Chuyện cổ tích tháng tư

Thứ Hai, 20/05/2019, 07:45
Bà Thao nhận được bức điện của ông Báu. Không phải là điện khẩn nhưng đọc kỹ nội dung bà đã cảm thấy mình phải gói ghém về quê thăm bạn ngay...

- Anh thấy cái Thao nó thế nào?

- Thế nào là... thế nào?

- Con bé nó lành quá. Ngày xưa đã thế. Bây giờ vẫn thế. Thương nó quá.

 - Ơ, cái cô này. Thân mình đây đau ốm không tự thương lấy, lại đi thương người đang khỏe mạnh.

Đó là đoạn đối thoại giữa hai vợ chồng ông Báu khi bà Thao vừa ra khỏi cổng. Bà Thanh, vợ ông Báu và bà Thao là đôi bạn thân từ hồi đi học chuyên nghiệp. Năm 1967, giữa cảnh bom đạn tơi bời của tuyến lửa Quảng Bình, cô Thanh và cô Thao cùng là giáo sinh Trường Trung cấp Sư phạm của tỉnh.

Trường sơ tán về những vùng quê, nay nơi này mai nơi khác. Đến đâu cũng phải đào hầm trú ẩn, dựng lán làm lớp học. Giáo sinh thì ở trong nhà dân. Đêm đêm không lực Mỹ gầm rú thả bom, bắn rốcket, người làng chết, giáo sinh cũng có người thiệt mạng. Nhưng, vì sự nghiệp giáo dục lâu dài vẫn phải tồn tại, đào tạo giáo viên cho các trường phổ thông trong tỉnh.

Những năm đó, đi đâu, đôi bạn cũng có nhau. Sơ tán trong dân, hai đứa cùng ở một nhà. Máy bay Mỹ đến, hai đứa cùng chui một hầm. Đi thực tập, hai đứa cùng về một trường. Thậm chí, hai đứa cùng hẹn nhau lấy chồng, cùng về một vùng quê, sướng khổ có nhau.

Nhưng, sự đời đâu có chiều lòng người. Số phận đưa đẩy. Sau khi tốt nghiệp khóa sư phạm, hai đứa bị phân công về hai nơi xa nhau cả gần trăm cây số. Thời chiến, giao thông khó khăn, chuyện đi lại thăm nhau là điều không tưởng. Đôi bạn đành bằng lòng với những cánh thư qua đường bưu điện. Rồi, duyên chị duyên em, mỗi người đều có gia đình riêng. Chồng của họ là những người tử tế.

Minh họa: Phạm Minh Hải.

Thanh xây dựng với một cán bộ Công an đang công tác ở huyện là ông Báu bây giờ. Họ có với nhau hai mặt con, một trai một gái đều ngoan hiền hiếu đễ. Thao xây dựng với một Hiệu phó trường cấp hai. Sau bảy lăm (1975), vị Hiệu phó này được điều động "tăng phái" cho ngành giáo dục một tỉnh phía Nam. Ông đề xuất và được cấp trên chấp thuận cho vợ cùng vào công tác cùng trường.

 Mọi chuyện đã an bài với đôi bạn gái thuở con chấy cắn đôi. Khoảng thời gian mười năm hậu chiến, cuộc sống cán bộ công nhân viên chức vô cùng khó khăn. Vợ chồng Thanh ở lại quê hương chật vật lắm mới lo đủ cho hai con cái ăn cái mặc, tới trường học hành. Ông Báu lúc ấy còn đeo quân hàm Thiếu úy, thường xuyên công tác xuống các xã, nhiều lúc phải bám trụ nhiều ngày ở cơ sở giữ gìn trật tự an ninh thôn bản.

Thời điểm ấy, đất nước mới thống nhất hai miền. Hai vùng kinh tế và văn hóa mới bắt đầu khớp lại. Phương Tây cấm vận, kinh tế trong nước chạm đáy, tội phạm hình sự và dân sự nổi lên như rươi. Đồng lương của sĩ quan cấp úy đã thấp lại phải đi công tác nhiều, tiêu tốn nhiều.

