Canh lửa

Thứ Năm, 28/12/2017, 08:14
Năm đó mới ngày hai bảy đã có một cây mai thế trực bung nụ vàng tươi đặt trước thềm hiên. Trong khi cha nó đang gật gù nghe chú trưởng phòng phân tích thế cành phong thủy, thằng con đã khoác ba lô tuồn ra cổng phụ. Đến lúc nghe tiếng khép cửa sắt bên trái, cha nhìn qua đã thấy thằng con trôi đi xa tầm mắt, không thèm quay mặt lại... 

Hai bảy hoặc hai tám tháng Chạp, thằng con trai xách cái ba lô xuống thềm nhà, ngó quanh một chút, rồi đi. Bốn cái Tết nay, thằng con chẳng ở nhà. Và nó cũng chẳng cần báo cho cha mẹ, đằng nào lát hai ông bà về mở phòng, lật cửa tủ thấy vơi một ít áo quần tư trang sẽ hiểu. Hoặc muộn lắm, đến tối bà mẹ mở facebook sẽ thấy thằng quý tử đăng một tấm hình đang ở cách xa năm trăm cây số hoặc dài hơn với mấy chữ kèm theo: “Đi tìm Tết”.

Cái buổi sáng lúc thằng con rời nhà, cha nó đang bận ngồi ôtô vòng đi thăm nhà mấy sếp lớn, mẹ thì đang ngồi ở một tiệm chuốt tóc tiện thể sơn móng tay móng chân. Thằng con không gọi điện báo, vì nó biết nếu gọi thể nào cha cũng nói câu "đang bận túi bụi mà mày còn gây sự nữa", còn mẹ sẽ bảo "lớn rồi thích làm chi thì làm". Tuyệt nhiên không ai níu giữ nó ở lại nhà ăn Tết. Nên nó đi.

Thời điểm thằng con nhận ra trong căn nhà này, khu vườn này không còn cần nó là cách đây năm năm, khi nó rủ cha cùng lặt lá mai cho vui. "Cha bận lắm", chỉ ba từ đó thôi đủ khiến nó mất hứng. Phải như mấy năm trước, khi cha nó chưa có địa vị quan trọng, ông săm soi từng nụ mai từ đầu tháng Chạp. Rồi một ngày đẹp trời, cha giục con bưng ghế bắc thang lặt lá. Vừa làm cha vừa bảo năm nay nụ nhỏ, phải hái lá sớm cho cây có sức.

Năm sau, cha dẹp luôn cây mai dành chỗ làm cái garage để xe ôtô. Khu vườn rộng nhưng được mỗi cây hoàng mai đó từ thời ông nội còn sống đã trồng. Thằng con thường bảo hái lá cho mai nở thì ông nội mới về ăn Tết cùng nhà mình. Ngày bứng cây, cha bảo lo gì, Tết thể nào đám đàn em chẳng mang đến vài cây, nở vàng rực ấy chứ. Cần hoa có hoa, cần lộc có lộc, lại khỏi lo chuyện hái lá mất công.

Năm đó mới ngày hai bảy đã có một cây mai thế trực bung nụ vàng tươi đặt trước thềm hiên. Trong khi cha nó đang gật gù nghe chú trưởng phòng phân tích thế cành phong thủy, thằng con đã khoác ba lô tuồn ra cổng phụ. Đến lúc nghe tiếng khép cửa sắt bên trái, cha nhìn qua đã thấy thằng con trôi đi xa tầm mắt, không thèm quay mặt lại.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Ý định đi bụi ngày Xuân vừa kịp đến lúc thằng con chán nản ngồi quán cà phê với đứa bạn, tâm sự rằng Tết nhứt gì ở nhà chán quá. Bạn bảo bây giờ Tết của bọn trẻ tụi mình là dịp để đi du lịch, cả năm học hành làm lụng vất vả, đi xả hơi cũng hay, việc nhà sửa soạn đồ đạc cúng quảy tiếp khách đã có mấy ông bà già lo rồi.

