Ánh sáng của lương tri thức tỉnh

Thứ Ba, 24/05/2016, 08:07
Về bài thơ "Ánh trăng" của nhà thơ Nguyễn Duy.


Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ 

Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa 

Từ hồi về thành phố
quen ánh điện, cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường                      

Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn - đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn 

Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng 

Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình.
        

TP Hồ Chí Minh, 1978 

Bài thơ có dáng dấp một câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian. Dòng cảm xúc và suy tư của nhà thơ men theo dòng tự sự mà bộc lộ và vầng trăng là hình tượng xuyên suốt, được nhân cách hóa như linh hồn, như gương mặt của người trong một cuộc "đối diện đàm tâm" với tác giả.

Hai khổ thơ đầu ta gặp vầng trăng trong ký ức tuổi thơ và thời trai trẻ cầm súng đánh giặc. Ngòi bút giàu khả năng tiết chế đã "nén" chặt thời gian hàng chục năm của đời người cùng bao trải nghiệm và suy tư trong bốn dòng thơ năm chữ. Không gian tồn tại của nhân vật trữ tình mở rộng dần theo lịch trình từ "đồng" đến "sông", "bể" và chốt lại ở "rừng", những cánh rừng xa xôi trận mạc. Đó cũng là hành trình chung từ làng quê miền Bắc hậu phương đến chiến trường đánh Mỹ của hàng chục vạn thanh niên một thuở chiến tranh.

Tuổi thơ chan hòa với thiên nhiên "đồng, sông, bể" có ẩn dấu một vầng trăng gợi liên tưởng, tưởng tượng. Tuổi trẻ cầm súng, trăng với người lính ở rừng trở thành bạn tâm giao, tri kỷ, chia sẻ buồn vui trận mạc. Trong cảm xúc hồi cố đó, nhà thơ tự xét lòng mình: "Trần trụi với thiên nhiên/ hồn nhiên như cây cỏ/ ngỡ không bao giờ quên/ cái vầng trăng tình nghĩa". Đây cũng là tình cảm phổ biến và tự nhiên của con người lúc "hồn nhiên", "trần trụi" (thiếu thốn và gian khổ về vật chất) nhưng lòng trong trẻo vô tư.

Vầng trăng treo lại trong ký ức ở 2 khổ thơ đầu không hiện hình qua bất kỳ một nét vẽ nào. Nhưng nó lại được in trong tâm thức bằng phẩm chất và giá trị qua hai từ "tri kỷ" và "tình nghĩa", có nghĩa là nó đã được hóa thân thành hình tượng - con người. Chữ "ngỡ" trong câu thơ "ngỡ không bao giờ quên" vừa đóng lại tâm thế ở thời quá khứ vừa chuẩn bị cho một tương quan mới khi con người sống trong hiện tại: "Từ hồi về thành phố/ quen ánh điện cửa gương".

Môi trường sống mới, ồn ào nhộn nhịp, dư dả và tiện nghi, chói lòa và hấp dẫn, con người ta dễ quên thời gian khó sau lưng, "như người no quên cơn đói của chính mình" cũng là điều dễ hiểu. Ở bài thơ "Việt Bắc" của Tố Hữu, trong buổi chia tay cán bộ kháng chiến trở về tiếp quản Thủ đô, người ở lại đã ướm lòng: "Mình về thành thị xa xôi/ Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa không?/ Phố đông còn nhớ bản làng/ Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng?". Đó là một tình huống giả định để thử thách lòng chung thủy. Còn ở bài "Ánh trăng", sự vô tình quên lãng "vầng trăng" là một thực tế được soi thấu bằng tự nhận thức về sự bội bạc vô tư lự: "Vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường".

Nhưng bắt đầu từ khổ thơ thứ tư đã xuất hiện một tình huống, như nút thắt của "câu chuyện" giữa thi sĩ và vầng trăng: "Thình lình đèn điện tắt/ phòng buyn đinh tối om/ vội bật tung cửa sổ…". Chính trong giây phút "thình lình" dẫn đến sự bí bách, ngột ngạt và tăm tối khi không thể trông cậy vào tiện nghi, con người phải cần đến ánh sáng và không khí của thiên nhiên thì vầng trăng xuất hiện: "Đột ngột vầng trăng tròn".

