Cánh hạc hoàng hôn

Thứ Hai, 16/11/2009, 08:30
Lần này Thành ra viện thấy khỏe hơn trước nhiều. Bà con cùng xóm đều mừng cho  Thủy. Thằng Cường, cái Tú cứ nhảy cẫng lên ôm lấy bố. Da dẻ Thành hồng hào chứ không còm cõi xanh xao như hồi trước khi vào trại cai nghiện. Anh cười ha hả vì bị thằng con trai cù vào nách. Cả hai bố con vui đùa nhộn nhạo cả căn nhà tuềnh toàng làm Thủy ngồi thổi cơm dưới bếp cảm động trào nước mắt.

Nhưng sự đời thật oái oăm. Ngay tháng sau, vào một buổi tối, khi Thành đang xem lại bài vở cho con trai thì bỗng lên cơn đau lồng ngực dữ dội, rồi ngã vật xuống bất tỉnh. Thủy không còn hồn vía nào nữa. Chị la hét, kêu khóc vật vã làm cả xóm ngỡ ngàng. Mấy bác gần nhà chạy sang thấy vậy bèn hô nhau khiêng Thành lên giường, rồi cho người đi gọi taxi để đưa anh vào bệnh viện. Có người độc mồm đứng  ngoài ngõ róng riết:

- Chắc lại bị nàng tiên nâu quật đổ đấy mà.

- Cho hít một bi là tỉnh lại thôi. Có chừa được khối!

Nhiều người tốt vẫn tận tình giúp đỡ Thủy. Có vài người còn đi theo chị đến tận bệnh viện. Đêm ấy, hai đứa trẻ ở nhà lo sợ vì có người nói ngôi nhà chúng ở có ma ám. Chính vì vậy bố chúng mới bị nghiện ma túy và đã bị ma vật ngã tới bảy lần. Không ai biết điều đó. Hai chị em bật cả ba ngọn đèn và thức trắng đêm.

*

...Thành đang ngồi gục xuống thành giường thì bị ai đó vỗ vai rồi nói:

- Này, đây là ba liều thuốc làm cho anh tỉnh lại.

Anh ngỡ ngàng ngước nhìn gương mặt u ám của người đàn ông đang đứng trước mặt. Nhưng không hiểu sao anh không nhấc nổi tay lên nữa. Vừa hay, lại có người gõ cửa phòng rồi bước vào. Đó là một người đàn bà gầy xác xơ chỉ còn bộ xương lúc lắc đi tới, trên tay mụ ta là một chiếc kim tiêm:

- Không, hít ăn thua gì. Hắn ta phải chích cơ. Đây là khách quen của ta mà.

Nói rồi, mụ sấn sổ bước tới cầm lấy bàn tay của Thành và định đâm mũi kim tiêm vào ven. Thành nhắm mắt giơ tay ra phía trước, định bụng mặc cho số phận.  Vừa hay có một bóng người thanh niên cao lớn ập đến. Anh ta gạt tay của người đàn bà làm tung mũi kim tiêm chết người kia. Mụ ta hét lên rồi hô hoán làm xuất hiện một loạt bộ xương người khác tiến tới. Một tên đã cầm thanh sắt đập thẳng vào trán người thanh niên kia rồi rú vang những tiếng rợn người:

- A! Mày dám ngăn không cho thằng Thành đi với chúng tao à?

Thành hốt hoảng nhận ra khuôn mặt kia là anh Thịnh, Công an phường vẫn đến giúp mình trong lúc khốn khó nhất. Thấy Thịnh ôm lấy đầu vì bị thương, Thành bật dậy như có một sức mạnh bùng phát, lấy tay đẩy mạnh làm cho người đàn bà xương xẩu  ngã lăn trên sàn rồi kêu to:

- Công an đâu? Bác sĩ đâu? Cứu tôi với!

Anh hét lên và hoảng loạn như bị chính mụ kia đâm kim tiêm ma túy vào người mình...

Thủy nghe thấy tiếng ú ớ của chồng vội chạy vào ôm ghì lấy và gọi to:

- Này anh, em đây mà. Anh tỉnh lại đi!

Thành mở bừng mắt ra, mới hay mình vừa trải qua cơn mê sảng. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt anh. Thủy vội lấy khăn thấm mồ hôi cho chồng, rồi dỗ dành:

- Anh yên trí, có em bên cạnh đây mà.

