Chênh chao hạnh phúc

Thứ Hai, 26/12/2016, 08:04
Giỗ họ, mẹ về quê. Anh dậy sớm bỏ quần áo vào máy giặt, dặn ả khi nào máy giặt xong thì nhớ phơi cho được nắng. Không may cho ả, sau khi phơi hết thùng quần áo, trong lồng giặt trơ lại gói thiếc đựng “áo mưa”. Ả chết đứng. 

Nhìn trân trối vào lồng giặt như không tin vào mắt mình, những lỗ đen sâu hoắm xuyên thủng lớp inox sáng loáng của lồng giặt như xỉa ra vô số mũi tên nhằm vào con ngươi ả. Hai mắt ả tối sầm. Đầu óc tê cứng. Ả hít thở sâu, cầm gói giấy thiếc lên xem, hy vọng nó là gói singum hay gói dầu gội sữa tắm gì đó. Nhưng rõ ràng, cái hình vẽ này, cái dòng chữ này.

Ả có mù chữ đâu. Trong đầu ả u u những câu chuyện đã đọc đâu đó trong sách báo rằng không ít người đàn ông đã phải đi tìm cách giải quyết nhu cầu sinh lý trong khi vợ sinh con. Nhưng dù thế nào ả cũng không tin, không muốn tin... Anh... người đàn ông của riêng ả... lại như vậy...

Tiếng khóc của cu Tí cắt ngang dòng suy nghĩ. Ả loạng quạng bước vào nhà. Ôm thằng bé trong lòng, cho nó bú như phản xạ bản năng của người mẹ. Dòng sữa tuôn chảy dồn về đầu vú, khẽ nhói sâu nơi ngực trái, đôi môi nhỏ xinh nún chặt, rút dần những căng tức từ đáy ngực, rút dần những đau tức trong tim ả. Nhưng cái “áo mưa” không cho ả yên. Nó bật tung lớp vỏ thiếc, xoáy vào tâm trí ả.

Người chồng yêu thương... kẻ đã cuộn xiết ả trong vòng tay mỗi đêm, kẻ đã tan hòa vào ả cả thể xác lẫn tâm hồn, và rồi một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, cũng tấm thân ấy, lại cuộn vào một thân xác khác, đôi bàn tay nồng nàn kia... đôi bàn tay từng trượt dài trên da thịt ả đây kia... lại cũng trượt dài trên tấm thân khác...

Nước mắt ả chảy thành dòng trên má, chát mặn trên môi. Những vết xiết của bàn tay anh trên lưng ả, vết môi cắn mút trên ngực trên cổ ả giờ như vết ong đốt, nhức nhói. Và cả đôi môi của anh nữa, đôi môi mềm ngọt như lửa, cái lưỡi đã cuộn vào lưỡi ả hằng đêm… lại đã cuộn đâu đó với một người đàn bà nào đó.

Ả buồn nôn. Cổ họng ả trào ngược một thứ hỗn dịch chua khét và tanh tưởi. Ả dứt vú khỏi miệng thằng bé, thò cổ khỏi giường, nôn thốc nôn tháo. Nôn ọe đến mệt nhoài, cạn kiệt tất cả những gì ả đã cho vào bụng trong bữa sáng, rồi cả mật xanh mật vàng khiến miệng lưỡi đắng ngắt. 

Ả thiếp đi cho đến lúc thằng bé kêu đòi ăn. Nó đã ba tháng, biết mở đôi mắt trong veo nhìn lên đỉnh màn nơi ả treo sẵn quả bóng màu đỏ, nói với quả bóng trên cao, như một người bạn tin cậy. Quả bóng vô tri mà khiến con cười khanh khách, tiếng cười đánh thức ánh nhìn vô định của ả. Nó cuốn ả theo tiếng o o thơ dại và ánh mắt trong veo.

