Bạn gái của tôi

Thứ Hai, 29/07/2019, 08:21
Tôi thân với Nga từ hồi học lớp chín cho đến hết cấp ba phổ thông. Đi đâu hai đứa cũng kè kè bên nhau nên thường bị gọi là “cặp đôi hoàn hảo”. Chúng tôi hợp tính, hợp cả sở thích của nhau. Kỳ nghỉ hè năm lớp 11, gia đình tôi tổ chức đi chơi Đà Nẵng, Nga xin bố mẹ cho đi cùng. Cả hai nhà đều đồng ý.

Một buổi tối lang thang ở Hội An, Nga bảo: “Phượng ơi, chúng mình sẽ không bao giờ lấy chồng, sống độc thân và sẽ chơi với nhau như thế này mãi mãi nhé, được không?…”. Lúc đó, tôi không nghĩ sâu xa gì nên đồng ý liền: “Ok. Lấy chồng sẽ yêu chồng hơn, mất đi tình cảm bạn bè… Nào, ngoắc tay thề nhé?!”.

Cuối lớp 12, đang chuẩn bị thi đại học, Nga tìm đến nhà tôi, vẻ hớt hải: “Phượng này, có chuyện rồi…”. “Sao, chuyện gì? Bố lại nhập viện à?”. “Không phải chuyện ấy, bố vẫn khỏe mà”. Gặng hỏi một hồi, Nga thổ lộ: “Anh Kiên, ấy biết anh Kiên rồi, đúng không?”. “Anh Kiên làm sao? Cứ úp mở sốt ruột quá!”. Nga nói nhỏ: “Anh Kiên ngỏ lời yêu tớ rồi…”.

Tôi thở phào: “Tưởng chuyện quan trọng gì. Có người ngỏ lời yêu, sướng nhất cậu. Tớ thấy anh Kiên được đấy. Đẹp trai, tính điềm đạm, gia đình có học thức. Cậu đồng ý khẩn trương đi, còn chần chừ nỗi gì”. Nga giọng rân rấn: “Nhưng tớ với cậu đã thề ở Hội An. Tớ OK Kiên nghĩa là không giữ lời thề với cậu, tớ hèn quá”. Tôi động viên Nga: “Thôi, mình lớn rồi, xí xóa cái chuyện thề thốt trẻ con ấy đi”.

Nga thi đỗ vào Học viện Ngân hàng, tôi vào Đại học Tài chính. Hai đứa vẫn cặp kè với nhau như hồi học phổ thông. Thi thoảng, Nga tâm sự với tôi: “Anh Kiên tặng tớ đồng hồ đeo tay và chiếc khăn silk đây này”. Tôi mừng vì bạn có người yêu tâm lý, được Kiên chăm sóc, chiều chuộng hết mực.

Có hôm Nga lại khoe: “Tớ đang làm tiểu luận, tìm tài liệu tham khảo khắp nơi nhưng không có. May có Kiên vác đến hàng chồng sách chuyên ngành, tư liệu thật quý hơn vàng. Công nhận anh ấy tinh tế, tuyệt vời hơn cả những gì tớ tưởng”. Tôi vui, chỉ biết dặn dò Nga: “Phải giữ nhé! Người như Kiên là của hiếm đấy. Đừng thấy người ta chiều mà õng ẹo lên nước là hỏng hết bánh kẹo…”.

Năm cuối đại học, Nga buồn bã bảo tôi: “Kiên sắp đi làm Tiến sĩ ở Pháp, gia đình không đồng ý cưới trước khi đi. Mình bơ vơ rồi Phượng ạ…”. “Thì chờ đến lúc Kiên về rồi cưới, cậu với Kiên thống nhất với nhau ra sao?”.

Nga cất giọng nghèn nghẹn: “Bố tớ năm nay yếu lắm rồi. Kiên không nói gì rõ ràng, chỉ bảo tớ cố gắng học tốt, tìm công ăn việc làm để giúp đỡ gia đình… thế thôi!”. “Kiên có còn yêu cậu như xưa không?”. “Vẫn yêu mà… Nhưng xa cách thế này, lại bốn, năm năm ở trời Tây, biết thế nào mà  lường”.

