Cây sáo trúc

Chủ Nhật, 30/09/2007, 07:15
Anh liền với tay lấy cây sáo trúc đã nhẵn bóng với thời gian. Dòng nước mắt của anh chợt tuôn ra mằn mặn chảy vào miệng sáo tạo nên một thứ âm thanh đậm tình phụ tử. Nghe chưa hết bài sáo, ông đã nấc lên mấy cái, đầu ngoẹo sang một bên rồi lặng lẽ ra đi. Miệng ông vẫn như nhoẻn cười vì đứa con có hiếu.

Bản báo cáo vừa dứt, tiếng vỗ tay nổi lên như sấm. Người cảnh sát trẻ từ trên bục bẽn lẽn bước xuống chỗ ngồi của mình ở cuối hội trường. Đây đó nhiều người tỏ vẻ thán phục vì người chiến sĩ nom vẻ bề ngoài hiền lành, chất phác thế mà lại có những phen khiến bọn tội phạm phải khiếp vía. Tuy nhiên, ngồi chưa nóng chỗ, người ta đã thấy anh đứng dậy, rảo bước vội về khu tập thể cơ quan.

Thằng Hùng con anh mấy hôm nay bị sốt, người nó nóng như hòn than. Anh xấp nước vào chiếc khăn mặt đắp lên trán cho con. Anh ôm con vào lòng, miệng ru à ơi, tay vỗ nhẹ lên lưng nó: “À ơi! Cái ngủ mày ngủ cho ngoan…/ Bắt được con trắm, con trê/ Cầm cổ lôi về nấu nướng cho cái ngủ ăn…”.

Mắt nó lim dim, lúc mê, lúc tỉnh, vừa nghe loáng thoáng anh nhắc đến từ “mẹ”, nó bấu chặt lấy cổ anh miệng lảm nhảm: “Mẹ đã về hay sao hả mẹ? Sao mẹ đi đâu mà lâu thế…?”. Bàn tay nhỏ xíu của nó luồn vào ngực anh sờ soạng.

Anh tự mình bịt một lỗ mũi lại, bắt chước tiếng vợ rồi nói trong nước mắt: “Con ơi! Mẹ đã về đây. Con ngủ đi…”. Vỗ về con một lúc anh đặt nó xuống giường, đắp thêm cho nó chiếc chăn nhẹ rồi lấy cây sáo trúc ra thổi. Tiếng sáo bay bổng, thiết tha như gợi lại một thời để nhớ… Đôi mắt đứa trẻ lim dim, mãn nguyện lắm. Chỉ một lát sau tiếng thở của nó đã đều đều.

Ngày ấy anh gặp Huyền trong những buổi đi học bổ túc văn hóa. Huyền là cô gái đẹp, đôi mắt lá răm lúc nào cũng lóng lánh đưa tình. Huyền học không giỏi, nhất là về môn toán nên thường phải hỏi bài anh.

LTS: Trung tá Nguyễn Văn Tĩnh sinh năm 1955 tại xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Nam. Hiện anh công tác tại Phòng Công tác – Chính trị, Công an tỉnh Hà Nam.

Đến nay, Nguyễn Văn Tĩnh đã có một số truyện ngắn, bài viết đăng tải trên các báo trung ương và địa phương.

Truyện ngắn “Cây sáo trúc” chúng tôi giới thiệu dưới đây có điểm kết gợi nhớ tới một tình tiết có thật xảy ra tại quê hương anh.

Khi gặp những bài toán khó anh đều giảng giải lại cho Huyền một cách tường tận. Thế rồi năm tháng qua đi, hai người nên vợ nên chồng. Cưới nhau đầu năm thì cuối năm họ có bé Hùng. Hạnh phúc tưởng chừng bất tận.

Khi yêu tưởng như trên đời này họ không thể sống thiếu nhau được.

Ấy thế mà sau khi cưới nhau rồi có con có cái thì mọi việc phức tạp mới bắt đầu nảy sinh. Vì là nhà con một, bố mẹ lại có một sạp hàng lớn ở chợ trung tâm thành phố nên Huyền được nuông chiều từ thuở bé, muốn gì được nấy. Huyền “mê” công an vì tưởng tượng đấy là những người phá án giỏi như thần mà thường thấy ở tivi, chuyện cảnh giác trên đài thường kể, và bởi vì bộ sắc phục của họ rất đẹp.

Ngoài ra, Huyền thích anh ở cái tính cần cù, chịu khổ, hay lam, hay làm. Anh vốn sinh ra trong một gia đình đông con, các em còn nhỏ, bố mẹ lại già yếu, hiện sinh sống ở quê. Mọi việc trong gia đình dù to hay nhỏ đều phải qua đôi bàn tay anh cả.

Sau ngày cưới anh về ở chung với bố mẹ vợ. Hàng ngày bố mẹ vợ cùng vợ anh ra chợ bán hàng. Có những lúc anh cảm thấy chạnh lòng vì là thằng đàn ông nhưng chẳng giúp được gì nhiều cho vợ, cho con. Anh cũng muốn có một ngôi nhà riêng để vợ chồng, con cái quây quần, đi lại tự do.

