Truyện Nôm - Những tấm thảm ngôi từ!

Thứ Năm, 08/10/2020, 09:51
Có thể ví thế giới truyện Nôm khuyết danh như những tấm thảm ngôn từ được thêu dệt bằng thứ nghệ thuật của chính cuộc sống lao động khỏe khoắn, tươi ròng chất đời và phơi phới tinh thần lạc quan. Nhìn vào đó ta sẽ thấy bóng dáng hôm qua.


Hầu như nhân vật truyện Nôm nào khi đối thoại cũng có cách nói đậm chất văn, nhưng không mòn sáo bởi rất phù hợp với hoàn cảnh, không khí và đối tượng miêu tả. Nhân vật mẹ Cám tâm địa ác độc thế mà cũng có lối “mỉa” thật sinh động: “Chuông khánh còn chẳng ăn ai/ Nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre” (Tấm Cám). Nhân vật chuột Cái (Trinh thử) trong cơn ghen tức tối vẫn “tỉnh táo” mà trách cứ chuột Đực bằng ẩn dụ của thơ: “Cớ chi thiếp mới vắng nhà/ Đã lòng dử nguyệt quyến hoa tơi bời…”. Mấy chữ “dử nguyệt, quyến hoa” thật đúng với anh chàng “chồng” lẳng lơ này.

Phần lớn nhân vật (trong “Trinh thử”, “Trê Cóc”, “Chàng Chuối”, “Lục súc tranh công”…) là các con vật nên có thể gọi đó là các truyện ngụ ngôn viết bằng thơ. Đây sẽ là một đề tài nghiên cứu ý nghĩa khi khảo sát tập quán và tính biểu trưng của từng loài vật rồi tổng hợp, khái quát để từ đó có thể mô tả được bức tranh và quan niệm sống của người xưa. Nào là những cá, chim, tép, tôm, sứa, hùm, rắn, gà, ếch, nhái, bén, đỉa, ba ba… Có cả những con vật không có thật, như rồng, trằn tinh, yêu tinh, yêu quái, ma, quỷ… Đó là những ẩn dụ vừa giàu giá trị tượng hình vừa đậm tính biểu cảm để gửi gắm một ý nghĩa thường là mang tính giáo huấn, giáo dục, răn dạy…

Nếu coi mỗi tác phẩm văn học là mô hình mới về cuộc sống thì mỗi truyện đã sáng tạo ra một mô hình thế giới mới khá sinh động, vừa thoát thai từ cuộc sống nhưng cũng độc lập với cuộc sống hiện thực. Đây là một phong tục hỏi vợ của Thuỷ Tinh (Chàng Chuối) khi đến “nhà gái” vua Hùng hỏi Mỵ Nương làm vợ. Về đồ lễ, thì: “Xà cừ mã não, san hô/ Hạt trai ba vạn, ngọc lô năm nghìn/ Xuyến vàng chất để đầy nêm/ Đồi mồi, hổ phách đặt trên đùn đùn…”. 

Vui nhất là đoàn rước lễ: “Trước thì trống phách rập rình/ Chiên Lăng đeo nhẫn, Côn, Kình đeo hoa/ Tôm thì tay gióng mã la/ Chuối, Mè mớ bảy mớ ba tưng bừng/ Giữa thì Trắm đánh trống quân/ Ba ba thì kéo song vần cò ke/ Ếch thì kèn thổi lo loe/ Đòng đong, Cân cấn tì toè mớ năm/ Ốc thì mặc áo dài thâm/ Chân đi giày khách, tay cầm quạt Ngô/ Chày, Trôi, Mương, Ngạnh, Diếc, Rô/ Vóc the là lượt lộn dô ra vào…”. 

Vì là “quân” của Thuỷ Tinh nên “đoàn” rước đều thuộc giống thuỷ sinh, chủ yếu là các loài cá. Ngộ nghĩnh nhất là sự miêu tả gắn liền với đặc trưng hình dáng và tập quán sống của từng loài. Nhân vật nào cũng trong trạng thái động, đầy sinh khí. Để làm bật ra cái ồn ào, nhộn nhịp, vui vẻ của đám rước, những động tính từ láy được sử dụng thật hiệu quả: “rập rình, tưng bừng, lo loe, tì toè, mớ bảy mớ ba, là lượt…”. Các tính từ chỉ âm thanh, màu sắc, các động từ chỉ hoạt động được dùng đúng chỗ càng tăng cường thêm cái vui vẻ xôn xao của sự kiện.

