Đổi mới, làm mới thơ

Thứ Hai, 23/11/2015, 08:00
Mấy năm gần đây, nhiều bài viết nói về đổi mới, cách tân, hiện đại, hay hậu hiện đại gì đó trong thơ. Cộng đồng mạng cũng có nhiều bài khen, chê, phê phán, hay giễu cợt vấn đề này. Từ đây người ta còn suy ra chuyện này, chuyện khác nữa. 

Tôi viết bài này với tư cách là một người yêu thơ, một nhà thơ, hoàn toàn không phải là nhà phê bình hay nghiên cứu gì cả, viết theo suy nghĩ của chính mình.

Làm mới vốn là đặc tính của con người. Mà không chỉ con người, cây cối, muôn loài sinh vật cũng luôn tự làm mới mình. Như cái cây thay lá, như con rắn lột xác… Làm mới thơ vốn là chuyện từ lâu.

Phong trào Thơ Mới quả là một cuộc đổi mới thực sự trong thơ Việt Nam hiện đại, đổi mới từ tư duy đến phong cách, từ tư tưởng đến ngôn từ…

Còn từ đó đến nay, theo tôi chỉ nên gọi là làm mới thơ chăng?

Nhà thơ Giáng Vân, người luôn ủng hộ những cây viết trẻ, gần đây có gửi cho tôi một số tập thơ tham gia giải "Lá trầu" và giải thơ "Bách việt". Tôi đọc các tác giả trẻ từ lâu. Từ các cuộc thi "Tác phẩm tuổi xanh" trên Báo Tiền Phong, từ các bài thơ đăng báo, báo Trung ương, báo địa phương… rõ ràng một lớp trẻ đang cố gắng làm mới mình, làm mới thơ, làm mới người đọc. Trẻ, bản thân họ vốn là lớp người mới rồi, và không chỉ có trẻ, cả những nhà thơ U70, U80 cũng từng ngày tự làm mới mình, làm mới thơ, và có những câu thơ, những bài thơ của họ đã thành công như Lê Đạt, Trần Dần…

Hội thảo quốc tế thơ Việt - nơi lưu giữ tâm hồn Việt.

Thực ra, làm mới thơ không đồng nghĩa với sáng tạo ra một nền thơ ca mới. Nhưng, cuộc sống luôn thay đổi, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người càng gia tăng, càng thay đổi, nhu cầu bạn đọc cũng vô cùng, vô tận… Một xã hội vật chất luôn đổi mới, tất phải có một xã hội tinh thần tương ứng.

Theo tôi, không biết có chính xác không, hiện có ba khuynh hướng trong thơ ta hiện nay. Khuynh hướng làm mới thơ (chủ yếu là lớp trẻ, trong đó có cách tân, hiện đại hay hậu hiện đại gì đó), khuynh hướng thơ quần chúng, hay đại chúng (có đủ các lứa tuổi); tôi gọi là thơ vần vè, vì là những bài có vần của các cụ nghỉ hưu, hay những người thích thơ ở các câu lạc bộ thơ quần chúng, ở thôn, xã, phường… và khuynh hướng truyền thống.

Truyền thống, là ý tôi muốn nói, họ không quan tâm đến khuynh hướng nào cả, họ làm thơ như từ trước đến nay các nhà thơ vẫn làm. Điều mà hầu hết các nhà thơ này quan tâm là thơ hay. Có thơ hay. Tôi cũng ở trong số này. Tôi cho rằng, thơ hay, có được một câu thơ hay, một bài thơ hay tức là nhà thơ đã sáng tạo ra cái mới, cái mới đích thực trong thơ.

Nhưng như thế nào là thơ hay? Đó là cả một vấn đề. Người ta khó định nghĩa về thơ, càng khó định nghĩa thế nào là thơ hay.

Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Ai bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua, sân trước nở cành mai

Những câu thơ trên của Mãn Giác Thiền Sư (tôi không rõ nguồn dịch) cách chúng ta mười một thế kỷ, nhưng vẫn rất mới, và tôi đồ rằng, nhiều thế kỷ sau vẫn là những câu thơ hay.

Bóng trăng đã xế, hoa Lê lại gần

(Nguyễn Du -  "Truyện Kiều")

Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ
Tình yêu đến, tình yêu đi, ai biết

(Xuân Diệu)

Ai bảo rằng đó là những câu thơ đã cũ!

Dẫu vậy, mọi thứ trên đời đều có thời của nó. Có những câu thơ, những bài thơ sống được với thời gian, sống qua nhiều thời. Nhưng, cũng có những bài thơ, những câu thơ hay chỉ của một thời. Ở nước ta, nhất là mấy chục năm qua điều này càng thấy rõ. Điều đáng nói là hai thái cực: Phủ nhận hoặc khăng khăng ngộ nhận… từ đó nảy sinh những sự suy diễn, quy chụp. Sự ẫu trĩ của một thời tưởng đã qua, nhưng thực ra nó vẫn tồn tại ở một dạng khác khó nhận ra.

Quay lại sự làm mới thơ, đang là một thực thể. Từ hình thức các tập thơ: tròn, vuông, lục lăng… đến cách trình bày bìa cũng đã là sự làm mới, làm khác lạ. Tôi đang có trong tay hai tập thơ "Ma thuật ngón" thế hệ 6X và "Ngày cười" thế hệ 8X. Bìa của tập thơ "Ma thuật ngón" vẽ một con cào cào hay châu chấu gì đó, giống như bìa cuốn truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" nổi tiếng của Tô Hoài. Ngay cái tên tập thơ "Ma thuật ngón" cũng đã nói lên phần nào cái sự lạ…

Một ngón ma thuật
Một ngón im lặng
Một ngón kiếp trước
Một ngón đốm lửa
Một ngón, tàn tro
…Phải mất đi bao nhiêu ngón
Phải thêm bao nhiêu ngón
Mới đủ một bàn tay
Lạ đấy chứ!

(Ma thuật ngón)

Đến bài thơ "Sỏi"

…Bên ngoài bóng tối
Bàn tay nguyện cầu
Kìa hòn sỏi nhỏ
Đến rồi đi đâu…

Cái sự lạ đã thành quen. Tôi thích hai bài thơ này của Trần Tuân trong tập "Ma thuật ngón". Còn tập thơ "Ngày cười" lại hình tròn, giống một CD. Khi Dương Anh Xuân viết trong "Ngày cười": "Không ai biết lúc nào thì một con cá đang khóc/ Vì khi nó khóc, nước mắt của nó đã hòa cùng làn nước trong xanh hớn hở chảy kia rồi…" thì tôi hiểu rằng, quả thực đã có một lớp người làm thơ khác lớp chúng tôi.

Tôi có đọc một bài trả lời phỏng vấn của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo - một trong những người luôn ủng hộ lớp trẻ, trên tờ báo của Hội Nhà báo TP Hồ Chí Minh thì phải? Nguyễn Trọng Tạo đã kể ra một loạt cây viết trẻ, có lớp đã định hình như Phan Triều Hải, Vi Thùy Linh, có lớp đang dần định hình như Trang Thanh, Dương Anh Xuân, Trần Nguyễn Anh v.v… Tôi đã đọc khá nhiều bài thơ của những người viết này. Lấy một ví dụ như bài thơ "Nằm nghiêng" (cùng là tên của tập thơ), nhiều người khen hết lời, lại có người chê, thậm chí phê phán quyết liệt. Trên Báo Văn Nghệ hôm trước có bài viết của nhà thơ Lê Quốc Hán bình bài thơ hay, mấy hôm sau lại có bài phê phán, cho rằng, không thể chấp nhận được!

