Đừng làm hoen ố giá trị sách

Thứ Tư, 22/07/2015, 08:27
Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ vừa quyết định tịch thu 5 đầu sách (tổng cộng 589 quyển) đang lưu hành tại một hội chợ trên địa bàn, lý do: vi phạm Luật Xuất bản và quảng cáo sai quy định.

5 đầu sách vừa bị tịch thu, được căn cứ vào văn bản đình chỉ phát hành của Cục Xuất bản đưa ra trước đó. 5 đầu sách này không quá xa lạ với độc giả như "Đắc nhân tâm", "Không bao giờ là thất bại - Tất cả là thử thách", "Nghĩ giàu làm giàu", "Khuyến học" và "Quốc gia khởi nghiệp". Tuy nhiên, 5 đầu sách trên do Tập đoàn cà phê Trung Nguyên bỏ tiền in ấn và mang đi tặng, nên họ tranh thủ làm thêm một chiến dịch truyền thông cực kỳ phản cảm.

Nếu như trên bìa sách chỉ ghi "Những cuốn sách đổi đời bên những ly cà phê đổi đời" thì dù hơi ngoa ngôn, công chúng vẫn miễn cưỡng chấp nhận. Thế nhưng, trên bìa sách có cả dòng chữ kiêu hãnh "Những cuốn sách đổi đời do Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt". Nhân vật kinh doanh và sáng tạo tầm cỡ thế giới như Bill Gates của tập đoàn phần mềm máy tính Microsoft hay Jack Ma của tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, chưa chắc đã dám dùng chữ "chọn" trong ngữ cảnh như vậy. Tất nhiên, không ai cấp giấy phép cho một bìa sách ngạo nghễ kiểu ấy, mà chủ đầu tư đã tự in thêm vào!

Không ai phủ nhận, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng là một người kinh doanh thành đạt trong giai đoạn mở cửa hội nhập. Ông là một gương điển hình sáng giá trong việc vươn lên làm giàu thành đạt trong sự nghiệp kinh doanh. Thế nhưng, một dây chuyền sản xuất và tiêu thụ cà phê thì chưa có gì bảo đảm chắc chắn để nâng tầm Đặng Lê Nguyên Vũ lên thành một gương mặt văn hóa. Nếu như doanh nhân Lý Quí Trung - người khai sinh thương hiệu Phở 24, đã có những cuốn sách viết về nhượng quyền thương mại có sức ảnh hưởng đến đời sống, thì Đặng Lê Nguyên Vũ chưa có một ấn phẩm văn hóa nào xuất bản thành sách mà chỉ có những lời lẽ đao to búa lớn ở các diễn đàn. Vậy, Đặng Lê Nguyên Vũ dựa vào đâu để "chọn" sách cho thanh niên Việt.

Cùng với 5 đầu sách, cái khẩu hiệu quá đà "Những cuốn sách đổi đời do Chủ tịch Đặng Lê Nguyên Vũ chọn cho thanh niên Việt" còn xuất hiện trên những tấm pano lớn trưng bày khắp nơi. Trước thời điểm Sở Thông tin Truyền thông Cần Thơ có biện pháp chế tài mạnh mẽ, thì UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã buộc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tháo dỡ những tấm pano có nội dung trên ở thành phố Buôn Ma Thuột. Thậm chí, UBND tỉnh Đắk Lắk nghiêm khắc yêu cầu, nếu muốn tổ chức tặng 5 đầu sách kia thì phải ghi chú đầy đủ "Những cuốn sách đổi đời do Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ giới thiệu đến thanh niên Việt", hoặc bỏ chữ "chủ tịch" để tránh hiểu nhầm.

Động thái tích cực của hai địa phương Đắk Lắk và Cần Thơ rất cần ủng hộ. Bởi lẽ, 5 đầu sách không phải lưu hành nội bộ trong Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, nên chữ "chủ tịch" nghe ra không ổn. Đặng Lê Nguyên Vũ đã từng tạo scandal khi tài trợ cho cuốn sách "Tài năng & Đắc dụng" mà nội dung viết về mình chiếm toàn bộ cuốn sách. Dư luận phải phẫn nộ khi những trang viết và những tán tụng dành cho Đặng Lê Nguyên Vũ vượt hẳn những danh nhân như Hồ Chí Minh, Lê Quý Đôn hay Nguyễn Trãi.

Doanh nhân đọc sách đã đáng quý, mà doanh nhân tặng sách cho người khác còn đáng quý hơn. Tuy nhiên, tặng sách bằng cách thức nào và bằng thái độ nào là cả một câu chuyện ứng xử văn hóa và phải đắn đo nghiêm túc. Ý nghĩa đẹp đẽ nhất của việc đọc sách là mang lại cho con người sự hiểu biết và sự trầm tĩnh. Không có cuốn sách nào dạy ngoa ngôn, và cũng không có sách nào dạy ảo tưởng. Cho nên người tặng sách phải thực sự khiêm tốn và cầu thị. Đừng để tham vọng quá lố của cá nhân làm hoen ố tinh thần đọc sách và tặng sách vốn rất cao quý trong truyền thống văn hóa của người Việt!.
Lê Thiếu Nhơn
.
.