Anh chị em ruột trong hai gia đình hầu hết đều làm ruộng, việc chăm lo gia đình riêng và phụng dưỡng cha mẹ hai bên, ông Báu đành trông cậy trên đôi vai vợ. Hai vợ chồng tận dụng được một ít diện tích "đầu thừa đuôi thẹo" để cấy ruộng tự túc, đắp đổi thêm. Nhiều lần, từ cơ sở đạp xe về nhà đã tối muộn, ăn vội bát cơm, ông Báu đã cầm "gàu tròng" ra ruộng tát nước lúa. Tới gần mười giờ đêm, trăng lên, ông sắp về thì thấy bà Thanh ra cùng làm.

Ông ngao ngán, tưởng muốn khóc. Một lần, vào dịp nghỉ hè, vợ chồng bà Thao về thăm quê, tìm đến thăm vợ chồng bà Thanh. Chờ mãi mới thấy bà Thanh bươn bả về, quần ống xăn ống xổ. Bắp chân còn đôi ba vết đỉa cắn, máu chưa khô. Bà Thao ôm chầm bạn mà rơm rớm nước mắt. Lần ấy, chồng bà Thao gợi ý vợ chồng bà Thanh xin chuyển vào Nam cho có chị có em. Lúc này, chồng bà Thao đã được đề bạt lên Thư ký đoàn của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Việc liên hệ thuyên chuyển công tác cho vợ chồng bà Thanh là không khó. Bà Thanh dợm hỏi ý kiến chồng. Ông Báu không suy nghĩ nhiều, thẳng thắn từ chối ngay. Ông nói, cuộc sống khó khăn mấy rồi cũng vượt qua được. Nếu chỉ vì miếng cơm manh áo mà phải rời bỏ quê hương thì không nỡ. Vả chăng, vợ chồng còn gánh nặng song thân.

Đành rằng, họ không phải là con duy nhất trong gia đình, nhưng dù sao cũng có đồng lương tháng. Thế là lần đó, sau thời gian nghỉ phép thăm quê, vợ chồng bà Thao ngậm ngùi chia tay bạn trở vào Nam...

*

Đùng một cái, bà Thanh được tin chồng bà Thao bị tai nạn không qua khỏi.  Bà Thanh không thể bỏ dạy nên chỉ có ông Báu cắt phép chạy vào lo lắng cho gia đình bạn của vợ. Chuyện đau thương rồi cũng nguôi ngoai. May là hai con của  bà Thanh cũng đã trưởng thành. Con trai đầu đã ra công tác.

Sau thời kỳ đổi mới, cuộc sống bắt đầu có bát ăn bát để, con cái cũng phương trưởng, ông Báu cần phải hoàn thành chương trình đại học để được thăng quân hàm và giữ trọng trách mới. Nhưng một lần nữa, ông quyết định hy sinh, nhường tiêu chuẩn đi học cho đồng đội, yên tâm ở nhà công tác để có điều kiện chăm sóc bố mẹ lúc này cũng đã vào tuổi đại thọ.

Vài năm sau nữa, chiểu theo chế độ bậc ngạch sĩ quan, ông Báu về hưu trước tuổi, có thời gian lo việc gia đình hai bên, làm hậu phương cho vợ lúc này cũng đã được đề bạt vị trí quản lý nhà trường.

Lần cuối cùng vợ chồng  ông Báu đi về phía Nam là dịp con út của bà Thao lấy chồng. Lần đi này, bà Thanh có vẻ không được khỏe nên không lưu lại được lâu hơn. Vả chăng ở quê, các cụ cũng đã vào tuổi gần đất xa trời nên con cái, theo cái đạo lý "Phụ Mẫu tại/ bất viễn du".

