Bụi đời lấp lánh

Thứ Hai, 23/07/2012, 09:00
Tôi không thể chấp nhận trò đùa ác của ông trời khi bắt nhà nào đầy đàn đông lũ sẽ có một con không mắc chứng nọ thì tật kia. Có một con gánh nợ đời thì các con khác mới hẳn hoi được. Nghĩa là ông trời ra tay xếp đặt để mỗi nhà đã có riêng một "chúa cứu rỗi" rồi. Ông trời còn đùa dai khi chọn con thông minh nhất, đẹp mã nhất trong đàn bắt gánh nợ chứ không chọn con kẹ con dốt. Nhưng tôi không chấp nhận không được. Sự thực vẫn cứ hiển nhiên...

Nhà tôi cũng con đàn, u tôi sinh tám lần thì lần thứ năm đứa em đã chết lưu trong bụng không kịp nhìn ánh mặt trời. Cả nhà tưởng ông trời chơi ác thế thì vừa lòng rồi. Không ngờ ông vẫn chưa buông tha nhà tôi. Thằng Mầu, đứa em thứ năm đã bị "lão trời già" chọn làm vật cứu rỗi. Khi ấy nó đã học lên cấp hai. Một thiếu niên khôi ngô tuấn tú, môi lúc nào cũng đỏ như son, mắt sáng như sao, học giỏi nhất trường, đọc sách xong gấp lại là có thể kể vanh vách từ đầu đến cuối. Cả nhà, cả trường đều kỳ vọng. Giáp Tết năm học lớp sáu nó bỗng mắc chứng bệnh kỳ lạ: Ho rũ rượi, sốt cao, người giật co rúm lại. Đưa đi cấp cứu, Trạm y tế xã chuyển ngay lên huyện. Bệnh viện huyện cho ra xe chở ngay lên tỉnh. Qua hội chẩn được biết nó bị lao màng não. Hóa ra có cả bệnh lao màng não chứ đâu chỉ có bệnh lao phổi. Bác sĩ còn bảo có bệnh lao xương, bệnh lao lực nữa kia.

Khi Mầu vào viện, nhà tôi đang trong cảnh ăn đong ăn độn. Thầy tôi đưa nó đi viện là cả nhà treo niêu luôn. Ngày mồng một Tết nhà tôi ăn cà chua luộc trừ bữa. Ruộng cà chua này là nguồn tiền đong ăn dịp Tết, thầy tôi đã dự liệu trước, nhưng Tết đến ấm trời, cà chua chín rộ không bán được và cũng không có người đi bán vì còn lo cho Mầu chưa biết sống chết ra sao. Ở bệnh viện thầy tôi cũng lập bàn thờ cầu trời phật cho em tôi tai qua nạn khỏi. Đồ cúng bữa mồng một Tết cũng độc quả cà chua luộc, thứ mà nhà quê có thể tiếp tế được lúc ấy. Thầy tôi là người nghĩ thoáng, có tài biến báo, có gì cúng nấy cốt sao lễ bạc lòng thành. Cụ già nằm cùng phòng nhận xét:

- Tôi đồ năm nay bác gặp vận đỏ, thằng cháu này nhất định sẽ qua khỏi. Nếu bác cố tình mua cà chua về cúng để cầu vận đỏ thì chưa chắc đã ứng nghiệm. Đằng này do hoàn cảnh bác bất đắc dĩ phải dùng cà chua để cúng, cái vô tình ấy mới là điềm đỏ. Bác cứ tin ở tôi.

Lời người già khác nào lời thánh nhân. Mầu khỏi bệnh thật. Nhưng bác sĩ vẫn bảo bệnh não thể nào cũng có biến chứng, có khi liệt suốt đời, có khi trở thành ngớ ngẩn. Thầy tôi chấp nhận tất cả không nói không rằng, bởi thực tế Mầu vẫn cứ mềm như dải khoai, đặt đâu nằm đấy trên giường bệnh. Cụ già lại bảo:

- Con cá mất là con cá to. Nhà tôi có đàn lợn sắp bán, tối hôm trước vẫn ăn như sấm như sét, thế mà sáng ra đã có con chết queo, các con khác thì ngửi cám là chạy. Con chết là con đầu đàn. Con còi con cọc lại thoát nạn. Ở đời cứ trớ trêu thế đấy.