Con vung tay chân quẫy đạp, cười rồi lại mếu rồi lại cười. Hình như tạo hóa đã rèn tập ngay từ những ngày đầu tiên, cho mỗi sinh linh phải biết vui buồn, biết trải qua tất cả mọi xúc cảm, biết biểu lộ mọi cảm xúc ấy… tất cả… đầy đủ và hài hòa. Con trai của ả sẽ lớn lên trong yêu thương. Anh và ả và những tháng ngày… không thể khác được… không ai được phép chen vào, không ai được phép chia sẻ. Cái bao “áo mưa” vẫn còn đó, nó nằm chỏng chơ trên giường, giữa những mớ khăn tã lộn xộn. Mặc xác nó. Ả đi nấu cơm, dọn dẹp mới nôn oẹ xong trước khi anh về.

Nhưng trưa hôm ấy anh lại đi tiếp khách. Mâm cơm nguội lạnh.

*

Anh về muộn như thường khi, chui vào giường, hôn vợ con theo thói quen. Ả gai rét khi môi anh chạm lên má mình. Vừa lạnh, vừa hôi, cái mùi hơi thở có cồn lẫn với hành tỏi và mồ hôi khiến ả lợm giọng. Ả né người, tránh cái hôn thứ hai, anh không để ý hoặc cố tình làm như không thấy cái né người của ả, chăm chú nhìn cu Tí ngủ rồi nói:

- Con trai không thức đợi bố về à?

Vừa nói, anh vừa đưa tay gảy gảy lên má thằng bé, nó giật mình, mở mắt khóc oe oe. Ả hẩy tay anh ra, như phản xạ của gà mái khi thoáng thấy bóng diều hâu tiến gần đến đàn gà con, giọng ả đanh lại:

- Vừa đi về, lạnh, bụi, tắm đi đã rồi hãy bế…

Giọng ả chơ lơ. Anh thừa biết khi ả nói những câu trống không như vậy là ả đang giận anh rồi. Anh nhìn ả, giơ tay búng lên má ả, cái búng tay thường ngày đáng yêu là vậy nhưng hôm nay nó điêu điêu đểu đểu thế nào, nó khiến ả liên tưởng đến trò ve vãn đàn bà của đám đàn ông háo sắc. Ả quay mặt vào tường, anh đứng lên, vừa đi ra vừa hỏi:

- Vợ mệt à? Suốt từ hôm đẻ đến nay mới thấy dữ như bà đẻ. Trưa nay có đoàn khách quan trọng nên anh không về được, mà lâu lắm mới lại thấy vợ giận đấy, lâu không giận cũng thấy thiếu thiếu.

Anh nói mà không đợi ả trả lời, cũng không nhìn xem cái mặt ả ra sao, đi thẳng ra nhà tắm.

Minh họa: Đào Quốc Huy.

Mẹ chồng ả cũng vừa về. Ả nghe tiếng nói chuyện thưa nhạt của hai mẹ con họ ngoài bếp nhưng không biết họ nói gì vì trong đầu chỉ u u cái âm tiết anh vừa phát ra “dữ như bà đẻ”, xưa nay ả chưa từng nghe thấy ai ví “dữ như bà đẻ”, người ta chỉ nói “dữ như chó đẻ thôi”, anh ví ả là chó, không hơn một con chó trung thành nằm bẹp góc nhà đẻ con, nuôi con cho anh yên tâm ra ngoài tung tẩy. Nước mắt tràn đầy trên gối. Đêm ấy ả xua anh ra khỏi giường vì người anh toàn mùi tỏi và rượu. Thực ra, trước đây ả không thấy kinh sợ thế. Anh kéo võng đến sát giường nằm, còn bảo:

- Vợ không cho lên giường thì chồng nằm võng ngắm hai mẹ con ngủ cũng được.

Ngắm… anh cứ làm như anh yêu thương vợ con lắm, muốn ngắm sao không về sớm hơn, ngắm mà không biết ả bợt bạt vì tụt huyết áp, bầu vú không còn căng sữa, ngắm mà anh đặt lưng xuống võng vài phút đã ngáy vang nhà, tiếng ngáy như mỗi ngày, nhưng hôm nay ả nghe như tiếng lợn kêu, thỉnh thoảng còn nấc lên, ngắc ngứ như cơn ợ cỏ nhai lại của lũ bò. Tiếng ngáy khiến tai ả ù đặc, đầu óc muốn vỡ tung. Ả càng cố ngủ càng thấy mớ âm thanh đập vào tai như sấm.

