Bỡn cợt

Thứ Ba, 04/09/2018, 07:03
Hắn tên là gì, con cái nhà ai, tôi không biết, giời cũng không biết. Ở đời có những thứ người ta cần biết, nhưng có những thứ người ta chả thèm biết. Hắn thuộc loại người ta chả thèm biết. Thứ bậc trong xã hội, hắn chưa được xếp vào hàng chiếu dưới, hắn thuộc loại ngồi bệt, không có chiếu để ngồi. 

Hắn cụt hai chân, cụt quá đầu gối, cụt đến tận mông. Không biết vị bác sỹ nào cưa chân cho hắn lại không bớt lại một tý đùi, để nếu cần thì có thể lắp chân giả. Nhưng trong cái rủi lại có cái may, có khi may còn hơn khôn. Hai cái chân cụt, cộng với cái mông làm thành thế chân kiềng, bộ chân kiềng này mà hắn ngồi thì… nhất!

Ngồi từ sáng đến nhá nhem tối cứ ngon ơ. Mấy bà mông to, chân cẳng còn nguyên, mà ngồi một lúc đã kêu oai oái, hắn hơn đứt họ ở cái sự ngồi. Có người hỏi "hắn cụt thế thì ai nuôi hắn?". Chả ai nuôi cả, hắn tự kiếm sống bằng cái sự… cụt của mình. Hắn có cái lợi là chỉ phải nuôi mình ít thôi. Người ta thì phải nuôi cả thân mình, tốn kém hơn, còn hắn chỉ phải nuôi già nửa thân mình. May quần thì người ta phải may ống 22, dài đến mắt cá chân, hắn thì chỉ cần may quá mông mấy cm là đủ, đỡ tốn vải, tốn công may.

Có người hỏi "thế hắn ngồi ở đâu?". Ở công viên chứ còn ở đâu. Công viên là chỗ ai muốn nằm thì nằm, muốn ngồi thì ngồi, cứ ra công viên là thấy hắn ngồi. Hành trang của hắn cũng thật đơn giản, không cần mũ nón, hắn toàn ngồi dưới bóng cây. Một chiếc túi cói hắn để bên mình, một miếng ni lông hắn trải xuống đất, đặt mông lên trên, thế là hết!

Minh họa: Tô Chiêm.

Hắn ngồi ở công viên để xin ăn. Với cái bộ dạng của hắn thì chỉ có xin ăn là thượng sách. Cũng có lúc hắn chả xin ai, thế mà cũng ối người cho. Ối ở đây là tính theo tổng số người đi dạo trong công viên, số người cho theo % thì ít, nhưng số người đi dạo thì nhiều, thành ra ít hóa nhiều.

Tôi ở gần công viên, hằng ngày thường ra đấy đi dạo một vòng hồ, cứ đến chỗ cây vàng anh, ở công viên có nhiều cây vàng anh, nhưng cây vàng anh ở gần cây bụt mọc là nhìn thấy hắn. Hắn không còn trẻ, nhưng cũng chưa già, trên mặt hắn có mấy chỗ, thời gian chém cho thừa sống thiếu chết.

Hắn cụt, đáng lẽ phải buồn, nhưng gặp hắn, thấy hắn vui nhiều hơn buồn, hình như hắn ít quan tâm đến sướng khổ kiếp người, cứ có người cho tiền là hắn vui, vui nhất là cái miệng, cái mắt, miệng nhếch ra một tý, mắt híp lại một tý. Ai cho tiền, hắn với tay nhận, rồi cho vào cái bị cói rất dẻo.

Xung quanh cái chuyện với tay nhận tiền của hắn, có lúc lại thành bi kịch. Số là hắn cụt lại ngồi bằng mông nên thấp tè. Người cho tiền đã hơn đứt hắn cái chân, lại còn đứng. Khi có người móc ví ra cho tiền là hắn nhấp nhổm. Tiền chưa trao, cháo đã múc, bộ ba chân kiềng: một cái mông, hai cái chân cụt, cứ dướn lên, dướn lên như anh hề làm xiếc. Hơi tiền làm hắn quên rằng: hắn chổng đầu lên được là nhờ ba cái chân kiềng này.

