Chuyện buồn của chị

Thứ Bảy, 09/11/2019, 08:05
Lòng nhẫn nại, sự trơ lì trong tim chị không đủ để chị chịu đựng những cú châm chích của miệng lưỡi những người hàng xóm. Một thời gian sau, chị đã phải trả giá cho hành động của mình. Chị trở nên than thân trách phận...

Bây giờ thì mọi chuyện đã qua khá lâu rồi...

Hồi ấy tôi còn là một cậu con trai mới lớn vừa về công tác ở Viện Nghiên cứu Thủy lợi. Thế mà thấm thoắt thời gian, tuổi trung niên đằng đẵng đầy u uẩn ùa về trong cuộc đời tôi như một mùa thu rụng lá. Tôi đã từng có những đêm không ngủ, những đêm nhỏ lệ cho tình yêu đầy ngang trái của mình... Trong cuộc đời mỗi con người, liệu còn có điều gì quan trọng hơn tình yêu nữa. Và khi tình yêu tan vỡ, cũng là lúc cuộc đời con người tan vỡ theo.

Cuộc đời nhiều lận đận đã giúp tôi thêm hiểu nỗi đau của chị…

Mười năm trước. Một ngày thu nắng hoe vàng. Căn nhà nhỏ hoang phế, mái tường bám đầy rêu xanh, cánh cửa ải mục nằm giữa một khu vườn hoang tàn đầy rác bỗng nhiên được mở cửa. Một người lao động gầy đét, quần áo màu xanh nhàu nát vác một cái chổi tre cán dài dọn dẹp từ trong ra ngoài. Rác được gom lại và đốt. Mái ngói cũng được vài người đàn ông làm thuê đảo lại một chút cho đỡ dột. Tường được quét vôi. Rồi hương được đốt lên. Một làn hương thơm nức...

Xưa nay tôi chỉ biết đến mùi hăng hắc của lá mục, mùi chuột chết, mùi rêu... từ căn nhà hoang phế đó và những tiếng sột soạt không hiểu của chuột chạy hay tiếng chân bước của bọn trộm, bọn ăn xin, bọn gái làm tiền đêm hôm lần vào trú ẩn. Vậy nên tôi lấy làm lạ và bỗng thấy vui vui trước sự hồi sinh của căn nhà chết.

Một ngày sau chị chuyển đến. Chị bế một đứa con trai nhỏ tầm hai tuổi. Đồ đạc thu gọn trên một chiếc xích lô gồm mấy túi quần áo, chăn màn, nồi niêu và một ít vật dụng thiết yếu khác.

Đêm đầu tiên căn nhà ấy sáng đèn sau gần hai năm tối đen im ỉm. Khi tôi chuyển đến ở cạnh ngôi nhà ấy thì nghe một người hàng xóm nói, chủ căn nhà này là một ông già độc thân về hưu bị  viêm gan và đã chết. Một người cháu của ông ta tiếp quản căn nhà nhưng không lâu sau làm ăn thua lỗ nên đành đóng cửa lại chuyển đi nơi khác. Hình như căn nhà này có ma. Hình như căn nhà này xây chồng lên một hài cốt của người xưa. Vậy mà bây giờ lại đến lượt chị chuyển đến.

Tôi đang khép hờ cánh cửa trầm ngâm suy nghĩ, khoảng chín giờ đột nhiên có tiếng gõ. Chị bước vào ngập ngừng:

- Chào cậu.

- Chào chị. Chị mới chuyển đến phải không?

- Từ nay chị là hàng xóm của cậu.

Tôi mời chị vào nhà. Trên tay chị vẫn bế đứa nhỏ.

- Cháu tên gì hả chị? - Tôi hỏi.

- Hiếu.

Đứa trẻ đã ngủ trên tay chị từ bao giờ. Tôi bảo:

- Chị ủ cho cháu ngủ.

Chị làm như không nghe thấy lời tôi, vẫn bế đứa bé trên tay, chị nói:

- Chị mới chuyển về đây. Căn nhà lạnh lẽo làm chị sợ quá.

