Việt Nam ngày càng chủ động, linh hoạt trong ứng phó dịch bệnh

Thứ Hai, 07/06/2021, 07:39
Đó là nhận xét của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Dư luận quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận định tích cực về phản ứng nhanh và đồng bộ của Chính phủ Việt Nam trong ứng phó với đại dịch, đặc biệt là đợt bùng phát mới hiện nay.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 vừa ra mắt của Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của xã hội cũng như các tổ chức quốc tế. Sáng kiến cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam, cũng như tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của nhân dân trong cuộc chiến chung. Tờ Nikkei Asia nhận định: “Sự ra đời của Quỹ vaccine phòng COVID-19 có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực tiêm chủng vaccine cho người dân, một vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch và bảo vệ chuỗi cung ứng sản xuất”.

Theo tờ báo, sáng kiến này là nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo 120 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm nay, với trọng tâm chiến lược chuyển từ ngăn chặn sang khuyến khích người dân tiêm chủng. Bài viết cũng nhắc lại lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu người dân thực hiện tinh thần “đánh đại dịch như đánh giặc”.

Đáng chú ý, Quỹ vaccine phòng COVID-19 không chỉ thu hút sự quan tâm, đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân ở trong nước mà cả nước ngoài. Theo Nikkei Asia, các doanh nghiệp châu Âu đã bày tỏ mong muốn tham gia.

Về phía giới chuyên gia, Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng, việc huy động các nguồn lực để nâng cao khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 của Chính phủ Việt Nam rất kịp thời, phù hợp với sáng kiến vaccine toàn cầu. Điều này cũng cho thấy sự đóng góp tích cực của Việt Nam trong nỗ lực toàn cầu nhằm đẩy lùi dịch bệnh và được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao trong suốt thời gian qua.

Tiến sĩ Kidong Park nhấn mạnh: “Việt Nam đã và đang quản lý các ổ dịch COVID-19 hiệu quả, giữ cho số ca mắc, bao gồm cả tử vong, tương đối thấp hơn so với các nước. WHO ghi nhận sự tham gia tích cực của Việt Nam trong nỗ lực toàn cầu này với một loại vaccine ứng cử viên đang được phát triển tại Việt Nam, đồng thời ghi nhận một trong số này đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng và những vaccine khác cũng có tiến triển tốt để sớm bắt đầu thử nghiệm lâm sàng. Điều này thực sự ấn tượng”.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc (LHQ) tại Việt Nam đánh giá, việc thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 là sáng kiến hay và được LHQ ủng hộ.

Quỹ vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam cho thấy sự chủ động, linh hoạt trong ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm này, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu cho biết, đây là một động thái rất tích cực không chỉ đối với Việt Nam, mà cả các doanh nghiệp châu Âu. Còn Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam Mary Tarnowka thì khẳng định, nhiều thành viên của Phòng Thương mai Mỹ đã bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ chi phí tiêm chủng cho nhân viên.

“Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh ưu tiên chống dịch đi kèm với phát triển kinh tế” là nhận định của ông David Hutt, cây bút chuyên bình luận về Đông Nam Á. Xét về cân bằng giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, Việt Nam thực hiện rất tốt trong hầu hết năm 2020. Chính phủ đã ưu tiên vấn đề an toàn lên trên mục tiêu kinh tế. Ông đánh giá Việt Nam là một trong những nước tại Đông Nam Á chủ động nhất và thành công. Những biện pháp giãn cách được đưa ra rất sớm và nghiêm ngặt. Nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng và là một trong số ít nước ở châu Á đạt tăng trưởng kinh tế.

Theo nhà báo David Hutt, với đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này, với số ca nhiễm cao hơn và phạm vi rộng hơn, Chính phủ Việt Nam cũng đã quyết liệt hơn, chú trọng tới nhiệm vụ kinh tế đặt trong bối cảnh triển dịch tiêm vaccine đã được triển khai và những kinh nghiệm thực hiện giãn cách trong 18 tháng qua. Ông nêu rõ với dân số gần 96 triệu người, số ca nhiễm mới ở Việt Nam vẫn ít hơn nhiều so với Campuchia - nơi có dân số ít hơn, có nghĩa là Việt Nam phòng, chống dịch hiệu quả.

Nhà báo này cũng đề cập thực tế là tại một số tỉnh phía Bắc, nơi có các khu vực công nghiệp sản xuất công nghệ cao, các cơ quan chức năng đã khoanh vùng dịch nhanh gọn và triển khai tiêm vaccine cho công nhân tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Khi số ca tăng lên, Việt Nam đã chủ động phản ứng và hành động đồng bộ bằng nhiều biện pháp. Việt Nam không chỉ áp dụng giãn cách, ngừng nhập cảnh, truy vết, mà các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cũng được yêu cầu nhanh chóng thay đổi cách bố trí lao động.

Điều này có nghĩa là nền kinh tế vẫn có thể hoạt động tốt nhất có thể. Mặc dù số lượng vaccine hạn chế, song cơ quan chức năng đang nhanh chóng phân phối vaccine tới các khu công nghiệp có tầm quan trọng kinh tế cao. Theo ông, tất cả các nước đều phải cân nhắc giữa chống dịch và phát triển kinh tế và cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện tương đối tốt nhiệm vụ này.

Về phần mình, ông Sergey Levchenko, Bí thư thứ nhất Đảng bộ Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) tỉnh Irkutsk, cựu Thống đốc tỉnh Irkutsk giai đoạn 2015-2019, bày tỏ: “Chúng tôi rất ấn tượng về thành tích phòng, chống COVID-19 của Việt Nam. Các bạn đã phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả. Trong suốt 1 năm qua, các bạn đã ứng phó một cách quyết liệt, đúng đắn và thông minh với đại dịch kể từ khi nó bắt đầu tháng 4 năm ngoái. Điều này nói lên rằng nếu một quốc gia được điều hành tốt, nếu như tất cả đều có tinh thần quyết tâm chiến thắng dịch bệnh này thì chắc chắn sẽ thu được kết quả. Chúng tôi rất ngưỡng mộ về thành tích này của các bạn và chúc các bạn tiếp tục thành công trong phòng, chống dịch COVID-19”.

Ông Sergey Levchenko đánh giá Việt Nam đã đạt được những kết quả còn tốt hơn các nền kinh tế phát triển, nhiều xã hội văn minh trong cuộc chiến chống COVID-19. Thành tích này có được là nhờ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và tính ưu việt của CNXH. Ông Levchenko khẳng định: “Các đồng chí Việt Nam đang đi đúng hướng và đã lựa chọn đường lối đúng đắn theo con đường phát triển XHCN”.

Không chỉ là các biện pháp ứng phó dịch COVID-19, cộng đồng quốc tế còn đánh giá sự nhân văn, chia sẻ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, ghi nhận hành động dứt khoát, mạnh mẽ và minh bạch của Chính phủ Việt Nam là “hình mẫu kiềm chế đại dịch”.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.