Những sự kiện văn hóa văn nghệ tiêu biểu của lực lượng Công an nhân dân năm 2015

Thứ Tư, 03/02/2016, 08:00
Sau 3 năm kể từ ngày phát động, cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ  quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của gần 100 tác giả là các cây bút trong và ngoài Lực lượng Công an...


Trao giải cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ  quốc và bình yên cuộc sống"

Sau 3 năm kể từ ngày phát động, cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ  quốc và bình yên cuộc sống" do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của gần 100 tác giả là các cây bút trong và ngoài Lực lượng Công an.

Từ 120 bản thảo của các tác giả gửi đến Ban thường trực cuộc thi, Ban tổ chức đã lựa chọn được 82 tác phẩm đủ tiêu chuẩn để tham gia dự thi ở vòng sơ khảo. Trong số này, 28 tác phẩm đã được Ban sơ khảo lựa chọn vào vòng chung khảo. Hội đồng chung khảo gồm các nhà văn có tên tuổi trên văn đàn như: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Ngô Vĩnh Bình, Khổng Minh Dụ, Nguyễn Hồng Thái, Phạm Khải.

Có 15 tác phẩm được chọn để trao giải thưởng bao gồm: 2 giải A (mỗi giải trị giá 50 triệu đồng) cho tác phẩm "Đơn tuyến" của nhà văn Phạm Quang Đẩu, "Bão ngầm" của tác giả Đào Trung Hiếu; 5 giải B (mỗi giải trị giá 30 triệu đồng) cho các tác phẩm: "Cô Mặc Sầu" của nhà văn Nguyễn Đình Tú, "Vực gió" của nhà văn Phong Điệp, "Mùa thu ở lại" của Vũ Thị Hồng, "Chuyện đời tự kể" của Trung tướng Lê Ngọc Nam, "Không thể mồ côi" của tác giả Minh Vân; Ngoài ra còn có 5 giải C và 3 giải khuyến khích.

Lễ vinh danh “Những trang sách vàng” của CAND.

Lễ tổng kết, trao giải cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài "Vì an ninh Tổ  quốc và bình yên cuộc sống" và lễ tôn vinh các nhà văn Việt Nam đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống đã diễn ra trang trọng trong khuôn khổ chương trình "Những trang sách Vàng 70 năm Công an nhân dân". Các nhà văn được tôn vinh đợt này bao gồm: các cố nhà văn: Lê Tri Kỷ, Hữu Mai, Triệu Huấn, Nguyên Hùng, Đặng Thanh; các nhà văn đương đại gồm: Lương Sỹ Cầm, Trần Diễn, Xuân Đức, Mai Thanh Hải, Nguyễn Thị Ngọc Hải, Triệu Huấn, Văn Phan, Hồ Phương, Hữu Ước, Ngôn Vĩnh, Nguyễn Quang Thiều, Phùng Thiên Tân, Nguyễn Trần Thiết.

Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ III

Diễn ra tại Hà Nội từ ngày 10 đến 24-7-2015, Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần thứ III đã thu được những thành công rực rỡ về mặt chuyên môn cũng như tạo được dấu ấn đẹp về hình ảnh người chiến sĩ CAND trong lòng công chúng Thủ đô. Tham gia liên hoan lần này có 27 vở diễn (23 vở mới, 4 vở phục dựng) của 20 đoàn nghệ thuật.

Những bó hoa tươi thắm và nụ cười rạng rỡ của các nghệ sĩ sau hội diễn.

Điều đặc biệt là, các vở diễn này thuộc đủ các loại hình nghệ thuật sân khấu là kịch nói, chèo, cải lương, kịch hát, kịch hình thể đã tạo nên một bức tranh đa sắc diện với nhiều ngôn ngữ nghệ thuật và là lần đầu tiên có sự xuất hiện vở kịch hình thể ("Người trong biển lửa", đạo diễn: NSND Lan Hương - Nhà hát Tuổi trẻ) - tái hiện cuộc sống, chiến đấu của những người lính làm nhiệm vụ chống "giặc lửa". Kịch hình thể là loại hình nghệ thuật đã có trên thế giới từ lâu nhưng ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ và việc có một vở kịch hình thể tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ CAND" lần này được xem như một điểm nhấn, tạo nên hứng thú cho khán giả cũng như các đồng nghiệp sân khấu nói chung.