"Đột ngột" là xuất hiện một cách bất ngờ, ngoài mong ước. Vầng trăng được nói lướt trong suốt ba khổ thơ đầu, đến đây mới thực sự "đứng lại" và lộ diện. Không còn là hình ảnh ảo mờ lung linh trong tâm thức bị che phủ bởi thời gian quá khứ, vầng trăng bây giờ là hình ảnh của thực tại với tính từ "tròn" mang ý nghĩa miêu tả. Tại đây đã diễn ra cuộc "đối diện đàm tâm" giữa trăng và người, giữa hai sinh thể, hai tâm hồn, trong im lặng: "Ngửa mặt lên nhìn mặt/ có cái gì rưng rưng/ như là đồng là bể/ như là sông là rừng".

Vầng trăng "tĩnh" như gương mặt nghiêm nghị, khiến kẻ đối diện không thể tiếp tục vô tình như đã từng vô tình. Vậy cho nên, một cảm xúc lạ lùng dâng lên trong lòng thi sĩ không định nghĩa ngay được nó là cảm xúc gì, và sau đó anh đã cố gắng để nhận chân và lý giải: "Có cái gì rưng rưng/ như là đồng là bể/ như là sông là rừng". Hình tượng "đồng - sông - bể - rừng" gài sẵn từ những dòng thơ đầu bài thơ đến đây lại được đem ra so sánh một cách có dụng ý.

Như trên đã nói, đó là hành trình của nhà thơ qua tuổi thơ, tuổi trẻ, hành trình của quá khứ luôn có mặt vầng trăng. Nhưng phải chăng, đây cũng là hành trình của một quãng đời thi nhân - chiến sĩ từ lũy tre làng đến với cuộc đời rộng lớn, hòa chung vào nhân dân. Cho nên, hoàn toàn có thể mở rộng liên tưởng để hiểu rằng, vầng trăng ở đây là tượng trưng cho quá khứ, một quá khứ gian khổ mà đẹp đẽ, không phải chỉ của một người mà của chung dân tộc. Sâu xa hơn, vầng trăng còn là một biểu trưng cho nhân dân tình nghĩa, thủy chung, vô tư. Nhà thơ Tố Hữu đã chẳng từng ví "nhân dân là bể…" đó sao?

Khổ cuối bài thơ với tính hàm ngôn sâu sắc và độc đáo đã dẫn tới chiều sâu tư tưởng, soi rọi trở lại toàn bộ bài thơ: "Trăng cứ tròn vành vạnh/ kể chi người vô tình/ ánh trăng im phăng phắc/ đủ cho ta giật mình". "Tròn vành vạnh" là trăng rằm viên mãn. "Im phăng phắc" là không một tiếng động nhỏ. Vầng trăng cứ tròn đầy và lặng lẽ "kể chi người vô tình" là biểu tượng của sự thủy chung tình nghĩa không đòi hỏi đền đáp với một tấm lòng bao dung độ lượng của nhân dân, những phẩm chất tự nhiên, vĩnh hằng.

Cái cử chỉ "giật mình" thức tỉnh, không chỉ thuộc về nhà thơ mà còn ý nghĩa nhắc nhở đối với mọi người. Cả bài thơ là vô nhân xưng, đến đây tác giả mới xưng "ta", để nhận lỗi, để tạ tội. Không phải ai khác, chính ta, chính chúng ta đã say sưa bước ra từ vinh quang chiến thắng, ngất ngây với cuộc sống mới sau hòa bình nên đã vô tình quên quá khứ với những giá trị cao đẹp vô tình quên nhân dân, những người đã góp phần làm nên chiến thắng. Cần phải "điều chỉnh" lại nhận thức và tình cảm, nhất là đối với những người có trách nhiệm đối với nhân dân, đất nước.

"Ánh trăng" cũng là ánh sáng của lương tri, đánh thức và lay tỉnh những u mê lầm lạc được cất lên từ tâm hồn thi sĩ chân thực và dũng cảm gắn bó, yêu thương nhân dân, được diễn tả bằng bài thơ cô đúc, giản dị, thú vị bởi tình hàm ẩn sâu xa trong tứ thơ.

Nguyễn Nguyên Tản (chọn và bình)
.
.