Rồi tôi và Nga ra trường, đi làm. Một anh chàng cùng làm Ngân hàng với Nga, mê nó. Tôi bảo Nga: “Này, cẩn thận đấy nha, đừng có bắt cá hai tay rồi rút cục có khi trắng tay cho mà xem”. Nga cười: “Con gái có thì, cứ yêu cái đã. Kiên về, có khi mình cũng già lắm rồi. Mà Kiên hoàn hảo quá, mình nghĩ có khi lúc về ông Tiến sĩ lại quay ra chê bai mình cũng không biết chừng. Biết đâu lúc đó, gia đình Kiên lại đưa ra lý do này nọ, không cho cưới mình thì sao?!”. Khuyên nhủ mãi không được, tôi cũng không đả động đến chuyện yêu đương riêng tư của Nga, lòng nhủ thầm cứ để tùy duyên định đoạt.

Anh chàng si mê Nga tên Hoàng, trông bảnh trai, tính cách có vẻ năng động. Nga khoe: “Hoàng kinh doanh bất động sản, vay tiền mua đất xây chung cư mini. Anh ấy có vài ba dự án nhà đất, một biệt thự riêng rộng ba trăm mét… Cậu thấy thế nào?”.

Tôi thủng thẳng: “Nhà đất có vẻ ổn. Việc đối nhân xử thế, sống với nhau như thế nào mới là việc đáng quan tâm”. Nga lại cười: “Dào, vợ chồng là cái duyên cái số, nó cứ đến êm êm là tớ cưới liền. Bố tớ dạo này cũng yếu lắm rồi…”.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Cuối năm ấy, Nga cưới Hoàng. Tôi cứ tưởng Nga yêu Hoàng kiểu “lấp chỗ trống” trong thời gian chờ đợi Kiên, nào ngờ nó cưới thật. Tôi vừa mừng cho bạn, vừa có cảm giác có lỗi với bạn, với Kiên. Nga lên xe hoa nhưng không một lời trao đổi, thông báo với Kiên. Lỗi này của Nga nhưng trong đó có phần lỗi của tôi. Hôm hai đứa đi thử váy cưới, tôi hỏi Nga: “Ấy cưới, có báo cho Kiên biết không?”. Nga cười buồn: “Không!”. Lát sau, Nga thủ thỉ: “Thật ra, chỉ có Kiên là hợp với tớ. Hoàng chỉ mạnh về kinh tế, sống hời hợt không có chiều sâu. Về sự nhạy cảm, tinh tế trong ứng xử, Hoàng thua xa Kiên”. Tôi hiều Nga quyết định cưới Hoàng còn do tình trạng sức khỏe của bố Nga nữa…

Hai năm sau, Kiên về nước. Anh quá bất ngờ về Nga. Hôm đám tang bố Nga, Kiên mặc đồ đen, chít khăn trắng, đứng suốt buổi và đưa cụ xuống tận đài hóa thân hoàn vũ. Kiên ngơ ngác như người bị lừa, tìm đến gặp tôi liên tục. Lúc anh ghé cơ quan, khi lại tạt qua nhà tôi. Tôi để ý thấy mắt anh đượm buồn, nỗi buồn của người bị bỏ rơi. Kiên bảo: “Anh không trách Nga. Chỉ tự trách bản thân đã không giữ được tình yêu của mình… Anh mong Nga được hạnh phúc”.

Rồi một tối, Kiên đến rủ tôi cùng đi thăm một người bạn cấp cứu ở bệnh viện. Lúc về, Kiên rủ tôi vào quán nước. Kiên trầm ngâm: “Phượng, em đừng bỏ rơi anh lúc này… Anh cảm thấy cô đơn và mất lòng tin vào…”. Tôi hơi bất ngờ, động viên Kiên: “Anh phải vững vàng lên, cuộc đời còn dài, còn nhiều sự lựa chọn phía trước mà anh…”. Kiên năng kiếm tìm tôi hơn. Anh tỏ ra quan tâm đến gia đình và cuộc sống của tôi theo cách đặc biệt. Thế rồi, tôi và Kiên yêu nhau từ lúc nào cũng không biết nữa…

