Đọng lại sau hội sách

Thứ Sáu, 01/04/2016, 13:36
Có thể nói, trong tháng 3 vừa rồi, bên cạnh sự kiện "Tháng Áo dài", Hội sách là sự kiện văn hóa được trông đợi nhất ở TP Hồ Chí Minh. Và không nằm ngoài dự đoán, như một thuộc tính quen thuộc của thành phố sầm uất nhất phương Nam, hàng chục ngàn lượt người đã tìm đến công viên Lê Văn Tám, công viên đã trở thành "thủ phủ sách" của Sài Gòn trong vòng một tuần lễ. Sức mua cũng rất mạnh mẽ và điều đó cho chúng ta tin tưởng rằng, văn hóa đọc không hề "chết" như nhiều ý kiến bi quan vẫn từng được đưa ra từ trước đến nay.


Song, nếu phải trả lời một câu hỏi "Hội sách TP Hồ Chí Minh 2016 có gì mới mẻ hơn so với các lần tổ chức trước đây?", chúng ta sẽ giật mình nhận ra rằng "Nó vẫn y như thế, ngoại trừ một yếu tố duy nhất là có thêm nhiều đầu sách hơn". Và bản thân cái sự có thêm nhiều đầu sách hơn ấy cũng không phải là hệ quả của Hội sách mà nó chỉ là diễn tiến bình thường trong đời sống xuất bản hôm nay mà thôi.

Vẫn như mọi lần, Hội sách 2016 vẫn có những buổi giao lưu với các nhà văn, tác giả, những người nổi tiếng như là các sự kiện bên thềm của Hội sách. Và cũng vẫn như mọi lần, hội sách vẫn ồn ào trong tiếng loa công suất lớn của các gian hàng theo kiểu trăm hoa đua nở và trở thành thứ ô nhiễm tiếng ồn rất vô tình nhưng cũng đáng sợ.

Và sự  không có gì mới đó đặt ra một câu hỏi khác mà chúng ta có thể tự tin nói rằng ai cũng có khả năng trả lời. Đó là câu hỏi "Liệu chúng ta có thể tổ chức một Hội chợ sách tốt hơn nữa ở lần sau hay không?".

Rất dễ dàng, chúng ta có thể sẽ gặp câu trả lời đầu tiên chung nhất liên quan đến địa điểm tổ chức Hội sách. Công viên Lê Văn Tám rất đẹp, nhưng có một nơi còn đẹp hơn thế, phù hợp hơn thế và không gây ùn tắc giao thông như thế. Đó chính là không gian mở của hai công viên đối xứng nhau ngay phía trước mặt Dinh Thống nhất. Đó là hai công viên nằm xuôi theo hai con đường Alexandre de Rhodes và Hàn Thuyên, hai con đường mang tên 2 người gắn liền với chữ Nôm và chữ quốc ngữ, hai con người cực kỳ phù hợp với ý nghĩa của một Hội chợ tôn vinh sự viết, xuất bản và đọc.

Ngoài ra, không gian mở ấy cũng thoáng đãng hơn so với không gian khép kín phía sau hàng rào như công viên Lê Văn Tám. Hai công viên đó cũng rộng rãi hơn; đặc biệt lại rất gần với đường sách Nguyễn Văn Bình, con đường văn hóa mới của TP Hồ Chí Minh.

Có thể nhiều người sẽ nhận định rằng với không gian đó, tổ chức sự kiện sẽ khó khăn về mặt cấp phép nhưng nếu chúng ta nhìn vào các sự kiện diễn ra hàng năm ở đó, chúng ta mới thấy rằng chính quyền TP Hồ Chí Minh không khắt khe đến vậy. Hội chợ ẩm thực cũng đã từng diễn ra tại hai công viên kể trên; các chương trình ca nhạc quảng bá cho các thương hiệu cũng đã từng diễn ra ở hai công viên kể trên thì hà cớ gì, chính quyền TP Hồ Chí Minh lại nói không với sách.

Sẽ còn nhiều đáp án thêm vào nữa để Hội sách TP Hồ Chí Minh lần sau đặc sắc hơn; ví dụ như các đáp án cho các chương trình bên thềm, dạng như triển lãm các tranh minh họa, phụ bản sách; các góc trình diễn ca nhạc với không khí nhẹ nhõm, không nặng về hình thức và trang thiết bị để trở nên quá ồn ào; các góc đọc sách cho thiếu niên nhi đồng cùng nghe… Và hi vọng, ở kỳ Hội sách sau, những người chịu trách nhiệm, những nhà tài trợ đồng hành sẽ cùng nhau đổi mới Hội sách thực sự, để khu vực trước mặt Dinh Thống nhất, TP Hồ Chí Minh, sẽ trở thành địa chỉ văn hoá quen thuộc của không chỉ người Sài Gòn mà còn cả với những du khách đến từ mọi miền đất nước.

Văn Đoàn
.
.