Thằng con chợt nghĩ cũng có lý, thậm chí nhà nó bao nhiêu thứ cần chuẩn bị cho Tết đã có “mấy người chịu ơn cha” lo. Bánh trái thực phẩm và cả đến cát trắng thay bát nhang cũng có người dưới quê mang lên tận nơi. Chỉ chiều ba mươi rà soát, thiếu gì mẹ sẽ bấm điện thoại gọi ngoài chợ chở vô tới nhà. Tết có bận bịu gì đâu nhỉ, thằng con ngẩn ra tự hỏi.

Cái cảm giác bị thừa ra ngay trong chính ngôi nhà của mình những ngày cuối năm khiến thằng con không chịu nổi. Khi cha ngoắt tay một cặp vợ chồng làm dịch vụ dọn nhà vào, hất mặt hỏi cần mấy buổi thì làm xong, bao nhiêu tiền công. Cha rút ví trả trước cho cặp vợ chồng rồi đi, quên rằng trong nhà này còn một thằng con trai cao tận mét bảy có thể quét mạng nhện ngon ơ, quên luôn chuyện thằng con cử tạ rất khá, có thể bưng bê mấy tượng gỗ to cỡ thân người. Và cha nó cũng cố tình quên giao cho thằng con nhiệm vụ giám sát canh chừng, hay cha tin người ngoài đường hơn.

Đã thế, thằng con cũng không cần ngồi làm người thừa ở đây nữa, nó xách ba lô đi, sau khi nhớ ra nhà này đã lắp đến tám con camera quan sát, góc nào cũng bị ghi hình từng khoảnh khắc, không kẻ nào dám thó đồ vật gì đâu.

Đến chiều cha về, đánh mắt một vòng biết không mất đồ vật gì, chỉ thiếu một thứ: là thằng con trai. Nhưng cha không cần bật máy tính lưu trữ để xem thằng con biến mất vào lúc nào, bộ dạng áo quần ra sao, vì chỉ chút nữa thôi cha đã thấy nó online ở một chỗ xa tận năm trăm cây số. Vai thằng con đeo một ba lô nhỏ chắc chỉ đựng đủ vài bộ áo quần. Còn tiền trong túi nó, cha đoán cũng không nhiều nhặn gì. Tết đôi khi thoát khỏi nhà lại đỡ tốn kém hơn. 

Năm đầu tiên nó đi Đà Lạt, đứng chụp ảnh với một cô gái nào đó xinh xinh mới quen. Mẹ ở nhà mở mạng, thấy thằng con cười rất tươi ở xứ cao nguyên hoa đào, trông nó cũng đào hoa phết. Và mẹ nó có một sự an ủi nhẹ, rằng nó bỏ đi chưa hẳn vì chán cái nhà này, chẳng qua vì hẹn hò tuổi trẻ mà thôi.

 Năm sau nó vút ra miền Bắc, tìm tới một cái bản làng xa xôi, cùng nhảy vào giã gạo làm bánh với người bản địa. Mẹ nhìn thấy ảnh nó mặc áo đồng bào thiểu số đăng trên facebook, lại nghĩ ừ thì nó là sinh viên ngành Dân tộc học, đi vào đó ăn Tết với người ta cũng coi như đi thực tế, năm cuối chuẩn bị làm luận văn tốt nghiệp rồi còn gì.

Năm sau nữa nó vào tận miền Nam xa xôi, nhảy lên một cái xuồng ghe đi chợ nổi. Cả một quãng sông rặt màu vàng hoa vạn thọ và cây trái miệt vườn. Thằng con ngoi lên dang tay như kiểu đất này của ta trời này của ta sông nước này cũng của ta. Mẹ nó nhìn ảnh chợt ớn lạnh, thằng con mình mạng hỏa, sợ nước từ nhỏ, mà nó lại không biết bơi.

Mẹ thường dặn nó phải tránh xa mấy chỗ nước nôi. Giờ nó lênh đênh trên sông, hẳn nó đã bất chấp lời mẹ dặn. Phải vì lần cuối mẹ dặn nó, khi nó xách ba lô ghé qua tiệm làm đẹp, mẹ đang nằm ưỡn mình trên ghế cho thợ nhuộm tóc, và nói lời dặn mà không thèm quay sang nhìn thằng con một chút. Động thái bình nhiên tự tại đó của mẹ khiến thằng con nghĩ dù mình có đuối nước thì mẹ cũng phải làm xong bộ tóc cái đã.

