Đừng giỡn chơi trên sóng truyền hình quốc gia

Thứ Hai, 18/04/2016, 08:02
Cuối tuần trước, trên sóng truyền hình trực tiếp diễn ra một chuyện cười ra nước mắt, mà lại thuộc dạng càng cười càng thấy chán nản. Ấy là việc MC danh hài Trấn Thành, người vừa thực hiện xong live show 'Bình Tĩnh Sống', đã nói nhịu khi nhận xét về một tiết mục trong chương trình 'Tìm kiếm tài năng - Vietnam's got talents'. Thay vì dùng cụm từ 'Giao hưởng hợp xướng', Trấn Thành đã nhịu miệng mà thành một cụm từ khác, với vị trí của chữ 'hợp' và chữ 'hưởng' hoán đổi cho nhau.


Người xem trong khán phòng lẫn người xem trước truyền hình hẳn sẽ cười ha hả, ôm bụng mà cười khi nghe được 4 tiếng đầy nhạy cảm ấy. Khá khen cho Trấn Thành. Ở vào phút không ngờ đó, anh vẫn ứng biến nhanh, không mất bình tĩnh và khiến cho mạch chương trình không bị gãy đổ một cách đáng tiếc.

Có nhiều người cho rằng, tai nạn này là bởi hay nói giỡn nhiều quá nên thành ra quen miệng. Giải thích này rất đúng. Nhiều MC trước đây cũng từng gặp phải tai nạn tương tự, ngay trên sóng trực tiếp truyền hình. Chuyện sau hậu trường nói giỡn với nhau rồi lên sân khấu lại quen miệng nói đúng cái từ mình hay giỡn ấy là quá bình thường. Ngôn ngữ cũng là một dạng thông tin mà não bộ con người chính là một bản ghi theo kinh nghiệm của thông tin ấy. Bởi thế, cái việc lẫn lộn do thành quen âu cũng là việc thường.

Nói như vậy để thấy rằng cũng không nên trách Trấn Thành vì nói giỡn thành quen để giao hưởng hợp xướng thành một thứ 'giao' khác và 'xướng' khác.

Nhưng không thể không trách Trấn Thành cũng như nhà sản xuất chương trình ở một điểm đằng sau cái tai nạn đó.

Ấy chính là sự thô vụng về kiến thức và sự cẩu thả trong lựa chọn.

Thực tế, ca đoàn công giáo tham dự phần thi được Trấn Thành nhận xét ở đêm diễn kia không phải là một dàn giao hưởng hợp xướng. Và khi đối tượng không phải là dàn giao hưởng hợp xướng mà Trấn Thành, vị giám khảo của chương trình, lại có ý muốn gọi họ là giao hưởng hợp xướng thì điều đó chứng tỏ được gì? Đơn giản, nó chứng tỏ sự hạn chế của một người được đặt vào ghế giám khảo. Một dàn hợp xướng không thể được gọi là một dàn giao hưởng hợp xướng được. Ở cương vị một giám khảo, người đứng ra nhận xét, chấm điểm người khác, lẽ ra cần phải có kiến thức tối thiểu để hiểu dàn nhạc giao hưởng là cái gì, biên chế ra sao và một dàn hợp xướng, ca đoàn nhà thờ biên chế thế nào. Sự vật, hiện tượng sờ sờ ra trước mắt như thế mà còn không nhận ra!

Và việc ấy cho thấy, cách lựa chọn giám khảo của nhà sản xuất cũng quá tệ. Đồng ý là giám khảo các game show theo format nước ngoài như 'Vietnam's got talents' cần tuân thủ quy tắc cơ bản là họ phải là những người nổi tiếng. Song, người nổi tiếng thì cũng phải có trình độ chuyên môn nhất định ở thứ mà mình đang vừa giám lại vừa khảo chứ không phải cứ đưa một danh hài hút khách lên ghế nóng là được. Việc ấy vô tình đã biến chương trình thành sân khấu tấu hài đúng nghĩa.

Hề chèo của nghệ thuật cổ truyền vốn rất hay, thâm thúy, sâu sắc. Cơ bản đó là thứ hài hước của trí tuệ. Còn qua sự việc của Trấn Thành hôm nay, cùng với việc soi chiếu lại hàng loạt những chương trình tương tự, chúng ta nhận ra rằng, ngồi ghế giám khảo giải trí bây giờ dễ quá. Có chút danh tiếng là đủ, còn kiến thức ư, việc ấy thì hên-xui…

Đan Anh
.
.