Chuyện ngày covid

Thứ Năm, 07/05/2020, 08:44
Con Corona này là kẻ thù giấu mặt, cuộc chiến với nó là cuộc chiến vô hình. Chưa bao giờ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng các lãnh đạo cấp cao phải họp thâu đêm suốt sáng, mắt trũng xuống, lo vắt óc ra dập dịch cho dân, dập dịch hơn cả dập giặc...

Dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Chương trình thời sự với bà Thật thật quan trọng. Làm gì thì làm nhưng áng chừng gần tới giờ bà lại chạy ra chạy vào, chăm chăm, ngó ngó cái đồng hồ để chờ đúng giờ còn bật tivi để theo dõi tìinh hình dịch bệnh COVID. Buổi sáng sáu giờ, buổi chiều bốn giờ, buổi tối bẩy giờ. Một ngày ba bốn độ như vậy, tới thời sự, việc đang làm dở cũng mặc phải ra theo dõi cho bằng được.

Trước đây, có mấy khi bà quấn vào cái tivi như thế này đâu. Chỉ từ khi có dịch COVID, bà mới không rời tivi ra được. Có lúc, bà nghĩ đến phát cười. Cái con Corona SARS-CoV-2 này đã biến bà không khác gì kẻ nghiện lô đề, ngày nào cũng kè kè mỗi việc "sáng soi, trưa đánh, chiều xem". Tâm trạng bà lúc nào cũng thấp thỏm, lo âu, cầu Trời khấn Phật cho chạm đề, cho vào bờ vài nháy, vài dây trong cung giờ hoàng đạo.

Song, chơi lô đề con phân định đỏ đen, rơi gẫy, bà chỉ hành độc tâm trạng của kẻ thua trượt. Thua nhưng thua ít, hoặc giả, có thắng nhưng mới chạm. Có bận tưởng trúng lớn, ôm được cá to, đâu ngờ về tay mình chỉ còn con đòng đong, cân cấn, tài lộc có cánh đã bay đi cửa khác. Bà cũng chưa bao giờ lâm vào cái kết đắng khi ôm cả cục tiền lớn nướng vào canh bạc. Bà chỉ chơi vài nghìn bạc cho vui mà tới hồi nghe kết quả, người không còn là người nữa mà biến thành con quay đất, mắt hoa hoa, đầu choáng choáng, tai u u một bờ đê lộng gió.

Giờ đây, bà nghiện xem chương trình thời sự COVID, là bởi bà sẽ được đón lấy các thông tin liên tục từ đêm tới sáng, từ sáng tới chiều, số ca mắc mới, số ca nhiễm cũ tiến triển đến đâu. Nơi nào là tâm dịch, nơi nào có nguy cơ bùng phát cao, bao nhiêu người thuộc diện F1, F2, F3. Bà còn thuộc cả số má, tên tuổi, quê quán những ca mắc bệnh trọng, nhớ cả mấy ca bệnh người nước ngoài.

Con Corona này là kẻ thù giấu mặt, cuộc chiến với nó là cuộc chiến vô hình. Chưa bao giờ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng cùng các lãnh đạo cấp cao phải họp thâu đêm suốt sáng, mắt trũng xuống, lo vắt óc ra dập dịch cho dân, dập dịch hơn cả dập giặc. Chưa bao giờ cái điện thoại như củ lang nướng của bà lại nhận được tin của Thủ tướng Chính phủ, của nhiều bộ, ngành chỉ thị yêu cầu về phòng chống dịch bệnh như lúc này.

Con Corona thật quá nguy hiểm, lây lan diện rộng thế này, đến khi nào mới dập hết dịch? Khi nào đội ngũ y bác sĩ, bộ đội tuyến đầu mới hết lăn lộn nguy hiểm, căng mình ra chống dịch? Cuộc sống xáo trộn, bất an này khi nào mới chấm dứt?…

Minh họa: Nguyễn Nghĩa Cương

Bao nhiêu câu hỏi đặt ra trong đầu bà để rồi phiền lụy đến thân, để rồi bã bời, mền mệt. Rồi bà lại thờ thẫn ra đứng trước hiên nhà nhìn trời nhìn đất. Nhà nông đồng áng, nhìn trời, nhìn đất, trông mây, trông gió. Còn bà, cũng nhìn trời, nhìn đất nhưng trông ngày, trông đêm, trông cho dịch bệnh COVID qua nhanh, trông cho cuộc sống mau ổn định, an bình. Rồi bà lại lầm rầm khấn khứa cho dịch chóng hết như thánh lô, trạng đề tới giờ hoàng đạo.

