Bừng tỉnh

Thứ Năm, 11/06/2020, 08:52
Hậu học cùng với chồng tôi từ hồi phổ thông, anh không về quê mà ở lại thủ đô lập nghiệp. Dân tài chính, đặc biệt Hậu học cùng lớp với một anh VIP nên mọi thứ đến với Hậu đều dễ dàng. Địa vị, mua nhà, mua xe, lấy vợ chỉ mười năm đầu ra trường anh đã hoàn thành.

Bạn Hậu, tức anh VIP ấy có ông bố làm to, có bước đi thần tốc trong sự nghiệp, có nhã ý với Hậu. Thế là anh chàng Hậu quê mùa trở thành Kế toán Trưởng trong một doanh nghiệp nhà nước có mọi thứ trong tay. Hậu phất lên như diều, tất nhiên thành đạt thế sẽ nhiều người nhờ vả. Dân quê tôi lấy anh làm thần tượng, ai cũng cố nuôi con ăn học, mà mục tiêu là phải vào đại học, để sau này được như anh/chú Hậu.

Chúng tôi chân đất mắt toét, ra ngoài không quen biết người có ghế cao, chết nỗi về các mối quan hệ thì mù tịt. Chồng tôi học cơ khí, điều may mắn là Hải Phòng lúc ấy các nhà máy đóng tàu, nhà máy cơ khí rất thiếu kỹ sư, vậy là ra trường chẳng gì cũng có việc làm, được ở thành phố. Còn tôi cũng may mắn vào làm hành chính ở một công ty da giày.

Cuộc sống cứ thế trôi qua, một gia đình, hai vợ chồng, hai đứa con. Vợ chồng đi làm, con cái đi học, không dư dả nhưng khi con cái hoặc nội ngoại cần khoản chi nào chúng tôi đều có thể thu xếp được. Thỉnh thoảng vào cuối tuần cả nhà cùng đi đâu đó chơi hoặc về quê gọi bạn bè thuở chăn trâu đánh đáo đến rượu chè, bù khú.

Nhiều lần về quê vợ chồng tôi gặp Hậu. Cách ứng xử của Hậu, rõ là người có địa vị và tiền bạc. Nếu những đứa chỉ quanh năm buôn bán hoặc làm bạn với ruộng đất thì nhìn thấy Hậu là ngại. Hậu ăn to nói lớn, lần nào về quê cũng có một hai người bạn cùng chiếc xe con bóng lộn chở theo những túi hàng hóa to đùng. Nhà Hậu lúc nào cũng đông người, hết ông chú bà bác, sau dần là họ hàng gần xa, ai có con cháu lớn chưa có việc làm đều đến nhờ vả Hậu.

Hậu lo được tất, đứa có bằng cấp thì làm việc có bằng cấp, đứa khỏe mạnh không học hành gì thì đi làm công nhân, có việc và thoát ra khỏi lũy tre làng là may rồi, là đổi đời rồi. Do vậy Hậu luôn bận rộn, thi thoảng chúng tôi mới có dịp ngồi uống rượu với nhau, ấy là khi Hậu về quê một mình, có a lô cho chúng tôi trước.

Thường đám ở quê không mấy thích thằng bạn như Hậu. Một chút ghen tị, một chút tự ti và cả một chút cay cú rằng tại sao cũng là thằng người với nhau mà mày xe đưa xe đón còn chúng tao suốt ngày đầu chày đít thớt? Bằng chứng là những đứa bạn của Hậu thưa dần, gọi thì đứa bảo bận, đứa nói toẹt ra rằng không thích thằng Hậu. Nhưng Hậu không biết điều đó, vẫn khua môi múa mép khoe hàng loạt chiến tích mà cậu ta có được trong thời gian qua.

Vợ chồng tôi thường nhẫn nại ngồi nghe Hậu kể chuyện, thậm chí tôi còn xuýt xoa về độ chịu chơi của những người Hậu tiếp xúc hoặc là đối tác. Nhưng nhờ vả thì không, bởi hồi phổ thông nói về sức học thì chả ai chịu ai, nên chồng tôi có chút sĩ diện.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi.