Cưới hỏi xong, ông Báu vội vàng cùng vợ trở ra cũng đúng lúc các cụ lần lượt ra đi ở tuổi Thánh thần. Lo xong tang chế cho tứ thân phụ mẫu, ông Báu khuyên vợ giao bớt việc cho đồng nghiệp để vào viện. Bà Thanh cũng chỉ muốn trì hoãn để  tổ chức trọn vẹn kỳ thi tốt nghiệp cho các lớp cuối cấp rồi đi kiểm tra toàn diện luôn thể. Vả chăng, đây cũng là năm học cuối cùng trong nghiệp giảng dạy của bà. Sau khi kết thúc năm học cũng là lúc đến tuổi nghỉ hưu...

*

Bà Thao nhận được bức điện của ông Báu. Không phải là điện khẩn nhưng đọc kỹ nội dung bà đã cảm thấy mình phải gói ghém về quê thăm bạn ngay. Cũng may là vợ chồng con gái út tìm được người giúp việc tử tế. Đồng tiền thu nhập hàng tháng có dư dả, con gái bà dúi vào tay mẹ khoản tiền kha khá, dặn mẹ cứ ra quê chơi cho thoải mái, khi nào chán thì lại vào.

Bà Thao xếp đầy một túi quà toàn những trái cây ngon của đất phương Nam, bắt con rể chở ra xe chuyến. Bà không hề ngờ rằng, tất cả những thứ đặc sản đó mang về chỉ còn giá trị tinh thần với người bạn gái thân thiết. Dọc đường lên bệnh viện, ông Báu tỏ ra rất kiệm lời khi được hỏi về tình trạng sức khỏe của vợ.

Ra khỏi thang máy, bà Thao bước theo ông Báu tới một buồng bệnh, nhìn lên cái bảng hiệu đơn nguyên trên cửa bỗng sững người, chân như muốn khuỵu xuống. Ôi, người bạn gái thuở thiếu thời con chấy cắn đôi...!

- Cái sự bị bệnh hiểm nghèo mà không phát hiện sớm đã khiến tình trạng sức khỏe đến kỳ trầm trọng. Bà Thao trách bạn sao không báo cho mình sớm. Bà Thanh bảo, báo sớm thì bà Thao có chữa cho mình khỏi bệnh được không. Rồi bà nói thêm với giọng nửa đùa nửa thật, nghe là lạ: "Cứ giữ sức lực đó, đợi khi mền có việc lớn nhờ vả thì lo mà làm cho tròn".

Bà Thao lấy tay che mồm bạn, bảo đừng có mà nói dại. Mi phải sống khỏe mấy chục năm nữa để vô dự đám cưới của cháu nội tau. Rồi hai người cứ "Tau tau - mi mi" như hồi con gái. Ý tứ ngồi ở góc phòng, ông Báu thấy hai người trò chuyện vui vẻ thì cũng mừng lắm. Những ngày những tuần sau đó, bà Thao về làng cùng các anh trai sửa chữa lại lăng mộ song thân, thăm thú bà con láng giềng, cúng một khoản tiền cho dòng họ bên chồng và cả bên mình, trở lại những ngôi trường cũ nơi mình có thời gian dạy học ngắn ngủi ở quê.

Học trò của bà ở quê không nhiều nhưng cũng có người thành đạt, có người khó khăn. Một cuộc họp mặt lớp cũ mừng cô giáo chủ nhiệm về thăm quê đầy ý nghĩa được cậu lớp trưởng bây giờ là đương kim Phó Chủ tịch huyện tổ chức. Mỗi buổi tối, bà thường dành vài mươi phút, khi thì trực tiếp nói chuyện với bạn, khi thì hỏi thăm sức khỏe qua ông Báu. Lần đó, bất ngờ ông Báu gọi và cho bà Thao biết rằng, vợ ông rất cần gặp bà.

