si như thế, nhưng đừng động chạm sâu vào mấy cái mộ là được. Chẳng cần nhắc, Hới biết chỗ nào có mộ như biết chỉ tay mình. Cô Hoa ghé tai thì thầm, cô chú chỉ đặt hàng mình Hới thôi, vì tin Hới thật thà, cẩn thận. Hới tưng tửng sướng.

Mặt trời đứng bóng, cây tò vò đã như ngả rạ ở góc phía đông của đống. Mồ hôi mồ kê ròng ròng, thấm ướt cả lưng áo nhưng Hới vẫn mạnh tay cuốc cuốc đào đào. Hới chặt đám rễ, đút đầy bao. Con trâu lặc lè bước đi trước, Hới vác bao rễ cây đi sau.

Thằng Bùn đạp xe qua. Bùn kể, bố mẹ đi ăn cỗ, thế là lỉnh ra chợ mua cho vợ chiếc áo phông rồi sang nhà vợ. Nhưng vợ Bùn ương, không chịu về, chê áo phông rộng, còn ra yêu sách đòi bố mẹ Bùn sang đón. Bùn lấy lại áo phông mang ra quán trả lại. Giờ thì còn lâu, Bùn chửi thề một câu cho bõ tức. 

Hới thấy tức thay cho Bùn. Vợ gì mà mệt hơn cả nợ. May mà Hới chưa lấy vợ. Hới lại nghĩ tới cái Nõn, con bà Lá cuối làng. Mỗi lần bọn trai làng lấy vợ thì Hới lại nghĩ tới cái Nõn. Hồi xưa, hai đứa hay rí rủm đi chăn trâu cắt cỏ với nhau. Giờ thì bà Lá đã bán trâu, cái Nõn chuyển qua chăn vịt. Thỉnh thoảng gặp nhau trên đồng, Hới chẳng biết nói gì, mặt đỏ bừng.

- Vác bao gì đấy?

- Rễ cây tò vò, đào bán cho người ta làm thuốc.

- Có chắc chắn là mua không, cái thứ rễ này mà làm thuốc sao? Tao chỉ nghe nói tổ tò vò làm thuốc chứ có ai nói rễ cây tò vò làm thuốc đâu mày?

- Ai biết được. Họ bảo mua thì tao đào. Năm mươi nghìn một cân.

- Thật thế à? Chiều cho tao đi đào cùng mày với!

Buộc trâu vào chuồng, Hới chạy sang nhà chú Thạch. Cân luôn bao rễ. Được hẳn chín cân. Chạy về nhà, Hới đem tiền giấu tạm dưới lần chiếu ở cuối giường rồi vội vã đi nấu cơm, chị Thơm đi làm chắc sắp về.

Ngồi chờ chị bên mâm cơm đã dọn, mấy cái tổ tò vò lại đập vào mắt Hới. Quét chúng đi làm gì vội, biết đâu tới lúc người ta sẽ tìm mua tổ tò vò làm thuốc như thằng Bùn nói. Cái tổ dưới chân bàn thồi đã được con tò vò xây to bằng quả vải. Không biết nó đã bắt nhện nhốt vào nuôi chưa?

Chị Thơm về, còn mua cả vịt quay, chị bảo, sáng nay có lộc. Chị Thơm uống rượu với vịt quay. Rượu chắc đắng nên chị nhăn mặt. Nhưng vịt quay thơm và ngọt. Vịt chăn đồng của cái Nõn chắc cũng thơm, ngọt thế này. Hới nhai nhuyễn cả xương, mút chùn chụt. Có lộc là chị Thơm mua đồ ăn ngon. Chiều nay Hới sẽ cố về sớm để mua vịt quay chiêu đãi lại chị, vì Hới cũng đang có lộc. Nếu anh Hởi ở nhà thì vui quá. Ba chị em đoàn tụ ngồi ăn vịt quay, mút chùn chụt, ngon lắc lư.

*

Chiều, đồng nắng chang chang. Hới và Bùn xoay trần, đào, bới rễ cây tò vò cật lực. Đến mé tây đống gặp đúng chỗ đất lẫn đá sỏi, có nhát cuốc vập vào tảng đá to tóe cả lửa, mẻ lưỡi, nhưng hai thằng vẫn cố lách để đào hết vầng rễ cây tò vò to nhất. Chắc cây này là cây cụ tổ ở đây, vì mốc rêu đã lan lên đến cành. Còn hai cái rễ to nhất ăn sâu vào tảng đá, hai thằng phải vứt cuốc xúm vào cầm đoạn thân cùng hò dô ta để rút. Sau ba lần dô ta, cái rễ mới bật lên, hai thằng ngã bổ chửng, tảng đá cũng lung lay. Nguyên bộ gốc rễ cây tò vò cụ tổ này cân vội cũng được ba cân. Mệt bở hơi tai, cả hai rủ nhau vào bụi chuối cạnh bờ ao ngồi nghỉ.