Bạn thời trẻ trâu thường chỉ có thế, ít có điều kiện giúp đỡ nhau, đứa nào lo thân đứa nấy, nhất là nhà tôi với Hậu sống ở hai nơi khác nhau, nghề nghiệp cũng không liên quan.

Biến cố, có thể gọi là như vậy đã xảy ra với gia đình tôi. Vợ chồng tôi cùng mất việc do công ty bị vỡ nợ. Có gì đâu, lãnh đạo nào cũng giàu lên nhưng công ty thì yếu đi do cơ chế quá thoáng. Cha chung không ai khóc mà, ông bà nào có chức có quyền là tìm thời cơ để cào cấu vào công ty, công việc thì vô trách nhiệm.

Tiền nhà nước đổ vào doanh nghiệp nhưng lãnh đạo đem tiền ấy đi làm rì sọt, sân gôn, trường học…, thậm chí còn mở cả trung tâm thẩm mĩ. Khi không có khả năng cân đối, cả lũ kéo nhau vào tù, còn đội ngũ chân đất mắt toét như chúng tôi thì bơ vơ. Mất việc chả biết làm gì, cộng thêm hai đứa con học đại học ở thủ đô khiến vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ.

Mỗi tháng tiền nọ tiền kia cũng cả núi so với lương trợ cấp thất nghiệp. Nhà có hai con đỗ đại học, mà toàn trường tốp đầu không phải dễ, tự hào thì có nhưng vợ chồng tôi lo sốt vó. Các con ơi bố mẹ đang nghĩ xem có cách nào làm ra tiền để nuôi các con đây? Ngần ấy năm bố mẹ tiết kiệm được ít lắm, giờ lại không có việc, miệng ăn núi lở, biết sao đây?

Đúng là ông trời không triệt đường sống của ai, đang hoang mang như vào cửa hang tối thì có anh Cương, bạn của chồng gọi điện. Anh Cương giờ là Giám đốc một công ty cơ khí ở thủ đô, biết tình cảnh của chồng tôi hôm đi họp lớp nên anh chủ động gọi. Lên thủ đô với tao, phải tự cứu mình trước khi trời cứu, công ty đóng tàu của mày đang lao đao thế chờ làm gì? Lên đây không thiếu việc, trăm sông đổ về một ngả mà - Anh Cương nói với vợ chồng tôi.

Thôi thì ba bảy việc cùng liều, hai con học ở thủ đô, giờ bố mẹ lên ở cùng thì còn gì bằng, nhưng còn chỗ ở, còn nhà ở Hải Phòng? Anh Cương cười lớn. Không việc gì phải lo, tao có cái nhà để không, giờ vợ chồng con cái mày đến ở chứ sao! Nhà Hải Phòng được bao nhiêu mà phải lăn tăn, cứ để đấy, mà không thích thì bán!

Đầu óc chúng tôi quay cuồng vì nửa đời người rồi, những gì mình toát mồ hôi mới có, giờ bạn chỉ bằng một chuỗi cười mà giải quyết được. Sự quyết liệt và thái độ ân tình của bạn khiến chúng tôi không suy nghĩ nhiều, gật đầu.

Nhưng nói chuyện xong với bạn, tôi thấy ông xã cứ vừa đi vừa lẩm bẩm điều gì. Chắc còn lăn tăn đây? Vừa rồi thì quyết nhanh nhưng chẳng lẽ không nghĩ sao được vì đi là bắt đầu lại từ đầu. Lẩm nhẩm chán, ông xã quay ra với chai rượu, rót đầy chén dốc ngược vào miệng, lão khà một tiếng:

- Em thấy sao? Anh cho em toàn quyền!

Tôi giãy nảy:

- Từ xưa tới nay toàn anh quyết, em có quyền gì đâu.

- Đi thì làm lại từ đầu, ở chỗ thân quen vẫn yên tâm hơn -  Chồng tôi lại lẩm nhẩm. Tôi sốt ruột:

- Lúc hăng lên thì đồng ý, giờ anh lại lăn tăn là sao?

