Đôi khi giật mình nhận ra

Thứ Năm, 28/04/2016, 08:39
Nhạc sỹ Thanh Tùng mất được tròn một tháng và cũng trong vòng 1 tháng đầu tiên làng văn nghệ Việt Nam vắng ông, đã có mấy dự án âm nhạc với chủ đề Thanh Tùng được bắt tay vào sản xuất. Những chủ nhân của các dự án ấy nổi danh có; chưa nổi danh có; già có; trẻ có, đủ cả...

Nhớ đến một người đã khuất, một đại thụ của nhạc nhẹ Việt Nam, điều đó tốt thôi. Nhưng không phải nhớ đến, tri ân chỉ có mỗi một cách là hát lên những tác phẩm của đại thụ ấy. Bản thân tác phẩm có sức sống của nó và khi nó đã được ghi nhận, đã đi sâu vào lòng công chúng, ví như "Giọt nắng bên thềm"; "Một mình"; "Cơn bão nghiêng đêm"… chẳng hạn, người ta có thể thực hiện dự án âm nhạc với các tác phẩm có sức sống mãnh liệt đó bất kỳ lúc nào, nếu người ta thực lòng yêu chúng, chứ không phải ở vào lúc người nhạc sỹ tài hoa ra đi, mới bắt đầu bắt tay vào thực hiện với mục đích "tưởng nhớ".

Dường như, đó là cái tâm thức chung, tâm thức chợt giật mình nhận ra rằng có những điều vô cùng giá trị, mà trong dòng đời, chúng ta quên bẵng đi. Chỉ đến khi có một biến cố lớn liên quan đến những điều giá trị ấy, ta mới lục lại, và bắt đầu say mê trở lại.

Thế nên, người đời mới có câu hát "nếu có yêu tôi, thì hãy yêu tôi bây giờ. Đừng để ngày mai đến lúc tôi xa người". Nếu yêu mến nhạc phẩm của một nhạc sỹ nào đó, hãy hát nó khi người ấy còn có thể lắng nghe. Đừng để đến lúc người nằm xuống rồi, tiếng hát cất lên, vẫn lẻ loi một góc nào đó.

Trước ngày đưa đám nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 một hôm, tôi ngồi ăn tối với Đức Trí. Anh nhận được điện thoại thông báo từ Mỹ là lô đĩa vynil "Lặng lẽ tiếng dương cầm" tái bản đợt mới đã in ấn xong, và sẽ gửi về Việt Nam sớm. "Lặng lẽ tiếng dương cầm" là dự án Đức Trí sản xuất năm 2012, cho ra mắt năm 2013, gồm tập hợp các nhạc phẩm của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9. Dự án này có sức tiêu thụ rất tốt, và nhu cầu tái bản cũng rất cao.

Thị trường chơi đĩa vynil săn lùng sản phẩm này khá gắt gao. Nhưng Đức Trí đã có một quyết định rất tình, khi anh nói với tôi: "Thiêng thật. Chú vừa mất thì đĩa tái bản có rồi. Nhưng anh sẽ không phát hành lúc này. Anh không muốn người ta nghĩ mình lợi dụng thời điểm chú mới mất. Dừng lại một thời gian cũng không sao". Và tôi, không cần giật mình, vẫn nhận ra rằng tôi yêu quý Đức Trí là đúng. Anh mang tâm thế khác với đám đông ngoài kia, một đám đông khi người ta còn sống thì quên nhanh, khi người ta chết rồi, lại tỏ ra thương cảm sâu sắc.

Sực nhớ, tôi mới mua một album rất hay của Isabelle Boulay, ra mắt năm 2014, tháng Năm. Album ấy tên là "Merci Serge Reggiani" và trong album, gần như toàn bộ các ca khúc là sáng tác của Serge Reggiani, nhạc sỹ, ca sỹ Pháp gốc Ý. Ông mất vào tháng 5/2004, và 10 năm sau, Boulay ra mắt đĩa nhạc dành cho ông. Nhưng suốt trong sự nghiệp của mình, từ năm 1993 khởi nghiệp, Boulay đã hát rất nhiều ca khúc của Reggiani. Cô ra album mang cái tên "Cảm ơn Serge Reggiani" với lời giới thiệu: "Từ ông, tôi đến với âm nhạc. Từ ông, tôi là Isabelle Boulay".

Tại sao Boulay không làm đĩa ấy năm 2004, đúng thời điểm Reggiani chết? Chúng ta đều có câu trả lời rồi.

Vì thế, nếu có yêu ai, thì hãy yêu ngay bây giờ, khi người ấy còn đây, sống, và thở…

Đừng để một mai, tự nhiên giật mình nhận ra, thì lúc ấy, đã muộn…

Văn Đoàn
.
.