Ả lấy bông nhét đầy hai lỗ tai, lấy cả tã của con quấn quanh đầu để bịt tai lại. Nhưng ả vẫn không thể ngủ được. Cu Tí lúc lúc lại dậy đòi ăn, ả kéo con vào sát mình cho con nằm bú. Đầu lưỡi mềm mượt, non tơ cuộn lấy đầu vú ả, ra sức mút, nhưng ả không thấy các tia sữa rần rật trào về như thường khi. Đầu vú đau và rát, ả không chịu nổi nên dứt ra khỏi miệng con, nó khóc òa lên, ả càng thí dỗ, con càng khóc.

Anh tỉnh dậy bế con, ân cần hỏi:

- Sao vậy em, con đòi ăn à?

Giọng anh ngái ngủ và nặng nề, như thể trách ả không cho con bú, hoặc là ả nghĩ như vậy. Cu Tí khóc dai khiến bà nội cũng phải thức giấc. Bà bảo:

- Chắc con cảm nên sữa về ít đấy, mà sữa có về cũng chẳng tốt đâu, cho nó bú bình cũng được, khỏi lây cảm từ mẹ…

Ả nghe như muối ruột. Anh chỉ hỏi:

- Em còn thấy mệt không?

- Không - Ả đáp cộc lốc rồi nằm im. Bà nội cu Tí đi nằm, anh lại tiếp tục bài hò kéo gỗ. Ả thức chong chong nhìn bóng đêm loang lổ những hình đàn bà mắt xanh mỏ đỏ móng vuốt nhọn hoắt đang vây quanh ả và cu Tí. Đầu ả buốt lạnh cho đến khi trời sáng.

Anh lại hôn ả rồi đi làm.

Mẹ chồng lại lụi cụi việc nhà, lại lấy lòng trắng trứng gà với nhẫn bạc đánh cảm cho ả. Toàn thân ả mỏi rời rã. Ả nằm trên giường, hình dung về cuộc sống của hai mẹ con khi không có anh. Văng vẳng trong đầu ả mấy câu thơ đã đọc từ thủa nào xa lắm “Con đường bỗng tách mình thành ngã ba/ Người ta về với người ta/ còn em cuối buổi chiều tà về đâu…”. Ả thì về đâu mà chẳng được, nhưng còn cu Tí, nó nhỏ bé và bấy bớt thế này, nó sẽ thế nào khi lớn lên mà không có cha ở bên.

Nước mắt ướt nhượt trên gối.

Ả xanh xao gầy guộc hẳn đi.

Sữa cạn dần rồi mất hẳn.

Anh mua móng giò, đu đủ, mít xanh… bất cứ thứ gì người ta nói ăn cho có sữa anh đều kiếm bằng được. Nhưng sữa chưa trở lại. Mẹ chồng đi cắt thuốc bắc cho ả uống, bà bảo ả bị sản, rồi đổ tại anh cứ chui vào giường ngủ chung, hơi đàn ông nặng, hút hết sinh khí của ả. Mẹ ngập ngừng vòng vo loanh quanh đủ thứ mới hỏi ả.

- Mẹ hỏi cái này con phải nói thật, hai vợ chồng con kiêng được bao lâu, đã ngủ lại với nhau chưa?

Câu hỏi của mẹ đột nhiên khiến nước mắt ả trào ra, đắng ngắt trong cổ. Từ trước khi sinh con một tháng cho đến lúc này; cu Tí đã ba tháng tám ngày, ả chưa từng ân ái với chồng…chưa từng… dù có nhiều đêm, bản năng nó trỗi dậy, nó vần vò ả, nó làm ả khao khát đến cùng tận...  nhưng trí lực luôn thắng, ả tìm mọi cách để chiến thắng cơn ham muốn nhục dục của chính mình. Chỉ có anh, chồng ả, anh không hề phải "nhịn thèm" như ả suốt mấy tháng trời dài đằng đẵng.

