Bất cập sách giáo khoa lịch sử:

Dài, lặp, khô và quá tải?

Thứ Sáu, 02/10/2015, 08:00
Sách giáo khoa (SGK) lịch sử phổ thông các cấp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT) được Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành trong 2 năm 2014, 2015 được học sinh sử dụng trong học tập hiện tại, chỉ là tái bản lại những sách đã được biên soạn hàng chục năm trước. Trong sách đầy rẫy những bất cập, gây nhiều khó khăn cho người học và người dạy.

Bất cập thứ nhất là sự trùng lặp, bố cục chương trình ở các khối, cấp học không hợp lý. Phần chương trình lịch sử bậc THCS đã học, lên bậc THPT tiếp tục "nhai" lại, dài dòng hơn. Sự trùng lặp làm cho các em học sinh không còn hứng thú học tập vì ít có gì mới mẻ để khám phá, tìm hiểu vì kiến thức đó đã học, đã quen thuộc quá rồi. Sự trùng lặp chương trình lịch sử giữa các khối, cấp khá nhiều. Ở đây chúng tôi chỉ nêu vắn tắt một số trùng lặp tiêu biểu.

SGK lớp 6 có nhiều bài trùng lặp như: Ở lớp 6, phần 1: "Khái quát lịch sử thế giới cổ đại" có các bài "Xã hội nguyên thuỷ" (bài 3), "Các quốc gia cổ đại phương Đông" (Bài 4), "Các quốc gia cổ đại phương Tây" (Bài 5) tương tự ở lớp 10, phần 1: "Lịch sử thế giới thời nguyên thuỷ, cổ đại và trung đại" như: "Xã hội nguyên thuỷ" (Bài 2), "Các quốc gia cổ đại phương Đông" (Bài 3), "Các quốc gia cổ đại phương Tây - Hy Lạp và Rô-ma" (Bài 4).... Ở lớp 6, phần 2: "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến thế kỷ X", trùng lặp 2/3 kiến thức so với phần 2 của lớp 10: "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX"…

SGK lớp 7, phần 1: "Khái quát lịch sử thế giới trung đại" từ bài 1 cho đến bài 7 trùng lặp với SGK lớp 10 phần 1: "Lịch sử thế giới thời nguyên thuỷ, cổ đại và trung đại" từ bài 5 cho đến bài 11; ở lớp 7 phần 2: "Lịch sử Việt Nam từ  thế kỷ X đến giữa XIX" (gồm 22 bài) cũng trùng lặp đến 3/4 nội dung với lớp 10 phần 2: "Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XIX" (gồm 12 bài).

Những kiến thức lịch sử lặp đi lặp lại ở các giáo trình lịch sử từ lớp 6 đến lớp 12 gây nhàn chán cho học sinh.

 SGK lớp 8, phần 1: "Lịch sử thế giới cận đại" (Từ giữa thế kỷ XVI đến năm 1945) gồm chương 1, 2 trùng lặp với lớp 10 phần ba: "Lịch sử thế giới cận đại" gồm chương 1, 2, 3; ở phần 1 lớp 7 chương 2, 3, 4  trùng lắp với phần 1 gồm chương 1, 2, 3 của lớp 11; ở phần 2 lớp 8: "Lịch sử thế giới hiện đại" (Phần từ năm 1917 đến năm 1945) trùng lặp y hệt với phần:  "Lịch sử thế giới hiện đại" (Phần từ năm 1917 đến năm 1945) của lớp 11; ở phần 3, lớp 8: "Lịch sử Việt Nam" (1858-1918) gồm chương 1, 2 (có 4 bài và 1 bài sơ kết)  trùng lắp với phần 2, lớp 11: "Lịch sử Việt Nam" (1858-1918) gồm chương 1, 2 (có 8 bài)…

Ở SGK lớp 9 chương trình hoàn toàn trùng lắp từ đầu đến cuối với chương trình ở SGK lớp 12, chỉ có điều là chương trình lớp 12 thì được viết dài dòng hơn.

Nhìn chung sự trùng lặp đã tạo nên sự lộn xộn, thiếu chặt chẽ về một bố cục hợp lý, thiếu hệ thống để học sinh dễ học, dễ nhớ. Có lẽ sự trùng lặp kiến thức lịch sử ở các khối lớp có thể là "ý tốt" của các tác giả biên soạn vì sợ học lâu các em quên kiến thức nên lên vài lớp trên bắt cho học lại (?) nhưng vô hình trung đã tạo nên sự nhàm chán cho người học.

Theo thiển ý của người viết bài này thì có thể phân bố theo chiều dọc lịch sử từ cổ đại cho đến hiện đại, từ lớp bé lên lớp lớn, từ đơn giản đến phức tạp, phù hợp với sự phát triển của từng lứa tuổi, tránh sự lặp lại gây ra nhàm chán.

Bất cập thứ hai là sự bất hợp lý về kiến thức trong chương trình lịch sử của các lớp, đặc biệt là các lớp ở bậc THCS. Người soạn sách có lẽ muốn phô trương kiến thức "uyên bác" của mình, để khoe trình độ cao siêu chứ không phải là viết ra để phục vụ cho nhu cầu học tập của các em. Các vị "học giả" đó đã quên mất một điều rất sơ đẳng là nội dung giảng dạy, dung lượng kiến thức phải phù hợp với điều kiện tâm sinh lý của từng lứa tuổi. Hoặc cũng có thể các  nhà soạn sách nóng lòng mong các em nhỏ mau chóng trở thành những nhà sử học, học giả tầm cỡ của thời đại nên nhồi nhét kiến thức một cách ôm đồm, quá tải vào bộ óc còn non nớt của các em. Thay vì dùng cách viết nhẹ nhàng, ngôn ngữ đơn giản, mang tính chất kể chuyện phù hợp với lứa tuổi các em, thì các nhà biên soạn đã viết một cách rất "hàn lâm", dùng những lý luận, thuật ngữ khoa học như là giành cho các lớp học viên đại học, cao học. Số lượng kiến thức với sự kiện ngày tháng, nhân vật quá nhiều, mà hàng tuần các em bị nhồi nhét, phải học thuộc lòng để trả bài, kiểm tra thì thật khủng khiếp.

