Đầu năm nghĩ đôi điều về tiếng Việt
Câu hỏi này đã có vị giáo sư người Mỹ trả lời giúp. Trong một lần tham dự buổi tọa đàm khoa học được tổ chức tại Resort Hoàng Anh Gia Lai (TP Đà Lạt), cũng dịp đầu năm mới, tôi đặc biệt chú ý đến bài tham luận của Giáo sư Kim Tơk Chung, vì những luận cứ khoa học hết sức thuyết phục và sắc sảo. Chủ trì buổi tọa đàm giới thiệu ông là người Mỹ, nhưng tôi vẫn ngờ ngợ rằng, ông là người Mỹ, gốc Hàn?
Thế rồi, khi buổi tọa đàm kết thúc và mọi người bắt đầu vào tiệc, nhìn thức ăn đã được bày sẵn trước đó, ông buột miệng bằng tiếng Hàn: "Mơ xi ku na!" (thức ăn ngon quá!), thì sự ngờ ngợ của tôi đã có lời giải. Tôi biết chắc giáo sư là người gốc Hàn Quốc nên đã chủ động đến chào ông. Bởi tôi vốn là cựu sinh viên chuyên ngành Hàn Quốc học, nên cũng biết tý chút về tiếng Hàn. Giáo sư thật sự xúc động và đã bật khóc. Ông bảo: "Ở một nơi xa xôi như Đà Lạt, tôi không ngờ lại có người nói được tiếng nước tôi".
"Tiếng nước tôi" và "tiếng Hàn Quốc" giống nhau về mặt ngữ nghĩa, song lại khác xa về góc độ tình cảm. Vì "tiếng nước tôi" chính là "linh hồn dân tộc tôi". Cách sử dụng từ ngữ của giáo sư đã gây rất nhiều thiện cảm trong tôi. Ông kể, ông rời Hàn Quốc sang Mỹ định cư từ lúc còn nằm trong bụng mẹ. Hiện tại, ông mang quốc tịch Mỹ. Tuy vậy, chỉ khi thật sự cần thiết, ông mới sử dụng tiếng Anh và luôn dùng đúng nơi, đúng chỗ.
Trong một giờ dạy tiếng Việt ở Trường dân tộc nội trú Đạ Tẻh. |
Trong sinh hoạt, tiếng Hàn vẫn luôn chiếm vị trí ưu tiên. Điều này không có nghĩa ông kém tiếng Anh. Trái lại, không chỉ rành rẽ tiếng Anh, ông còn biết tường tận cả tiếng Pháp, tiếng Đức. "Cộng đồng Hàn ngữ chúng tôi luôn tâm niệm, tiếng Anh đơn thuần chỉ là một công cụ, đúng hơn là một phương tiện cần thiết trong công việc, trong giao dịch, chứ chẳng có liên quan gì đến đẳng cấp hay địa vị của người sử dụng cả. Tiếng Đức, tiếng Pháp cũng vậy! Có nhiều con em người Hàn Quốc sinh ra tại Mỹ, mặc dù chưa biết Hàn Quốc là đâu, nhưng tiếng Hàn luôn là ngôn ngữ chính, bên cạnh tiếng Anh", Giáo sư Kim cho biết.
Theo Giáo sư Kim Tơk Chung, một dân tộc chỉ thật sự là nó, một khi người dân của dân tộc đó nói được bằng chính ngôn ngữ dân tộc mình. Thế giới ngày càng phẳng thì ý thức gìn giữ bản sắc dân tộc lại càng trở nên quan trọng. Bởi vậy, người Hàn Quốc dù sinh sống ở đâu, luôn có một tâm cảm chung, đó là hướng về cội rễ; đặc biệt, về ngôn ngữ mẹ đẻ. Mỗi người Hàn chỉ cần phát hiện một phần dù rất nhỏ những giá trị tinh thần của ông cha (như việc nghe tôi nói tiếng Hàn chẳng hạn), cũng được coi là một việc rất tốt để trả nghĩa tổ tiên. Chả thế mà khi phóng chiếu tâm thức dân tộc Việt vào "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, học giả Phạm Quỳnh đã nói một câu bất hủ: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn", cũng vì một lẽ ấy.
Soi chiếu những sẻ chia của vị giáo sư người Mỹ, gốc Hàn vào tiếng Việt và con người Việt, tôi nhận thấy tiếng Việt đang dần bị biến dạng và con người Việt thì lại quá tự ti trong việc tiếp thu văn hóa nước ngoài. Chỉ cần ngồi trước vô tuyến truyền hình, hoặc lật giở vài trang sách, báo một lúc là tôi có thể lôi ra hàng đống những câu, chữ Tây không ra Tây, ta chẳng ra ta, mà Tàu cũng không ra Tàu, tỷ như: Fan hâm mộ (đã fan sao còn hâm mộ?), một phong cách style (đã nói phong cách lại còn thêm style chi vậy?), rồi thì các (hộ?) gia đình, (đường?) quốc lộ, (đường?) phi đạo...
