Để liên kết xuất bản không chệch “đường ray”

Kiểm soát chặt chẽ, đồng hành hỗ trợ (Bài cuối)

Thứ Tư, 26/07/2023, 07:08

Để hoạt động liên kết xuất bản phát triển đúng định hướng, đòi hỏi phải có sự điều phối, quản lý chặt chẽ hơn nữa của cơ quan quản lý Nhà nước. Bên cạnh việc quản lý, Nhà nước cũng nên nghiên cứu những chính sách hỗ trợ để các NXB, đơn vị làm sách được tiếp cận với những chính sách ưu đãi để có nguồn lực phát triển lâu dài.

Quan trọng nhất vẫn là khâu hậu kiểm

Xuất bản sách truyền thống trong thời gian tới vẫn là chủ lực, nghĩa là sách in vẫn đóng vai trò rất quan trọng, ít nhất là tầm nhìn từ nay đến năm 2030 vẫn phải chiếm từ 70% đến 80%, vì thế việc làm thế nào để phát huy được vai trò của các tổ chức, đơn vị liên kết xuất bản là rất quan trọng. Từ yêu cầu thực tiễn đó, Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên xác định, thời gian tới cần chú trọng thực hiện đồng bộ 4 giải pháp.

Thứ nhất là phải hoàn thiện các quy định của pháp luật để ngăn chặn các trường hợp lợi dụng kẽ hở để thực hiện xuất bản không đúng quy định.

Thứ hai là để cùng nhau phát triển thì buộc NXB lẫn đối tác liên kết phải có ý thức trong xây dựng thương hiệu. Rõ ràng trước đây các NXB do khó khăn về tài chính đã đi tìm các đối tác liên kết một cách tràn lan thì nay đã đến lúc họ phải có chiến lược phát triển dài hơi hơn thông qua việc chọn đối tác liên kết. Hơn nữa, các quy định pháp luật ngày càng chặt chẽ, các quy định của Đảng xác định trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập lớn hơn nên buộc các NXB phải có chiến lược trong việc chọn đối tác liên kết, nếu không muốn bị xử phạt rất nặng. Bản thân đối tác liên kết cũng vậy, tới đây họ không chỉ liên đới về trách nhiệm kinh tế mà còn có những quy định chặt chẽ liên quan đến hoạt động chung của cả đơn vị.

liên kết 3..jpeg -0
Một buổi ra mắt sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Thứ ba là trong hoạt động liên kết xuất bản xét cho cùng tất cả đều do yếu tố con người. Hiện nay, trình độ lãnh đạo của NXB, về cách quản trị nền kinh tế nói chung không phải ai cũng thành thạo. Người đứng đầu các đơn vị liên kết chưa nắm được đầy đủ các quy định của pháp luật về xuất bản và như vậy khi kết hợp với nhau sẽ dễ xảy ra sai phạm. Tới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tính đến việc đào tạo cho đội ngũ này một cách bài bản.

Cuối cùng là không gian liên kết ngày càng mở rộng, đòi hỏi phải xây dựng được các đơn vị, NXB trọng điểm mũi nhọn giống như người đi trước mở đường tạo ra những cách tiếp cận mới. Ví dụ như xây dựng hệ thống dữ liệu để cùng chia sẻ dữ liệu hay là kết hợp với hệ thống Logistics để tạo ra sự lan tỏa với chi phí thấp nhất hoặc là kết hợp với công ty truyền thông để vừa tổ chức sự kiện xuất bản vừa làm công việc liên quan đến sáng tạo nội dung.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, trên cơ sở pháp luật hiện nay, trong quy trình xuất bản sẽ hướng tới xử lý dưới dạng hậu kiểm, chứ tiền kiểm sẽ rất khó có hiệu quả.

“Việc Cục Xuất bản, In và Phát hành đọc lưu chiểu chỉ là cách để thực hiện thao tác quản lý nắm được khuynh hướng để có những chỉ đạo, định hướng về mặt nội dung chung, điều tiết khuynh hướng cho toàn ngành cũng như có cơ chế đối với khu vực sách có nội dung chưa được đảm bảo. Cho nên đọc lưu chiểu không phải là mục tiêu phát hiện ra sai phạm mà đầu tư căn cốt nhất vẫn là tìm ra các xu hướng xuất bản và điều tiết xu hướng đó dưới góc độ quản lý vĩ mô.

Hiện nay, ở Cục nếu đọc giỏi lắm một năm cũng chỉ được khoảng 800 đến 1.000 đầu sách trên tổng số khoảng hơn 40.000 xuất bản phẩm (chiếm khoảng 5%). Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm, nghiệp vụ của mình thì dù đọc 5% nhưng chúng tôi biết khu vực 5% đó nguy hiểm và tập trung mọi nguồn lực để rà soát, vì thế đã ngăn chặn đến 95% số lượng các ấn phẩm có vấn đề.