Từ ngày dịch bệnh COVID-19 hoành hành, nhà bà có nhiều thay đổi, xáo trộn. Việc đầu tiên là bà không được ra chợ buôn bán nữa. Cũng chỉ là buôn rau, bán cỏ làng nhàng song bà buôn thất nghiệp, lãi quan viên, góp gió thành bão, cũng thành tấm, thành món. Mỗi lần giắt tiền vào túi lại thấy tâm động rung rinh, vì thế, chưa một ngày nào bà nghỉ chợ.

Thực hiện đúng lệnh của Thủ tướng Chính phủ "Ở nhà là yêu nước", bà mới chịu trói tay, bó gối ngồi nhà. Ngày trước, nhà bà lúc nào cũng cửa đóng then cài, im ỉm, có ai đến chơi cũng í ới điện thoại gọi về. Từ ngày có lệnh cách ly, cửa cổng mở toang hoang, nhà đủ mặt cũng chả thấy ai ngó tới. Bà nghỉ chợ. Con trai, con dâu cũng nghỉ việc. Hai đứa trẻ con hằng ngày cắp cặp đến trường nay cắp cặp chạy quanh nhà. Cả nhà yêu nước, người người thi đua yêu nước, song yêu nước kiểu giặc dịch thế này nhiều lúc thấy quá cám cảnh.

Mấy hôm đầu mới nghỉ chợ, người cứ thấy buồn bực. Quanh ra, quẩn vào, vào lại ra, ra lại vào, chẳng khác mấy cảnh giam lỏng. Đã bó chân, bó tay, đến cả cái mồm, cái miệng cũng bó cứng lại. Có ra chợ mới loe xoe, chạy chỗ này, chỗ kia, vồ vập, sởi lởi. Lúc rảnh rang lại buôn dưa lê, bán dưa chuột, mồm miệng tranh nhau khôn, tranh nhau dắt dẻo, vui đến tận trưa không muốn nhấc đít về. Nghỉ có mấy hôm, bà đang định đi nhưng con dâu nó ngăn lại:

- Thôi mẹ ạ, dịch bệnh thế này, mẹ nghỉ hẳn chợ, ở nhà cách ly. Chợ búa đông đúc, biết thế nào mà tránh, nhiều trường hợp còn bị lây chéo, không rõ nguồn gốc. Cách ly trong nhà còn sợ nữa là ngoài chợ tứ phương.

- Ừ. Thôi không đi chợ nữa. Mẹ chỉ tranh thủ ra mua thức ăn, rau dưa.

Con dâu bà vẫn gàn:

- Mẹ già rồi, mẹ ở nhà để con đi. Con đi xe máy nhanh chóng rồi về. Dịch bệnh thế này biết thế nào mà lần.

Con dâu nó đã nói thế, bà đành chịu. Khốn nỗi, cái con Corona này nguy hiểm ở chỗ nó là kẻ thù vô hình, giấu mặt, nhưng lại công nhiên hủy hoại, ăn rộp cả phổi người mới phát bệnh. Cơ chế lây nhiễm của nó chỉ cần qua giọt bắn, qua hơi thở của người bị bệnh là bị nhiễm con virus Corona này ngay, không biết thế nào mà tránh. Không vận vào người vẫn thấy bất an, song cái thân bà, sống đã quá nửa đời người, lạy Giời, có lây nhiễm gì, gánh tội thay cũng còn đỡ. Chứ con cháu nó làm sao thì… nghĩ ám vậy, bà liền bảo:

- Thôi, để mẹ đi cho. Con đi nhỡ làm sao thì lấy ai thu công xếp việc cho cái nhà này.