Thằng Bùn làu bàu về vợ. Nó chê vợ đủ điều. Hới đoán là nó nhớ vợ. Rồi nó lại quay sang xui Hới lấy vợ, còn xui lấy cái Nõn. Đợt này đào rễ cây tò vò có tiền, cộng với số tiền tiết kiệm lâu nay, Hới sẽ bảo chị Thơm sang hỏi cái Nõn về làm vợ cho Hới.

- Nghĩ cái quái gì mà thẫn người ra đấy, có người ra đống kìa.

Thằng Bùn lay vai, Hới choàng mở mắt.

- Người mua rễ cây tò vò, chú Thạch đấy, không biết ra làm gì nhỉ?

Hai thằng chạy lại. Chú Thạch vòng tay sau lưng, bước đi bước lại quanh hòn đá, ngắm nghía bộ rễ cây to khụ và cái tảng đá to như cái cối đá lỗ nằm dưới đất, bên cạnh là những sỏi, đá lỏn nhỏn, đất cát vung vãi, rơi cả xuống mương. 

- Vẫn bị mất một cái rễ cái hai chàng trai ạ.

- Chú Thạch cầm bộ rễ lên, lúc này hai thằng mới nhìn thấy cái rễ chính giữa bị đứt. Thằng Bùn bảo:

- Chỉ là một cái rễ thôi mà. Vẫn còn khối cây ở phía Bắc, đào một lúc thì đầy.

- Đúng thế. Nhưng cây cụ thế này, rễ cái mới là cực tốt, nhất là rễ lách được hòn đá mà ăn sâu xuống đất. Cố lấy nốt nó lên đi. Sẽ có thưởng.

Giọng chú Thạch nhỏ nhưng nghe như mệnh lệnh. Hai thằng lại bặm môi bẩy kì được hòn đá tảng lệch hẳn sang một bên, chiếc rễ cuối cùng của cây tò vò cụ được rút lên thùn thụt. Phía dưới tảng đá một lớp cát vàng dày cộp, chiếc rễ cũng nhuộm màu vàng vàng.

Trời đã chạng vạng. Chú Thạch không cần cân, xách tay áng chừng, rồi rút hẳn một tệp tiền đưa cho hai thằng, bảo, vác bao rễ về nhà luôn cho chú, chú còn phải sang làng bên kiếm thêm vị thuốc.

Về tới nhà thì trời sập tối. Chạy ra ngã ba làng thì quán vịt quay đã hết hàng, Hới ngậm ngùi. Đành đợi đến mai. Chẳng biết Thơm đi đâu, khuya không về. Hới ăn cơm trước, rồi mở cửa buồng, cất tiền vào lợn, đem giấu lên gác tre sau mấy cái hòm quần áo cũ.

Trăng sáng. Vườn cây lập lòe đom đóm. Ao cũng lung linh. Sân như dãi ánh bạc. Con trâu sau chuồng cần mẫn nhai lại. Cỏ có ngọt như vịt quay? Vịt của Nõn cũng sẽ vào hết các hàng vịt quay. Nõn mà đồng ý lấy Hới thì có còn chăn vịt? Chẳng lẽ hai đứa cùng đi chăn trâu? Nhà Hới còn góc vườn đằng sau, lại có cả ao rộng chỉ thả bèo, Nõn thích thì Nõn sẽ vẫn chăn vịt, Hới sẽ thả trâu trên đống để phụ Nõn chăn vịt. Nõn hiền lắm sẽ chẳng bao giờ cãi láo chị Thơm. Mà chị Thơm cũng sẽ phải đi lấy chồng, bằng tuổi chị đã nhiều người có con, phải giục chị lấy chồng trước rồi Hới mới cưới vợ. Hới ngồi đầu hè, nghĩ vẩn vơ.  

Phía bên hàng rào cúc tần, trong nhà bác Chắc, vợ chồng người bán thuốc rong cứ đi ra đi vào, cất cái nọ, cầm cái kia vẻ vội vàng. Hới nghển cổ nhìn sang, chỉ thấy bóng người thoắt ẩn thoắt hiện. Ánh đèn bỗng phụt tắt. Bên ấy tối om. Tiếng khóa cửa lách cách.