- Ngại nhỉ? Lên ấy còn bao nhiêu thứ...

- Em không ngại thì thôi, anh phải thể hiện mình là người đàn ông trong gia đình chứ!

- Hay để thư thư đã, anh đi kiếm việc ở Hải Phòng.

- Anh Cương nói phải quyết định ngay để anh ấy không phải tìm người khác, nếu chần chừ là mất cơ hội đấy. Anh nhìn anh Hậu đấy! Cũng nhà quê như anh, làm ăn chả như diều gặp gió còn gì. Biết đâu lên thủ đô anh em gặp nhau lại chả nhiều cơ hội đổi đời hơn.

 Chồng tôi "xì" một cái rõ to:

- Mật đấy mà húp! Cứ sống kiểu cây leo như thằng Hậu có ngày chết rấp.

Tôi thấy bực mình với lão chồng. Khi công ty ăn nên làm ra, lương lĩnh đều đều thì lão chồng tinh tướng, lười thối thây chảy mỡ, giờ nhũn như con chi chi, chả có chính kiến gì. Mới có hơn tháng mà người đã nhão ra, ăn mặc thì suốt ngày quần đùi với áo may ô, thậm chí cởi trần cho mát. Cái nhà bé tẹo giờ trở nên chật chội vì chỗ nào cũng thấy va vào nhau. Mùa hè, ba người đàn ông trong nhà, hết ăn ngủ rồi cắm mắt vào màn hình khiến tôi nhiều lúc bực bội không thể tả.

- Em nghe chú Hiển nói ở An Trang có thầy tên là Hùng giỏi lắm, vợ chồng mình đến nhà thầy xem sao? Thầy nói đi thì đi, ở thì ở, có thờ có thiêng, có kiêng có lành anh ạ.

Sáng hôm sau tôi tìm tới nhà thầy Hùng. Lá trầu quả cau, đĩa lễ vật và tờ tiền hai trăm nghìn dâng lên ban thờ. Điện của thầy Hùng lúc nào cũng đông người, nhìn mặt cũng biết gia cảnh nhà ai thế nào? Mà lạ! Thời đại 4.0 mà người đến cửa thánh đông thế? Khi lòng người bất ổn thì thường nhờ tâm linh giải nghĩa như ai đó đã nói là đúng sao? Tôi tự cười thầm, vì tôi đang hoang mang đây, chả biết hỏi ai, đành nhờ thầy gọi cho đó thôi.

Chờ đến người thứ mười hai xong thầy gọi tôi vào. Lúc lấy số tôi đã giật mình, sao lại là số mười ba? Đầu năm đi đền tôi cũng bốc phải lá số mười ba, chẳng phải đoán cũng biết vận hạn số mười ba nó thế nào. Hôm ấy tôi đã toát mồ hôi hột, đọc lướt qua, không muốn ngẫm thêm, tôi quay trở lại chắp tay vái thành kính, rằng thần linh cùng các quan tiễu trừ giúp con những điều xấu xa, mang lại điềm lành và may mắn đến với gia đình con. Khấn xong tôi đem tờ lá số đi hóa. Tờ lá số nhảy lên bắt lửa thành tro quay tít trong bể hóa vàng. Một người mặc quần áo nâu gật gù: "Tốt rồi! Những gì khấn vái đều nghiệm. Tuy ban đầu có khó chút nhưng không sao! Cứ yên tâm ăn no ngủ kĩ". Lúc ấy tôi cúi đầu cảm ơn người lạ ấy đã giúp tôi giải tỏa căng thẳng đôi chút.

Nhưng hôm nay ở điện thầy Hùng vẫn là số mười ba, ngồi ngoài chờ, lòng tôi nóng như lửa đốt. Tôi nghe thầy đọc vanh vách chuyện gia đình mấy chị trước, người thì gặp hạn ốm đau, người bị tai nạn, người thì con hư, có người bị hàng xóm dọa dẫm... Người nào cũng phải cúng sao giải hạn, cũng phải làm lễ vào ngày này tháng kia, tất tần tật nhờ thầy chỉ cho cách giải quyết. Chờ lâu lại phải nghe nhiều chuyện nặng nề khiến đầu óc tôi ong ong.

