Khi đất lạ hóa quê hương…
- Công an tỉnh Hà Tĩnh: Tỏa sáng tình người trong bão lũ
- Bông hoa thép giữa đại ngàn
- Trinh sát ma túy và câu chuyện có một không hai
1.Sau hai năm học tập dưới mái trường Trung học An ninh (Sóc Sơn, Hà Nội), chàng trai Nguyễn Cộng Hòa lên chuyến xe rời quê hương Nam Đàn (Nghệ An) vào Tây Nguyên làm nhiệm vụ. Ông hăm hở lên đường vì lý tưởng của người lính, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần. Ngày ra đi, ông nào biết đến sự khốc liệt, dữ dội của FULRO là gì.
Nguyễn Cộng Hòa và đồng đội được lệnh bám trụ trong các buôn làng, truy quét FULRO trong những cánh rừng. Sáng mồng một Tết đầu tiên ở buôn làng, có người hỏi ông: "Hòa ơi, còn mấy ngày nữa là Tết?". Thoáng chút bối rối, bởi ông đã quen với ngày Tết cổ truyền rộn rã ở quê, nay cuộc sống của đồng bào lặng lẽ trong ngày mồng một, thấy nỗi buồn len lỏi trong lòng, cả sự cô đơn nơi đất lạ.
Những ngày đi đánh FULRO, ông đã gặp cô giáo Nguyễn Thị Kim Oanh. Sự đồng cảm về quê hương bản quán, nỗi cô đơn của những người con xa gia đình đã kéo họ xích lại gần nhau. Mối tình anh công an và cô giáo cắm bản lặng lẽ trong yêu thương, trong nỗi nhớ nhung muôn trùng gian khó.
Cô Oanh thương ông vì khâm phục người chiến sĩ công an dũng cảm, can trường đi truy quét FULRO, bảo vệ buôn làng, bảo vệ cả sự nghiệp trồng người của các cô giáo trên vùng rẻo cao. Người yêu đi đánh FULRO biền biệt, nay cánh rừng này, mai ngọn núi khác, không tin tức, không lời nhắn, họ cứ chờ nhau trong niềm tin mòn mỏi.
Đại tá Nguyễn Cộng Hòa. |
Ngày tổ chức lễ cưới được ấn định, thiệp đã phát ra, cỗ đã đặt nhưng chú rể đi truy quét FULRO vẫn chưa về. Gia đình nhà gái như ngồi trên đống lửa, không biết con rể giờ này đang ở nơi nào?
Lo sợ sẽ mang tiếng với xóm làng, đau đớn khi nghĩ đến cảnh con gái chưa chồng đã góa, cô giáo Oanh lặng lẽ khóc, thương bao nhiêu lại nghĩ đến sự an nguy, sợ ông sẽ không tránh được tên bay đạn lạc, sẽ nằm lại giữa cánh rừng hoang lạnh mà không thể trở về.
Mỗi phút giây trôi qua đều căng như dây đàn, chú rể vẫn biền biệt như bóng chim tăm cá. Khi nỗi hoang mang lên đến đỉnh điểm, tưởng như người trong cuộc sẽ không thể chịu đựng được nữa thì chú rể trở về. Nhìn ông gầy còm xanh xao, tóc râu rậm rạp nhưng ánh mắt hiện rõ niềm hạnh phúc không sao tả xiết, tất cả đã vỡ òa vui sướng, đánh tan nỗi lo đám cưới không có chú rể.
Cưới xong, ông lại lên đường làm nhiệm vụ. Một mình cô giáo Oanh còm cõi, đơn độc trong căn nhà tranh thông thốc gió lùa. Mang thai đứa con đầu lòng, bà phải tự bươn chải, tự lo cuộc sống. Ngày vợ gần sinh, ông xin nghỉ phép để chăm sóc đỡ đần nhưng vừa nghỉ được 4 ngày thì lãnh đạo Công an tỉnh cử người đến tận nhà triệu tập đi tăng cường đột xuất cho một chuyên án quan trọng.
Bỏ chén cơm đang ăn dở, vơ vội chiếc ba lô và ông đi, để lại người vợ ở nhà với nỗi đau "vượt cạn". Một mình nuôi con, vò võ chờ chồng. Đêm như dài ra và ngày càng thênh thang, trống vắng. Chồng về thoảng cái lại đi, có những lần vì mệt quá, ông về nằm cạnh con không nói được câu nào đã lịm đi trong một giấc ngủ dài.
