"Đừng để vỡ bát mới kê cầu ao!"

Thứ Sáu, 22/04/2016, 14:19
Giỗ tổ năm nay không phải là lần đầu tiên ở Việt Nam chứng kiến chuyện người ta ùn ùn kéo về một địa danh nào đó, gây cảnh chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn. Chúng ta đã chứng kiến sự việc tương tự như thế ở nhiều nơi. Và chúng ta cũng thừa hiểu với nhau rằng, sẽ vẫn còn tình trạng như vậy diễn ra trong tương lai. 

Nhưng chúng ta không một ai nhắc đến tai họa tiềm tàng có thể xảy ra từ những đám đông ùn tắc ấy: đó chính là nguy cơ hỗn loạn đám đông dẫn tới thảm họa chết người.

Trong giới thể thao, không một ai quên thảm cảnh Hillsborough ở Anh năm 1989, khi mà khán đài sân vận động trở nên hỗn loạn khiến dòng thác người đạp lên nhau gây ra cái chết của 96 người cùng 766 người khác bị thương. Sức chứa của sân vận động ấy chưa đầy 40 ngàn người nhưng chúng ta cứ thử hình dung chỉ cần 1 khán đài thôi, với khoảng 15 ngàn người đổ xô tán loạn, điều khủng khiếp nào rồi sẽ xảy ra?

Biển người trong Lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: soha.vn

Còn trong đời thường, thảm họa giẫm đạp (trong tiếng Anh gọi là Strampede) cũng diễn ra nhiều lần, ví như ở Thượng Hải, đêm giao thừa dương lịch 31-12-2014. 300 ngàn người tụ tập đón giao thừa ở khu bến cảng và trong cơn hỗn loạn, họ đã dẫm đạp khiến 36 người chết và 49 người bị thương. 

300 ngàn người, ở một bến cảng, và nếu ta so nó với con số (theo như báo chí đưa tin) là hơn 2 triệu lượt người đổ xô về Đền Hùng hôm giỗ tổ vừa rồi, chúng ta không hẳn không rùng mình khi tưởng tượng ra một viễn cảnh u tối nào đó. Và viễn cảnh đó có thể sẽ xảy ra ở bất kỳ đâu trong tương lai nếu chúng ta tiếp tục chỉ trích mà không xoáy sâu vào những trọng tâm cần quan tâm nhất.

Quy chế tổ chức sự kiện của Việt Nam từ lâu nay đã quy định rõ nếu tổ chức sự kiện đông người ở ngoài trời thì bắt buộc phải có lực lượng an ninh; lực lượng cứu hỏa; lực lượng cấp cứu túc trực và các phương án thoát hiểm cụ thể để tránh tai nạn tập thể. Nhưng trên thực tế, các sự kiện tổ chức ngoài trời ở Việt Nam hôm nay đều bỏ qua rất nhiều quy định cụ thể và quan trọng đó.

Nếu chúng ta thử dành thời gian tới một live concert của một ca sỹ ngôi sao nào đó, tổ chức ở sân vận động, chúng ta sẽ không thể "bói" đâu ra một chiếc xe cứu thương. Trong khi đó, lực lượng Cảnh sát bảo vệ trật tự an ninh lại không được những đơn vị tổ chức biểu diễn xin tăng cường hỗ trợ đầy đủ mà thay vào đó, họ sử dụng các công ty bảo vệ vốn dĩ có chất lượng thiếu chuyên nghiệp.

Lực lượng Công an giải cứu người bị ngạt trong khi chờ dâng Lễ giỗ Tổ. Ảnh: zing.vn

Thực sự, chúng ta may mắn vì nhiều năm nay chưa có sự cố đáng tiếc nào xảy ra nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc nó sẽ không xảy ra. Song, dường như giới tổ chức sự kiện vẫn tảng lờ như thể họ quen với sự an toàn giả tạo bấy lâu nay rồi và mặc định luôn như thế là đã đủ an toàn.

Quay trở lại lễ hội Đền Hùng vừa rồi, chúng ta cũng nên nhận thức rõ ràng rằng các lễ hội cũng là các sự kiện và chúng cần được tổ chức một cách chuyên nghiệp nhất, với ý thức an toàn cao nhất. Nhưng vẫn có rất nhiều địa phương đã tảng lờ khâu chuyên nghiệp hóa tổ chức các sự kiện theo kiểu xuề xoà mỗi năm đến hội lại lên. Như thế, thảm họa vẫn đang luôn chực chờ lơ lửng trên đầu chúng ta mà vô tình, chúng ta coi như nó không thể nào xảy ra, không bao giờ tồn tại.

Đan Anh
.
.