Gái đẻ trong nhà như nhộng tằm trong kén, biết đâu được bên ngoài mưa nắng ra sao. Liệu có khi nào, chỉ vì đứa con này mà ả mất anh? Người ta có vô số lý thuyết về lý tưởng hay ước mơ hay khát vọng hay gì gì đó cho đứa trẻ nhưng đó chẳng qua chỉ là chỗ bám níu, vin giữ cho tất cả mọi khát vọng không thành mà thôi, thậm chí, còn là niềm an ủi cho phần lớn những người đàn bà thất bại trong tình yêu hay sự nghiệp.

Lý thuyết nào cũng có khởi nguyên, thực tế nào cũng có cách để chấp nhận và dung hòa. Ả đã nghe nói rất nhiều đến những lý thuyết kiểu như “với người đàn bà, con cái là tất cả niềm tin, tình yêu, hy vọng và sự sống".

Nhưng ả đã nhìn thấy không ít người đàn bà sẵn sàng phá bỏ một hài nhi hơn 5 tháng tuổi trong bụng chỉ vì không muốn phải nằm ổ đẻ trong nhà suốt 6 tháng trong khi cơ hội thăng tiến quan trường lọt đến kẽ tay. Ả cũng đã nhìn thấy không ít phụ nữ sinh con xong thuê người giúp việc chăm nom nuôi dạy để tự do bay nhảy trở thành bà này bà nọ, có tiền bạc và địa vị.

Họ, những người đàn bà coi trẻ con là một phần gì đó rất hiển nhiên trong cuộc sống của mình, họ có nỗ lực gì cho nó hay không cũng không quan trọng bằng việc họ có hay không ghi được tên mình vào một quyển kỷ yếu hay lịch sử hay sách truyền thống gì đó của hiệp đoàn này, công ty nọ... cho dù kỷ yếu hay lịch sử đó in xong rồi lăn lóc trong các nhà kho, trong ngăn chứa đồ không dùng của những gia đình có người trong sách, hoặc nằm phủ bụi trên các tủ sách thư viện.

Tất nhiên, ả cũng nhìn thấy không ít những phụ nữ dám hy sinh cả đời mình, vứt bỏ mọi ham muốn phù du Danh Thực để chăm chút cho con, cho “của để dành” của gia đình, dòng họ và xã hội. Ả cũng nhìn thấy vài người, không nhiều lắm, hy sinh đời mình kể cả trẻ con cho tình yêu, một thứ phù phiếm phù du và nông nổi đến nỗi chẳng ai dám chắc nó có hay không nhưng nó luôn là thứ làm nên mọi kịch tích bi nhất và hài nhất của đời người.

Ả phải chọn cái gì, sẽ thành kiểu phụ nữ nào trong số những phụ nữ mà ả từng thấy kia. Có lẽ ả chọn là tất cả họ hoặc không là một ai. Giống như một quả mít, cái gai nào của ả cũng sẽ nhọn và tồn tại trên đời chỉ để làm một thứ quả trong vô vàn loại quả: Có hương thơm để ngửi, có gai để phòng vệ có múi chín để ăn, có nhựa quánh để dán chặt những đôi môi dám ngấu nghiến cẩu thả và có hạt để nảy mầm sinh sôi.