Nghe giọng nói dịu dàng của vợ, Thành tỉnh giấc hẳn. Anh kể lại hình ảnh của anh Công an Thịnh, ân nhân của gia đình hiện lên trong giấc mơ. Vậy là đã vài năm nay, Thành luôn ân hận về sự sa ngã của mình đã gây bao chuyện thị phi và đau khổ cho gia đình. Câu chuyện ngày ấy giữa anh Công an trẻ tuổi luôn luôn gúp đỡ mọi người và đã bị thương vì Thành trong một lần truy cản bọn nghiện đến gây sức ép với anh  khi anh vừa ở trại cai nghiện về. Vết sẹo khâu mười mũi trên trán Thịnh như một vết khắc đau đớn trong tâm hồn Thành. Và không biết bao lần, hình ảnh anh công an Thịnh luôn hiện lên trong những giấc mơ chợt đến, qua mỗi cơn đau mà Thành phải chịu đựng.  Anh ngước mắt nhìn vợ, buồn rầu:

- Làm khổ em và các con, anh ân hận quá.

Lúc này bác sĩ đến phòng với vẻ mặt nặng trĩu. Thành vội ngồi dậy, trân trân nhìn bác sĩ xem có kết luận gì mới không. Thủy đỡ vai anh Thành, hỏi bác sĩ:

- Kết quả xét nghiệm thế nào ạ?

Lúc này, bác sĩ tỏ ra lúng túng. Ông chần chừ một lúc, rồi mới nói:

- Phải chờ hội đồng chuyên môn kết luận. Anh chị cứ yên tâm.

Có tiếng gọi, bác sĩ quay ra ngoài nhưng vẫn cố ngoái lại an ủi:

- Yên tâm nhé!

Thành gục trên vai vợ nghẹn ngào:

- Thật tai ác. Nhìn mặt bác sĩ, anh nghĩ có lẽ nguy kịch mất rồi. Thương em và các con quá.

Lúc này, Thủy cố trấn tĩnh, đứng dậy nói:

- Đừng nghĩ lung tung gì nữa. Họ đã kết luận gì đâu nào.

Đúng lúc đó y sĩ trực phòng bước vào. Cô ta ngầm ra hiệu cho Thủy đến phòng xét nghiệm.

Thủy hồi hộp bước theo cô y sĩ mà trong lòng rối bời bao ý nghĩ nặng nề. Chị lắng nghe như nuốt từng lời của vị giáo sư trưởng khoa:

- Chúng tôi phải bắt buộc nói với chị là anh nhà đã bị ung thư máu, do thời gian dài trước đây đã tiêm chích nhiều lần. Mới phát bệnh mạnh dù đã có thời gian cai nghiện. Chị cần chăm sóc chu đáo để an ủi chồng mình quãng thời gian còn lại.

Thủy òa khóc. Cô y sĩ ôm lấy vai Thủy như muốn nói gì đó, nhưng không cất nổi lời. Đợi cho Thủy khóc tức tưởi một hồi cho giảm bớt cơn sốc, giáo sư an ủi:

- Không còn cách nào khác nữa, chị cố gắng gỏi lên.

Bác sĩ điều trị phụ trách phòng bệnh nhân đứng lặng bên Thủy. Ông ngập ngừng nói:

- Mọi chuyện chỉ còn là ngày tháng. Bất chợt điều tệ hại nhất xảy ra, chị hãy đón nhận.

Cô y sĩ nhìn Thủy thở dài:

- Chị ạ! Phụ nữ chúng mình! Ôi, là cái số cả thôi!

 Thủy cắn môi cố ghìm tiếng khóc. Chị đã lường trước những điều cay đắng nhất với gia đình mình, nhưng không ngờ nó lại xảy ra nhanh đến thế.

*--PageBreak--

Từ khi xuất viện về nhà, Thành chỉ nằm lịm một chỗ, chẳng nói chẳng rằng. Gần như anh chẳng thiết ăn uống. Không rõ anh có biết tất cả mọi kết luận trong bệnh án của mình  không, nhưng cứ đêm đêm anh lại trằn trọc làm  Thủy cũng chẳng ngủ được.