Tôi giật mình lê vào khi thầy xướng: "Số mười ba". Thầy chăm chú ngó sát mặt tôi. Tôi ngồi im như phỗng, mặc cho cái kính lão của thầy gần như đụng vào má, mắt thầy nhướn lên, mũi chun chun như người đánh hơi mùi gì hồi lâu. Chả ai bị thầy soi mặt kĩ như tôi, mồ hôi túa ra ướt lưng, tôi cảm giác rất rõ sống lưng tôi lạnh dần, lạnh dần. Tôi bắt đầu run. "Làm sao thế? Nhà chị có ông mãnh ba đời theo đấy nhá! Ông ấy đang ở ngay sau lưng chị. Không cần xem, chị đem bó hương này về bảo anh nhà thắp năm nén, gọi rõ tên ông mãnh. Ngồi yên chờ hương cháy xong, nếu tàn hương chụm vào nhau thì định việc gì cứ thế mà làm, phải nhất tâm khấn vái.  Năm nay tưởng xấu nhưng không sao, tốt đấy. Về đi! Người tiếp theo, số mười bốn".

Thầy cẩn thận lấy bút gạch số mười ba. Vết rạch mạnh nên tờ giấy hơi lạng đi, một vết hằn sâu suýt rách. Tôi ngồi nấn ná thêm chút nhưng nhận ra không thể hỏi thầy thêm nên đành đứng dậy cúi đầu cảm ơn thầy.

Tôi về nhà đã quá trưa, chồng tôi ra ngõ đón nhưng nét mặt không mấy vui vẻ. "Đi đâu giờ này mới về? Nhà cửa lạnh tanh chẳng thấy cơm nước đâu". Tôi kéo chồng lại gần, thì thào điều thầy dặn. Chồng tôi quạu: Các bà tin vớ vẩn vào mấy ông thầy bói toán có ngày ăn cám. Tôi lấy tay bịt miệng chồng: "Thiện tai thiện tai! Chỉ nghĩ điều lành, không bàn ngang, muốn tốt không thì bảo? Thầy bảo phải làm ngay và nhất tâm mới linh nghiệm". 

Không để chồng phản ứng, tôi kéo tuột chồng lên phòng thờ, rút ra năm nén hương: "Anh thắp đi, khấn các cụ thành khẩn vào. Gọi rõ tên ông mãnh ba đời mới được việc!". Chồng tôi nhăn mặt: "Làm sao biết ông mãnh ba đời tên là gì mà gọi? Ông ấy mất lúc anh chưa ra đời, chả ai kể cho anh nghe". Tôi thần mặt: "Hay mình đặt cho cụ ấy cái tên". Chồng tôi rõ là không hợp tác, mặt mũi lão cứ tớn lên: "Ô kê! Đặt cho cụ tên là... Tuấn Anh vậy!". 

Tôi suýt bật cười vì tính bông phèng quen thuộc của lão chồng nhưng phải cố nín: "Này đừng có nhạo báng thánh thần, thầy Hùng nói ông mãnh lúc nào cũng đi theo phù hộ nhà mình đấy". "Phù hộ đâu mà phù hộ? Giờ mình đang rối như canh hẹ mà chả thấy cụ chỉ bảo gì cả". Tôi làm bộ trợn mắt lên: "Có nghe không thì bảo? Không được nhạo báng thánh thần. Anh cứ làm như thầy dặn đi! Thắp hương khấn ông mãnh là ông Đỏ, các cụ ta thường đặt tên cho bà cô ông mãnh như thế".