Ả sẽ chăm lo cho cu Tí, sẽ cố gắng hết sức cho tổ ấm bé nhỏ xứng đáng là kết quả của một tình yêu đẹp, sẽ làm việc chăm chỉ để khẳng định mình sinh ra cũng có ích cho một công việc gì đó trong một cỗ máy nào đó ở một đoạn hành trình nào đó của đám hạt bụi người lởn vởn bay quanh vỏ trái đất. Ả đang hô khẩu hiệu cho chính mình, chỉ để tự giơ tay lên xốc nách mình đứng dậy. Ả không tin hoặc không nỡ hay không thể để một cái “áo mưa” vô tri vô giác, một thứ đồ dùng rẻ tiền có thể hủy hoại tâm hồn lẫn thể xác mình cho dù nó đã đẩy anh ra xa khỏi ả một cái thành giường, đã làm tắt nguồn sữa ấm của con trai ả. Ả phải lấy lại những gì thuộc về mình.

Nước mắt đã khô trên mặt ả từ lúc nào, mẹ chồng ả vẫn đang ngồi ngay bên lưng ả đây, gấp khăn gấp tã thu dọn cái giường ngổn ngang đồ dùng của mẹ con ả. Ả nhớ ra còn nợ mẹ một câu trả lời nên thành thật:

- Chưa mẹ ạ.

- Ừ, sách người ta nói gì kệ người ta, gái đẻ chịu khó mà kiêng giữ con ạ, nhịn được bây giờ thì sau này được hưởng lâu... chả sách nào bằng thực tế... mẹ nghe vậy thì nói vậy chứ mẹ thì... bố chúng mày mất sớm, có biết gì đâu, lấy nhau rồi đi bộ đội rồi về rồi đi rồi hi sinh...

Mẹ nói nhẹ hều, như thể cái chuyện ấy nó chẳng phải là cái gì tế nhị hay nhạy cảm, cũng chẳng phải cái gì ghê gớm lắm, nhưng tự dưng ả cảm thấy mẹ như cô bạn gái thân. Ả hít thở sâu, nhìn mẹ, mẹ nói chuyện mà luôn tay làm việc, chẳng biểu lộ xúc cảm gì, chỉ là nói một câu chuyện như muôn vàn câu chuyện hàng ngày.

Rồi mẹ pha sữa cho cu Tí bú. Cu Tí ngậm môi vào vú cao su một cách khó nhọc rồi lè ra. Người ta đã chế tạo nó rất khéo, bộ phận nào cũng được dùng cụm từ “thiết kế tối ưu cho bé yêu của bạn” nhưng không có cái nào tối ưu bằng bầu vú của ả được, chả lẽ ả không cho con mình được sử dụng hết công năng của cái thứ "tối ưu" mà ả đang có đây sao.

Ả ẵm con lên tay, ru nựng con. Một tay ôm con, một tay xoa vuốt thật nhẹ bầu vú nhão nhượi của mình rồi đặt đầu vú vào đôi môi đang hé nở như búp hoa kia. Búp hoa chộp lấy rất nhanh bằng tất cả bản năng tìm nguồn sống rồi ngậm lại.

Ả thấy rất rõ đôi môi mềm mượt bấu bám vào ả, lưỡi non cuộn chặt đầu vú như thể giữa ả và cu Tí chưa hề có sự phân tách sau nhát dao cắt dây rốn hôm nào. Mẹ con ả vẫn là một cơ thể hoàn hảo. Ả đã thấy một dòng chảy nóng hổi đang chuyển động, không phải một mà là vô số dòng sông nhỏ đang râm ran trên ngực ả, như những dòng sông nhỏ đang dồn về biển lớn.

Biển lớn... là cu Tí của ả. Nó sẽ là một đại dương mênh mông, chỉ cần ả có thể dồn chắt cho con thật nhiều nguồn mạch nhỏ. Đầu vú đã thôi đau rát, ả nhìn thấy vết sữa đầy ứ, tràn ra quanh mép cu Tí khi cu cậu không nuốt kịp. Cơ thể ả khoan khoái như vừa vượt qua một vách núi dựng đứng để tuôn chảy thành thác bạc.

