Bài báo với câu hỏi “Vì sao?!”

Thứ Năm, 05/09/2019, 09:13
Chiếc xe hơi đỗ xịch trước cổng Ngân hàng Nhất Nông tại thành phố New Albany, bang Indiana. Người tài xế da đen đang định tắt máy thì một tiếng nói lạnh lùng vang lên từ ghế sau khiến anh ta chết đứng: “Cứ để cho máy nổ, George!”.

“Đ…ược… thôi!” - George khiếp sợ líu lưỡi.

“Xuống xe và đi vào ngân hàng. Chậm thôi. Tao sẽ đi sau mày, hiểu chưa?”.

“Vâng. Tôi hiểu rồi!”

Viên bảo vệ đang dựa cùi chỏ vào quầy thu ngân vội vàng đứng thẳng dậy rồi tươi cười nói với người tài xế: “Chào George. Sao anh đến muộn thế?”.

 Ở Ngân hàng Nhất Nông này ai mà chẳng quen mặt George.

Nhận ra sự căng thẳng bất thường trên mặt George, viên bảo vệ bỗng có linh cảm xấu. Anh ta lên tiếng: “Này, có chuyện… Á!”.

Thằng bé đột nhiên nhảy xổ ra khỏi cái bóng của người tài xế với khẩu súng trên tay: “Giơ tay lên! Thằng nào động đậy tao cho ăn đạn!”.

Viên bảo vệ từ từ rời tay khỏi bao súng bên thắt lưng. Thấy vậy, những người khác bèn đồng loại giơ tay lên.

“Ai trong đám này là giám đốc Smythe?”.

Ông Smythe khi đó đang đứng đằng sau bàn làm việc của mình. “Tôi là Smythe đây. Nếu cậu nghĩ rằng có thể…”.

“Câm mồm! Mở ngay két cho tao!”.

“Không bao giờ!”.

Súng nổ ông Smythe ngã vật xuống.

Người bảo vệ đưa bàn tay vào chỗ thắt lưng. Thấy vậy, thằng bé quay nòng súng về phía anh ta rồi bóp cò. Người bảo vệ ngã nhào ra sau.

“Đ.mẹ - Thằng bé chửi thề và gií họng súng vào đầu người tài xế -  Ra xe ngay! Hiểu chưa?”.

“Tôi … Tôi hiểu!”.

Minh họa: Lê Trí Dũng.

Phóng viên Al Aronson của tờ Louisville Courier-Journal cúi xuống sát người đang hấp hối, song vẫn không thể nghe được những gì mà anh ta đang thì thào.

“Hai ông hãy làm nhanh lên! - Cô y tá sốt ruột ra mặt - Người bệnh không còn nhiều thời gian đâu!”.

Thượng uý cảnh sát Dave Hunt trả lời bằng giọng gia trưởng: “Chúng tôi phải tìm bằng được sự thật, thưa cô… Này Al, anh có hiểu mình đang nói gì không? George à, tôi biết rằng anh đang rất đau. Nhưng anh hãy cố thêm một chút nữa để kể cho tôi mọi chuyện”.

Viên tài xế da đen đột nhiên mở trừng mắt thều thào: “Ô…ng… Aronson… Ông phải ngăn nó lại… Nó đã giết bốn người rồi. Tôi... đang đứng chờ ông chủ… thì… thằng bé… chĩa súng… vào tôi”.

“Cố gắng nào, George. Chúng tôi biết chuyện đó chứ. Nhưng còn những gì đã xảy ra sau đó?”.

“Thằng bé… nổi điên. Liên tục… chửi tục. Nó ra lệnh cho tôi r… r…ẽ… xuống Phố Nhất, rồi đi về phía dòng sông”.

“Vậy nó là người biết đường đi ở khu này?” - Viên thượng uý hỏi cụt lủn.

“V…âng ! Tôi cố gắng lừa nó… Tôi đã định lái đến… trước đồn cảnh sát… - Khuôn mặt người tài xế quặn lại vì đau - Thằng bé chĩa súng… bắt tôi dừng xe lại trước… một con ngõ gần b… ờ sông. Sau đó nó… Sau đó nó…”.

Hiểu rằng George không còn nhiều thời gian trên thế gian này nữa, Al vội hỏi: “Nó trông như thế nào hả George?”.