Ở chung với bố mẹ vợ, suốt ngày nghe bà mẹ vợ choe chóe toàn những câu thành ngữ ở chợ búa đem về nhà, nhiều lúc anh buồn lắm. Đã có lúc anh bàn với vợ là cho hai mẹ con về quê xin đất giãn cư của xã. Thôi thì tranh, tre, nứa lá ở tạm, sau đó lo dần.

Vợ anh tuyên bố xanh rờn: “Có bỏ nhau thì bỏ chứ về quê thì dứt khoát tôi không chịu về vì ở phố từ nhỏ quen rồi…”. Thôi thì “trời không chịu đất thì đất phải chịu trời”, anh đành nghe theo lời vợ.

Những ngày đầu mới cưới nhau, với mức lương thiếu úy, tháng được hơn triệu bạc anh mang cả về đưa cho vợ. Cần gì anh lại bảo vợ đưa cho để tiêu. Thời gian ấy anh làm việc này đều đặn lắm.

Minh hoạ của Lê Tiến Vượng.

Có lần anh cùng đồng đội đi bắt đối tượng truy nã ở các tỉnh phía Nam cả tháng trời, tiền mang theo đã cạn. Anh phải cầm cố cả chiếc đồng hồ đeo tay là kỷ vật của bố đẻ anh để lại.

Anh tiếc ngơ, tiếc ngẩn nhưng tình thế buộc anh phải làm như vậy. Về nhà không nhìn thấy đồng hồ, vợ anh liền hỏi, anh đã kể lại sự tình cho cô ấy nghe. Cô ấy liền buông sõng một câu:

- Tiếc gì cái đồng hồ “đểu” ấy!

Lòng anh chợt buồn tê tái khi nghe thấy vợ nói câu ấy. Trước khi nhắm mắt đi vào cõi vĩnh hằng, bố anh đã tháo chiếc đồng hồ trao vào tay anh thều thào, ngắt quãng:

- Con hãy giữ lấy nó. Bố mong nó luôn ở bên con. Con hãy cố gắng sống, làm việc sao cho đừng hổ thẹn với đời… Con hãy lấy cây sáo trúc thổi cho bố nghe một bài đi…

Anh liền với tay lấy cây sáo trúc đã nhẵn bóng với thời gian. Dòng nước mắt của anh chợt tuôn ra mằn mặn chảy vào miệng sáo tạo nên một thứ âm thanh đậm tình phụ tử. Nghe chưa hết bài sáo, ông đã nấc lên mấy cái, đầu ngoẹo sang một bên rồi lặng lẽ ra đi. Miệng ông vẫn như nhoẻn cười vì đứa con có hiếu.

Ngày mới sinh thằng Hùng anh cũng hay lấy cây sáo trúc ra thổi để ru con ngủ. Nghe nhiều thành quen, những khi anh đi vắng, vợ anh phải bật băng cátxét thay tiếng sáo trúc. Cho đến hôm nay khi vợ anh đã bỏ đi theo người khác anh lại mang sáo trúc ra thổi để ru con ngủ.

Vợ chồng anh phát sinh mâu thuẫn kể từ khi xuất hiện kẻ “thứ ba”. Như bao lần khác, hôm ấy vợ anh đi cất hàng để mang về nhà bán, trên đường về Huyền có vẫy xe đi nhờ người lái xe ôtô con cho một doanh nghiệp tư nhân.

Người lái xe còn trẻ, đẹp trai và tỏ ra rất hào phóng.

Thế rồi dần dà  nhiều lần gặp gỡ, Huyền cảm thấy mình đã dành cả tình cảm cho mối tình mới. Huyền sinh ra cáu bẳn với chồng, với con.

Những chuyến đi xa nhà liên miên của Huyền với chàng lái xe nọ ngày một dài hơn. Quá mù ra mưa, Huyền đơn phương viết đơn ra tòa đòi ly dị chồng.

Trong lá thư cuối cùng từ phương trời xa thẳm Huyền viết về cho chồng có đoạn: “… Ngày xưa yêu anh tôi đã lầm. Tôi bị choáng ngợp bởi một thứ tình yêu tiểu thuyết. Thôi thì chúng ta hãy chia tay mỗi người mỗi ngả. Anh hãy gắng nuôi con cho nó mai sau trở thành người…”--PageBreak--

*

*      *

Sau khi uống thuốc, ăn được lưng bát cháo, ngủ được hơn tiếng đồng hồ, thằng Hùng đã cắt được cơn sốt. Nó ngồi dậy ôm lấy cổ bố líu lo hỏi chuyện. Anh ôm con vào lòng, vuốt lên mái tóc mềm như tơ của nó mà cảm thấy bao mệt nhọc như đã tan biến hết. Nó ghé miệng vào tai bố nói thầm:

- Con khỏi ốm rồi bố ạ! Ngày mai bố cho con đi nhà trẻ. Bố nhớ bắt cho con một con dế mèn cụ để con mang đến lớp cho đấu với con dế mèn của thằng Sơn, thằng Hải…

- Con chịu khó ăn thêm lưng bát cháo, uống thêm một viên thuốc cho khỏi hẳn, chiều nay bố sẽ bắt dế cho…

Chỉ cần nghe thấy thế, thắng bé bưng bát cháo, lấy thìa xúc ăn ngon lành.