Bà vừa nói xong, nó đã cáu với bà:

- Cái chính là chúng con lo sức khỏe cho mẹ. Mẹ không biết dịch bệnh này mức độ lây nhiễm cao thường xảy ra ở người cao tuổi à, nhất là người có bệnh nền. Ở nước ngoài, những người cao tuổi còn được ưu tiên khám chữa vì tỉ lệ tử vong dễ xảy ra.

- Bệnh nền là bệnh gì?

- Là những bệnh đã có sẵn trong cơ thể trước đó, ví dụ như bệnh huyết áp, tim mạch của mẹ í. Nghe thấy con dâu nói thế, mồ hôi bà vã ra săm sắp, sợ đến kinh hoàng. Cái con SARS-CoV-2 này thật khủng khiếp, nó ròng ròng nối từ F1 đến F5 hàng mấy nghìn người. Giờ lại thêm cái chuyện bệnh nền, bệnh cũ đã sống chung với lũ, nếu nhiễm thêm con bệnh tử thần này, chẳng tắt nhanh cũng chết sớm. Trước đây, các đại dịch còn có thuốc đặc trị. Còn con SARS-CoV-2 này, cả thế giới vẫn bó tay, cúi đầu. Y học tiên tiến hiện đại các nước còn không kiểm soát nổi, lên đến hàng nghìn ca tử vong.

Nghe "tử vong" bà đã xám lạnh da gà, giờ lại nghe từ chính miệng con dâu phát ra, nó lại áp vào chuyện bệnh nền càng thấy hãi hùng. Không nghĩ đến thì thôi, nghĩ đến đang ngồi bà bật dậy ra lấy chai nước súc miệng uống một ngụm to rồi ngửa thẳng cổ lên súc sòng sọc vào tận cuống họng. Xong, bà chạy ra xả vòi nước, xát xà phòng vào tay, chà đi chà lại đến đỏ ửng cả tay. Giờ chỉ ho một tiếng là lại sợ bị nghi ngờ nhiễm bệnh, bị đưa đi cách ly. Kẻ thù giấu mặt còn nguy hiểm hơn kẻ thù lộ diện, chưa bao giờ bà thấy cuộc sống bất an, sợ hãi như lúc này. Đúng là cả thế giới sống trong sợ hãi.

"Chống dịch như chống giặc", song bà thấy chống con virus này còn nan nguy hơn giặc, nó hành hoành, đảo lộn, xáo trộn cuộc sống hơn cả thời chiến. Cả làng, cả nước, đến cả thế giới đều xáo trộn, đảo lộn. Nhà nhà cách ly, người người cách ly, giờ đến các quốc gia cũng phải cách ly. Cấm thông quan, cấm cửa khẩu, cấm các chuyến bay…

Cách ly cả người sống với người chết. Bà xem trên ti vi thấy những cái chết thật ám ảnh, thương tâm. Phút cuối cùng của cuộc đời, họ vật vã, lăn lộn trong đau đớn, cô độc rồi ra đi trong bệnh viện. Tình làng nghĩa xóm, nghĩa tử là nghĩa tận cũng phải cách ly theo lệnh nước. Ở xóm nhà bà, đám ma nhà ông Bổi, ông ấy chết vì tuổi già nhưng người vào viếng thứ tự lần lượt, hết người này ra, người kia mới vào, giãn cách nhau và rất ít người đến viếng. Ai đến viếng cũng bịt kín khẩu trang, chỉ đưa mắt, giơ tay, gật gật chào nhau. Không còn trò chuyện thăm hỏi, nước nôi, cỗ bàn như trước. Đám ma đã vậy, đám cưới cũng nan giải.