Những chuyến đi bụi ngày Xuân tuyệt nhiên nó không gọi điện về nhà lần nào. Vô tâm không cần biết thời tiết ở mình ra sao, người ta đến chúc Tết có đông không. Ờ, mà những chuyện đó dễ ợt, mắc gì nó phải hỏi cho mệt. Năm nào mà nhà chẳng nườm nượp khách khứa, đồng nghiệp, cấp dưới của cha. Hoặc chí ít nó cũng gọi về hỏi coi có đứa bạn nào đến thăm không chứ. Ờ, cũng cần chi hỏi, bây giờ tụi trẻ lên mạng, nắm hết tình hình của nhau rồi, biết thằng này đang đi du lịch ở đâu, chúc mừng cũng nhắn qua đó luôn, cần gì gặp nhau cho mệt.

Cha nó đã tập quen với những cái Tết không có thằng quý tử. Chỉ hơi khó chịu một chút khi có vài người hỏi thằng cu đâu ra đây chú lì xì nào. Họ quên mất thằng cu đã lớn, không còn thèm những phong lì xì cấp dưới của cha biếu. Xấp lì xì mỗi lần Tết xong ngồi kiểm, nó cứ nghĩ đấy là một gia tài. Tiền, không phải lúc nào cũng níu giữ hay mua chuộc được.

Cha phải nói dối với khách khứa rằng nó đi chơi theo bạn bè rồi.

Tết, chẳng ai thắc mắc chuyện gì quá lâu.

Như cha nó cũng thế thôi, chỉ sáng đầu năm thấy vắng thằng con trai thì hơi chưng hửng một chút. Đến trưa bắt đầu khách khứa ra vào, mỗi người cụng đôi ba ly rượu, mặt phừng phừng đâu còn nhớ gì đến đứa con ở xa xăm.

Mẹ cũng không quá rảnh ra để nhớ nó lâu, vì chỉ qua trưa mùng Một là bà đã xếp bằng chân ở một cái sòng bài với vài người quen, chơi kẻo hết Tết.

Trong những chuyến đi xa, thằng con thỉnh thoảng cũng chùng lòng xuống, định bấm điện thoại gọi về. Ấy là lúc nó ngồi chung ché rượu cần với vài cụ già Tây Bắc, chính giữa có một đống lửa nồng ấm, nó nhớ lắm cái khoảnh khắc hồi xưa cả nhà cùng ngồi canh nồi bánh, suốt đêm giấc ngủ thằng con chập chờn trên đùi cha. Lúc đó cha nói Tết thời gian trôi nhanh lắm, phải thức canh bánh buổi đêm để ban ngày làm việc khác. Hoặc lúc nhón miếng mứt gừng đen đen cay xé ở miền Nam, nó lại nhớ mẹ hồi trước hay tự rim mứt ăn. Mứt nhà tự làm không pha phụ phẩm không chất tẩy trắng nên sơ sơ vậy thôi. Tới lúc rút điện thoại định bấm số, nó lại sợ mấy câu lạnh tanh, kiểu “bỏ đi dứt khoát thế mà cũng biết nhớ hả con”, hoặc “ờ đi chơi cho vui chứ ở nhà Tết cũng chả có gì hay”. Nên thôi, thà không gọi, để còn tận hưởng những phút giây này và chìm trong mớ ký ức xa xưa thơm đẹp.

Những Tết thằng con bỏ đi, chỉ có chị gái của nó lấy chồng gần nhà chạy qua chạy lại. Ngày hai lần, chị nó qua về xem nhà thừa gì thì mang về, đỡ tốn tiền sắm sửa. Thừa quá đi chứ, nhà chỉ có hai ông bà đón Tết, ăn chi hết mấy thứ người ta biếu. Biết đứa con gái chạy qua chạy lại chỉ là vì mấy thứ đồ đó, nhưng dù sao nó cũng có để mắt tới cái nhà này. Cha nghĩ hèn gì người ta bảo có con gái sướng cả đời, có con trai tới khi chết mới được sướng (tức nó thờ cúng thôi, béo bở gì đâu).