Rồi chị ngồi im. Tôi chẳng biết nói gì để an ủi chị. Tôi pha nước mời chị uống nhưng chị chỉ nhấp một ngụm nhỏ. Chị nói:

- Chị ngồi nhờ nhà cậu một chút.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Khoảng mười giờ đêm chị lại bế con trở về nhà. Nhưng không lâu sau đó đứa bé bỗng khóc thét lên. Rồi một lời ru êm dịu, buồn bã gần như một lời rên ngân lên thê thảm:

Một người đâu phải nhân gian

Sống như một đốm lửa tàn mà thôi...

Tôi tự nhủ với mình không nên chú ý đến chuyện nhà hàng xóm. Ngày mai tôi còn phải đến cơ quan, phải chuẩn bị nhiều thủ tục cho chuyến đi công tác một tuần ở miền Trung. Có một số dự án cải tạo hệ thống thuỷ lợi miền Trung cần được xúc tiến và tôi đóng vai trò của người liên hệ cho chuyến đổ bộ thực tế, khảo sát của các chuyên viên. Tôi lôi cuốn sổ tay ra ghi nguệch ngoạc mấy dòng công việc cần làm gấp trong ngày mai và leo lên giường. Lúc đó đã mười hai giờ đêm. Chẳng lâu sau đó tôi thiếp đi. Tiếng ru buồn bã của chị vẫn ngân đều đều cùng với tiếng khóc thét như xé gan ruột của đứa bé hầu như không còn làm tôi chú ý nữa. Sáng hôm sau, tôi đến cơ quan khi nhà chị vẫn còn đóng kín cửa.

Tôi đi công tác dọc theo gần mười tỉnh miền Trung. Hôm trở về nhà thì trời đã tối đen. Tôi mệt quá, không thèm nhòm ngó xung quanh, cứ thế leo lên giường ngủ sớm. Nửa đêm tôi bỗng giật mình bật dậy vì một tiếng thét dữ dội, đau đớn:

- Cứu con tôi với bà con ơi. Cứu... c...ứ...u...

Im lặng. Chỉ còn sự im lặng đáp lại những tiếng kêu cứu của chị. Tôi chạy nhanh sang nhà chị. Lúc ấy chị đang ngồi trên giường, đôi mắt sưng húp vì khóc quá nhiều. Đứa bé vẫn nằm trong tay chị, mắt nhắm nghiền và hơi thở thoi thóp. Tôi hỏi:

- Cháu bị làm sao hả chị?

- Có kẻ muốn bắt mất con chị - Chị nói khô khốc. Tôi chợt chạnh lòng tự ái. Thật kỳ lạ. Tôi vừa nghe thấy một giọng kêu cứu thảm thiết nhường ấy, sao bây giờ chị lại có vẻ lạnh lẽo đến như vậy. Dù sao thì tôi cũng hỏi thêm lần nữa:

- Cháu bị làm sao hả chị?

Chị không trả lời tôi. Gương mặt chị thộn đi. Tôi xị mặt và quay trở về nhà. Khoảng một tiếng đồng hồ sau lại nghe thấy tiếng chị kêu cứu, nhưng lần này thì tôi không sang. Mặc kệ chị. Dù chị có buồn não thế nào nhưng tôi sang vì một thiện ý muốn giúp chị thì chị phải tiếp tôi cho bằng lòng. Tôi nghĩ thế vì thực ra tôi không tài nào hiểu nổi sự kỳ quặc trong tâm lý của chị.

Sáng hôm sau trời nhiều sương se lạnh. Từ căn nhà của chị chỉ còn bật ra những tiếng nấc khan đặc. Tôi tự đấu tranh với mình để dẹp bỏ lòng tự ái bước sang nhà chị. Tôi định sẽ hỏi han, an ủi chị vài điều. Nếu như chị cần sự giúp đỡ, tôi sẽ giúp. Nhưng khi tôi vừa bước vào cửa, lúc ấy chị đang ngồi trên giường bỗng bật lên như tên bắn, lao về phía tôi. Chị nắm lấy cánh tay tôi kéo về chỗ đứa trẻ đang nằm:

- Em ơi! Em cứu con chị... cứu nó... chị chỉ có nó...

Tôi nhìn vào đứa bé đang nằm li bì trên giường. Da của nó hơi tái xám. Tôi chạm bàn tay lên trán nó. Trán nó hâm hấp nóng. Tôi bảo với chị:

- Cháu bị sốt!