No nê, cu cậu ngủ thiếp đi. Ả đặt con xuống giường, nằm nghiêng người chống tay lên đầu ngắm nhìn con ngủ. Khuôn mặt mang tất cả vẻ thánh thiện của anh mà ả gạn chắt được. Ả nhớ lại nhiều buổi tối,  ả và anh đã cùng nằm như thế này, mỗi người một bên và con ở giữa, cùng ngắm nhìn, cùng say mê, cùng tận hưởng… Lâu đến nỗi mẹ chồng ả nhắc: “Anh chị định hít thở hết không khí của cháu tôi đấy à?”. Rồi những tiếng cười khoan khoái tung lên trong hạnh phúc.

Giá như bây giờ anh về, nhìn thấy khuôn mặt này của cu Tí, anh sẽ hạnh phúc lắm. Bao nhiêu lần anh nói: "Hai mẹ con em có biệt tài quyến rũ anh, làm anh sa lầy cả đời ở góc giường này". Bây giờ, ả muốn anh biết ả đã có sữa trở lại, đã cho con bú no nê. Ả muốn anh lại nằm phía sau lưng ả, ôm gọn ả trong lòng, cùng ả nhìn cu Tí say ngủ, và bàn tay anh lại dịu dàng xoa bầu ngực ả, khiến ả đê mê, da thịt nóng bừng như một ngọn lửa…

Nhưng anh vẫn chưa về.

Anh có thể đi đâu khi giờ làm việc đã hết từ lâu. Không. Anh làm việc cho doanh nghiệp, lại làm thư kí cho giám đốc, sao có giờ giấc chuẩn chỉ như người ta được. Anh của ả đã khác xưa nhiều, một anh sinh viên nhà quê nghèo xác xơ, nhịn ăn suốt ba ngày liền đến nỗi suýt bị trụy mạch khi lao vào phòng ả kêu cứu. Ả không hơn gì anh nhưng ít nhất, ả còn một quả trứng và một lọ muối.

Bây giờ anh đang được cuộc đời trả công. Một vị trí tốt. Một công việc tốt. Một mức lương tốt. Chỉ hai năm nữa anh sẽ xây nhà, một căn nhà đẹp không lớn nhưng xinh xắn và rất ấm áp. Nhưng liệu căn nhà đó có dành cho ả không? Hay anh sẽ đón về đó một cô gái xinh đẹp, có bộ ngực không còn căng sữa vẫn tròn đầy như bát cơm lồng và mái tóc xấp xõa bờ vai như sóng biển, và vòng eo thắt đáy lưng ong, toàn thân thơm ngát.

Ôi không. Ả đã tả tơi xơ xác sau cơn vượt cạn nhọc nhằn. Ả không dám nhìn mình trong gương. Khuôn mặt xanh vì cớm nắng, cái bụng chảy xệ, tóc tai rối bù, toàn thân sặc mùi sữa hôi khét lẫn nước tiểu của con. Ả đã thành một mẹ xề, không thể tưởng tượng được. Một mẹ xề không thể cùng anh đi đến tận cùng hoan lạc gái trai, bàn tay ấm áp của anh không ấp lên ngực ả nữa, anh đang vuốt ve vòm ngực nào đó của một người đàn bà nào đó ngoài kia. Tấm thân rực rỡ căng đầy của anh không đắp lên ả nữa, đang quẫy đạp trên một cơ thể nào đó ngoài kia.

Ả thấy khó thở, đầu óc căng cứng như dây đàn, chỉ muốn vỡ tung ra, hai tai ù đặc lại. Ả nghe thấy tiếng radio ở bên giường mẹ chồng thỏ thẻ: “Xin mời các bạn nghe buổi đọc truyện đêm khuya…”, âm thanh cắt ả thành trăm mảnh. Vậy là đã mười giờ đêm. Ngày xưa lúc còn yêu nhau, anh có dắt ả đi chơi thì giờ này cũng đã trở về. Hàng ngày anh có đi tiếp khách cùng giám đốc thì giờ này cũng về rồi… mà đi tiếp khách hay có việc gì cần anh đều thông báo với ả. Anh có thể đi đâu nếu không phải đang lăn lộn cùng một người đàn bà nào đó ngoài kia. Cái “áo mưa” lại cựa quậy trong đầu ả, nó giãn ra thành một sợi dây trơn nhẫy, siết quanh cổ, khiến ả ngạt thở.