Năm sau, tôi và Kiên cưới nhau. Trước lễ cưới, tôi gặp Nga: “Cậu có đồng ý và thông cảm với mình trong chuyện này không? Thoạt đầu, mình đâu có nghĩ tới chuyện cưới xin gì… Thật ra là anh Kiên chủ động, âu cũng là duyên số, Nga ạ…”. Nga cười ngượng nghịu: “Có gì đâu. Chúc mừng cậu. Chính cậu từng nói anh Kiên là của hiếm là gì. Tớ lỡ đánh mất, cậu lại giữ được… Lọt sàng xuống nia, đi đâu mà thiệt”. Tôi lái sang chuyện khác: “Mà cậu xem thế nào đi khám đi chứ, gần ba năm chẳng thấy có nhóc, vợ chồng định cứ sống thế sao?!”.

Nga chùng xuống: “Không biết do tớ hay do Hoàng? Nhưng có lẽ như thế lại hay. Tớ với Hoàng càng ngày càng lởm khởm, không ăn khớp. Thôi, chuyện ấy nói sau. Cậu với Kiên đi chụp ảnh cưới đi, vụ phòng cưới, cứ để tớ lo…”.

…Mười năm sau.

Tôi với Kiên đã có với nhau hai mặt con, một trai một gái ngoan ngoãn và khôi ngô. Cuộc sống gia đình tôi trôi đi êm ả, ấm áp. Kiên chăm sóc vợ con từng ly từng tý, tỷ mỷ và trách nhiệm. Tôi cố gắng thu xếp lo mọi việc nội trợ, con cái để Kiên hài lòng và có thời gian chuyên tâm vào công việc ở trường đại học.

Nga đã li dị chồng, phần vì không sinh được con, phần vì Hoàng bỏ mặc vợ, la cà nhậu nhẹt bê tha, lô đề tối ngày. Nghe đâu Hoàng còn suýt bị ra tòa vì lình xình chuyện tiền nong ngân hàng, đất đai chung cư.

Vào những dịp gia đình tôi tổ chức liên hoan sinh nhật hay giỗ chạp, Nga vẫn thường đến cùng tôi bếp núc, nấu nướng. Kiên vẫn trân trọng mối quan hệ xưa, đối xử đúng mực và tỏ ra quan tâm đến Nga. Một lần, vào dịp liên hoan mừng Kiên được đề bạt Chủ nhiệm khoa, Nga đang lúi húi ở bếp, Kiên mang ly chén ra rửa để uống rượu vang. Tôi để ý thấy hai người nói chuyện thì thầm với nhau.

Kiên hỏi: “Em dạo này thế nào? Mẹ có khỏe không?”. “Mẹ vẫn hay nhắc đến anh, cụ tuổi già nên đau yếu luôn… Còn em, quá “đát” rồi, coi như cho vào bảo tàng”. Kiên có vẻ xúc động: “Có gì khó khăn, em cứ điện cho anh, đừng ngại… Dù sao, mình vẫn là bạn tốt của nhau mà”. Nga đứng sát bên Kiên, giằng lấy mấy cái ly, giọng nũng nịu: “Anh để em tiện tay rửa cho, anh ra phòng khách dọn bàn đi… Anh mà làm vỡ ly là chúng em bắt đền đấy!...”.

Đêm hôm đó, Kiên có vẻ trằn trọc, khó ngủ. Kiên hỏi tôi: “Nga có ai chưa em?”. “Nó như con chim đã một lần trúng tên, nên dường như nó lười, nó sợ cái chuyện ấy. Em cũng đã giới thiệu cho nó mấy người, nhưng nó cứ chối đây đẩy”. Kiên thở dài: “Vợ chồng mình phải giúp Nga, dù sao nó vừa là bạn chí cốt của em, vừa là bạn gái cũ của anh… Chắc tại không phải duyên nên không đến được với nhau thôi”. Tôi cũng đã nghĩ đến việc này từ lâu nhưng không nói ra. Bây giờ nghe chồng nói vậy, tôi thấy ái ngại cho Nga vô cùng.