Chị nhìn tôi. Một cái nhìn thảng thốt. Bỗng nhiên đứa bé trợn mắt. Hơi thở bị chắn ngang phát ra những tiếng khò khè, anh ách. Hai tay, hai chân co rút lại, người vặn cong, cứng đờ. “Nguy hiểm rồi! Đó có lẽ là triệu chứng của một căn bệnh não”.

Chị cuống cuồng ôm đứa bé trên tay cùng một đống chăn lót ríu chân chạy ra ngõ, vừa chạy vừa kêu cứu. Tôi khép cửa rồi đuổi theo. Chị chạy rất nhanh và vấp ngã. Cả đứa bé và đống chăn cùng người chị liền thành một khối đập mạnh xuống đất.

Khi tôi chạy đến gần thì chị đã kịp đứng dậy định chạy tiếp. Tôi giằng đứa bé ra khỏi tay chị và tiếp tục chạy ra trạm xá của xã. Đến nơi thì đứa bé đã tím ngắt, ngừng thở. Các y sĩ lắc đầu còn chị thì xỉu xuống nền nhà.

Đứa bé được chôn cất giản đơn ngay trong ngày hôm đó. Một người đàn ông tuổi ngoài ba mươi có gương mặt nhỏ, cằm nhọn như mũi một con dao găm im lặng đi ra đi vào bên chiếc quan tài nhỏ của đứa bé bằng gỗ thô đóng vội. Một người đàn ông khác nhỉnh hơn vài tuổi có dáng người béo, trì trệ đứng sững như một tượng đá bên quan tài. Cảnh đó diễn ra không lâu. Người đàn ông có gương mặt nhọn nói với người kia:

- Anh có thể đi được rồi!

Người đàn ông kia không nói gì mà vẫn trầm lặng bên cỗ quan tài.

- Nó là con của tôi! - Người đàn ông cằm nhọn nói tiếp. Giọng có phần gắt. Người kia bỗng buông một tiếng thở dài và bước ra khỏi nhà. Lúc ấy chị vụt chạy theo, chị nói như một lời rên:

- Anh đừng đi. Trời ơi...

Người đàn ông béo đậm vẫn kiên quyết bỏ đi. Chị ngã vật ra đất. Sẩm tối, mấy người phu đòn khiêng chiếc quan tài đứa bé ra nghĩa địa. Người đàn ông gương mặt nhọn đi bên cạnh. Anh ta không biểu lộ một trạng thái tình cảm nào. Tối hôm ấy, anh ta ở lại cùng với chị, và sáng hôm sau không nói một lời, rời đi khi chị vừa thiêm thiếp ngủ.

Từ hôm ấy, thỉnh thoảng tôi lại sang nhà chị. Thấy tôi, lúc nào chị cũng khóc. Dạo ấy chị cứ đóng cửa ở lỳ trong nhà. Hầu như không ai đến thăm chị. Vì không tiện nên tôi không hỏi xem chị làm gì, quê ở đâu, hoàn cảnh nào đẩy chị đến chỗ cô đơn, tan nát gia đình như vậy. Đó cũng là điều mà sau này nhiều lúc tôi phải tự vấn mình.

Công việc của tôi càng cuối năm càng bận. Suốt ngày tôi vùi đầu ở cơ quan, hết văn bản này đến công văn nọ. Hết điện thoại, giao dịch lại đi công tác. Tôi được biệt phái đi đồng bằng sông Cửu Long một tháng rưỡi. Hôm trở về nhà, tôi mang sang nhà chị một chút quà miền Nam. Nhưng căn nhà chị cửa khoá trong... Tôi đành lặng lẽ ra về. Khoảng một giờ sau tôi thấy chị ngồi sau chiếc Cup 81 của một người con trai có lẽ kém chị đến dăm tuổi. Bỗng trong tôi có một linh cảm, cuộc đời của chị chắc sẽ còn trải qua không ít chuyện buồn.