Bà Thao trở lại thành phố ngay. Bà đến thẳng nhà bạn, ngạc nhiên thấy ngoài sân có xe đậu, trong nhà khá đông người. Thì ra hôm nay chủ nhật. Bà Thanh nằm trong buồng, có vẻ rất yếu, bảo bà Thao ra ban thờ thắp hương. Bà Thao thấy hơi lạ nhưng cũng làm theo. Trong gian buồng tranh tối tranh sáng, bà Thanh cầm tay người bạn gái. Bàn tay dường như chỉ còn da bọc xương, mát lạnh. Đã thân thiết với nhau đến thế mà bà Thao vẫn cảm thấy rờn rợn đến nỗi vội lấy lọ dầu tràm đầu giường xoa đi xoa lại vào tay bạn cho nóng lên. Bà Thanh vẫn nằm, gượng cười vào chuyện:

- Thao nhớ tháng trước mền có nói bạn phải giữ gìn sức khỏe để khi có việc cần nhờ thì lo cho tròn không?

- Có nhớ, việc chi mà quan trọng, có phải làm cả đời cả kiếp mô mà bạn sợ mình không làm được.

Bàn tay bà Thanh bỗng bấu chặt vào cánh tay bà Thao như muốn nhổm dậy. Bà Thao vội ấn bà Thanh nằm xuống, bất ngờ chuyển giọng thân mật như thuở nào:

- Có việc chi mà mi rào đón như hồi mới yêu ông Báu rứa?

Bàn tay bà Thanh lại một lần nữa bấu chặt một cách tuyệt vọng như muốn níu kéo một điều gì. Bà nói nhỏ nhưng rõ ràng như dồn hết thần khí:

- Việc ni đúng là phải làm cả đời cả kiếp mới xong đó, Thao nờ.

Bà Thao cảm thấy hình như có một điều gì nghiêm trọng lắm sắp xảy đến mà không phải là chuyện ra đi của bạn. Bà như trở nguyên lại cái cảm giác được bên nhau thuở học ở trường sư phạm, chung lớp chung giường. Những năm tháng quá ư là gian khổ. Bom đạn đầy trời. Khóa học ba năm mà tới ba lần sơ tán chỗ ở, hai lần đi vận chuyển hỏa tuyến. Bếp ăn tập thể quá nghèo nàn, tới bữa, lấy cơm bếp ăn về lổn nhổn toàn sắn lát. Có lần cả lớp cùng say sắn phải nghỉ học. Hầu như không đêm nào ngủ được trọn giấc. Máy bay Mỹ gầm thét, có đêm chạy hầm hai ba lần.

Lại nhớ cái lần đi lao động gây quỹ lớp, Thao đạp phải mảnh sành, chân tóa máu. Thanh xé áo băng vết thương cho bạn, vừa băng vừa khóc. Lại có lần, đang đêm, liên chi đoàn báo động kêu gọi đoàn viên băng đồi chạy cả chục cây số đến quốc lộ 15 tiếp ứng cứu đoàn xe vận tải chở gạo bị máy bay Mỹ oanh tạc. Sáng về mệt nhừ, mặt mũi lọ lem không đứa nào nhìn ra đứa nào. Ngày ấy, sinh hoạt khổ thế mà làm việc gì cũng băng băng. Sao bây giờ, có bát ăn bát để, nhà cửa khang trang hai ba tầng. Xe bốn bánh của con cái chạy đi chạy về thì bạn lại nằm thoi thóp như con cua bấy ri, Thanh ơi!

- Thao giúp mình được không?

- Bà Thao cúi xuống:

- Mình giúp được chuyện chi? Thanh nói đi. Chuyện chi mình cũng làm được mà.

- Thao kêu anh Báu vô giúp mình với!

- Tưởng chi!

Trong tâm trạng rối bời vì thương bạn sắp không cầm cự được nữa, bà Thao hồn nhiên tưởng việc bà Thanh nhờ có vậy. Ông Báu vào, bà Thanh giơ tay chới với như muốn ngồi dậy. Ông Báu vội đón lấy tay bà. Bà Thanh cố tỏ ra tỉnh táo:

- Thao này, cái ông ni có bệnh chi mi biết không?