Hè năm ấy, cả nhà tôi đi nghỉ ở Đà Lạt. Nga bảo: “Cho tao đi với. Tao phụ trách trông cu Bin, mày quản cái Bống. Chắc ông Kiên không phản đối đâu”. Kiên đồng ý nhưng tỏ ra lững lờ: “Nếu Nga có bạn trai đi cùng thì tiện và đẹp đội hình hơn”. Kiên rủ thêm anh bạn giảng viên cùng trường đi, ý là để giới thiệu cho Nga. Anh này tên Thư, cao ráo, nhìn thấy Nga là mê liền, bám theo Nga suốt. Nhưng xem ra, Nga chẳng hề để ý đến Thư, cô chỉ chào hỏi, cười xã giao cho phải phép.

Mấy ngày nghỉ ở xứ sở sương mù trôi đi thật nhanh. Đêm cuối cùng trước khi rời Đà Lạt, Nga bảo tôi: “Mày cho tao đi cà phê với ông Kiên một lần này thôi, tao muốn giải quyết với ông ấy mấy chuyện cũ… Mày đồng ý không, hay là mày sợ tao cướp lại cái?”. Tôi đang chải tóc cho Bống, quá bất ngờ trước đề nghị của Nga. “Thì cả tao, anh Thư, anh Kiên đi uống cà phê cùng mày được không, càng đông càng vui? Tao sợ đi riêng với mày, anh Kiên không chịu đâu!”.

Nga bảo: “Nếu anh Kiên đồng ý, mày không cản chứ?”. Tôi đành gật đầu. Cơm tối xong, Kiên bảo tôi: “Em trông con, anh đi với Nga một lát, xem cô ấy nói gì”. Tôi cũng hơi ngỡ ngàng. Một nỗi lo sợ mơ hồ dâng lên trong tôi. Không sao - tôi tự trấn an - vợ chồng phải tin nhau chứ. Tôi tin là giữa hai người sẽ không xảy ra chuyện gì. Anh bạn Thư lẻ loi, lơ ngơ sau bữa tối. Anh ta lang thang một mình xuống lễ tân chơi game suốt buổi tối.

Gần 12 giờ đêm Nga mới về phòng. Cu Bin và cái Bống đã ngủ. Nga bế cu Bin sang phòng Kiên: “Anh ngủ canh chừng con trai, để em với cái Phượng buôn dưa lê đêm nay, lâu lắm rồi em với nó mới có dịp chém gió, tán chuyện với nhau”. Nga ôm lấy tôi, giọng xúc động: “Số mày đúng là mèo mù vớ cá rán! Kiên vẫn tuyệt vời, còn trên cả tuyệt vời, hơn ngày xưa rất nhiều. Con cái thì có nếp có tẻ, chồng học thức, tinh tế, chiều chuộng vợ con… Mày thật hạnh phúc!”.

Tôi hỏi Nga: “Mày thấy anh Thư, bạn anh Kiên thế nào?”. Nga lắc đầu quầy quậy: “Chẳng thế nào cả. Tao có để ý gì đến gã ta đâu. Còn chồng mày, tao thấy càng ngày càng đàn ông, trách nhiệm lắm… Nếu tao có lấy chồng nữa, chồng tao phải là một người như Kiên, không thì cũng phải giống Kiên đến chín mươi phần trăm tao mới chịu”. Im lặng một lát, Nga thở dài: “Có lẽ kiếp sau tao cũng không tìm lại được một người như Kiên đâu…”

Tôi thương bạn nhưng bỗng thấy sờ sợ. Thì “tình cũ không rủ cũng đến”. Nếu cứ duy trì cái cảnh gần gũi, thân tình, với cái đà này không biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra giữa Nga và chồng tôi đây?

Sau chuyến đi chơi Đà Lạt về, Nga lăn ra ốm. Tôi đến thăm Nga. Vừa nhìn thấy tôi, nét mặt Nga tươi tỉnh hẳn lên. Tôi bảo: “Lấy chồng đi! Cứ độc thân rồi khổ… lúc trái nắng trở trời, còm cõi cô quạnh, ai chăm?”. Nga ngồi hẳn dậy, ghé sát tai tôi, hổn hển: “Tao không lấy chồng nữa đâu, nhưng tao sẽ nuôi con một mình”.