Có đôi anh chị, bác sĩ bảo phải cưới từ trước Tết nhưng sau Tết vẫn phải hoãn lại. Người làng nói vui, bây giờ bác sĩ còn bận đi dập dịch, bác sĩ nhắn lại bảo cô chú chờ thêm cho con nó lớn, hết dịch hẵng tổ chức cưới mới vui. Có đám, mua sắm, thuê mướn, cỗ bàn đã đâu vào đấy, đùng một cái, ban đêm có lệnh cách ly nên phải gác lại. Bảo gác là gác đâu dễ thế, cũng may, họ hàng, làng xóm chia sẻ mỗi nhà mua ủng hộ một ít thức ăn, rau dưa thì gia chủ nhét túi bóng cho mỗi nhà một túi rồi cũng đỡ đần nhau qua đận khó.

Thời dịch giã này đã không làm ra tiền nhưng vẫn phải tiêu tiền, vẫn phải ăn, phải uống. Miệng ăn, núi lở, nước chảy đá mòn, thế mới chết. Không chỉ riêng nhà bà, mấy nhà trong xóm các con đều làm khu công nghiệp, dịch này cũng nghỉ lũ lượt, nằm bẹp một chỗ. Nhiều người, nhiều nhà rồi sẽ bị rơi vào cảnh túng thiếu. Bà nhẩm tay từ đầu ngõ đến tận cuối ngõ có tới hơn chục nhà. Khổ nhất là nhà mẹ Mận, chồng thì chết, hai bố mẹ già ốm đau quanh năm, các con đang thì lớn dở, chưa đâu vào đâu.

Kinh tế gia đình chủ yếu nhằm vào gánh hàng xáo ngày đực ngày cái, giờ mùa dịch thế này trông bám vào đâu. Rồi nhà Thanh, nhà Hựu, nhà Miên cũng không khá hơn. Nghe nói tình hình trên thành phố có chỗ còn khổ hơn. Những người lao động tự do trụ lại thì không có việc, không có tiền chi tiêu, về quê thì mắc kẹt tàu xe. Nhà hàng đóng cửa, nhà máy đóng cửa, cơ quan đoan thể chỗ nào cũng đóng cửa, sản phẩm có làm ra cũng không tiêu thụ được. Rồi cả xã hội sẽ lao dốc, lâm vào khó khăn vì con vi rút Corona. Ngày xưa, Cụ Hồ đã đặt thế nước ngàn cân treo sợi tóc bởi có ba thứ giặc hành hoành là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Giặc đói được đặt lên hàng đầu, giặc đói là giặc dã, giặc nội xâm. Đói sẽ dẫn đến nảy sinh tệ nạn càn quấy nhiễu nhương, coi thường kỷ cương phép nước, cướp của giết người, bất chấp tính mạng. Cuộc sống cứ thế này bất an quá, đã thế, thêm cái thời tiết năm nay thất thường đến lạ. Mùng một Tết đã đổ mưa ròng rã, nhiều nơi còn bị mưa đá. Hòn đá lông lốc to hơn trứng gà trứng vịt.

Bao nhiêu nhà cửa, lúa màu bị mưa đá phá nát hết. Vắt qua giêng hai rồi mà trời chưa chịu nắng. Phải nắng lên, dịch bệnh mới tiêu tán. Trời cứ ầm ì, chả ra nắng, chả ra mưa, bung bủng như gái ngoan giận chồng thế này đến bao giờ?

Bà lại nhớ hôm có lệnh cách ly ở thành phố. Mới sáng sớm, cô em gái đã điện thoại bảo chị mua cho mấy triệu tiền đồ ăn. Cả gạo, thịt, rau dưa, mắm muối cho đến mấy thùng mì tôm, mấy cân lạc, mấy cân mì để dự trữ. Nó còn bảo, đêm hôm qua, người ta kéo nhau rầm rập đi mua đồ, các siêu thị đều hết nhẵn hàng. Nghe cô em nói mà chân tay bà cứ run rẩy cả lên. Bà tức tốc mặc thêm cái áo rồi quàng quáng ra chợ. Vừa ra tới ngõ chợ, đã thấy chợ búa hôm nay nháo cả lên. Ai cũng hớt hải vội vàng.