Khoảng một tháng liền sau đó, hầu như ngày nào người con trai kia cũng vào nhà chị từ chiều muộn cho đến khuya mới về, có hôm còn ở lại đó qua đêm. Hàng xóm bắt đầu xì xào, lời qua tiếng lại. Nhưng có lẽ lòng chị đã quyết rồi, chị tỏ ra không quan tâm gì đến dư luận. Chị từ chối mọi việc tiếp xúc với người xung quanh vốn chỉ muốn bới móc những chuyện của chị cho sướng mồm. Thù oán vặt vãnh cũng từ đó mà sinh ra với chị. Người ta xỉ mắng chị là gái làm tiền, là đồ lẳng lơ. Người ta cũng nói chị là đồ tráo trở bạc bẽo với chồng... Không cần căn cứ, người ta cứ thế mà bịa ra bất cứ chuyện gì, miễn là nó làm cho chị đau lòng.

Lòng nhẫn nại, sự trơ lì trong tim chị không đủ để chị chịu đựng những cú châm chích của miệng lưỡi những người hàng xóm. Một thời gian sau, chị đã phải trả giá cho hành động của mình. Chị trở nên than thân trách phận. Chị hay khóc lóc vì nỗi bất hạnh của mình và giận thói đời đen bạc. Nhiều hôm chị kể với tôi những chuyện đau buồn của chị qua làn nước mắt... Tôi không biết nói gì để an ủi chị nên chỉ im lặng lắng nghe và suy nghĩ. Thực lòng, tôi cho rằng không ai có thể thấu hiểu được chị bằng chị và chỉ có chị mới có thể tự cứu mình khỏi cái vũng lầy tăm tối của lòng mình. Có hôm tôi hỏi chị:

- Thế hai người đàn ông xuất hiện hôm thằng Hiếu, con chị qua đời ấy có quan hệ thế nào với chị?

- Một người là chồng, một người là người yêu đầu của chị.

- Ai là chồng?

- Anh Đạt, người béo đậm ấy.

Chị nói mà không chú ý đến lời của mình.

- Thế còn người kia?

- Hoàn! Một người chị yêu và cũng chính là kẻ thù số một của đời chị. Tình yêu của anh ta như con dao cắt ruột chị.

Bỗng nhiên chị vò đầu, lắc lắc mạnh cái khối tóc bỗng chốc đã rối bời và bật ra một tiếng nấc.

- Tại sao chị lại yêu người ta cơ chứ? Tại sao chị lại đi yêu một kẻ vô lương tâm như vậy để đến nỗi đời chị tan nát...

Qua câu chuyện xen giữa những tiếng nấc đứt đoạn, tôi hiểu được rằng, chị là nạn nhân của một tình yêu đầy gian dối.

- Trời ơi! Em có hiểu được không? - Chị lại than - Chị yêu người ta hết lòng. Vậy mà người ta nỡ đối xử với chị chẳng ra gì... – Chị bỗng ngừng lại, rồi đổi giọng - Năm ấy chị ngoài hai mươi... Biết bao người con trai hiền lành đôn hậu đã theo đuổi chị, nhưng chị từ chối. Chị cũng là người biết mơ ước một cuộc sống tốt đẹp. Chị muốn được học hành để có công việc tốt... Thế rồi mọi chuyện đã thay đổi. Đời chị như một cành xanh bị bẻ quặt. Tất cả ngang trái bắt đầu từ khi Hoàn xuất hiện... Trời ơi! Làm sao chị lại có thể nghĩ được rằng những đam mê, những khát khao của tình yêu ban đầu đó lại có thể làm cho đời chị tan vỡ... - Một khoảng lặng chen vào câu chuyện của chị như một vực thẳm ký ức kéo chị sa xuống. Nhưng chị chống lại nó. Dù sao thì tôi cũng không phải là người chị có thể trút lên đầu tất cả tâm sự trong một thời khắc. Tuy vậy câu chuyện về quá khứ của chị cũng không thể chấm dứt hoặc thay đổi theo một hướng khác hẳn.

Chị lại than:

- ...Chị không biết, đằng sau cái vẻ ngoài thông minh, hóm hỉnh, sự tháo vát của Hoàn là sự gian dối và lòng thù hận... Không thể ngờ được rằng sau những năm tháng săn đuổi, nhẫn nhục, van xin... những lần thất vọng quay gót... rồi trở lại... Hoàn đã khiến chị động lòng...Với chị, những tình cảm với Hoàn ngày ấy là rất trong sáng.

