Kịch múa Việt Nam:

Đi tìm giấc mơ mang tên mình...

Thứ Năm, 16/04/2015, 08:02
Kịch múa được coi là hình thức đỉnh cao của một nền nghệ thuật múa. Một nền nghệ thuật múa phát triển không thể thiếu vắng kịch múa. Tuy nhiên, một thực tế rất đáng buồn là hiện nay, sân khấu Việt đang rất thiếu những tác phẩm kịch múa xứng tầm. Xây dựng nền kịch múa Việt, làm cầu nối để quảng bá, đưa múa Việt Nam ra thế giới có lẽ vẫn là một giấc mơ quá xa vời...

Những "điểm sáng" hiếm hoi

Theo thống kê của chúng tôi thì tính trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, số lượng kịch múa Việt Nam được dàn dựng mới chỉ dao động trong khoảng hơn chục tác phẩm. Tính trung bình, mỗi năm, chúng ta chỉ có được một tác phẩm kịch múa mới. Đây là con số quá ít ỏi so với tiềm năng của kịch múa Việt. Sau "cao trào" ra đời một số tác phẩm múa nhân dịp kỷ niệm những ngày lễ trọng đại của đất nước như chào mừng Đại hội Đảng, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội, sân khấu múa có những "khoảng trống" về kịch múa.

Sự ra đời của một số kịch múa cuối năm 2014, đầu năm 2015 vừa qua đã "nhen" lên trong lòng công chúng yêu nghệ thuật về "sự tái sinh" của kịch múa. Đó là những "điểm sáng" hiếm hoi trong bối cảnh kịch múa đang loay hoay tìm một chỗ đứng cho riêng mình.

Trước tiên phải kể đến "Tổ quốc" (kịch bản, cố vấn biên đạo: NSND Hà Thế Dũng, biên đạo Tạ Thùy Chi, Lương Xuân Thành) - sản phẩm phối hợp giữa Trường múa TP HCM và Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh "trình làng" cuối tháng 3 vừa qua. Đây là tác phẩm chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Với bốn phần rõ rệt là: Dấu chân phía trước - Rào cản - Cuộc chiến nội đô và Khúc khải hoàn, biên đạo trẻ Thùy Chi, Xuân Thành đã mang đến cho khán giả những cung bậc cảm xúc khác nhau về cuộc chiến hào hùng của quân và dân ta. Cùng nằm trong dòng đề tài lịch sử cách mạng, tháng 8/2014, vở múa "Khoảnh khắc bất tử" (Biên đạo: NSND Anh Phương, Tuyết Minh, Hồng Phong), chào mừng kỷ niệm Quốc khánh 2/9 và 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã có hai đêm "hội ngộ" khán giả thủ đô. Vở múa tái hiện hình ảnh người con gái Đất Đỏ, nữ anh hùng liệt sỹ Võ Thị Sáu - một biểu tượng sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Kịch múa cần có những mảng đề tài phản ánh hơi thở, cuộc sống xã hội đương đại. Trong ảnh: Một cảnh trong kịch múa "Con tạo xoay".

Theo đánh giá của giới chuyên môn thì kể từ vở kịch múa đầu tiên mang tên "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh" được dàn dựng và biểu diễn từ những năm 60 của thế kỷ trước, "Khoảnh khắc bất tử" mới là "thế hệ" tiếp nối "ra tấm, ra món". Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, "Khoảnh khắc bất tử" đánh dấu sự hiện diện trở lại của loại hình hàn lâm kịch múa trên sân khấu Việt.

Một "điểm sáng" nữa không thể không nhắc đến là vở kịch múa "Con tạo xoay" (cố vấn nghệ thuật: Thiếu tướng, nhạc sỹ An Thuyên; Biên đạo: Tuyết Minh, Cao Chí Thành, Dương Đình Hải) do Đoàn nghệ thuật múa Khám phá biểu diễn hồi cuối tháng 8/2014. Với "dàn sao" trưởng thành từ cuộc thi "Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance" như Dương Đình Hải, Thái Sơn, Toàn Trung, Tuấn Đạt…

"Con tạo xoay" đã đem đến cho khán giả sự thăng hoa và nhiều cảm xúc qua câu chuyện về số phận, đời người. Trải qua 6 phân đoạn, "Con tạo xoay" đưa khán giả đi hết một vòng đời người với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Vở diễn hướng con người đến sự nhân văn, sống có trách nhiệm và có tình hơn. Điều đáng nói ở "Con tạo xoay" là việc khai thác sử dụng mạnh mẽ ngôn ngữ múa đương đại và đề tài kịch múa mới mẻ, hướng đến khán giả trẻ.

"Tổ quốc", "Khoảnh khắc bất tử", "Con tạo xoay" không chỉ "đánh dấu" sự trở lại của kịch múa mà còn là tín hiệu rất đáng mừng từ đội ngũ biên đạo múa trẻ. Tuyết Minh, Hồng Phong, Cao Chí Thành, Dương Đình Hải, Tạ Thùy Chi, Lương Xuân Thành… đều là những gương mặt biên đạo trẻ được học tập, đào tạo bài bản ở trong và ngoài nước. Tư duy, tiếp cận vấn đề cũng như cách hòa trộn ngôn ngữ múa của họ thổi một làn gió mới vào kịch múa Việt Nam.