Nhà tôi gặp vận đỏ thật. Mầu ra viện bình thường. Bác sĩ cấp cho sổ thuốc, dặn phải uống liên tục đề phòng bệnh tái phát.

Ngày Mầu ra viện là ngày tươi sáng của nhà tôi. Ánh hân hoan xua tan cái u ám đói la đói lả bao ngày. Mừng vì có người thân từ cõi chết trở về. Mừng vì nhà lại có cần câu cơm cứu đói.

Thầy tôi lập tức lao đi kiếm ăn. Những năm này cả nước dồn sức người sức của cho biên giới nên đồ ăn trốn tiệt hết cả. Thầy tôi cần mẫn bới ăn cả ngày vẫn không đủ "mồi" cho cả nhà. Hàng xóm cũng chẳng hơn gì. Nếu vác rá đi vay, có khi mỏi chân vẫn chưa vay được. Thầy tôi mải bới tìm cái ăn chẳng để mắt thường xuyên đến thằng Mầu được. Đầu tiên nó còn chăm uống thuốc vì còn sợ bệnh. Sau bỏ dần, rồi bỏ hẳn. Đấy là cách ông trời đùa với số phận con người. Ông trời bắt Mầu phải là Chúa cứu rỗi của nhà tôi thì làm sao có thể tránh được. Những con vi trùng lao bị thuốc đánh tan tác bây giờ ngóc đầu dậy, tập hợp thành các nhóm nhỏ ngấm ngầm hoạt động. Con người vốn mất cảnh giác đâu có để tâm đến những thay đổi rất nhỏ ở nơi sâu kín nào đó trong cơ thể. Mầu có dấu hiệu đi lại khó khăn do hiện tượng chạm khoeo ngày một rõ. Đi kèm là nhu cầu thèm khát về ăn uống không thể kìm nén. Thằng Mầu tìm cách tự thỏa mãn. Nó vận dụng hết trí thông minh trời phú để phục vụ nhu cầu lỗ miệng. Chẳng ai ngờ nó dám xé sách vở luộc trứng gà ngay trong buồng. Hay buổi sáng nó dậy sớm bóp cổ gà cho vào túi xách, đi học nhưng không đến trường mà ra đầm sen móc đất đắp gà nướng ăn. Lấy hết của nhà thì lấy của người. Chỉ đến khi nó bị hàng xóm bắt quả tang thì cả nhà mới vỡ lẽ, hóa ra gà nhà mất toàn vào mồm nó cả. Thầy tôi dữ đòn khủng khiếp mà không thể xua được cái mồm ăn ngon ra khỏi người nó. Đánh đau, giữ chặt, nó bỏ ra Hà Nội tìm đến nhà anh Thông, con bác tôi. Anh ở khu tập thể cơ khí Trần Hưng Đạo. Tôi có ra đây chơi vài lần nhưng vẫn không dám đi đâu một mình vì "đi ỉa không biết đường lại, đi đái không biết đường về". Đằng này thằng Mầu chỉ biết anh ở đấy mà hỏi được đến nơi.