Đó là thói ba rọi, một kiểu bắt chước rẻ tiền, hổ lốn. Trong giao tiếp hàng ngày, chẳng biết tự bao giờ người Việt lại có thói quen khi nói thường chêm vài từ tiếng Anh vào và hậu quả là ngày càng xuất hiện tràn lan những từ nửa ta nửa Tây, kiểu: Cực hot (nóng), cực cool (mát, lạnh), tuổi teen (tuổi mới lớn)... Nguy hại ở chỗ vô hình trung tạo ra tâm lý đám đông kỳ thị, cho rằng mình ở một đẳng cấp cao hơn khi nói tiếng nước ngoài và coi đấy là trào lưu thời thượng. Nếu chẳng may ai đó lỡ miệng gọi căng thẳng thần kinh, lập tức sẽ bị đám đông người xung quanh cho là nhà quê, nên phải tự "phố hóa" mình bằng cách nói stress, cũng như thay vì nói câu lạc bộ thì phải nói club, hoặc gọi kiosque thay cho quầy sạp, hay nói restaurant thay vì phải nói nhà hàng... nghe cho nó oách.
Thói quen nói và viết tiếng Việt xen lẫn vài từ tiếng Anh, hoặc tiếng Pháp không chỉ xảy ra ở những nơi tập trung đông du khách nước ngoài như sân bay, khách sạn, nhà hàng, trung tâm lữ hành..., mà kể cả những nơi đèo heo hút gió, tiếng nước ngoài vẫn len lỏi chưng ra mọi lúc mọi nơi, trong mọi ngữ cảnh mà tiếng Việt hoàn toàn đủ khả năng diễn đạt. Có điều không phải ai trong số này cũng giỏi tiếng Anh, tiếng Pháp. Phần đông chỉ cố dùng vài từ tiếng nước ngoài để chứng tỏ mình Tây và để "hù" người khác là chính. Đã thế, nhiều người còn trơ trẽn cho đây là một cách hiện đại hóa tiếng Việt. Nhưng hiện đại kiểu ấy thì... tôi thà mang tiếng lạc hậu để khỏi làm hỏng tiếng Việt.
Tôi nghĩ, đã đến lúc các nhà lập pháp Việt Nam, cụ thể ở đây là Quốc hội, nên ngồi lại bàn bạc và sớm đi đến thống nhất đưa ra một quy chuẩn tiếng Việt bằng Luật hoặc Pháp lệnh, để tránh tình trạng sử dụng tiếng Việt một cách bừa bãi, lộn xộn như hiện nay. Các nhà lập pháp Việt Nam cần hiểu rõ và quy định cụ thể, chặt chẽ cách đặt tên (con) theo chuẩn của người Việt thì như thế nào, tối đa được dùng bao nhiêu chữ? Chứ cái kiểu mạnh ai nấy đặt, đại loại: Honey Tran, Rosa Nguyen, Ninh Trần Nguyễn Quốc..., thì chẳng biết ngôn ngữ Việt sẽ đi về đâu?
Nếu là nữ, có bắt buộc tên đệm phải là thị hay không nhất thiết phải có thị? Còn nhiều, nhiều nữa những bất cập trong văn phạm và chính tả cần phải chú trọng một cách rốt ráo cả trên bình diện giảng dạy cho học sinh lẫn công tác in ấn, xuất bản. Quốc hội sớm chỉ đạo Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Viện Ngôn ngữ học và các tổ chức xã hội như Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam... có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Những tổ chức này cần có văn bản yêu cầu, hướng dẫn các biên tập viên các báo, đài, nhà xuất bản đặc biệt hết sức chú ý sửa chữa các sai phạm về chính tả trong sách, báo, tạp chí, bản tin... trước khi đưa đi in, hoặc lên sóng cũng như việc cần hay không cần phiên âm tiếng nước ngoài ra âm Việt. Nếu phiên âm, cần thiết phải thống nhất cách phiên âm, tránh tình trạng mỗi báo, mỗi đài nói một cách, viết một cách.
Tôi lấy ví dụ, Thủ đô nước Pháp, có báo viết Paris, có báo lại viết Pari, có báo thì viết Ba Lê... Mê-hi-cô là từ người Việt đã quen dùng để gọi tên một quốc gia nằm ở Trung Mỹ, gần đây có đài lại nói là Mexico. Nước Ai Cập, quốc gia nằm ở Bắc Phi, có báo viết là Egypt... Tên những quốc gia, vùng lãnh thổ đã được Việt hóa (Đức, Ba Lan, Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Điển, Hồng Kông, Đài Loan...), có nên tiếp tục sử dụng tiếng Việt? Còn tên những quốc gia, vùng lãnh thổ, các thành phố trên thế giới chưa được Việt hóa, cũng cần được thảo luận kỹ lưỡng để đi đến thống nhất nên viết theo tiếng Anh hay tiếng Pháp?
Các cơ quan chức năng cần quan tâm chỉ đạo chặt chẽ hơn nữa việc sử dụng tiếng nước ngoài trong quảng cáo, trong việc đặt tên các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, các biển hiệu, nên bắt buộc phải sử dụng tiếng Việt song song với ngôn ngữ nước ngoài. Và, quan trọng nhất, các cơ quan hữu quan phải làm sao cho người trẻ thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt; tránh tâm lý tự ti, mặc cảm cố hữu ngay trong quan niệm phải nói tiếng nước ngoài thì mới oai, mới sang, mới hiện đại?
Chỉ như vậy, tiếng Việt mới có cơ hội được lành mạnh hóa và dần thoát khỏi nạn lai căng, mất gốc. Khi ấy, người Việt hoàn toàn có quyền ngẩng cao đầu đầy tự tin để hát: "Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi/ Tiếng ru muôn đời" như trong bài "Tình ca" mà cố nhạc sĩ Phạm Duy đã viết ngày nào.