Có lần, đợi đến khuya thấy chồng đã khẽ ngáy ngủ sau khi uống một liều thuốc an thần, Thủy mới khe khẽ ngồi dậy. Chị biết mình không ngủ được, mà trằn trọc thì cầm bằng đánh thức chồng dậy mất, nên lặng lẽ bước ra ngoài. Sương đã giăng mờ tứ phía. Thủy ôm lấy mặt, ngồi sụp xuống và suýt bật khóc vì thương chồng. Lại cứ nghĩ đến cái số bạc bẽo của mình nên chị tự cầm lòng để cho nỗi sầu vơi đi được chút nào hay chút nấy.

…Thủy vẫn thường tự trách mình chưa biết cách xây tổ ấm như các cụ đã dạy. Nhớ lại những lần chồng lén đi để thỏa mãn cơn nghiện, chị đã không thể ngăn được. Nhìn cảnh chồng vật vã, rồi lại sợ các con biết, chị đành nghiến răng đưa tiền cho chồng. Biết thế là sai, nhưng lúc ấy chị lại cho rằng chẳng có cách nào khác. Chị thường nghĩ, chồng mình cũng nhận thức được rằng bị nghiện ngập như thế là rất xấu và đã hứa bao lần đi trại cai. Nói mãi, như van như xin chồng, nhưng Thủy chỉ nhận được những lời đe dọa. Có lần, thấy chồng định lao đầu vào tường tự tử, chị kịp ngăn lại, và đành chấp nhận. Chị cứ sống trong hy vọng chồng mình sẽ dần dần tỉnh ngộ, khi không thể có tiền nữa.

Cuối cùng, mọi chuyện đâu vẫn hoàn đấy, các con đều biết chuyện. Chúng khóc lóc van xin bố mỗi lần cảnh nhà cửa tanh bành vì những cuộc cãi vã. Đến nước bí, Thủy đành báo cho Công an phường và chấp nhận giải pháp cưỡng chế, bắt chồng phải đi trại cai nghiện.

Từ đó, các con thường xuyên cùng mẹ lên thăm bố. Chúng là nguồn vui lớn nhất của  Thành. Mọi chuyện dần chuyển biến theo thời gian. Thành khỏe mạnh hẳn ra. Vậy mà giờ đây, thế là hết. Không gì cay nhiệt hơn nữa đối với chị khi biết chồng sắp chết mà phải đành bó tay…

Nghĩ lại mọi chuyện, Thủy không chịu được nữa. Chị chạy ra sân để khóc.

*

Một sáng chủ nhật. Thành đang lóng ngóng gấp một con chim bằng tờ giấy lịch mà con gái vừa bóc xuống. Anh đếm thời gian bằng những con chim giấy bày la liệt trên bàn và gọi chúng là những con hạc giấy với ý nghĩa là thân cò lặn lội khổ sở như người vợ tảo tần thân yêu của mình. Thủy đang ngồi đun nước cho chồng thì thấy tiếng các con chào khách.

Biết là anh Thịnh Công an phường đến, Thành mừng rỡ như một đứa trẻ, rồi lại bất chợt run rẩy đứng dậy, lo sợ như muốn chạy trốn. Thành lúng túng ngước nhìn vết sẹo còn hằn sâu trên trán Thịnh mà thấy trong lòng cứ cồn cào như có lửa cháy. Thành ôm mặt nấc lên như muốn khóc mà không được. Lưỡi cứ dính chặt lại và thân hình lảo đảo. Thấy thế Thịnh vội bước tới đỡ  Thành rồi nói:

- Gắng ăn cho lại sức anh Thành ạ. Tuần trước nhận được kết quả hai cháu đều đạt học sinh giỏi của nhà trường, các anh ở phường đã quyết định trao một phần trợ cấp cho gia đình. Hôm nay tôi mang đến để đưa cho anh đây.

Nghe thấy thế, mấy đứa bé nhảy cẫng lên vui sướng, như muốn trao niềm vui của gia đình cho người cha thân yêu của mình. Lúc này, Thành ngồi im phăng phắc như một bức tượng và đột nhiên ứa nước mắt. Nỗi đau trong lòng của một kẻ khốn cùng đang trào lên với  sự tuyệt vọng đắng cay. Thủy vội chạy đến, ôm đầu chồng và xoa lên bả vai như muốn an ủi, vỗ về một niềm đau khôn thấu. Hai đứa trẻ lo lắng cầm lấy tay chú công an Thịnh như muốn cầu cứu một điều gì đó sắp mất đi trong đời. Thịnh bước đến bên, nâng bàn tay Thành, một bàn tay thô gầy run rẩy, trầm ngâm nói:

 - Vẫn còn những ngày trước mắt. Dù chỉ một ngày thôi cũng cần có một ý nghĩa cho cuộc đời  anh Thành ạ. Tôi hy vọng anh vẫn còn có cơ hội mang lại những niềm vui cho gia đình.