*

Bùn đợi Hới ở đầu làng, hai thằng lại vác cuốc, thuổng và dắt trâu lên đồng Lạc để đào nốt những gốc tò vò còn lại. Vừa trèo lên tới đống Mả khách thì gặp bác Chắc đi tháo nước vào đồng sớm, đã phát hiện ra đoạn mương dẫn nước bị đất đá hất xuống làm tắc dòng chảy. Đi lên vài bước nữa, tới gần chỗ đống Mả chôn người khách buôn từ xa xưa, thấy một tảng đá bị hất tung, phía dưới là cái hố đào sâu xuống gần một mét, đầy những mảnh bát đĩa cổ vỡ, trên mặt hố là những mảnh chum đất nung cũng vỡ vụn, bác Chắc còn nhặt được một đồng tiền cổ rớt lại bên miệng hố:

 - Chắc chắn là bọn người lạ đã mò về đây đào bới tìm kiếm và cuỗm toàn bộ số vàng bạc châu báu giấu trong đống này, giờ cao chạy xa bay rồi. Nhưng khi chúng đào bới những gốc cây tò vò khắp đống này để lần ra viên đá đè miệng hố chôn giấu kho báu kia vào lúc nào, sao mà dân làng chẳng ai biết? Mấy ngày qua có thấy bọn khách lạ nào vào làng đâu? Chỉ có vợ chồng người bán thuốc rong.

Nói đến đấy, mặt bác Chắc chợt đuột ra.

Hới định nói là chính bọn Hới đào gốc cây tò vò để bán cho vợ chồng người bán thuốc rong đó thì thằng Bùn véo tay, lừ mắt ra hiệu im lặng.

Dân làng biết tin, kéo nhau lũ lượt ra đống xem hiện trường kho báu đã bị kẻ lạ đào bới. Bùn nhớ ra điều gì, vội vã kéo Hới chạy về. Bùn còn dặn đi dặn lại Hới, đừng có nói chuyện hai đứa đào gốc cây tò vò cho ai biết. Hới gật đầu. Hai thằng rẽ rào cúc tần chui sang nhà bố mẹ bác Chắc. Vợ chồng người bán thuốc rong đã cuốn gói đi mất. Những gói thuốc, cả hai bao rễ cây tò vò vẫn nằm lăn lóc, văng vãi đầy hè. Hai thằng hùa nhau khênh hai bao rễ cây tò vò đổ tùm xuống ao.

Tiếng ai gọi Hới ở cổng ời ời. Hai thằng vội chạy về nhà. Một bác xe ôm lai chị Thơm về. Mặt mày chị Thơm bị đánh sưng vù, nhiều vết bầm tím. Bác xe ôm kể, đang đứng đợi khách ở ngã ba thì thấy trong quán cà phê gội đầu có xảy ra vụ đánh ghen, lúc sau, chị Thơm bị ném ra cửa, rũ rượi, nhàu nát như miếng giẻ rách.

Hới pha nước lau rửa cho chị. Chạm tới cánh tay, chị điếng người, nước mắt trào ra, kêu rất đau đớn. Hới bảo chị từ nay ở nhà làm ruộng, đi làm như thế người ta đánh cho có khổ thân không, Hới còn định gọi bác xe ôm lại để nhờ đưa chị đi bệnh viện. Chị Thơm bảo đi viện làm gì, cứ sang lấy thuốc của người bán thuốc rong đang trọ nhà bên đắp, uống là khỏi. Mấy người già trong làng đang uống thuốc của ông ấy đều kêu đỡ bệnh rất nhanh. Hới cương quyết, không lấy thứ thuốc bán đầu đường xó chợ ấy làm gì, có khi chị bị gãy xương rồi, phải đi viện ngay. Thơm sững người khi lần đầu tiên nghe câu nói có khí chất đàn ông của cậu em trai vốn lành như đất.

Hới đứng dậy tới chỗ bàn thồi, với cây chổi miết mạnh lên cái tổ tò vò. Con tò vò vỗ cánh loạn xạ bay lên cao, đất rơi lả tả, vụn vỡ, một chú nhện con ngơ ngác bò ra từ đám đất vỡ vụn, trốn vội vào gầm tủ, Hới cũng đi nhanh vào trong buồng. Có tiếng lợn đất vỡ choang...

Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng
.
.