Thế nhưng anh ta lại ruồng bỏ chị sau khi chiếm được tình yêu của chị không lâu. Chị thất vọng và buồn. Nhưng rồi cũng cố gắng vươn lên. Chị muốn làm lại cuộc đời... Muốn tìm sự bình yên cho tâm hồn. Nhưng bỗng một ngày chị phát hiện ra rằng mình đã có thai với Hoàn. Chị vô cùng sợ hãi... vô cùng sầu thảm và chưa biết tính sao thì anh Đạt xuất hiện và cảm mến chị. Anh Đạt nói rằng, vừa gặp chị anh ấy đã yêu.

Đó là một tình yêu sét đánh. Anh Đạt là một người chân thật, giàu tình cảm nhưng duyên tình lận đận... Anh bảo, gặp được chị, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đời anh. Sự đam mê, vồn vã và dễ dãi của anh đã cứu chị thoát ra khỏi tình cảnh ngặt nghèo nhất. Chị quyết định lấy anh Đạt. Khi anh chưa hề hiểu dược một chút uẩn khúc gì trong cuộc đời của chị.

Mãi sau khi cưới, anh Đạt mới vỡ lẽ ra việc chị có thai... Nhưng anh không tỏ ra oán giận, trách móc gì chị mà chỉ lặng lẽ buồn. Chính cách ứng xử ấy của anh Đạt, không hiểu sao, lại làm cho chị giày vò. Chị thấy mình không xứng đáng với anh... - Chị ngừng lại nuốt nước mắt vào trong - ...Dần dần anh và chị trở thành hai thế giới xa cách với nhau và không lâu sau đó chị bỗng hiểu ra rằng, anh Đạt sẽ không thể nào hiểu được chị. Anh và chị không hề giống nhau. Anh là một người trầm lắng, vô cùng kín đáo và không bộc bạch nội tâm bao giờ.

Ngược lại, chị là một người mềm yếu, dễ tổn thương, thường xuyên cần sự an ủi, nâng đỡ... Cũng vì vậy, chị đem lòng nhớ thương Hoàn. Con người dù đã có những hành động tàn nhẫn với chị, nhưng không hiểu sao, trong lòng chị lại chỉ có một hình ảnh duy nhất ấy... Nhiều đêm chị nằm mơ và gọi tên Hoàn. Anh Đạt biết chuyện đó, nhưng anh lờ đi.

Hằng ngày anh vẫn thường chăm sóc chị chu đáo, ân cần. Trong thời gian có thai thằng Hiếu, chị đã trải qua vô vàn tâm trạng khác nhau. Trước hành động cao cả của anh Đạt, chị quay sang xỉ vả mình. Nhưng cái tính chị vậy, đa cảm từ bé, không thể nào khác được. Rồi chị sinh thằng Hiếu. Một đứa bé từ trong bụng đã chứng kiến bao vui buồn, uẩn khúc của cuộc đời mẹ nó. Vì vậy khi ra đời nó đã gầy nhẵng, quặt quẹo... Anh Đạt công tác tại một nhà máy cơ khí. Đi làm quần quật suốt ngày, tối anh còn thức thâu đêm đỡ đần chị những hôm thằng Hiếu ốm. Vậy mà...

Chị buông lửng câu nói, lại thở dài đánh sượt... Giọng chị méo đi vì xúc động. Một hồi ức xót xa đầy ân hận cuộn lên trong tim chị.

- Sau đó điều gì đã xảy ra hở chị?

- Tất cả chỉ tại Hoàn... Hắn đã quay trở lại. Tất cả mọi bình yên trong gia đình chị bị xáo trộn lên vì hắn.

- Đầu đuôi câu chuyện ra sao?

- Hắn đến nhà chị vào một buổi chiều muộn. Trên tay xách một chai rượu. Mặt hắn đỏ gay, nhưng giọng nói thì vẫn còn lưu loát lắm. Hắn... Hắn là một kẻ buôn nước bọt, môi giới việc bán máy móc của công ty cơ khí với các cơ sở sử dụng... Vậy mà chị vẫn coi hắn là một người tốt và yêu hắn bằng một tình yêu mù quáng.