Nói rồi, Thịnh quay lại chỉ những con chim giấy đã được treo trên cửa sổ đang đung đưa theo chiều gió, cười nói:

 - Dù đó là một đàn hạc giấy nhưng chúng vẫn ấp ủ những ước mơ, rồi sẽ có một ngày chúng  bay lượn trên những tầng mây xanh.

*

Từ lúc anh Công an phường ra về, Thành mê mải gấp thêm nhiều con chim hạc. Cả một tập giấy nháp của hai đứa trẻ gom lại dễ phải làm được vài chục con nữa. Chốc chốc Thành ngừng lại, ngước nhìn bầu trời qua cửa sổ. Không biết có ước mơ nào bay đến chăng mà Thành cư như ngẩn ngơ. Nghe như niềm vui chợt đến rồi có lúc anh lại đăm chiêu thở dài.

Trời tối dần lúc nào không hay. Cả nhà ăn cơm xong, chờ các con lên học bài, Thủy mới nấu lại nồi cháo thịt cho chồng. Thật lạ, hôm nay thấy Thành ăn ngon miệng, Thủy vui đến nhộn nhạo trong tim. Nhưng rồi đến khi rửa bát ở dưới bếp nhìn lên, thấy hình ảnh chồng ngồi thẫn thờ bên cửa sổ với cặp mắt buồn thăm thẳm, Thủy lại bật khóc.

Thủy cố gìm nước mắt mà không được, nên chạy vội ra sân, nhưng tiếng nấc cứ bật ra như một nỗi đau day dứt khôn nguôi. Bất ngờ chị thấy có tiếng động ở trong nhà. Chị hốt hoảng chạy vào buồng thì thấy chồng đã ngồi khoanh chân ở giữa giường. Chị vặn núm chiết áp đèn cho sáng hơn mới hay Thành đang chắp tay trước ngực. Hình như anh đang lẩm bẩm điều gì đó.  Thủy chưa kịp hỏi thì Thành đã nói:

- Mình đi ngủ đi, đừng ra ngoài sân mà khóc như thế. Tôi có sao đâu. Khỏe rồi mà.

Thủy ngập ngừng hỏi:

- Vừa rồi anh lẩm bẩm gì vậy?

Thành khẽ nhếch miệng cười:

- À, tôi đang tính xem ngày mai giúp mình những việc gì. Chứ nằm mãi thế này ê ẩm hết cả người.

- Đúng vậy, em mừng quá!

Thủy suýt reo lên vì sung sướng. Chị vội ôm lấy chồng mà giàn giụa nước mắt. Anh Thành cười:

- Lại khóc rồi, chỉ được cái mau nước mắt.

*--PageBreak--

Liên tục mấy ngày sau mọi người đều vui vì thấy Thành đã chịu đứng dậy và làm những việc vặt trong nhà. Có hôm Thủy về, thấy chồng vẫn kỳ cạch đóng lại chiếc bàn học cho con. Anh còn đóng thêm mấy giá sách để ở góc nhà. Chị hỏi sao lại đóng nhiều giá thế, anh bảo:

- Cứ đóng sẵn sau này cả hai đứa đỡ tranh nhau. Chúng chăm học thế cơ mà.

Thấy chồng còn tay búa tay thước mà vẫn tranh thủ bắc nồi thổi cơm, Thủy mừng thầm và hy vọng là chồng mình không biết gì về căn bệnh hiểm nghèo đang diễn ra từng ngày. Lại có hôm, hai đứa con còn khoe với chị là bố đã khâu lại những đôi giày rách của chúng. Thằng em nói:

- Bố bảo con là hay đá bóng nên khâu cho sợi chỉ rất to.

Nói rồi, nó cười như nắc nẻ. Con chị thì lại khoe:

- Gớm bố khéo tay lắm, khâu lại cái balô đựng sách của con còn đẹp hơn cả mẹ ý. Nó cười khúc khích làm Thủy mừng trào nước mắt.

Hôm nào chị về cũng thấy đồ đạc trong nhà sạch như lau như li, chị thấy ái ngại:

- Mệt thì anh cứ nằm nghỉ, đừng ham việc quá kẻo lại gục xuống thì chết em.