Đám rước lễ của Sơn Tinh, vì có sự tham gia của các loài vật trên cạn nên có phần còn đông vui nhộn nhịp, “hoành tráng” hơn: “Đười ươi khiêng quả bánh chưng/ Đôi con Khỉ độc kim đằng bảo châu/ Hai Vượn gánh quả giầu cau/ Hươu bưng quả bánh, Hầu bầu rượu tăm/ Ngọc, ngà, vàng, bạc kể trăm/ Phò cho đàn Lợn thì cầm theo sau/ Trung quân Ve thổi kèn tàu/ Trống cơm Sư Tử, trống chầu Kỳ Lân…”. Đáng chú ý là trong “lễ vật” của Sơn Tinh thì gần gũi với lễ vật trong phong tục cưới hỏi của người Việt, với “bánh chưng”, “giầu cau”, “bánh”, “rượu”…

Thạch Sanh (Thạch Sanh) xuống cung vua Thuỷ Tề được đón rước theo nghi lễ trang trọng nhất: “Truyền ra chưa kịp dứt lời/ Côn thời đến trước, Kình thời theo sau/ Cá Lăng, cá Vược theo hầu/ Nhởn nhơ là lượt mọi màu khoe tươi/ Cá Chày, cá Chép đua chơi/ Cá Nghê cúi mặt, cá Voi nghiêng mình/ Cá Vàng, cá Bạc tốt lành/ Tôm He cá Mực tranh hành ngược xuôi…”. Vì là cung vua Thuỷ Tề nên phải có cả loài cá ở biển khơi (Côn, Kình, Voi, Lăng, Vược, Mực…) có cả cá nước ngọt (Chép, Chày…).

Tranh minh họa truyện “Tống Trân - Cúc Hoa”.

Trong “Trê Cóc diễn ca” những hình ảnh “công đường” của thời trước được diễn tả sinh động chỉ qua hoạt động của các con vật. Như cảnh “trình diện”: “Mè, Nheo, Trắm, Chép nhảy ra/ Khấn đầu lạy trước quan nha diện trình”; cảnh lo chạy vạy khi thua kiện: “Vợ chồng Trê những ngậm ngùi/ Ra vào phí tổn hết bao cũng đành”; cảnh đi tìm bạn bè mách bảo “thầy cãi”: “Cóc về dạo khắp các nơi/ Qua miền Chẫu Chuộc tới miền Ễnh Ương”… Đúng như cảnh sống thời đó, chỉ khác không phải người mà thay vào đó là hình ảnh những con vật quen thuộc. 

Cóc thắng kiện trở về, cả làng mừng rỡ chia vui: “Tạ từ Cóc trở ra về/ Vợ chồng mừng rỡ đề huề ngổn ngang/ Bước ra khỏi chốn công đường/ Thông Chiên giật lễ, Đề Tôm cướp liền/ Ôm đầu vỗ vễ ngả nghiêng/ Kẻ đòi bầu rượu người xin bao chè…”. Cảnh vui vẻ toại nguyện này thật gần gũi với đời sống con người, các hành động chia vui vừa có cái suồng sã, bỗ bã: “giật lễ”, “cướp liền” vừa có cái “lịch sự” rất “người”: “đòi”, “xin”…  

Truyện Nôm mang sức sống trào tiếu dân gian vui nhộn mà đậm đà tính giáo dục. Ví như chi tiết gây cười Quan Trạng Tống Trân xử vụ “kiện cành đa”. Có anh lái buôn cất “hai trăm bạc” ở cây đa bị mất bèn cắt cành đa mang đến quan kiện. Tống Trân lập mẹo tìm ra thủ phạm là anh xã trưởng, nhân tình của vợ anh lái buôn nọ. 