Có lẽ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là người làm mới thơ ở thời điểm giao mùa giữa thế hệ các nhà thơ sau năm 1975 và trước đó. Cho đến nay, còn nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có những đóng góp cho thơ ở thời điểm cần một cú hích cho sự phát triển mới qua tập thơ "Sự mất ngủ của lửa".

Người ta nói nhiều đến Mai Văn Phấn, một nhà thơ nỗ lực đổi mới, có người khen, người chê, tôi thiển nghĩ rằng trong sự làm mới, cuối cùng lại quay về cái gốc của thơ như hai câu của Mai Văn Phấn mà tôi thích "Ghé môi vào miệng thời gian / Cho hơi thở mọc muôn vàn cỏ non".

Làm mới cũng có "ba bảy đường", nhất là trong nghệ thuật. Có người làm mới bằng cách đảo ngược, đảo ngang, nói trái những gì người ta vẫn nói, làm trái những gì người ta vẫn làm. "Tôi ăn cơm" thì nói "Cơm ăn tôi"… đó là cách làm mới bề ngoài, thực ra nó chẳng có gì mới. Đám thanh niên để tóc đuôi gà, nhuộm xanh, nhuộm đỏ tưởng rằng là mới lạ, thực ra thứ "mốt" đó thế giới đã thải, loại ra khỏi mấy chục năm rồi. Các loại chủ nghĩa "tượng trưng", "Siêu thực", "Hiện sinh", "Hậu hiện đại"… người ta nghe cũng đã nhàm tai. Thơ bậc thang, thơ hình tháp, thơ một chữ, thơ hai câu, thơ văn xuôi… người ta đã làm từ lâu.

Có người nói, thơ là "ma thuật của ngôn từ". Quả thật, ngôn từ cực kỳ quan trọng đối với thơ. Nhưng, nói như Trương Trào trong "U mộng ảnh" (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê ) "Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ". Người thơ phải sống thế nào, yêu thế nào, hạnh phúc, khổ đau thế nào, khao khát cháy bỏng đến đâu, tài năng, trí tuệ, sự biến hóa, của tâm hồn… phải đạt đến mức nào thì mới có thể điều khiển được, sáng tạo ra được, làm chủ được "ma thuật" của ngôn từ. Nếu không cũng chỉ là "thuật giả kim hoàn" mà thôi.

Nhiều bài thơ, nhiều tập thơ, nhiều tác giả đã không thành công khi cố ý "làm mới, làm lạ" trong thơ. Họ ngộ nhận là sáng tạo, thực tế là làm rối rắm, đi vào chữ nghĩa vụn vặt, suy nghĩ vụn vặt, "triết lý" vụn vặt, khó hiểu, người đọc không hiểu họ nói gì, mà có khi chính người viết ra những loại thơ như thế cũng không hiểu mình nói gì? Đó người ta gọi là: Tắc tỵ!

Tuy nhiên, dựa vào điều này để dè bỉu, để phủ nhận, để suy diễn, chụp cho họ những cái mũ ngoài thơ, thật nguy hiểm. Trong việc làm ra cái mới, không phải việc gì cũng thành công. Người sáng tạo có quyền thể nghiệm, có quyền thất bại. Thất bại để thành công. Trong rất nhiều câu thơ, bài thơ của họ ta khó chấp nhận, nhưng lại có những câu thơ hay…

Vấn đề là làm mới từ trong tư tưởng, suy nghĩ, sáng tạo… chứ không chỉ làm mới về ngôn từ.

Tôi xin trích mấy câu thơ của nhà thơ Phạm Khải mà tôi đã chọn đưa vào tập "Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ" (Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 2013) để kết thúc bài viết này:

Tập như trái đất
Lặng thầm mà quay
Tập như trăng sáng
Lặng im mà đầy…

Tôi thiển nghĩ đây cũng là một cách làm mới thành công. Cứ "lặng thầm" mà sáng tạo, "lặng im mà đầy" như mặt trăng vậy.

Nhà vườn Sóc Sơn,  2015

Dương Kỳ Anh
.
.