Chiếc mũ của cục trưởng

Thứ Ba, 06/12/2016, 08:00
Hôm nay đi làm, Cục trưởng Trần đội một cái mũ màu đỏ. Cả cơ quan hơn một trăm con người cả nam lẫn nữ, tuy nhiên chỉ có mình cục trưởng đội mũ, thế mà cái mũ lại có màu đỏ tươi đặc biệt thu hút ánh nhìn của người khác? Giá như hôm nay trời lạnh thì không có người để ý đến sự kỳ lạ đó.

Như vậy là chiếc mũ của cục trưởng chả có liên quan gì đến thời tiết - Mọi người suy đoán - chắc chắn dưới cái mũ của Cục trưởng Trần đang đội ẩn dấu một bí mật nào đó, thế nhưng không ai biết bí mật đó là gì? Thấy mọi người đều để ý cái mũ của mình một cách kỳ lạ và có vẻ săm soi, Cục trưởng cảm thấy cũng không được tự nhiên cho lắm.

Minh họa: Lê Tâm.

Chín giờ sáng, Cục trưởng vội vội vàng vàng ra xe đi khỏi cơ quan.

Sau khi Cục trưởng Trần đi, mọi người đều bắt đầu biểu lộ sự thắc mắc của mình về cái mũ của thủ trưởng và bàn tán về bí mật dưới cái mũ ấy. Mới đầu còn thì thào to nhỏ, dần dần những bàn tán biến thành một cuộc thảo luận rôm rả, xôn xao trong các phòng ban của toàn cơ quan Cục.

Có nhóm đồng nghiệp theo "Quan lộ thuyết" cho biết và được nhiều người nghe có vẻ tán đồng đó là, theo Phó cục trưởng thì cái đầu của Cục trưởng thuộc dạng "tài nguyên quý hiếm", Cục trưởng là cán bộ điển hình, thuộc lớp cán bộ nguồn cấp Bộ mà Trung ương quản lý. Đội cái mũ ấy biểu thị tinh thần về một giai thoại trước đây của tầng lớp lãnh đạo mang tính dân dã, gần dân, sâu sát với quần chúng, lăn lộn với cơ sở và công việc. 

Nghe nói Trung ương đang quy hoạch, điều chỉnh công tác cán bộ. Cái mũ là thể hiện tinh thần ấy. Cục trưởng vừa đi có lẽ là đi gặp lãnh đạo Trung ương vì việc thăng chức, tăng quyền.

Trong cuộc tranh luận, một số chị phụ nữ có tuổi trong Cục dựa trên cơ sở "Thuyết nội chiến" thì cho rằng: Vợ của cục trưởng tuổi ngày càng cao, vừa bị điều chỉnh bãi miễn chức vụ lãnh đạo, tâm lý đang không tốt. Trong khi đó, Vợ cục trưởng Trần lại là người phụ nữ nổi tiếng "chanh chua", đanh đá. Mâu thuẫn giữa hai vợ chồng đã tồn tại từ lâu. Dưới cái Mũ đỏ tươi kia chắc chắn là có vết thương do vợ chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay"… choảng nhau mà có. Cái mũ ấy dùng để che đậy đi vết thương trên đầu. Cục trưởng vừa đi, chắc chắn là đến bệnh viện để điều trị.

Một số cán bộ trẻ tuổi hơn theo "Thuyết nhân tình" lại khẳng định: Trên đầu Cục trưởng Trần có vết thương lớn hoặc bị một vết sưng to tướng là chắc chắn. Thế nhưng khả năng rất lớn là do nhân tình gây nên, vì từ khi vợ Cục trưởng mới bị giáng chức cho ngồi một chỗ, quan hệ bên ngoài giảm dần, có ít việc quan tâm, do vậy mà càng tăng cường quản lý chồng hơn. Cục trưởng Trần từ đó mà cảnh giác ngày càng cao; Cục trưởng Trần hẹn gặp nhân tình lần cuối để cắt đứt quan hệ. Song nhân tình không nghe, bất mãn, bốc hỏa, vớ lấy cái ghế táng một cái trời giáng vào đầu người tình cho hả giận, song vẫn chưa chịu buông tha.

Một số công đoàn viên ở Cục có tư tưởng theo "Thuyết âm dương" lại nói: Cục trưởng là người rất tin vào "âm dương phong thủy". Vừa rồi Cục trưởng tìm và nhờ một vị đại sư xem cho. Đại sư này nói ông có đại họa trong năm nay, để trừ tà thì Cục trưởng phải luôn đội một cái mũ màu đỏ trên đầu để trấn yểm. Chẳng thế mà mỗi khi cơ quan đi đâu, mọi người đều thấy Cục trưởng cũng chăm chăm thắp hương, bái Thần, khấn Phật hồi lâu là gì.

Bên cạnh đó, nhiều nhóm "túm năm, tụm ba" bàn luận và có rất nhiều ý kiến khác nhau, dựa vào các suy đoán như thuyết duy vật, thuyết trào lưu, thần kinh học... để giải thích về cái mũ màu đỏ tươi mà Cục trưởng đội sáng nay… 

Chẳng mấy chốc thời gian buổi sáng đã hết, giờ nghỉ trưa đã cận kề. Tiểu Triệu - lái xe riêng của Cục trưởng, một mình trở về. Rất nhiều người tham gia trong cuộc "thảo luận" cả buổi vừa rồi lập tức tiến đến hỏi xem sự tình về cái mũ mầu đỏ tươi của Cục trưởng có phải vậy không?

Tiểu Triệu nghe xong, cười không dứt mà bảo: Vừa rồi Cục trưởng Trần ra sân bay đón ông chú ở nước ngoài về; song lại chưa từng gặp mặt. Sợ khó tìm, mới nảy ra ý và quy ước là đội cái mũ màu đỏ để dễ nhận ra nhau.

Đến đây, mọi người mặt thần ra, đồng tâm "à…" lên một tiếng, "thì ra là vậy, thế mà toàn nói phét, chém gió, buôn chuyện".

Truyện vui của Trương Hiểu Phong(Trung Quốc) - Lê Thế Cương (dịch)
.
.