Đến chuyện nhân vật “Lưỡng quốc trạng nguyên” có hai vợ, vợ đầu người Việt, vợ hai là công chúa nước ngoài, chọn vợ đầu là “cả” thì “chạm” đến “đối ngoại quốc gia”, chọn công chúa thì e không đúng với tình nghĩa. Trạng bèn nảy kế thi nấu cơm, “Mỗi người mỗi vác mía này/ Lĩnh gạo lĩnh nước cùng tầy đem ra”. Hiển nhiên công chúa thua cuộc, vì…chưa bao giờ nấu cơm, huống hồ đun bằng cây mía (phải ăn nước rồi phơi bã cho khô)…

Có rất nhiều lời mỉa đậm sắc thái dân gian. Như nhân vật Mai Cao (Nhị Độ Mai) mỉa cha con Lư Kỷ, Lư Công: “Mới hay vượng khí trướng môn/ Năm lên sáu tuổi sinh con đầu lòng”. Chả là Lư Công nhận Lư Kỷ là cha nuôi trong khi Lư Kỷ chỉ hơn Lư Công sáu tuổi. Lời mỉa nhiều khi được tổ chức theo nguyên tắc bóng bẩy thêm chất hài hước, dí dỏm, người đọc/nghe vẫn hiểu nhưng thấy có gì đó chua chát: “Thuyền son mà đổ bến lầm/ Tai trâu mà gẩy đàn cầm biết chi” (Hoàng Trừu)… “Thuyền son”, một ẩn dụ cho cái tốt đẹp, tài năng nhưng bị nhầm đường nhầm lối thành ra phí hoài. Cũng vậy, nghệ thuật không biết tìm đến người thưởng thức cũng vô nghĩa…

Có rất nhiều lời bình lên án: “Thẹn thay cho kẻ vô nghì/ Khi này dạ Sở lúc kia bụng Tần”; “Hiểm thay chước kẻ gian thần/ Xui nên kẻ Tấn người Tần như không” (Nhị Độ Mai)...

Nhằm sinh động hoá sự vật để đối tượng miêu tả gần với đời thường, giàu có sức sống hơn, truyện Nôm triệt để sử dụng từ láy tạo hình. Miêu tả cái gập ghềnh của đường đi trên núi, dùng từ láy như là biện pháp tối ưu: “Bước cao bước thấp gập ghềnh/ Quăn queo đuôi chuột, chênh vênh tai mèo/ Leo đá quạnh vịn cành cao/ Chim xào xạc lá vượn leo lắt cành” (Nhị Độ Mai). Diễn tả trạng thái một “ngất ngưởng” trên đường làm thơ, cách sử dụng từ láy vừa làm “vui” câu văn vừa phần nào nói được cái “chếnh choáng” say của thi sĩ: “Hề đồng theo bốn năm thằng/ Thơ ninh ních túi, rượu lưng lửng bầu”. Tạo ra không khí tươi vui nhộn nhịp không thể không dùng từ láy: “Trong nhà nhộn nhịp tưng bừng/ Ầm ầm thiều nhạc, lẫy lừng tiệc hoa” (Nhị Độ Mai)...

Cái gốc của lời văn truyện Nôm là tục ngữ, thành ngữ, ca dao... Như trong “Trê Cóc diễn ca”, khi Trê tự nhủ: “Bắt về yêu dấu bù trì/ Con nuôi cũng chẳng khác gì con sinh” thì câu sau nguyên là một thành ngữ. Trê mỉa mai Cóc: “Một ngày lạ giống chúng bay/ Nghề bôi vôi vẫn nồng thay chẳng chừa” là thoát ra từ tục ngữ: “Lăn lóc như cóc bôi vôi”. Cóc mỉa Trê: “Rằng: khôn ngươi cũng ở ao tù/ Ta đây dẫu có hèn ngu/ Nhà tao cũng có cơ đồ đình đang/ Ra vào gác tía nhà vàng/ Cõi bờ mặc sức nghênh ngang chơi bời/ Nghiến răng chuyển bốn phương trời/ Ai ai là chẳng rụng rời sợ kinh”, thì câu đầu là một tục ngữ: “Người khôn cũng ở ao tù” và các thành ngữ: Cơ đồ đình đang; gác tía nhà vàng; nghênh ngang chơi bời. Toàn bộ mảnh lời là sự minh hoạ cho truyện ngụ ngôn “Cóc kiện trời”. Mỗi văn bản là một liên văn bản thì văn bản truyện Nôm là một liên văn bản đậm đặc hơn cả vì trong đó dằng dịt những tầng lớp mã văn hoá mà dân gian đã tích hợp vào đó.

Xứng đáng là một kho tàng văn hoá ẩn giấu trong đó những viên ngọc quý, truyện Nôm cần được khám phá nhiều hơn, sâu hơn.

Nguyễn Thanh Tú
.
.