Điều này giống như việc khoanh vùng cả thành phố thì rất rộng nhưng biết được ở ngã tư này thường xuyên xảy ra tai nạn cho nên người ta khoanh vùng để cảnh sát tập trung kiểm tra. Một năm số lượng sách có vấn đề lọt ra ngoài chỉ một vài chục cuốn so với số lượng hơn 40.000 cuốn không phải là quá lớn nhưng không thể nói vì thế mà không có tác động. Vì dư luận xã hội không đo đếm số lượng bao nhiêu cuốn sai phạm mà chỉ đánh giá về cái sai đó ở mức độ nào. Dù sao như vậy cũng sẽ tạo ra dư luận không tốt trong cách tiếp cận của xã hội rằng qua bao quy trình, công đoạn vẫn còn để lọt những cuốn sách không phù hợp với chính trị, tư tưởng, với thuần phong mỹ tục”, Cục trưởng Nguyễn Nguyên phân tích.

Để làm tốt việc ngăn chặn những cuốn sách có vấn đề, theo người đứng đầu Cục Xuất bản, In và Phát hành sớm hay muộn cũng phải hướng trọng tâm vào hậu kiểm. “Hậu kiểm không có nghĩa nằm ở phần đăng ký, nó càng không có nghĩa là nằm ở phần đọc lưu chiểu mà hậu kiểm có nghĩa là khi mà thấy cuốn sách có sai phạm thì sẽ xử lý rất nghiêm các tổ chức, cá nhân làm sách cả về mặt hành chính lẫn tài chính, từ đó mang tính răn đe, cảnh báo. Không có một cơ quan quản lý nào hoặc một địa phương nào có thể làm về tiền kiểm. Nhà nước ta không có chủ trương kiểm duyệt sách, báo mà chuyển nhiệm vụ đó cho đội ngũ từ biên tập viên đến giám đốc, tổng biên tập. Như vậy, họ phải là người chịu trách nhiệm chính về biên tập và đọc duyệt nội dung để cho ra đời một cuốn sách, do vậy, đội ngũ này phải thực sự là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao”, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Cần thêm những chính sách hỗ trợ

Để hoạt động liên kết xuất bản đi vào nền nếp, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đòi hỏi phía NXB phải xây dựng nguồn lực đủ mạnh cả về nhân lực, vật lực. Còn về phía đơn vị liên kết, trước việc thiếu vốn và nguồn lực, yếu về đội ngũ nhân sự, đòi hỏi trong thời gian tới Nhà nước cần có thêm những chính sách hỗ trợ.

Giám đốc Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam Nguyễn Nhật Anh kiến nghị, Nhà nước cần sớm xây dựng chính sách ưu đãi về vốn, về thuế, về bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành xuất bản, in và phát hành cũng như nghiên cứu, xây dựng chính sách một giá để bảo hộ giá sách, giá xuất bản phẩm, tránh tình trạng giảm giá tràn lan, gây ra sự cạnh tranh không công bằng về giá trong thị trường xuất bản làm bào mòn nguồn lực của các NXB, công ty sách, doanh nghiệp phát hành.

Ngoài ra, Nhà nước sớm hiện thực hóa chủ trương tăng nguồn lực cho hệ thống thư viện để các thư viện có thêm kinh phí mua sách, một mặt nâng cao văn hóa đọc, một mặt giúp nâng cao số bản in cho ngành sách, gián tiếp tăng thêm nguồn lực cho các đơn vị xuất bản. Đặc biệt, là hỗ trợ các đơn vị làm sách tư nhân nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đồng quan điểm đó, bà Nguyễn Kim Thoa, CEO của Tân Việt Books cho rằng, dư luận xã hội hãy nên có cái nhìn công tâm, khách quan hơn về hoạt động liên kết xuất bản. “19 năm tồn tại và phát triển ở Việt Nam, các công ty sách đã trỗi dậy vô cùng lớn mạnh, có đóng góp to lớn cho thị trường sách Việt Nam. Đó là điều không thể phủ nhận. Để hoạt động của các công ty sách hiệu quả hơn nữa sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chúng tôi mong muốn Nhà nước giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 20% xuống 10% trong vòng từ 3-5 năm, để hỗ trợ các công ty xuất bản, phát hành sách. Tin chắc rằng, nếu được Nhà nước hỗ trợ các công ty sách sẽ càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra những cuốn sách chất lượng, giá thành lại phải chăng phục vụ tốt nhất nhu cầu của độc giả”, bà Nguyễn Kim Thoa mong mỏi.

Nhấn mạnh vai trò vô cùng quan trọng của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho NXB, công ty sách phát triển, Cục trưởng Nguyễn Nguyên cho rằng, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, khi ngành phát hành sách đang “ngộp thở”, “đóng băng”, một số nhà sách ở trong tình trạng “chết lâm sàng” thì việc có “chiếc gậy” chính sách để họ vươn lên phát triển một cách mạnh mẽ là điều vô cùng cần thiết.

“Quan điểm của Cục Xuất bản, In và Phát hành là vừa tăng cường quản lý để hoạt động liên kết xuất bản đi vào nền nếp, thì Cục luôn đồng hành, hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để các NXB, công ty sách có nguồn lực, vật lực phát triển, từ đó thúc đẩy ngành xuất bản vươn lên”, Cục trưởng Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Ngô Khiêm
.
.