Cu Tí lại khóc, ả luống cuống ghé bầu vú cho con nằm bú. Thân xác ả mềm nhũn. Ả lắng nghe từng tiếng động xung quanh mình, chỉ thấy tiếng dế mèn cứa rách ruột gan thành ngàn mảnh vỡ.

Gần mười hai giờ đêm anh về. Mặt mũi phờ phạc. Áo sống tơi tả, nửa áo còn sơ vin, nửa tuột ra ngoài cạp quần. Anh bước đến gần giường, vén màn lên, ả nhắm mắt lại vờ như ngủ say. Anh ngó một lát rồi quay ra, không chạm tay lên má ả như thường khi. Mẹ trở dậy hỏi:

- Sao con về muộn vậy?

- Còn gì ăn không mẹ?

- Còn, đi tắm đi, mẹ hâm lại cho nóng.

- Vâng.

Giọng anh uể oải rời rạc. Chẳng lẽ có kẻ nào đã rút sạch sinh lực của anh, làm cho anh kiệt quệ. Ả chưa khi nào khiến anh phải như vậy…

Mẹ ra bếp, anh vừa treo quần áo lên móc vừa hỏi:

- Nay vợ con có khỏe hơn không?

- Nó có sữa lại rồi, cũng ăn hết tô cháo, chắc hôm trước ra gió bị cảm, mẹ đánh cảm cho rồi.

- Mẹ cho tía tô thôi đừng cho hành, vợ con không thích ăn hành đâu, bữa sáng mẹ cho thêm tí gừng nhưng tối đừng cho nhé. À, con mua được ít tam thất đấy, mai mẹ mua cái gì về hầm với tam thất cho vợ con ăn, con nghe nói phụ nữ mới sinh ăn tam thất tốt lắm.

- Ừ…

Ả vẫn nhắm mắt như đang ngủ nhưng nước mắt cứ len qua mi mà chảy xuống từng dòng.

Ăn xong cơm, anh vào với mẹ con ả. Ả lau khô nước mắt nằm ngay ngắn bên con, bình thản như ngủ say. Anh rón rén tiến đến giường, sát cạnh ả như sợ ả thức giấc, khẽ đưa tay vuốt sợi tóc còn xòa trên mắt. Ả chộp lấy tay anh mà áp lên má lên môi mình. Anh nằm xuống ôm ả vào lòng:

- Anh tưởng em ngủ rồi.

- Em vừa thức dậy

- Anh thấy hai mẹ con ngủ say lắm mà.

Vừa nói, anh vừa áp môi lên má ả. Hơi thở của anh thổi lên tóc, lên cổ ả luồng hơi ấm thật nhẹ.

- Anh về muộn vậy? Em sốt ruột.

- Nay xong việc, mấy anh em lôi vào nhà ông Báu.

- Ông trưởng phòng kinh doanh ấy à.

- Ừ, vợ chồng đánh nhau.

- Sao vậy?

- Ôi trời, chẳng đâu vào đâu, năm chục tuổi đầu còn ghen vớ ghen vẩn, bà ấy vác dao phang ông ấy, rách vai, khâu hơn chục mũi.

- Sao vậy.

- Tuần trước, bên Dân số, kế hoạch hóa gia đình về công ty làm tuyên truyền cho công nhân, phát cho mỗi người một hộp “áo mưa”, ông ấy bỏ túi quần, bà vợ phát hiện ra tưởng ông ấy bồ bịch thế là đánh nhau.

- Giời ạ…

Ả buột miệng thốt lên. Anh ôm chặt ả vào lòng, hôn lên trán ả, bảo:

- Không biết vợ chồng mình có khi nào như vậy không nhỉ!

- Anh thật là…

Ả nói rồi cắn chặt lấy môi anh, thật chặt, như thể chỉ buông ra anh sẽ biến mất. 

Truyện ngắn của Vũ Thanh Lịch
.
.