Thế cho nên, có lần vì dớn lên cao quá, chân kiềng không còn ba nữa, hắn ngã lăn kềnh ra đất! Cú ngã làm mấy cậu choai choai phát hiện, thế là một trò chơi không biết nên gọi bằng gì diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, lúc đầu thì còn ít người tham gia, sau xúm đông xúm đỏ. Tôi thấy họ cứ cho hắn những đồng tiền lẻ, nhưng lại giơ lên cao dứ dứ, làm hắn dớn lên với với, rồi ngã ra trong tiếng reo hò như chợ vỡ. Người ta bỏ tiền ra để mua vui trên nỗi bất hạnh của người khác, ngược lại người bất hạnh lại kiếm được tiền bằng nỗi đau của chính mình. Đồng tiền bỗng thành hai mặt. Người đời hay nói "tiền bạc", không biết ở đây cái gì là tiền cái gì là bạc?

Trong số đông hò hét, có người còn kiếm được miếng sắt tây, cứ giơ lên cao đánh "chộp chộp, phèng phèng" để cổ vũ. Tôi nhớ ngày xưa, ở quê tôi, có hội làng, là người ta cũng dùng chiếc chũm chọe đánh "chộp chộp, phèng phèng" như thế, nhưng mà vui chứ không đau thế này.

Trong xô bồ tiếng hò hét, tôi không dám nhìn nữa, bởi mình bất lực trước số đông, đành ra ngồi trên chiếc ghế đá ngó trời ngó đất. Những đám mây cứ trôi về phương Bắc. Có đám như hình mẹ bồng con, có đám như người đàn bà, cúi xuống cánh đồng mò cua bắt ốc. Chợt có đám mây như hình người cụt chân, nhưng chỉ cụt một thôi. Sao ông trời bất công thế, kiếp người đã lắm khổ đau, đã đầy nước mắt, cụt một chân cũng khổ lắm rồi, sao ông bắt người ăn mày này cụt cả hai chân?

Tôi đang lơ đãng nhìn đám mây có hình người cụt chân, thì có người la lớn: "Đổi tiền lẻ…đê…". Tôi thấy một thanh niên cầm chiếc nắp thùng rác giơ lên cao, một tay cầm hòn gạch gõ vào "xoẻng xoẻng xoẻng", cứ gõ ba tiếng "xoẻng xoẻng xoẻng" anh ta lại rao: "Đổi tiền…lẻ…đê…Đổi tiền lẻ đê…mười ăn bẩy phết đê... Đổi tiền...lẻ…đê…". Mấy người không có tiền lẻ, chạy xô ra đổi, nhưng chỉ loáng cái là anh ta hết tiền.

Tôi cho là anh này không phải dân "phe", chỉ là bốc đồng bột phát cho vui, nhưng chính cái cuộc đổi tiền, lại đổ thêm dầu vào lửa, nó làm cho trò chơi bỡn cợt này bùng lên không gì dập tắt được. Đỉnh điểm là lúc người cụt chân, dớn lên với tiền, ngã chổng kềnh ra chỗ đất hõm, giơ bốn vó lên trời. Không biết người nào đã nhanh tay nhét đồng bạc vào đúng giữa "ba cái chân kiềng", và người ăn mày thò tay vào đấy, trong tiếng reo hò như vỡ trời.

Có người bảo: "Kiếm được tiền đã khó, nhưng tiêu tiền thế nào cũng không phải dễ, nó thể hiện nhân cách sống, thể hiện đạo lý con người. Lấy nỗi đau của người khác, làm niềm vui của mình, liệu có nên?".

Trò chơi chỉ thật sự chấm dứt khi có một bà cụ xuất hiện. Bà có phong thái khoan thai, lịch thiệp, rõ là người Hà Nội gốc. Bà rẽ đám đông, cầm tiền đến trước mặt người ăn mày và bảo: "Tôi xin biếu ông". Người ăn mày chợt sững sờ. Trời đất, đã bao giờ người ăn mày được gọi bằng "ông". Người ta gọi thằng ăn mày, chứ ai gọi "ông". Một người ở dưới đáy xã hội, lại được gọi bằng "ông" liệu có trớ trêu?

Một người ngửa tay xin ăn, lại được "biếu". Người ta biếu "sếp" chứ ai lại biếu ăn mày? Người ăn mày sau khi nghe hai từ "biếu ông", bèn chắp tay cúi lạy bà cụ. người đã ban cho cái ơn quá lớn, mà mình không bao giờ trả nổi. Bà cụ đỡ người ăn mày dậy rồi bảo: "Ông ngồi dậy đi, sao lại lạy tôi?", rồi vẫn cái vẻ từ tốn tao nhã, bà nói với mấy người xung quanh: "Các anh các chị bỡn cợt ở đâu thì bỡn cợt, chớ có bỡn cợt nỗi đau con người".
Truyện ngắn của Bùi Nguyên Ngọc
.
.