Chờ năm nén hương cháy xong thì đã sang chiều, không hiểu sao hôm nay chồng tôi ngoan thế ngồi chịu đói chờ hương cháy? Chắc nghe tôi kể chuyện những người đến cửa thầy Hùng, so với họ mình còn may mắn chán. Nhà họ nhiều chuyện lắm, mình được thần linh và tổ tiên phù hộ mới có cuộc sống bình an, tuy không giầu có nhưng các con ngoan học giỏi, vợ chồng hòa thuận.

Thủ thỉ một lúc hai vợ chồng giật mình nhìn lên bàn thờ. Ôi! Chưa bao giờ tôi thấy năm nén hương lại đẹp đến thế.

Lão chồng chân không vững khi xuống cầu thang, một tay lão bám vào tay vịn, một bên khoác vai tôi. Có thể phần vì đói, phần vì tình thế giờ đang chuyển sang phía đi thủ đô nên lão có cảm giác ấy? Tôi nói với lão chồng: Này! Em không tin là anh lại xuống tinh thần đến thế? Thần linh phù hộ, tổ tiên phù hộ, còn lăn tăn cái gì? Lên thủ đô vừa có việc làm vừa cả nhà sum họp không sướng hay sao?

                     *     *

                        *

Bốn người gia đình tôi lại được gần nhau như trước đây. Khỏi phải nói chúng tôi cảm ơn anh Cương thế nào. Việc di chuyển cũng thuận tiện vì chúng tôi chỉ chuyển một số vật dụng cá nhân, còn đồ đạc ở đâu cứ ở nguyên đó. Hết hè mọi việc lại theo guồng quay như trước kia, tôi vẫn là người lo việc nội trợ là chính, cuộc sống gia đình như thế là tạm ổn.

Một chiều tối tôi đang lúi húi trong bếp thì chồng tôi đi làm về. Vừa dựng xe lão đã oang oang:

- Em ơi! Em ơi! Ra đây có tin sốt dẻo.

Tôi ngó ra:

- Gì đấy anh? Vào nhà rồi nói! Em đang lọc cua.

Cái mũ bảo hiểm mắc vào đầu không lôi ra được, lão cứ ngoáy qua ngoáy lại hồi lâu, lại cáu vì không thấy tôi, lão quát:

- Ơ cái bà này! Nói ra mà cứ ở lì trong đấy là sao?

Dạo này lão có vẻ hay cáu, nói năng hay gắt gỏng, lại tinh tướng như hồi làm ra tiền ở Hải Phòng rồi đấy! Đừng tưởng tôi ở nhà mà coi thường nhá!

- Này!

Lão bước vào bếp, mặt đỏ gay. Hí hoáy vắt bã cua đang lạo xạo trong tay, tôi đanh mặt để sẵn sàng chọi lại cơn tức giận qua câu quát vừa rồi. Lão chồng ghé vào tai tôi:

- Này! Thằng Hậu bị bắt rồi đấy!

Tay tôi buông thõng để mặc nắm bã cua rơi xuống:

- Sao... sao anh biết? Anh Hậu bị tội gì?

- Thì tham ô, lợi ích nhóm, cả thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Thiếu gì lí do, thôi nhá! Từ nay đừng có so sánh tôi với nó nữa nhá!

- Bạn bè với nhau, sao anh có vẻ đắc ý thế?

- Thế mới biết không ai nắm tay được từ sáng đến tối, đời người chưa cần ba cơn sóng cồn là rõ ngay. Tôi cũng chả vui khi bạn bè gặp nạn, nhưng làm gì cũng vừa phải thôi. Mà bạn bè gì nó, nhà mình kéo nhau đi thủ đô mấy tháng nay nhưng nó có được lời hỏi thăm nào đâu. Thôi nhé! Từ nay cấm được so sánh nữa, cứ ăn no ngủ kỹ với phận mình thôi, bà chấm dứt ngay cái kiểu nay anh Hậu thế này, mai anh Hậu thế kia đi nhá...

Với Hậu, chúng tôi chả thể giúp đỡ hoặc chia sẻ được gì khi anh gặp nạn. Mình phận con sâu cái kiến nào biết gì mà giúp? Thôi thì cứ sống bình thường mà bình an lại hay. 