Trời vừa nhập nhoạng thì trực ban phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh nhận được điện thoại do cơ sở báo về là tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm can án giết người, trốn trại đang bị truy nã đặc biệt toàn quốc hiện đang xuất hiện tại địa bàn do anh phụ trách. Nguy hiểm hơn hắn có mang theo vũ khí nóng. Không thể chần chừ, anh cùng đồng đội lao đi.

Thấy có Công an đến, tên tội phạm biết lần này khó lòng trốn thoát. Y liền rút vào cố thủ trong một gian nhà cấp bốn bỏ không. Trên đường rút chạy, y bế vội một đứa bé chừng 4-5 tuổi đang tha thẩn chơi một mình ngoài đường để làm con tin.

Tình thế trở nên thật nan giải khi tên tội phạm đang cầm trên tay một quả lựu đạn đã rút chốt. Anh và đồng đội liên tục gọi loa yêu cầu hắn bỏ vũ khí đầu hàng nhưng hắn không chịu. Hắn đòi có một chiếc xe ôm chở hắn ra khỏi thành phố thì hắn sẽ tha mạng cho cháu bé. Còn nếu không thì hắn sẽ cùng tự sát với cháu bé.

Sau vài phút hội ý, tổ công tác chấp thuận yêu cầu của hắn rồi sẽ liệu sau. Những người lính nhìn nhau tư lự. Không ai bảo ai nhưng họ đều hiểu rằng đối mặt với tên tội phạm ấy là đối mặt với cái chết, với lành ít, dữ nhiều. Song không thể ngồi im nhìn hắn chạy thoát, trước mắt còn tính mạng của cháu bé nữa.

- Để tôi! Con tôi cùng gửi một nhà trẻ với cháu bé nên chú cháu tôi đã biết nhau. Có thể thông qua cháu bé mà tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các anh cứ tin ở tôi…

Nói rồi anh đến bãi xe ôm gần đó mượn một chiếc xe Mink nổ máy lao đi. Đồng đội cũng nhảy lên xe, lao theo yểm trợ. Thấy chiếc xe đến gần nơi trú ẩn, tên tội phạm tỏ vẻ nghi ngờ. Hắn yêu cầu anh phải tự cởi quần áo ngoài để kiểm tra xem anh có mang theo vũ khí gì không? Anh nói to để tạo cơ hội cho hắn mất cảnh giác:

- Tôi là một người muốn cứu anh và cứu cháu nhỏ đây. Anh đã bị bao vây tứ phía, không thể trốn thoát được đâu. Anh hãy bỏ cháu bé ra kẻo tội sẽ càng nặng thêm. Pháp luật luôn mở lượng khoan hồng đối với những người biết ăn năn, hối cải…

Chẳng nói chẳng rằng, tên tội phạm sán đến bên anh, tay trái hắn vẫn lăm lăm lựu đạn, tay phải hắn buông cháu nhỏ xuống đất rồi hắn sờ quanh thắt lưng, túi quần xem có vũ khí gì không? Chắc hắn đã yên tâm là anh chẳng mang theo vũ khí gì.

Thừa lúc hắn sơ hở, anh gạt mạnh, hất cháu bé về phía sau. Cháu bé bị văng ra xa hơn. Liền đó, anh đá quét một nhát khiến tên tội phạm bị ngã chúi về phía trước. Thuận đà, anh lao theo đè sấp hắn xuống, miệng hô lớn:

- Tất cả nằm xuống!

Tên tội phạm buông quả lựu đạn ra, một ánh chớp chói lòa. Tiếng nổ khô khốc vang lên…

Đồng đội anh lao tới. Cháu bé và những người dân xung quanh vẫn bình an vô sự. Tên tội phạm đã bị đền tội ngay tại chỗ, còn anh thì bị thương nặng, máu ra nhiều. Mọi người vội đưa anh đến bệnh viện cấp cứu.

Chiều hôm sau, biết mình không thể qua khỏi, anh bảo đồng đội cho con anh đến. Anh bảo nó hãy giữ lấy cây sáo trúc làm kỷ niệm. Đứa trẻ biết có điều gì nghiêm trọng sắp xảy ra... Nó ôm lấy cổ bố nó nói như gào, như thét:

- Bố ơi! Bố đừng chết bố ơi…!

- Không! Không! Bố không chết… bố vẫn mãi mãi ở bên con yêu. Con yêu thương nhất đời của bố… Hãy giữ lấy cây sáo trúc để làm kỷ niệm…

Nói rồi anh lặng lẽ ra đi.

Ngay hôm sau, tất cả các báo đều đưa tin và ảnh người liệt sĩ công an anh hùng. Và ngày sau đó bên nấm mộ anh, khi nhiều vòng hoa đã héo, người ta thấy có một vòng hoa mới được đặt vào đêm qua còn đọng hơi sương mang dòng chữ: “Em xin tạ tội với anh và con”

.
.