Nghe vậy anh Thành ôm ghì lấy đầu vợ. Rồi bất chợt anh hoảng hốt kêu lên:

- Trời, tóc em đã bạc nhiều lắm rồi. Em mất ngủ nhiều quá. Đừng thức khuya nữa. Từ tối nay anh sẽ uống thuốc sớm để ngủ sớm cho em đỡ phải đợi.

...Thế rồi có một buổi trưa, sau khi lên chùa đặt lễ để cầu cho sức khỏe của chồng, Thủy về nhà thì thấy quần áo phơi đầy trên dây thép ở giữa sân. Thấy lạ, chị chạy vào còn thấy chồng đang gắng sức ôm cái ruột chăn ra khỏi buồng. Chị vội hỏi:

- Sao anh lại phơi hết ra thế này?

Thành cố nén hơi thở gấp nói:

- Được nắng mà! Phơi quần áo cho em và các con cho vệ sinh. Sắp rét rồi còn gì.

Lúc này nghe giọng nói của anh đã mệt, chị vội ngăn lại, nhưng Thành vẫn cứ khệ nệ lôi cái ruột chăn ra ngoài nhưng không làm sao nhấc nổi lên nữa. Anh gắng gượng nói:

- Nhỡ ít hôm nữa không nắng như thế này nữa. Anh không còn…

Nói đến đây, anh bỗng ngừng lại làm Thủy giật mình lo lắng. Chị có cảm giác một điều gì đó rất ghê gớm đang ập đến. Chị vội nói:

- Anh nói gì vậy? Trời vẫn còn nắng đấy.

Cả hai bỗng cùng nhìn về phía mặt trời, cùng nheo mắt lại. Bất ngờ Thành khuỵu xuống trước hiên nhà.  Thủy vội dìu chồng vào giường nghỉ:

- Đấy em đã nói rồi. Cứ gắng sức cơ.

Thành lịm đi một lúc rồi ngước mắt nhìn vợ, ánh mắt bất ngờ vụt sáng lên rồi lại mờ đục đi. Anh thở hổn hển nói:

- Anh sợ ngày mai không còn nắng!

Thủy nghe giọng nói rất lạ. Hình như trong giọng nói của chồng mình có ẩn ý gì đó từ sâu thẳm nơi con tim yếu ớt kia. Chị nhìn anh một lúc rồi nói:

- Anh thấy sức khỏe thế nào?

Thành cố rướn mắt lên, rồi nói:

 - Anh sợ không còn kịp làm hết mọi việc để giúp em và con nữa.

- Sao anh?

Thủy lo lắng hỏi. Thành cầm lấy tay vợ thì thào:

- Anh muốn mọi thứ phải xong xuôi và sạch sẽ cho em và các con trước khi anh nhắm mắt xuôi tay. Anh ân hận và nghĩ rằng bây giờ làm bao nhiêu việc cũng chẳng thể bù đắp lại được.

Thì ra, Thủy bây giờ mới hay là từ lâu chồng mình đã biết mọi chuyện. Và anh đang chuẩn bị đón nhận cái chết như thế nào. Anh đã nghĩ ra những việc để có thể làm có ích cho vợ con trong căn nhà này trước khi ra đi.

Thành cứ lịm dần đi, khó thở hơn, rồi bỗng nhiên lên cơn đau vật vã. Anh nấc hắt ra, rồi tắt thở.

Thủy không ghìm được nỗi đau. Vừa khóc chị vừa lay gọi chồng thảm thiết:

- Ngày mai còn nắng cơ mà! Anh… Anh ơi!...

Hai đứa trẻ đi học về. Chúng nghĩ rằng hôm nay thể nào bố cũng sẽ đóng cho mỗi đứa một cái ghế nhỏ để chân, mỗi khi ngồi vào bàn học, cho muỗi khỏi đốt. Nhưng mọi chuyện đã kết thúc. Hai đứa vội mang những con hạc giấy ra buộc từng sợi chỉ treo lên dây thép ngoài sân theo đúng mong ước cuối cùng của bố.

Những con hạc xinh xinh với bao cặp cánh dài như đang bay lượn trong muôn ngàn tia nắng lung linh chiếu rọi khắp nơi. Những đôi mắt trẻ thơ long lanh rực sáng với ước vọng bay cao cùng với đàn hạc giấy và đem mọi niềm vui thả xuống từng mái nhà với những mầm sống bật chồi xanh mướt

.
.