Hàng thịt lợn, người xúm đông xúm đỏ, xe đỗ chật cả đường. Thôi chết, có biến lớn rồi! Hai chân bà cập ríu cả lại. Hóa ra, nghe tin thành phố bị cách ly, quê cũng sợ tới lượt mình. Đã cách ly thì đâu ở nguyên đấy nên phải mua đồ dự trữ. Trời đất! Chưa bao giờ chợ quê nhà bà xảy ra tình trạng hỗn loạn như thế. Ai cũng đâm đầu, đổ đuôi, chen chúc, dành hàng, cãi lộn, vơ nhanh, giật vội. Hàng xấu tốt, đắt rẻ, tồn cũ cũng sạch bách. Chạy chợ như chạy loạn, sống ngần này tuổi, chưa bao giờ bà chứng kiến tình cảnh hỗn loạn như hôm ấy. Đúng là thời buổi mắc dịch.

Đã thành thói quen, sáng nào bà cũng phấp phỏng dậy sớm, phấp phỏng để bật thời sự COVID, để thông tin, để mong cho dịch bệnh chóng qua. Bất ngờ, hôm nay chỗ nhà bà bị mất điện, bật mãi cái tivi chẳng thấy lóe lên. Đang ở thời điểm nước sôi lửa bỏng, bao nhiêu thông tin từ tối qua chờ đến sáng nay. Đang ở thế cần kíp lại không có, tức hơn như tức nước mé bờ, bao câu hỏi như không biết sáng nay có ca nào nhiễm mới không?

Cái ca bệnh nặng trong thành phố Hồ Chí Minh ra sao rồi? Thủ tướng Anh phải nhập viện, có nguy hiểm đến tính mạng không? Dự kiến của Chính phủ bao giờ mới hết giãn cách xã hội?… Toàn những vấn đề nóng cần phải thông ngay và luôn mà tivi mãi tịt ngắc thế này?... Hết súc miệng, lại rửa tay, hết đi ra, lại đi vào, chợt bà nhớ tới anh Lại Văn Sâm.

Anh Lại Văn Sâm đang ngồi trên ghế nóng tươi cười duyên độ với người chơi. "Chúng tôi rất mong bạn sẽ là triệu phú sau khi kết thúc cuộc chơi này với chúng tôi!". Nghe mà cứ tỉnh cả người! "Bạn vẫn còn nguyên ba sự trợ giúp. Một là… Hai là… Ba là… Bạn chọn sự trợ giúp nào?". Anh Sâm lại cười. Tỉnh cả người! Bà nghĩ thầm trong bụng: "Thế thì, em gọi cho cháu em. Nó tên là Thúy. Cháu nó cũng theo sát tình hình COVID trên Zalo, Facebook liên tục. Cháu sẽ trợ giúp cho em luôn bây giờ ạ". Bà vội cầm cái điện thoại củ lang nướng lên bấm số cuộc gọi.

- Thúy đấy à. Bác Thật đây!

- Vâng. Bác gọi cháu ạ.

- Bác có tí việc cần cháu trợ giúp!

- Vâng, bác cứ nói đi!

- Thúy à. Cháu có biết tình hình COVID sáng nay thế nào không? Có bị ca mắc nhiễm mới nào không? Chán quá, nhà bác hôm nay mất điện nên không xem được tivi, không biết tình hình cụ thể ra sao?

- Ôi rồi! Cháu tưởng việc gì. Mấy chị em vừa léo nhéo hỏi nhau COVID sáng nay đã giảm xuống rồi bác ạ. Chỉ có một trường hợp mới xét nghiệm dương tính là người từ nước ngoài về nhưng đã ở trong khu cách ly.

- Ừ, Thế là tạm ổn rồi. Thế hôm nay dự báo thời tiết có nắng không?

- Dự báo thời tiết hôm nay đã không còn mưa, trưa chiều hửng nắng bác ạ.

- Ừ, Mong có nắng để nhiệt độ cao lên, tiêu tan con virus chết tiệt này đi. Thế nhé! Bác hỏi thế thôi, bác cảm ơn!

 - Vâng, cháu chào bác!