Chị như người bị hắn bỏ bùa mê, thuốc lú. Chị hành động mà không thèm suy nghĩ. Hắn đến cửa, lẽ ra cần phải đuổi hắn đi, hoặc coi hắn như người dưng thì chị lại niềm nở mời hắn. Không hiểu sao lại như thế nữa. Hắn được nước nghênh ngang bước vào nhà và tuyên bố với anh Đạt rằng thằng Hiếu là con của hắn với chị. Hắn còn nói nhiều điều nhăng nhố ghê tởm lắm mà chị không nhắc lại được...

Anh Đạt mặt đỏ tía tai, môi bậm lại không nói một lời. Còn chị cũng như người bị bịt miệng, đầy xấu hổ và tủi hờn vì vết thương lòng bị giày vò. Anh Đạt đưa mắt nhìn chị... Chị biết anh yêu cầu chị làm gì để chấm dứt nhanh tình trạng ấy, nhưng chị không làm gì cả. Rồi bỗng anh Đạt rút ra một con dao nhọn, nói với Hoàn:

- Vì sự xúc phạm, tao sẽ giết mày.

Ngọn dao vung lên và chém sượt qua vai Hoàn, rỉ ra một dòng máu nhỏ. Như điên loạn, chị xông lại ôm lấy anh Đạt và hét toáng lên. Hoàn nhân cơ hội ấy túm lấy con dao từ tay anh Đạt. Hắn gằn lên:

- Tao sẽ chọc mù mắt mày!

Rồi hắn gí thẳng mũi dao nhọn vào mắt anh Đạt khi chị chưa kịp thả anh ra. Cũng lúc ấy, ngọn dao bỗng bay vào góc nhà. Hoàn quỵ xuống vì một cú đánh bất ngờ của anh Dũng - một người bạn của anh Đạt, vốn là lính đặc công vừa đến kịp.

Chị lại đau đớn dằn một cơn thở dài, gạt nước mắt:

- Sau chuyện đó, anh Đạt giận chị và đến ở nhà anh Dũng. Anh yêu cầu chị phải có thái độ rõ ràng về quan hệ với Hoàn. Nhưng có lẽ quan trọng hơn, anh Đạt đã nhận ra anh ấy không phải là người chiếm được tình yêu của chị. Anh lạnh nhạt hẳn và ít về nhà từ hôm đó. Ngược lại, Hoàn được đà lấn tới. Hắn thường xuyên đến nhà chị. Dù biết hắn là một thằng đểu, một thằng vô lương tâm nhưng hắn lại là tay phù thuỷ đã biết làm cho chị run rẩy, bủn rủn và u mê, chị không đủ sức làm gì khác việc chiều theo ý hắn mỗi lần hắn đến. Chính vì vậy mà chị quyết định chuyển về thuê nhà mới ở đây. Chị muốn Hoàn và cả anh Đạt nữa không biết được chỗ ở của chị. Và rồi câu chuyện đã diễn ra như em biết đấy. Sự oan nghiệt bám riết lấy đời chị. Thằng Hiếu thì đã chết...

Chị lại khóc nức nở. Tôi bỗng nhận ra những nét phai tàn đã đến tự lúc nào trên gương mặt tròn xinh đẹp của chị. Tự bao giờ không biết nữa, đôi mắt chị đã trở nên đờ đẫn và có một cái gì thương tổn, man dại.

Vài tháng sau buổi nói chuyện ấy, tôi thấy chị gầy rộc đi. Đôi mắt sâu thâm quầng, gò má giơ xương, những nếp nhăn gạch ngang thành vết hằn trên trán, sau đuôi mắt. Chị nói với tôi:

- Chị khổ quá!

Tôi nghĩ, lại có chuyện gì chăng? Đã lâu chị sống lặng lẽ như một cái bóng và thường lẩn khuất đi đâu từ sáng đến tận tối mới về. Chị hầu như không giao tiếp với ai. Kể cả tôi, đôi lúc gặp chị cũng tỏ ra lạnh băng như người không quen biết.