Kết thúc kỳ Liên hoan sôi động, Ban tổ chức đã trao nhiều phần thưởng cao quý cho các vở diễn và các nghệ sĩ. Bốn vở diễn được trao Huy chương Vàng là: "Không phải là vụ án" (Đoàn kịch nói CAND), "Dư chấn" (Nhà hát kịch Việt Nam), "Người chiến sĩ năm xưa" (Nhà hát Chèo Quân đội), "Cũng là tình yêu" (Đoàn Văn công Đồng Tháp)

Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân lần thứ X:

Diễn ra từ ngày 4 đến ngày 9 - 10 tại Hà Nội, Liên hoan Truyền hình Công an nhân dân lần thứ X với chủ đề "Phát huy truyền thống 70 năm CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ" đã thu hút sự tham gia của gần 80 đoàn trên cả nước. Với 279 tác phẩm, chương trình ở 3 thể loại gồm "Chương trình chuyên mục", "Các tác phẩm báo chí, tác phẩm nghệ thuật" và "Chương trình chuyên biệt" cùng 59 phát thanh viên dự thi lần này cho thấy các đơn vị tham gia liên hoan đã đầu tư rất nhiều về thời gian, công sức và cách chọn đề tài, cách thể hiện phong phú, đa dạng. Nhiều tác phẩm đặc sắc, giàu tính nhân văn đi vào lòng người. Cách xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an giản dị, gần gũi làm cho người xem càng thêm tin, thêm yêu những người đang ngày đêm bảo vệ cuộc sống yên vui và hạnh phúc cho nhân dân.

Một tiết mục văn nghệ chào mừng liên hoa Truyền hình CAND lần thứ X.

Ban tổ chức đã trao 299 giải thưởng, trong đó 44 Huy chương Vàng và giải A, 87 Huy chương Bạc và giải B, 168 Bằng khen, trao cúp Vàng cho đơn vị xuất sắc nhất là Phòng Công tác chính trị, Công an tỉnh Quảng Nam với 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc ở các thể loại. Trong các tác phẩm dự thi lần này, người xem đã được đồng hành cùng những khó khăn, vất vả, hiểm nguy của Lực lượng Công an trong trận chiến đấu tranh với tội phạm cũng như được chứng kiến những hình ảnh đời thường, bình dị của họ.

Các tác phẩm dự thi lần này đã khắc họa bức tranh nhiều màu sắc về từng vùng đất, con người thông qua góc nhìn nghiêm túc và rất nhân văn, mang bản sắc riêng biệt của từng phóng viên truyền hình CAND. Liên hoan Truyền hình CAND lần này không chỉ cho thấy sự trưởng thành, vững mạnh và tính chuyên nghiệp của những người làm truyền hình trong Lực lượng Công an mà còn nâng cao trình độ nghiệp vụ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, tiếp thêm ngọn lửa nhiệt huyết trong mỗi phóng viên - chiến sĩ.

Được mùa phim truyền hình về đề tài CAND:

Năm 2015 được coi là năm "được mùa" của dòng phim truyền hình về đề tài hình sự khi có khá nhiều bộ phim lần lượt ra mắt khán giả. Khai thác nhiều đề tài khác nhau, các bộ phim đã mang đến góc nhìn đa dạng về hình ảnh người chiến sĩ CAND trong cuộc chiến đấu với các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự và bình yên cuộc sống. Nếu như "Câu hỏi số 5" (đạo diễn Bùi Quốc Việt) nằm trong sêri phim "Cảnh sát hình sự" lấy hình ảnh những chiến sĩ hình sự dũng cảm mưu trí trong việc tìm ra kẻ thủ ác gây ra liên tiếp những vụ án giết người thì "Mạch ngầm vùng biên ải" (đạo diễn Bùi Huy Thuần) lại là cuộc chiến khốc liệt chống nạn buôn người, buôn gỗ lậu qua biên giới.

Một cảnh trong phim “Nữ cảnh sát tập sự”.

Cũng lấy bối cảnh phim là các tỉnh miền núi nhưng "Cung đường trắng" (đạo diễn Phạm Minh Quang - Đỗ Phú Hải) lại là cuộc đấu tranh không khoan nhượng của các chiến sĩ công an với tội phạm ma túy. "Săn biệt kích" (đạo diễn Lê Hồng Sơn) lại cho thấy ê kíp đã chọn đề tài gai góc hơn ngay từ tên phim. Mới đây nhất, một bộ phim hình sự cũng đang được phát sóng trên giờ vàng VTV3 với tên gọi "Nữ chiến sĩ tập sự".

Còn trên kênh ANTV, "Con gái ông trùm" lại thu hút khán giả không chỉ bởi kịch bản phim hấp dẫn mà còn khiến khán giả mãn nhãn với nhiều cảnh quay đẹp. Tại các kênh truyền hình phía Nam, phim hình sự cũng chiếm sóng khá lớn. Trên kênh HTV7 sau phần 2 bộ phim "Những đứa con biệt động Sài Gòn" là "Kẻ giấu mặt" cũng về đề tài này. Còn bộ phim "Phía sau tội ác" trên đài Vĩnh Long đã đạt lượng truy cập 400.000 lượt người xem trên Youtube trong tập đầu. Điều đó cho thấy, phim đề tại hình sự vẫn là đề tài hấp dẫn, thu hút khán giả và là mảnh đất màu mỡ cho các làm phim khai thác.

Nhóm PV-Xuân 2016
.
.