Và cha lấy cái ý này để hỏi thằng con trai ngày hai bảy mang ba lô bước ra cửa: "Chắc mày đợi cha chết mới chịu ở nhà ăn Tết phải không?". Thằng con đáp, đại ý: Không lâu vậy đâu, chỉ tới lúc cha nghỉ hưu thôi.

*

Thằng con giữ đúng lời hứa với cha, Tết này nó chịu ở nhà dù cha chưa tới tuổi hưu. Chỉ tại bệnh gout nên cha xin nghỉ trước tuổi, coi như nghỉ mất sức. Bao năm dung nạp chất đạm chất men và ít vận động, giờ cha nghỉ, có điều kiện để ăn kiêng (hoặc do không ai mời mọc nữa) và có thời gian loay hoay làm việc nhà (để biết mình còn sống). Thành ra thằng con thấy trong cái rủi cũng có cái may, nó như thấy hình ảnh cha ngày cũ.

Đêm hai chín, ngoài trời không mưa, chỉ hơi rét một chút, kiểu này là đúng không khí của Tết. Giờ này mấy năm trước thằng con đang ở một nơi xa lơ xa lắc, còn nay nó đang ngồi buộc lạt mấy đòn bánh tét ở nhà. Cha cuốn lá chuối, đong từng nắm nếp vào, động tác từ từ có chút vụng về. Tại lâu ngày quá, giờ cha mới lại gói bánh, hay vì rét khiến mấy đầu khớp trở chứng đau nhức.

Mẹ ngồi vắt từng nắm đậu xanh nấu nhừ thành những thỏi cỡ ngón chân cái làm nhân nhụy. Con cầm đòn bánh, nắn lại cho tròn những chỗ phình ra, cảm giác đó là những chỗ cha nhói đau nên sơ ý. Không sao, cha gói được bánh là ngon rồi.

Cả ba người cùng ngồi trên một cái chiếu trải giữa nhà, vừa làm vừa xem tivi và rất ít nói chuyện. Chắc đã đã lâu họ mới ngồi cùng nhau, trong một đêm cuối năm như thế này.

Thằng con định bảo cha nghỉ một lúc đi loanh quanh cho đỡ rồi hẵng gói tiếp, nhưng không mở lời được. Một câu nói giản dị, chẳng ai tiếc gì, nhưng đôi khi bật ra rất khó. Sự quan tâm, lẽ ra cũng là điều bình thường nhất, nhưng cũng dễ gây nên khách sáo.

Vườn sau mẹ đã nhóm lửa củi, nồi bánh đặt lên chễm chệ trên ba hòn đá. Khói bay lên xông ngát cả một góc vườn. Bức vách sau nhà vẫn còn lưu dấu màu ố vàng của khói bám những lần nấu bánh mấy năm trước. Mạng nhện chăng từ rìa ngói kéo xuống tận mấy cái ô gió, chỗ này thợ dọn nhà thường ít để ý, thợ sơn cũng bỏ qua. Nhờ lửa hực lên thằng con mới nhận ra cảnh đó cũng là một bức tranh đầy hoài niệm. Những mùa Tết ý nghĩa đi qua may còn lưu lại được trên chỗ vách đó. Sự bỏ quên ít nhiều vẫn có ích.

Thằng con lôi điện thoại đưa lên chụp selfie với cha một kiểu bên bếp lửa, lấy bức vách làm hậu cảnh. Khi vào điện thoại, vách nhòa đen, chỉ rõ khuôn mặt cha trơ ra không biểu lộ chút cảm xúc nào, có thể vì đang đau ở khớp nào đó, cũng có thể đó là lần đầu cha phải diễn sâu nên hơi khó khăn.

Bức ảnh hai cha con canh nồi bánh tét đưa lên mạng. Lúc ấy đồng hồ đã sang ngày ba mươi Tết, nhưng người xem và bấm like vẫn rất đông.

Chẳng biết thiên hạ cũng đang thức canh lửa, hay nằm trong chăn lướt mạng.
Truyện ngắn của Hoàng Công Danh
.
.