“To con! Trông khoảng như… mười… mười sáu hay mười… bảy. Đội mũ… lưỡi trai. Mặt… đầy mụn. Giọng… Giọng nói đang vỡ!”.

“Tôi hiểu rồi, George à. Anh hãy nghỉ đi!”. Người phóng viên nhẹ nhàng chạm vào má George. Và khi anh vừa rời tay thì người tài xế nhắm mặt lại và thở hắt ra.

*

Thượng uý Dave nói mà như quát: “Này, cậu đang nghi ngờ tôi đấy hả? Chắc chắn cái thằng kẻ cướp trời đánh đó không phải là người khu này!”.

Phóng viên Al bình tĩnh hỏi lại: “Nhưng mà anh cũng nghe George nói rồi đấy. Thằng bé đấy biết rất rõ đường lối của khu này”.

“Có thể nó đã đến đây từ trước để thăm dò đường đi nước bước. Với lại nếu nó là người ở đây, thì việc quái gì phải sang tận bên kia bờ sông để bắt ép George lái xe đến ngân hàng?”.

Thấy Al trầm ngâm như đã vỡ chuyện, Dave bèn răn luôn: “Anh đừng có dại mà xuất bản bất cứ cái gì chưa được kiểm chứng, hiểu chưa?”.

Người phóng viên ra khỏi đồn cảnh sát mà vẫn còn nghĩ ngợi về vụ án. Dave Hunt là một cảnh sát có khả năng. Nếu anh ta nói rằng kẻ giết người không sống tại khu này, thì chắc điều đó là thật.

Đột nhiên một ý tưởng mới nảy ra trong đầu Al, khiến cho anh nhảy giật lên như chạm phải điện. Người phóng viên lao đến cái bốt điện thoại cách đấy mấy bước chân. Trong vòng nửa tiếng tiếp theo, Al gọi điện cho tất cả các tài xế lái xe tải chuyên chở đồ đạc trong thành phố. Thật may mắn vì buổi tối như thế này, họ đều ở nhà và nhấc máy.

Cuối cùng thì Al cũng tìm được đúng người. Một tài xế nhận ra thằng bé là khách hàng của anh cách đây một năm: “Tên của nó là Frankie Benson. Bố con nó gọi tôi để chuyển đồ đến nhà mới. Tôi với thằng bé bê một cái thùng chuyên đựng Piano, nhưng bên trong lại không có đàn. Thằng bé trượt tay, thế là tôi suýt nữa ngã xuống cầu thang. Tôi là người chịu đau, nhưng nó lại chửi hết trời đất rồi chửi đến tôi. Tôi chưa thấy đứa trẻ nào chửi tục hơn nó. Tôi đã định đánh cho nó một trận nhưng lại thôi, thế mà tôi vừa mới quay đi thì nó lại ném cái búa vào đầu tôi rồi bỏ chạy. Trên đầu tôi vẫn còn ba vết sẹo đây này”.

*

Phóng viên Al đứng trước cửa nhà Frankie Benson. Căn nhà hai tầng xiêu vẹo, nằm giữa một mảnh vườn xơ xác. Al bấm chuông. Người ra tiếp anh là một ông trung niên nhưng lưng đã gù, tóc thì bạc trắng.

Vừa mới thấy Al, ông ấy đã đau đớn kêu lên: “Ối giời ơi! Con với chẳng cái! - Đoạn ông ta nắm tay kéo Al vào nhà - Tôi biết anh đến đây làm gì. Tôi biết tất cả qua báo chí rồi. Bốn mạng người! Tất cả là lỗi tại tôi không biết dạy con!”.

Al nói với giọng an ủi: “Được rồi, ông Benson à, ông hãy kể hết cho tôi mọi chuyện đi”.

Và thế là người cha của Frankie Benson bắt đầu kể chuyện con mình. Chuyện không có gì lạ đối với một nhà báo như Al, đại để như sau: Mẹ mất sớm, bố làm công nhân ở xa, đứa trẻ để cho đường phố nuôi dưỡng. Frankie thường xuyên lang thang những hang cùng ngõ hẻm, khi thì ăn trộm, khi thì đánh nhau. Nó đã từng nhiều lần phải vào trại giáo dưỡng, nhưng vẫn chứng nào tật nấy.