Thấy nó ham đọc, anh Thông kiếm mấy quyển truyện vụ án về. Sau anh Thông mới biết mình dại, cấp cho kẻ gian sách vụ án khác nào cấp cho nó độc chiêu nó chưa biết cách làm. Rõ ràng nó về tay không trước, anh đi làm về sau, thế mà lúc về thấy mất xe, mất đồ đạc quý khác. Anh tức tốc về quê hỏi thăm tình hình. Ai cũng đồ đúng nó lấy, có điều nó chưa về nhà nên không còn hy vọng tìm lại được. Đến khi nó về, còn mua bánh mỳ làm quà cho cả nhà. Thầy truy hỏi, nó một mực không khai nhận. Mãi sau này nó mới bật mí. Lúc còn ở nhà anh Thông nó đã lấy mẫu chìa khóa, đồng thời biết được quy luật đi làm của anh. Lúc về nó cố tình đi cùng anh. Anh vào nhà máy, còn nó vào hiệu đánh chìa khóa. Thời ấy cái xe đạp cà tàng là đồ quý nhất nên nó lấy mất. Nó không ngờ anh Thông đã về tận quê mách thầy để nó bị đòn. Bị đòn nhưng không nhận tội khiến thầy cũng phân vân. Nó cười cười bảo tôi: "Dù thầy biết mười mươi thì chịu đòn để được ăn mấy bữa ngon thỏa thích cũng đáng". Đúng là đói ăn vụng, túng làm liều.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Càng lớn Mầu càng yếu. Cuộc sống riêng của nó càng khó khăn sau khi thầy tôi mất đột ngột. U đem hai đứa em đi làm đậu xa không cho nó biết địa chỉ u để nó khỏi quấy phá mất đất làm ăn. Tôi lấy vợ đã ở riêng và trở thành đối tượng để nó bấu víu gây khó chịu. Tôi ngủ nó thức. Tôi thức nó ngủ. Tôi ngủ say nó đến lần sờ. Tôi thức ra đồng nó càng tha hồ lần sờ. Bắt được thì giữ được của, không thì chịu mất. Đánh đau cho nó sợ ư? Nếu đánh quá tay thì ân hận suốt đời, có khi phải chịu cảnh lao lý. Mà đánh nó đau, lòng mình cũng đau lắm chứ. Hơn nữa, dữ đòn như thầy mà nó có cải được nết đâu.

Những hôm không lấy được đồ, nó ra quán mua chịu, nói là mua hộ tôi. Mỗi quán mua vài lần. Ai hỏi, nó bảo gặp tôi mà đòi, nó chỉ đi mua hộ thôi. Thấy tôi nợ dai, các chủ quán vác sổ đến đòi, hai bên mới ngã ngửa người ra. Sau vụ trả nợ đậy buốt ruột này, tôi phải giao hẹn hết lượt các quán trong xã nếu có bán cho nó thì đừng đến nhà tôi đòi tiền. Hết võ, nó quay ra phá hoại. Nửa đêm nó nổi lửa đốt chuồng lợn nhà tôi. Lửa cháy bùng bùng mới biết. Vợ tôi kêu cứu. Tôi vội cầm chậu đi múc nước dập lửa. Nó thủ thanh sắt thông lò rình ở cổng chờ tôi ra đâm. Tôi đâu ngờ nó dám ra tay ác độc thế. Cũng may tôi chạy nhanh nên nhát đâm chỉ sượt qua lưng. Tôi giằng được thanh sắt định phang cho nó một nhát chí tử vì nó đã đang tâm giết tôi thì còn tình nghĩa gì nữa. Nhưng thấy nó mất đà ngã dúi dụi, tôi lại phang vào tường cho bõ tức:

- Mày định giết cả tao thì đúng là đồ chó. Cút đi!

Nó lồm cồm vịn tường đứng dậy nói thản nhiên:

- Muốn đi à, cũng được. Đây sẽ đi cho khuất mắt. Nhưng phải cho tiền xe mới đi được.

- Mày cần bao nhiêu?

- Chỉ cần đủ tiền ra Hà Nội và ba ngày ăn.

Sáng hôm sau tôi đáp ứng đúng yêu cầu ấy.

Nó ra đi còn sang chào chị dâu hẳn hoi.

Vợ chồng tôi thở phào nhẹ nhõm. Thế là thoát nợ.

Nhưng chúng tôi đã nhầm. Nó ra quán uống rượu. Quá chiều nó ngất ngưởng đến nhà tôi thông báo mất trộm tiền trên ôtô nên phải quay về. Lại phải cho tiền. Cho tiền đến lần thứ ba nó mới chịu đi thật. Và đi một mạch hơn một năm mới về.  "Chúa cứu rỗi" của tôi khoe:

- Em được một nhà hàng kem ở Lạng Sơn nhận làm con nuôi. Nhà này không con. Em giàu bự rồi. Lần này em về trả hết nợ cho anh chị, anh chị tính đi, từ cái ăn đến cái em phá, em trả hết.