 Khi mọi việc ổn thỏa, tôi về cho thuê nhà ở Hải Phòng. Khoản thuê nhà bù vào lương trước đây, chi tiêu gia đình tôi như thế cũng tạm ổn.

Tôi đến nhà thầy Hùng lễ tạ. Hôm nay có mấy người khách đang ngồi chờ, nhưng thầy có vẻ không vội. Hôm trước chú em bảo thầy Hùng hay câu giờ lắm. Lúc nào đông khách thầy xem nhanh, ít khách thầy cứ nhẩn nha để lúc nào trong nhà cũng có người. Tôi se sẽ sắp lễ nhưng thầy ra hiệu ngồi xuống, chờ người vào trước. Thầy quay ra soi gương nhổ râu. Mặt thầy gí sát vào gương, nhăn trán, mắt nhướn lên nhìn mấy sợi đen đen chòi ra. Trước khi nhắm được mục tiêu, thầy "hự" một cái, nếu được thầy cầm sợi râu vân vê trên đầu ngón tay, ngắm nghía như báu vật vừa rời khỏi mình. Xong việc thầy phẩy mạnh tay áo, kiểu như cả một nắm râu bám vào, phải phẩy thật mạnh mới sạch.

Xong mấy người đến trước, thầy ra hiệu cho tôi vào lễ. Chờ lễ xong, thầy quay ra chăm chú nhìn tôi rồi phán: "Nhà chị có bà cô chết trẻ đi theo. Cầm bó hương này về nhà, bảo anh nhà thắp năm nén. Ngồi yên chờ hương cháy xong, nếu tàn hương chụm vào nhau thì định việc gì cứ thế mà làm… Gọi rõ tên bà cô chết trẻ... Phải nhất tâm khấn vái…".

Tôi ớ người lắp bắp nhưng chưa kịp nói thầy đã lấp luôn: "Nhà chị cao số! Vào cửa phủ mà mặt mũi cứ nghiêm trọng thế này khó nói lắm. Nhưng tôi nghe các ngài nói rồi. Định việc gì cứ làm! Bảo anh nhà thắp hương ngay!". Tôi ấp úng: "Thưa thầy! Nhà con đi vắng rồi ạ!". Thầy chau mày: "Thế à? Thế thì khó đấy! Anh nhà đi đâu? Có lâu không?". Thầy dịch người về phía tôi, nhìn tôi thật lâu. Lúc đầu tôi nghĩ chắc cũng như lần trước, thầy phải nhìn thật kĩ xem trên mặt tôi biểu hiện điều gì bất thường để còn đọc ra. Nhưng khoảng cách giữa tôi và thầy cứ ngắn dần,  rồi thầy nắm lấy tay tôi, mân mê... Từng ngón tay thầy cứ nắn từng ngón, từng ngón, mắt nhìn tôi không chớp...

Hơi thở nóng hổi của thầy phả vào mặt khiến tôi bừng tỉnh. Tôi lùi lại sau, rút tay thầy ra: "Thầy làm gì thế? Con đến cửa thầy để tạ lễ mà! Lần trước thầy bảo nhà con có ông mãnh, giờ lại có bà cô là sao?". Thầy Hùng cũng bừng tỉnh, mặt thầy đỏ lên như uống rượu. Vừa lúc có hai người phụ nữ bước vào, nhìn cách ăn mặc cũng biết họ là người sành điệu.

- Thầy ơi! Hôm nay mình đi liên hoan tân gia xong về tắm nước nóng nhé!

Nhìn thấy tôi đang ngồi co ro ở góc phòng, một chị chắp hai tay vào nhau:

- Mô Phật!

Tôi để lại nắm hương bước ra ngoài.

Nắng chói chang, khắp nơi màu vàng ươm ngập tràn, mặt đường nhựa nhảy múa như sắp sôi.

Tiếng cười đùa trong nhà thầy Hùng cứ ong ong trong đầu tôi một thời gian dài.

Truyện ngắn của Dương Thị Nhụn
.
.