Khó thu hút khán giả ở đề tài lịch sử

Một điều dễ nhận thấy là mảng đề tài mà kịch múa Việt Nam khai thác thời gian gần đây chủ yếu là đề tài lịch sử và được Nhà nước "đặt hàng" nhân dịp chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước. Bốn vở kịch múa: "Nguồn sáng" (Biên đạo: NSND Anh Phương, Hồng Phong - Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam); "Một thời và mãi mãi" (Biên đạo Lê Huân, NGƯT Bá Thái, Hồng Hà - Hội Nghệ sỹ Múa Đà Nẵng); "Đất nước" (Biên đạo NSND Ứng Duy Thịnh - Nhà hát Quân đội), "Chuyện tình non sông" (Biên đạo NSND Việt Cường, Kim Quy - Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP HCM) chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X. Tương tự như vậy, dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội có "Chiến thắng mùa hoa Đào" (Biên đạo Tuyết Minh), "Ngọn lửa Hà Thành" (Tổng đạo diễn NSND Công Nhạc; Biên đạo: Hữu Từ, Kiều Lê). Gần đây nhất, "Mệnh đất tình trời" ra mắt vào dịp Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Nhà hát Ca múa nhạc dân  tộc Việt Nam năm 2012, "Khoảnh khắc bất tử" ra đời dịp kỷ niệm Quốc khánh mùng 2/9 và 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam", "Tổ quốc" là tác phẩm chào mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước…

Giá trị và ý nghĩa chính trị của những tác phẩm kịch múa về đề tài lịch sử đã được khẳng định nhưng việc bó hẹp mảng đề tài như vậy đã khiến kịch múa chưa bám sát được hơi thở cuộc sống đương đại. Trong bốn tác phẩm được dàn dựng chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, chỉ có "Nguồn sáng" ít nhiều tạo được tiếng vang do thể hiện bằng ngôn ngữ múa dân gian kết hợp với múa đương đại phương Tây và đề tài nói về công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Hai kịch múa lịch sử là "Chiến thắng mùa hoa đào" và "Ngọn lửa Hà thành" mặc dù có quy mô hoành tráng nhưng cũng không tạo được sức hút. Nhiều người nhận định rằng, "Chiến thắng mùa hoa đào" và "Ngọn lửa Hà thành" chưa thoát khỏi lối mòn trong cách kể chuyện để tạo bước đột phá mới khi tiếp cận mảng đề tài lịch sử. Tương tự như vậy, "Tổ quốc" dù đã rất chú trọng ở khâu quảng cáo, tiếp thị nhưng chưa buổi biểu diễn nào hàng ghế khán giả được lấp đầy. Khán giả, nhất là khán giả trẻ không mấy "mặn mà" với múa về đề tài lịch sử cách mạng nói chung, kịch múa về đề tài này nói riêng.

Cần thay đổi hướng tiếp cận kịch múa

Hiếm hoi lắm, trên sân khấu kịch múa mới có một số tác phẩm "thoát" khỏi mảng đề tài truyền thống như "Sương sớm" (Biên đạo Tấn Lộc, ra mắt lần đầu năm 2011), "Chuyện kể những chiếc giày" (Biên đạo Tấn Lộc, ra mắt năm 2011), "Dấu trừ" (Biên đạo Ngọc Anh, ra mắt năm 2011), "Con tạo xoay" (Biên đạo Tuyết Minh, Cao Chí Thành, Dương Đình Hải, ra mắt năm 2014). Những vở kịch múa "trẻ" đã có thời điểm tạo nên "cơn sốt" vé - một hiện tượng rất "hiếm" trong làng múa.

Nếu "Dấu trừ" mang đến quan điểm "hãy sống chậm trong một thế giới chuyển động quá nhanh, nơi công nghệ thông tin đã len lỏi vào mọi ngõ ngách trong cuộc sống" thì "Sương sớm" lại mang đến hình ảnh tươi đẹp về nông thôn Việt Nam qua ngôn ngữ múa đương đại nhưng cũng đậm chất truyền thống. Trong khi đó, "Chuyện kể về những chiếc giày" mang đến những góc nhìn khác về nghề múa với những cung bậc đa chiều của niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc trong nghề.

Mặc dù còn nhiều điều đáng bàn trong sáng tác của người trẻ về cách hòa trộn ngôn ngữ múa, tính dân tộc trong múa, nhưng rõ ràng, hướng tư duy và đề tài mà họ hướng tới đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều người yêu nghệ thuật.

Để kịch múa Việt muốn được công chúng đón nhận và tạo dựng được vị thế của một loại hình nghệ thuật "đỉnh cao" cần phải mở rộng, đa dạng hóa mảng đề tài sáng tác. Cần có những mảng đề tài "gai góc", sống động, phản ánh sinh động, chân thực cuộc sống hiện đại bên cạnh mảng đề tài "truyền thống" là lịch sử, chiến tranh cách mạng. Đối tượng khán giả tiềm năng nhất của bất cứ loại hình nghệ thuật nào cũng là khán giả trẻ. Chúng ta chỉ "lôi kéo" được khán giả trẻ khi có tác phẩm nghệ thuật thực sự hấp dẫn, phản chiếu được hình ảnh của chính họ trong nghệ thuật.

Nhiều người nói rằng, cái khó nhất của kịch múa hiện nay là thiếu kịch bản hay và kinh phí dàn dựng nhưng theo chúng tôi nghĩ, cái "vướng" nhất là phải tìm ra hướng tiếp cận kịch múa mới, tránh lối mòn theo kiểu truyền thống. Một nền nghệ thuật múa không thể thiếu kịch múa và nếu chúng ta không tìm được hướng phát triển cho kịch múa thì nền nghệ thuật múa sẽ khó có thể vươn xa để bắt nhịp phát triển với thời đại.

Tường Phạm
.
.