Tôi ngạc nhiên: “Vớ vẩn ! Con cái nào mà nuôi một mình?”. Nga rưng rưng, ôm chầm lấy tôi, giọng nghẹn ngào: “Phượng, mày có thương tao thật lòng không?”. “Ơ hay, hôm nay mày làm sao đấy? Chơi với nhau hơn hai chục năm, sao hôm nay mày lại hỏi dớ dẩn thế?”. Nga thấm nước mắt trên má, nhìn thẳng vào mắt tôi: “Mày có đồng ý để anh Kiên cho tao một đứa con không? Tao xin mày, tao lậy mày đấy, Phượng ơi… Mày thương tao với, tao chỉ cần có thế thôi, còn Kiên vẫn mãi mãi của riêng mày tất cả… Phượng ơi, mày trả lời tao đi?”.

Tôi choáng váng, đầu và ngực nóng bừng như người phải cảm. Đề nghị của Nga làm tôi bất ngờ và khó trả lời quá. Phải chi nó xin xỏ tôi cái gì khác, tôi sẵn lòng cho hết nó, ngay và luôn, không chút do dự. Còn điều này thì…

Từ nhà Nga về, đến lượt tôi ốm. Kiên lo lắng, săn sóc cơm cháo, thuốc men cho tôi thật chu đáo. Tôi giấu kín với Kiên về đề nghị của Nga, chỉ bàn bạc với chồng: “Em muốn gia đình mình chuyển vào phía Nam công tác, trong đó bộ môn của anh ở phân hiệu II đang rất thiếu và cần giảng viên giỏi, có chuyên môn cao. Vả lại, thời tiết trong đó có lợi cho người có tiền sử bệnh xương khớp, dạ dày như anh… Cũng là thay đổi môi trường sống. Anh xem thế nào…”.

Trong suốt thời gian từ sau khi Nga đề nghị tôi về chuyện ấy, tôi lấy cớ ốm đau, bận con cái, bận công việc nên không tổ chức liên hoan ăn uống, gặp gỡ Nga tại nhà tôi như trước. Cứ nghĩ đến lời đề nghị táo bạo ấy của Nga là tôi run sợ, nóng mặt và choáng váng toàn thân…

Chừng gần một năm sau đó, cả gia đình tôi chuyển vào sống và công tác tại một quận ở thành phố Hồ Chí Minh. Ổn định việc làm và chỗ ở được hai tháng, tôi mới gọi điện báo tin cho Nga: “Nga à, vợ chồng tao và hai đứa chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sống rồi… Lo thủ tục chuyển công tác và thuê nhà ở rất mệt mỏi nên tao không báo cho mày sớm được… Có dịp vào trong này, gọi điện cho tao, ra quán buôn dưa lê dưa chuột nhé”.

Nga giọng hơn hớn: “Tao cũng có nghe phong thanh chuyện nhà mày chuyển vùng… Này, tao có tin vui báo cho mày đây…”. “Chuyện gì thế? Có anh nào tỏ tình rồi hả?”. Nga cười khanh khách: “Không không… Tao có bầu rồi, con trai hẳn hoi nhé… Ba tháng nữa tao được làm mẹ rồi, mày thấy có tuyệt vời không…”.

Tôi bàng hoàng trước cái “tin vui” của Nga. Tôi nửa mừng cho bạn, nửa bán tín bán nghi về lời đề nghị của Nga hôm nào. Ai là cha thằng bé con của Nga mới được chứ?... Không lẽ là Kiên? Muốn biết đích xác, chỉ vài động tác giám định ADN là sự thể sẽ rõ ràng.

Nghĩ quẩn nghĩ quanh một hồi, tôi tự nhủ: “Thôi, nghĩ ngợi nhiều làm gì cho mệt. Nga đã toại nguyện được làm mẹ, dù phải nuôi con một mình. Lúc này, bố của thằng bé là ai, không quan trọng. Mà tìm ra cũng chẳng để làm gì”. Tôi định bụng cuối tuần sẽ đi siêu thị sắm một ít quần áo, đồ sơ sinh gửi ra cho Nga. Nếu không mắc bận công chuyện, tôi sẽ sắp xếp bay ra dịp Nga sinh con, giúp nó lúc vượt cạn vì nó một mình xoay xở chắc sẽ vất vả hơn tôi ngày sinh cu Bin và cái Bống năm nào.

Truyện ngắn của Lê Phúc Hỷ
.
.