- Thôi, chú có cuộc sống ổn định là anh chị mừng rồi, khỏi cần tính toán gì cả.

- Không, anh chị không tính thì em tự tính. Anh chị không nhận thì em cứ vứt trả. Trả tiền dễ, trả ơn nghĩa khó lắm. Còn bao nhiêu tiền em đi chơi bạc vài lần cho đỡ nhớ, bao giờ hết tiền em mới đi.

Nó bửa đôi cục tiền giao cho tôi một nửa, nó giữ một nửa. Nhờ có nửa này nó trở thành thượng khách của mấy tay bợm bạc. Thua, nó vẫn cười khơ khớ:

- Thằng này gánh mệnh xóa đói giảm nghèo, thua thắng không là cái đinh gì, cốt vui vài buổi là được rồi.

Cuộc đời thật lạ, ai biết được thằng Mầu có lúc lên tiên thế.

Hết tiền nó lại ra đi. Một thời gian sau có một xe Min chở nó về nhà tôi. Mặt mũi nó sưng húp, máu me bê bết. Người lái xe xốc nó vào nhà. Nó nằm liệt vị mấy ngày liền. Chắc nó bị đòn hội chợ đâu đó. Tôi rớt nước mắt cứ như mình bị đánh sưng sỉa như nó vậy. Khi nó ăn được bát cháo, tôi hỏi:

- Mày bị đánh ở đâu? Có phải đi viện không?

Nó thì thào:

- Em chưa chết được đâu. Đi bụi đời tránh sao khỏi cảnh này.

- Thế sao bảo có công ăn việc làm tốt lắm rồi?

- Thì em chỉ muốn không ăn bám ai cả mới nên nỗi.

Ra thế. Làm cho người thân chán ngấy để nó ra đi như một sự giải thoát, để không ai phải nhớ nó làm gì. Người thân còn lo bới cái ăn, nó không muốn làm gánh nặng. Tự dưng ra đi sợ người thân mang tiếng. Làm điều ác với người thân thì sự ra đi mới dễ dàng. Nếu cái đêm đốt chuồng lợn nó cố tình đâm chết tôi thì có thể lắm chứ. Nhát đâm chí tử nhưng thực tế chỉ sượt qua lưng. Đóng kịch như thật hay là thật như đóng kịch. Có thể nó chỉ đâm để tỏ cho làng xóm biết nó là đứa chẳng ra gì đó thôi.

Dường như nó cảm nhận được những giọt nước mắt của tôi khi nó còn đang mê man, nó lại bảo:

- Em là đứa chẳng ra gì, anh chả nên thương xót như thế.

Mấy hôm sau nó đi lại được. Cái dáng đi của người say rượu. Và nó xin tiền ra đi.

Có dễ năm năm nó chưa về. Họ hàng hỏi tôi:

- Liệu thằng Mầu chết ở xó nào phải không?

- Cháu chẳng có tin tức gì. Nó chưa thể chết được, chắc nó đang chịu lấm láp bụi đời đâu đó thôi.

Linh cảm cho tôi biết nó chưa chết để tôi tự tin khẳng định như vậy. Nếu như nó đang mê man mà còn cảm nhận được những giọt nước mắt của tôi thì nó có mệnh hệ gì hẳn sẽ "điện sinh học" báo cho tôi biết chứ. Thế rồi đột ngột nó đi ba chân về làng. Vẫn thế quyền "túy tẩu" xiêu vẹo chực đổ. Đầu ngẩng cao rạng rỡ, vì phía sau có một cô béo tay xách nách mang và thằng cu con chừng bốn tuổi lon ton đi theo. Dân làng đã truyền tin:

- Thằng Mầu đưa vợ con về đấy. Nó thế mà giỏi.

Nó giới thiệu với tôi đúng như thế thật. Nhẩm tính tuổi đứa bé khớp với thời gian nó ra đi. Có điều khuôn mặt đứa bé quắt, đen chứ không khôi ngô tuấn tú như nó khiến tôi nghi hoặc. Cô béo giới thiệu bằng giọng miền Nam, rất khó nghe:

- Em bán bánh xèo ở chợ Phan Thiết đó, thấy Mầu dặt dẹo nên nhận làm nhỏ phụ đó. Rồi em thương Mầu mà nên vợ chồng đó.