Đã có tin COVID ngay và luôn, bà thở phào vì những thông tin đã khá tốt. Bà đang lầm rầm tính xem làm cái gì lúc này, chợt phòng khách sáng bừng lên. May quá, có điện rồi, tivi lại lóe lên bao nhiêu vấn đề, bao nhiêu sự kiện lần lượt hiện ra trên màn hình. Nào là những hình ảnh cảm động của các y bác sĩ hàng ngày săn sóc bệnh nhân đối mặt với nguy hiểm hằng tháng trời không được về nhà. Nào là những chiến sĩ bộ đội ngủ lán trong rừng để nhường chỗ cho khu cách ly. Rồi một loạt các chính sách hỗ trợ của Chính phủ tới từng người dân.

Những hình ảnh cả nước chung tay, đồng lòng chống dịch. Những bọc quà được đem đến từng hộ gia đình khó khăn. Tuy nhiên, hôm nay có tin khá bất ngờ là việc xuất hiện của những cây ATM gạo của các nhà hảo tâm. Bà vẫn gọi cây ATM là cây rút tiền, gọi thế cho nhanh, ai cũng hiểu. Cây rút tiền, móc tiền ra chắc khó, cây rút gạo thì quá đơn giản, chỉ cần bấm nút gạo là nó ra gạo. Gạo tuôn ra ầm ầm theo cái ống nhựa rồi tự ngắt, ấm áp nghĩa tình, lá lành đùm lá rách.

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, Nhà nước đã không bỏ sót một ai trong cuộc chiến với con virus Corona này để không còn ai bị đói, bị mắc kẹt lại phía sau. Bà lại nghĩ đến nhà Mận, nhà Thanh, nhà Hựu, nhà Miên.

Giá đầu làng nhà bà có cây rút gạo như thế thì tốt quá. Bỗng điện thoại bà reo ring ring. Chị Hảo, Hội trưởng Hội Phụ nữ của xã đang gọi. Bà thấy hồi hộp, trống ngực đánh thình thịch. "Chị Thật ơi! Hội Phụ nữ xã đã xin ý kiến của Hội đồng nhân dân, thành lập quỹ hỗ trợ "Nhà nhà chung tay" để quyên góp ủng hộ và tặng quà, giúp đỡ những gia đình khó khăn, chung tay đẩy lùi dịch COVID chị ạ. Hội mời chị đại diện cho phụ nữ của thôn tham gia. Trước mắt, chiều nay, hai giờ sẽ đi phát gạo và quà cho năm mươi hộ khó khăn nhất. Trước khi đi, chị nhớ đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn hộ em nhá!". Nghe xong điện thoại, bà Thật thở phào sung sướng.

Vậy là, chính sách của Chính phủ đã tới từng nhà, từng thôn, không bỏ sót một ai trong ngõ nhà bà. Hình dung cảnh mẹ Mận mừng mừng tủi tủi nghẹn lời, tay đỡ túi gạo, gói quà mà bà thấy rân rấn nước mắt, thương những cảnh nghèo trong lúc này lắm. Tự nhiên, bà lại nảy ra ý nghĩ, đã có chương trình "Nhà nhà chung tay", bà sẽ vận động chị em bán hàng ngoài chợ ủng hộ thêm cho chương trình "Người người giúp đỡ". Một tấm lòng hơn vạn tấm lòng, không để ai quá khó khăn trong họa COVID này. Bà lẩm nhẩm rồi lại chạy ra sân. Mưa đã dứt. Trời có vẻ đã nhoe nhoe nắng.

Những quầng mây như những tấm khăn ướt đung đẩy loang dần, ngang theo chiều gió. Chỉ chốc nữa, nắng sẽ nhóe lên làm rạn vỡ những tảng mây nổi bề bề chậm chạp kia. Gần trưa, nắng mới vụt lên thứ nắng xuân hồng hào, se sẩy, man mát. Tuy vậy, bà vẫn mong một trận nắng găn gắt, oi nồng đến cắn dứt, khó chịu. Sau trận nắng ấy, mưa ào ào trút xuống, trời mới bật dậy chuyển mùa. Chưa bao giờ bà mong nắng, mong mưa như cái ngày COVID này.

Tháng 4-2020

Truyện ngắn của Trịnh Minh Hiếu
.
.