2. Năm 1991, Đại tá Nguyễn Cộng Hòa làm tổ trưởng chỉ huy 6 trinh sát lên đường truy quét FULRO tại tuyến hành lang Cư Né (Krông Buk). Tháng bảy mùa mưa, đường đất đỏ bazan ở Tây Nguyên lầy lội, trơn trượt. Những cánh rừng thâm u đầy muỗi và vắt. Tổ trinh sát mắc võng nằm trong rừng, ban đêm phủ áo mưa vừa làm chăn vừa làm màn, ban ngày rút ra ở trong chòi rẫy của đồng bào.
Sốt rét là nỗi kinh hoàng nhất đối với người ở rừng. Trải qua những trận sốt rét rụng tóc, xanh người, anh em đặt biệt danh cho ông là Hòa "sốt rét". Địa bàn ém quân là rừng nguyên sinh, đường mòn ngổn ngang bước chân thú rừng.
Đêm đầu tiên phục kích trong rừng đã bắt gặp toán FULRO đi qua khiến tổ công tác bất ngờ, chưa chuẩn bị phương án hành động. Màn đêm mù mịt, tổ trinh sát nằm cách FULRO chỉ ba mét, Đại tá Hòa gõ nhẹ vào cây súng ra hiệu cho anh em nín thở quan sát.
Nhìn qua khe hở của tán lá rừng già, xác định 5 tên FULRO được trang bị vũ khí đầy mình, tổ trinh sát tiến hành họp bàn, xác định rõ phương án chiến đấu đạt hiệu quả. Phải xác định có nổ súng tiêu diệt lúc này hay không? Nếu bắn vào ban đêm thì không chính xác, có khi chúng không chết mà đánh trả, nguy cơ thương vong cho anh em rất cao. Điểm mạnh của FULRO là sống ở rừng lâu năm, chúng quen đến mức, có thể nhìn sao cắt đường đi chính xác và ngửi mùi cỏ cây đoán hướng nên không dễ đối phó.
Mười hai ngày đêm mai phục, quan sát vẫn chưa tìm ra hướng tiếp cận tối ưu, có đêm chúng không đi liền nhau, cách nhau từ hai đến ba mét nên nếu bắn thì chỉ được một tên, các tên còn lại bị đánh động và chúng sẽ chống trả quyết liệt. Đại tá Hòa ra lệnh cho anh em chuyển lên ngã ba để rộng đường quan sát và nếu có đụng độ cũng dễ dàng chiến đấu.
Tối đó, FULRO chủ quan nói chuyện rôm rả với nhau. Xác định thời cơ đã đến, vào khoảng 2 giờ kém 15 phút, Đại tá Hòa ra hiệu nổ súng. Súng AK có yếu điểm là khi nổ lửa rất sáng, FULRO nhằm chỗ sáng chĩa súng vào liên tục, đạn nã rát mặt. Tiếng súng chát chúa trong đêm đen, hai tên FULRO bị thương rống như thú rừng. Cảm thấy không còn khả năng triệt hạ đối phương, Đại tá Hòa ra lệnh dừng nổ súng, nằm im nghe ngóng tình hình, di chuyển cách xa nơi nổ súng. Sáng hôm sau, tổ trinh sát lần theo vết máu vào tới rẫy của đồng bào và bắt được một tên FULRO bị thương. Mỗi chuyến truy quét FULRO phải mất hàng tháng trời. Khi trở về, mặt ai cũng xanh xao, người gầy đét do thiếu ngủ và sốt rét. Duy chỉ có đôi mắt của họ là tinh anh, lúc nào cũng sáng rực trước họng súng FULRO.
Những tang vật vũ khí nóng thu hồi được trong một vụ trọng án. |
Trong cuộc đời của mình, Đại tá Nguyễn Cộng Hòa đã tham gia nhiều chuyên án, chạm trán và đấu súng nhiều lần với FULRO. Tất cả những ký ức oanh liệt của quá khứ, lúc nào cũng đọng lại trong trái tim của ông, để thêm tự hào về màu áo, về lý tưởng của người chiến sĩ an ninh.
Trận đánh tại cây số 67 (thuộc xã Cư Né, huyện Krông Buk) năm 1991 là trận đánh cuối cùng với FULRO có vũ trang của Đại tá Nguyễn Cộng Hòa. Sau thời gian dài theo dõi, nắm được quy luật hoạt động của FULRO là một tuần sẽ đi qua hướng Cư Né gặp người của chúng lấy lương thực thực phẩm, thời gian là khoảng 10h trưa, khi nghe tiếng cưa lốc cắt cây, Đại tá Nguyễn Cộng Hòa đóng vai công nhân khai thác gỗ trực tiếp cầm cưa lốc xẻ cây, các anh em được bố trí mai phục xung quanh.