SGK lớp 6 gồm 28 bài, trong đó 2 bài đầu là khái lược về môn lịch sử và cách tính thời gian, còn lại phần lịch sử thế giới chiếm 5 bài, lịch sử Việt Nam chiếm 5 bài. Các em học sinh lớp 6 đã phải học lịch sử thế giới xa lạ như: "Các quốc gia cổ đại phương Đông"; "Các quốc gia cổ đại phương Tây"…với những thuật ngữ khó hiểu như: quốc gia, chuyên chế, giai cấp…

 SGK lớp 7 có tất cả 30 bài, trong đó lịch sử thế giới chiếm 7 bài, còn lại là lịch sử Việt Nam. Nội dung bài học ở lớp 7 được nâng lên ở "tầm cỡ" cao hơn lớp 6, đầy tính chất "vĩ mô" trên thế giới, ví dụ các em phải học những bài như: "Sự hình thành và phát triển của xã hội phong kiến ở châu Âu; Sự suy vong của chế độ phong kiến; Cuộc đấu tranh của giai cấp tư sản chống phong kiến thời hậu kỳ trung đại ở Châu Âu"… Các em bị nhồi nhét những từ ngữ cao siêu như: "chủ nghĩa tư bản"; "quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa"; "xây dựng thế giới quan duy vật tiến bộ"; "cơ sở tư tưởng chính thống"; "cơ sở kinh tế của xã hội phong kiến"… những thứ thuật ngữ mà ngay cả  sinh viên đại học chuyên ngành lịch sử, triết học còn lúng túng, khó khăn. Phần 2 là Lịch sử Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX gồm 6 chương, 22 bài với một số lượng kiến thức nhồi nhét, quá tải. Bài nào cũng có các phần như tình hình kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục… với lối viết rất khô khan, mang tính liệt kê, thật khó tiếp thu, khó nhớ.

SGK lớp 8 có 31 bài, trong đó 23 bài về lịch sử thế giới và 8 bài lịch sử Việt Nam. Ở lớp 8 tiếp tục được "nâng cấp trình độ" với các loạt bài như: "Những cuộc cách mạng tư sản đầu tiên; Cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII; Chủ nghĩa tư bản được xác lập trên phạm vi thế giới;  Phong trào công nhân và sự ra đời của chủ nghĩa Mác"… và các em lại tiếp tục "đánh vật" với những thuật ngữ xa lạ như: "thời kỳ xác lập của chủ nghĩa tư bản"; "cách mạng tư sản"; "chủ nghĩa thực dân"; "phương thức canh tác"; "mặt trận tư tưởng"; "trào lưu triết học Ánh sáng"; "dân chủ cách mạng"; "luận điểm cơ bản"….

Thay vì ở lứa tuổi này các em chỉ nên học những bài kể chuyện lịch sử về vua Hùng dựng nước, Thánh Gióng đánh giặc Ân, về Bà Trưng, Bà Triệu cưỡi voi đánh giặc, Ngô Quyền đóng cọc trên sông Bạch Đằng để tiêu diệt quân Nam Hán, Trần Quốc Toản với lá cờ "Phá cường địch, báo hoàng ân", Lê Lợi đánh đuổi quân Minh, Quang Trung đại phá quân Thanh… với những từ ngữ đơn giản, nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ thuộc, có tác dụng bồi dưỡng lòng yêu nước cho tuổi thơ. Còn những thuật ngữ "hàn lâm" có lẽ phù hợp với bậc đại học các ngành xã hội. Các em lớp 6, 7, 8…, độ tuổi "vắt mũi còn chưa sạch" mà phải học những bài lịch sử với những thuật ngữ, khái niệm "trên trời" mà những người lớn có khi còn phải nhức đầu nhiều lần mà chưa thể hiểu thấu đáo, cặn kẽ, như vậy thì sẽ để lại ấn tượng gì trong lòng các em? Sau một giờ lịch sử, có lẽ chỉ còn lại cảm giác mỏi, mệt, chán (!).

SGK lớp 9, phần 1: "Lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến nay", gồm 13 bài với lối viết sơ sài, khô khan và đặc biệt có những câu hỏi ở cuối bài thật quá "cao xa", đơn cử: "Tại sao nói "Hoà bình, ổn định và hợp tác phát triển" vừa là thời cơ, vừa là thách thức đối với các dân tộc" (Sách Lịch sử lớp 9, NXB Giáo Dục, 2014, tr.54). Còn phần 2: "Lịch sử Việt Nam từ 1919 đến nay", giống như một cuốn giáo trình tóm tắt lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam chứ không phải là cuốn SGK lớp 9.

Thật vất vả cho cả thầy và trò. Thầy chật vật với việc giải thích thuật ngữ, trò vất vả cố nuốt trôi thuật ngữ; giờ học quá khô khan, không gây được hứng thú. Số lượng kiến thức ôm đồm mà các em phải cố nuốt để trả bài, làm kiểm tra, thi học kỳ… thật là một cực hình. Sự ngoảnh mặt của học sinh về bộ môn lịch sử là điều tất yếu. 

Có thể nói rằng SGK lịch sử phổ thông là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng học sinh chán học môn lịch sử hiện nay ở nhà trường phổ thông.

Lương Sơn
.
.