Người con trai trẻ thường vào với chị dạo trước bỗng dưng cũng biến mất. Một buổi khác chị sầu não sang gặp tôi. Qua câu chuyện lộn xộn, đứt đoạn đầy xúc động của chị tôi hiểu rằng người con trai trẻ kia trong cơn hưng phấn bốc đồng có lúc đã nói sẽ lấy chị. Chị không tin chuyện ấy có thể xảy ra. Những kinh nghiệm và cả linh cảm đã mách bảo chị điều đó. Nhưng, vì chị là một người cô đơn, quá cô đơn đến mức không thể đủ can đảm để từ chối, kể cả những quan hệ mà chị biết chắc chắn chẳng lâu bền gì cả.

Một sự ham muốn và đau khổ quằn quại chen lẫn vào nhau trong xúc cảm của chị. Nhưng khi người trai trẻ kia vừa chiếm được một phần tình cảm của chị thì anh ta bàng hoàng sợ hãi như chạm vào một vực thẳm. Tâm hồn của những người đàn bà đau khổ giống như một đại dương và một hoang mạc. Nó dồn chứa bao điều nghịch lý, dữ dội và nghiệt ngã. Vậy nên, chàng trai trẻ kia đã đột ngột quay gót. Chị thấy mình thêm một vết thương lòng. Thấy mình khô cháy như một thân cây trên bãi cát, cạn kiệt sức sống.

Một ảo tưởng tội nghiệp lại ập đến, chị tìm đến nhà Hoàn. Chị muốn gọi Hoàn trở lại sống với chị. Chị nghĩ, chị có thể làm tất cả cho Hoàn. Chị tha thứ hết cho Hoàn. Dù Hoàn có khốn nạn bao nhiêu đi chăng nữa, nhưng đó là người đã cuốn hút được chị, đã làm cho chị cảm thấy bị chinh phục và biết chịu đựng.

Một người đàn bà kém chị vài tuổi đã nhảy xổ ra tát tới tấp vào mặt chị. Chị ta bảo chị là đồ “cướp chồng”, là đồ “đĩ thoã”. Chị oan ức quá. Chính người đã cướp mất tình yêu của chị thì lại có cái quyền giày vò chị. Bất công và nhục nhã. Nhưng chưa đủ. Ngay lúc đó, Hoàn bước ra nhìn chị gườm gườm và quát:

- Xéo ngay! Mày còn quấy rầy, ông cho bọn đầu gấu xé xác mày đấy.

Thật không thể tưởng tượng được. Sự tuyệt tình của con người sao lại có thể tệ mạt hơn thú dữ như vậy! Chị thấy trời đất quay cuồng, điên đảo. Bao nhiêu đau khổ bi thương của quá khứ từng làm cho chị héo úa, thêm vết chém này nữa của lòng phản trắc đã đánh gục chị. Từ hôm ấy chị trở về nhà và đêm đêm toàn thấy ác mộng. Hầu như đêm nào chị cũng thấy ma quỷ, yêu tinh quấy phá. Nhiều hôm chị như nghe thấy tiếng bọn đầu gấu đứng ở ngoài sân doạ giết chị... Tâm thần chị luôn hoảng loạn...

Sau những gì chị kể cho tôi thì tuyệt nhiên tôi không biết thêm những ý nghĩ gì nảy sinh trong chị vì dần dần chị bị suy giảm trí nhớ và sống câm lặng như một cái bóng. Nhiều hôm chị không nấu ăn mà lại hay thẩn thơ ngoài cánh đồng đứng lặng bên những nấm mồ.

Tôi thấy anh Đạt thỉnh thoảng cũng trở về thăm chị. Anh nấu cơm, chăm sóc và còn đưa chị đi khám ở bệnh viện tâm thần. Nghe nói chị bị chứng trầm cảm nặng. Một buổi tối chị đã tự treo cổ khi chỉ có một mình.

Bây giờ đã mười năm. Mộ chị cỏ đã lên xanh và nắm xương thanh xuân có lẽ đang ải mục trong ruột đất.

Tình yêu đã giết chị. Thói tục, sự ích kỷ của thế gian đã không dung thứ cho một tâm hồn như chị. Không biết bây giờ ở suối vàng chị có nghĩ như thế không? Nhưng một ý nghĩ khác cũng xen lẫn vào tâm trí tôi: loài người rồi sẽ ra sao khi ngày càng ít dần và đến lúc sẽ không còn những người như chị?

Truyện ngắn của Thiên Sơn
.
.