Khi gốc cây bị kéo đổ ầm xuống, khoảng 15 phút sau nghe tiếng lá cây rộp roạp hướng đỉnh đồi, đoán chắc là FULRO xuất hiện. Toán FULRO hôm ấy trên 20 tên, nhưng chỉ cử hai tên súng ống lăm lăm xuống gặp cơ sở. Chờ cho chúng đến thật gần, Đại tá Hòa hô "Hlei" (ai, tiếng ê đê), ám hiệu cho anh em hành động.
Một loạt súng nổ, một tên FULRO bị thương bên tay trái, tay phải hắn cầm súng quét một tràng về phía Đại tá Hòa. Khoảng cách mặt đối mặt lúc đó là 5 mét, rất nhanh, ông nép mình vào thân cây dầu tránh làn đạn vãi như mưa. Biết bị phục kích, súng từ trên đỉnh đồi nã chát chúa, trực diện về phía tổ công tác.
Trận giao chiến hôm ấy FULRO bị thương vong lớn. Hôm sau anh em được lệnh phải quay trở lại kiểm tra hiện trường, thu gom tàn tích. Xe vừa đến đoạn rừng nguyên sinh thì gặp FULRO phục kích. Hàng loạt M79, B40 từ trên cao xả vào xe chiếc đi trước.
Bị tấn công bất ngờ, Đại tá Hòa ngồi ở xe sau thấy tình hình không ổn liền bảo lái xe xông lên phía trước bảo vệ đồng đội đồng thời làm lá chắn để anh em chiến đấu. Trước làn mưa đạn, đồng chí Nay Bút bị thương vỡ quai hàm, máu chảy ướt đẫm chiếc áo đang mặc.
Phát hiện viên đạn găm trong miệng rất nguy hiểm, không chần chừ, Đại tá Hòa dùng tay cạy miệng Nay Bút lôi viên đạn ra và tiến hành băng bó cầm máu. Với bản lĩnh can trường, mưu trí, tổ công tác đã dũng cảm chiến đấu, phản công đẩy lùi FULRO về phía rừng.
Hỏi Đại tá Hòa, những cuộc đấu súng như thế ông có sợ hy sinh không? Ông điềm đạm trả lời: "Người trinh sát khi ấy chỉ nghĩ đến nhiệm vụ là duy nhất, súng đấu súng chỉ có đạn tránh mình thôi. Lúc đầu còn thấy rợn một chút, nhưng khi súng đã nổ, mùi khói thuốc khét lẹt bốc ra thì càng hăng, càng mạnh mẽ, chẳng quan tâm đến cái chết nữa".
Bao nhiêu năm bám trụ buôn làng, Đại tá Nguyễn Cộng Hòa luôn sống thật thà, yêu thương giúp đỡ bà con, hiểu từ những điều nhỏ bé nhất, thậm chí cả tâm tư tình cảm. Làm được điều đó, ông phải học tiếng nói của đồng bào, chỉ một thời gian ngắn ông đã nghe và nói được nhiều thứ tiếng, như Ê đê, M'Nông. Ngoài nói chuyện với đồng bào, ông còn làm phiên dịch cho lãnh đạo mỗi lần về cơ sở, làm thầy dạy cho anh em đồng đội.
Có mặt trong thời kỳ gian khổ, khốc liệt nhất của hoạt động chống FULRO, chiến đấu bằng trái tim và lòng quả cảm của người lính, khi đã là Trưởng phòng ông vẫn bắt mình phải đi. Ông đi vì nỗi nhớ buôn làng, nhớ những điều bình dị của một thời tuổi trẻ.
Gian khổ qua đi, địa bàn đã bình yên, cuộc sống không còn phải đói ăn thiếu mặc, thì những người lính như ông lại âm thầm, lặng lẽ, cố gắng sống thật tốt và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Gần 40 năm khoác trên mình màu áo an ninh, cuộc đời của ông như một bài ca khải hoàn. Ông hạnh phúc vì có người vợ đảm đang, hiểu chồng, hai đứa con ngoan hiền, thương cha mẹ. Ông tự hào vì con trai đầu nối nghiệp cha theo ngành Công an.