Al chợt nhớ lại khi anh bằng tuổi Frankie. Lúc nào anh cũng được bao quanh bởi cha mẹ, bạn bè, thầy cô giáo, và những người yêu quý anh và được anh yêu quý. Al tự hỏi rằng liệu mọi chuyện với Frankie có khác nếu nó nhận được sự may mắn như anh?

Linh cảm khiến Al hỏi về cái thùng Piano. Ông Benson trả lời: “Tôi không biết rằng nó lôi cái thùng đấy về từ đâu nữa. Nó sửa cái thùng, rồi lúc thì lại trốn trong đấy như bọn trẻ con chơi trốn tìm ấy”.

“Vậy thì cái thùng đó đâu rồi?”.

“Tôi làm như lời nó nói và chuyển đi rồi!”.

 “Thế con trai ông bảo chuyển cái thùng đến đâu? Vào lúc nào?”.

“Nó bảo tôi chuyển cái thùng đi từ hôm qua! - Benson lấy ra một cái hộp thiếc rồi sục sạo, đoạn đưa cho Al một mảnh giấy - Đây, tôi có biên lai chuyển hàng đây!”.

Al nhìn tờ biên lai một lúc rồi ngẩng lên. Cùng lúc, cha của Benson cũng trở lại sau khi đi đâu đó, trên tay là một mảnh giấy nhàu nát.

“Còn mảnh giấy này thì tôi bắt gặp nó viết trong một buổi tối nọ. Lúc đó tôi không hiểu nó muốn nói gì nữa!”.

Trên mảnh giấy là những dòng chữ nguệch ngoạc của trẻ con: “Xin hãy chặn tôi lại trước khi tôi phạm tội!”.

Hết nhìn mảnh giấy rồi nhìn vào ánh mắt cầu khẩn của người cha, phóng viên Al cau mày lại, rồi vội vàng quay người chạy thẳng ra chỗ cái xe đậu ở ngoài.

*

“Anh sẵn sàng chưa?” - Al thì thầm với Dave Hunt.

“Sẵn sàng! Tôi đã báo với bên nhà ga và bưu điện, nhưng tốt nhất là chúng ta bắt nó trước khi cái thùng được chuyển đi!”.

“Cái thùng ở đâu nhỉ? - Al vừa lẩm bẩm vừa rọi đèn pin vào từng cái thùng một - Ông Trưởng kho nói rằng nó ở chỗ này mà…A! Kia rồi!”.

Cái thùng hình chữ nhật màu nâu nằm gọn lỏn trong góc nhà kho. Dave bèn chỉ tay vào mấy cái lỗ được đục vào thành cái thùng.

“Lỗ thở! Chắc đúng là Frankie trốn trong kia rồi! - Viên thượng uý rút súng ra và hô to - Cảnh sát đây! Frankie Benson, bước ra khỏi cái hộp ngay lập tức!”.

Không nghe thấy tiếng trả lời, Dave bèn bắn hai phát đạn vào chiếc hộp. Anh cố ý để viên đạn sượt qua và làm xước thành thùng.

“Tránh ra! - Tiếng thét phát ra từ chiếc thùng - Tránh ra, không tao giết hết bây giờ!”.

Phóng viên Al kêu lên: “Nhóc à, chú khuyên thật  nhóc hãy đầu hàng đi. Mấy ông cảnh sát ở đây đều có súng cả. Cháu mà bắn một phát thì họ sẽ cho cháu ăn đạn!”.

“Tôi ra đây!”.

Một lúc sau, Frankie lên tiếng.  Nó lần mò mở nắp cái thùng từ bên trong, rồi leo ra khỏi cái hộp. Phóng viên Al nhíu mắt thì nhìn thấy hai dòng nước mắt đang chảy dài xuống gò má đen đúa của thằng bé.

Frankie Benson lúc này không còn là một thằng choai choai đô con nữa, mà chỉ là một đứa trẻ sợ hãi. Nó vừa khóc lóc vừa luôn mồm lẩm bẩm: “Vì sao?! Vì sao?! Vì sao?!”.

Và thế là Al biết rằng, bài báo mà anh sẽ viết cho toà soạn sẽ không phải về vụ giết người và Frankie. Mà đó sẽ là một bài báo với câu hỏi: “Vì sao?!”
John Landd (Mỹ)- Lê Công Vũ (dịch)
.
.