- ...?

- Là bệnh nhác tắm, ở bẩn đó - Bà Thanh nở nụ cười nhợt nhạt rồi nói tiếp, giọng như người già nói một mình - Hồi trẻ, có lần đi mật phục cả đêm, gần sáng về rửa ráy qua loa, định chun vô, bị tau đẩy ra, bắt đi tắm. Sáng thấy nằm chèo queo trên phản, muỗi bu đầy.

- Cái bà ni thiệt, kể chi chuyện ngày xưa. Giờ lo mà ăn uống cho khỏe cho con cháu vui.

Bà Thanh lại mở mắt, níu tay ông Báu kéo kéo lại gần. Ông Báu ngồi xuống ghế. Bà Thanh dồn hết tâm lực, nói như mộng du:

- Mọi việc đã dặn ông nhà mình hết rồi, Thao nờ. Còn một việc cuối cùng, mình nhờ bạn, Thao làm được không?

- Thanh ơi! Việc chi hệ trọng mà ấp úng mãi rứa. Thì tau nói rồi mà, việc chi Thanh bảo Thao cũng làm hết. Nói đi!

Bằng tất cả sức lực còn lại, bà Thanh chậm chạp run rẩy kéo tay ông Báu đặt lên tay bà Thao:

- Mình... đi rồi, Thao...ch...ăm anh...gi...úp...mình.

Cả ông Báu và bà Thao đều giật mình và cùng một phản xạ tự nhiên, rụt tay lại. Lạ lùng thay, trong cơn hấp hối, hai bàn tay lạnh lẽo của bà Thanh lại bỗng nhiên vô cùng rắn rỏi, giữ chặt tay hai người lúc này đang nằm gọn trong tay bà. Ngoài trời lúc này đã chiều muộn. Ánh chiều vàng vọt cuối ngày chiếu vào mảng tường hắt ánh hồi quang vào kẽ hở của gian buồng. Đâu đó sau vườn nhà, có con chim gì đập cánh, kêu lên mấy tiếng như vừa trúng tên. Bà Thanh đang thở những hơi cuối cùng của cuộc đời. Bà Thao ngước lên nhìn ông Báu. Ông Báu, bản tính vốn hiền lành nhìn đi nơi khác nhưng bàn tay ông vẫn giữ yên trong tay bà Thao từ từ nắm lại... Bất giác, bà Thao kêu thảng thốt:

- Thanh! Thanh! Thanh!

- Bên ngoài, con gái bà Thanh chạy vô:

- Mạ con răng rứa, dì?

- Mạ con... ! Được, được, tau đồng ý, Thanh ơi! Mi nghe được không? Tau đồng ý, đ...ồ...ng...ý...!

  Sau mấy giây, bàn tay bà Thanh rời ra, mềm oặt, rơi xuống nệm. Chỉ còn tay của hai người bạn già đang vô tình nắm lại trước đôi mắt cô gái đang thảng thốt.

*

Ngoại ô thành phố có một khu vườn. Trong khu vườn có ngôi nhà cấp bốn. Bức tường hậu trông chưa cũ lắm nhưng dây trầu bò bám xanh tốt. Trước sân có vài cây cau. Đang tiết xuân phân, có những dây bí bò lan, nở những bông hoa màu vàng. Một người đàn ông chừng tuổi thất tuần mặc áo lót may ô, quần dài cảnh phục đã cũ đang tỷ mẩn hái một bông bí đực, cẩn thận ngắt bớt hai bên cánh cho gọn rồi úp lên bông cái. Chỉ vài ngày sau khi thụ phấn, bông bí sẽ kết quả và lớn rất nhanh. Cạnh đó, một người đàn bà cũng cùng độ tuổi đang chậm chạp quét khoảng sân. Họ là hai nhân chứng của một câu chuyện cổ tích thời nay.

(Trại viết Hải Đăng - Nhật Lệ, tháng 4/2019) 
Truyện ngắn của Nguyễn Thế Tường
.
.