- Cám ơn thím đã cưu mang chú nó. Anh chị hoan nghênh chú thím đưa con về thăm quê cha đất tổ.

Nó nói thẳng tuột dự định, coi như thông báo cho tôi biết tình hình để lo liệu luôn:

- Vợ chồng em về ở hẳn quê đấy, chứ đâu chỉ về thăm thú dăm ba bữa. Nhờ anh chị cấp cho ít vốn để vợ em bán hàng. Trong kia chợ búa quen rồi, lãi cũng đủ xài.

Tôi cấp gạo, sắm đồ. Vợ nó ra mắt họ hàng bằng bữa bánh xèo chiêu đãi. Nếm bánh xong tôi nói riêng với vợ chồng nó:

- Không hợp khẩu vị dân ngoài này đâu. Hay là thím bán bún gánh ấy.

Tôi phải chú ý thường xuyên đến gánh hàng của vợ nó, vì liên quan đến bồ thóc nhà tôi. Nó ở nhà trông con. Vợ nó đi chợ xa chợ gần. Nhìn dáng cô béo gánh vã, tôi đồ ba bảy hai mốt ngày sẽ cụt vốn và lại trôi về nơi xuất phát thôi. Nhưng hóa ra đến ngày thứ mười anh ả đã xô xát tóe lửa, và bao nhiêu bí mật đều bật mí hết. Đứa bé là con riêng của vợ nó. Cô nàng nhận nó làm chồng là muốn cho con có cha có mẹ đầy đủ. Việc dạt ra Bắc có lẽ là để trốn tránh bố đẻ đứa bé thì phải. Nhưng cuộc sống khốn quẫn đã phá tan cái gia đình hờ này.

Vợ con nó ra đi trước.

Tôi bảo nó:

- Chân chú quá yếu rồi, hay là ở nhà anh chị nuôi, đừng đi vạ vật nữa mà khổ.

Nó lắc đầu:

- Anh thì biết gì sướng hay khổ. Sống ở quê như anh thì khổ khác gì chó lợn cơ chứ. Em chưa phải nhờ đến anh. Trời chẳng triệt đường sống của ai đâu.

Thế là nó lại ra đi. Cái dáng đi lảo đảo in dấu vào hoàng hôn, in dấu vào trí nhớ của tôi. Tôi vẫn chưa là điểm đỗ của nó. Nhưng tôi tin quê hương, gia đình luôn chiếm một chỗ quan trọng trong nó đủ giúp nó lăn lộn bụi đời mà không trở thành người ác của đời bụi. Nhưng chờ mãi, chờ mãi tôi vẫn không thấy nó quay về, năm năm, rồi sáu năm, lần này thì tôi nghĩ là Mầu đã chết thật. Tôi lấy ngày em đi để làm giỗ. Nhưng khi chuẩn bị giỗ đầu thì nó lại như ma hiện hồn về. Mới vào đến sân, nó đã bô bô nói với tôi:

- Tôi về lần này là nói để anh chị khỏi phải lo cho tôi nữa, tôi đã tìm được nơi chốn bình yên cho mình rồi. Đất đai hương hỏa anh chị cũng để lại mà dùng không phải tính phần tôi.

- Nhưng chú ở đâu mới được chứ, để anh em còn biết mà đến với nhau?

- Ở tù.

- Chú lại cứ khéo đùa.

- Tôi nói thật đấy, ban đầu tôi bị bắt đi cải tạo, sau đó thì tôi xin ở lại trại luôn. Tôi thấy ở đó hợp với mình hơn…

Nghe Mầu nói thế, vợ chồng tôi cũng không còn biết khuyên can gì hơn. Về rồi Mầu lại ra đi, dáng liêu xiêu, tóc bạc nhiều, nhưng hình như có cái gì đã khác lắm trong ánh mắt của em tôi

P.T.T.
.
.