An ninh ASEAN: Trông người lại ngẫm đến ta
Với 625 triệu dân, sự năng động đa dạng và phong phú, tăng trưởng GDP liên tục cao, ASEAN tham vọng trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á và thứ 7 thế giới - thành trung tâm, động lực cho sự phát triển ở Châu Á Thái Bình Dương. Nhưng, liệu lộ trình có thuận chiều xuôi gió trong một thế giới đầy bất trắc và biến động khó lường? Khi mà các phần tử cực đoan đạo Hồi, nhà nước tự xưng IS đang lan rộng và ngày càng tàn bạo, thành nỗi lo của mọi quốc gia? Khi mà làn sóng tị nạn không còn của riêng châu Âu mà lan rộng khắp khu vực, các châu lục?
Các nước ASEAN tăng cường hợp tác An ninh biển. |
Các quốc gia cộng đồng ASEAN cũng nằm trong xu thế chung. Sự bạo động chính trị ở Mindanao Philippines do nhóm Mujahidin đã từng gây cho đất nước này sự chết chóc kinh hoàng và bất ổn an ninh chính trị mấy thập niên qua. Đó là những cuộc bạo động, xung đột giữa người theo đạo Hồi và đạo Phật ở miền Nam Thái Lan. Đó là cuộc tranh chấp đến đổ máu khu đền Preah Vihear giữa Thái Lan và Campuchia.
Những xung đột trên biển về môi trường đánh bắt cá giữa các nước ASEAN. Đó là những người tị nạn từ Nam Á như Bangladesh, Pakistan di chuyển qua Thái Lan nhằm đến Malaysia, Indonesia, những người dân tộc thiểu số Tây Tạng Trung Quốc, người Bắc Triều Tiên mà họ khai đến Đông Nam Á là vì lý do nhân quyền và sự đàn áp ở nước họ?
Gần đây là vụ đánh bom ngay tại trung tâm Băng Cốc, Thái Lan. Báo Les Echos 27/11/2015 có bài viết của Fouquet nhận định Indonesia phải đối mặt với ảnh hưởng ngày càng tăng của tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Sau vụ đánh bom khủng bố ở Paris (Pháp) có tới 5/34 tỉnh nước này có đông người theo đạo Hồi như: đảo Java, Sumatra, Sulawesi …nằm trong tầm ảnh hưởng rất đáng lo ngại.
Thêm nữa IS đã trang bị vũ khí cho nhiều nhóm đối lập và MIT (Mujahidin Indonesia) có cả súng chống tăng sẽ tiến hành khủng bố để gieo rắc sự sợ hãi trong dân chúng. Đặc biệt lo ngại cách đây vài tháng đã có 70 tên từng gia nhập IS trở về nước.
Theo Les Echos, trên thực tế gấp 10 lần con số cảnh sát cung cấp - có tới 600 - 700 tên, không ít hơn. Tuy nhiên chính quyền Jakarta không dám đưa ra các biện pháp mạnh mà giải thích rằng dựa trên tôn giáo (nước này có gần 200 triệu người theo đạo Hồi và đạo Hồi là Quốc đạo) và văn hóa để chống lại tư tưởng cực đoan?
Mặt trận nóng bỏng trên Biển Đông - luồng hàng hải quan trọng vào loại bậc nhất của thế giới lúc bùng lên lúc hạ nhiệt khó có thể đoán định. Sự tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn làm cho ASEAN rất khó trong ứng xử, giải quyết vấn đề khu vực, và chủ động đối phó với tình hình nảy sinh? Trong khi chưa thể tìm ra một thị trường, định hình mối quan hệ kinh tế đủ sức thay thế thị trường truyền thống? Sự can dự vào nền kinh tế ASEAN của nước lớn khó lòng dứt bỏ trong tương lai gần? Vì vậy, nếu mỗi nước đều tính toán lợi ích riêng cho mình, đẩy cao lợi ích dân tộc, không có sự hy sinh nhất định vì lợi ích chung của cả khối.
Cộng đồng ASEAN sẽ thành hiện thực vào 1-1-2016 đồng nghĩa với thị trường chung mở và rộng lớn. Không gian địa lý được dỡ bỏ, sản xuất, giao thương hàng hóa, lao động... không còn rào cản… sẽ là cơ hội để các nước trong khối cạnh tranh và phát triển. Nhưng đồng thời những thách thức về an ninh chính trị cũng đặt ra không hề đơn giản? Và khó có thể lường trước mọi khía cạnh, vấn đề sẽ xảy ra trong tương lai?
Quan sát mấy chục năm qua, thế giới đã ít nhất 4 lần thay đổi chiến lược ngoại giao. 1) Ngoại giao đối đầu thời chiến tranh lạnh giữa hai phe XHCN và TBCN. 2) Sau Liên bang CHXHCN Xô Viết và một loạt các nước XHCN Đông Âu sụp đổ là ngoại giao đối thoại. 3) Rồi đến ngoại giao can dự ở Afghanistan, Iraq, Libya, Tunisia, các cuộc "cách mạng cam"… làm đảo điên các quốc gia mà hậu quả là nội chiến, hận thù, đói nghèo và bất ổn… 4) Ngày nay là ngoại giao phòng ngừa. Trong tình thế như đã nêu trên, chúng ta cũng cần có chiến lược "An ninh phòng ngừa"?
An ninh chính trị đang diễn ra ở Liên minh châu Âu là một bài học đắt giá trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống còn lâu mới giải quyết ổn thỏa. Một khi "kẻ cướp đã vào tận sân nhà" mới ra tay e đã quá muộn? Không ngăn chặn từ xa - khi mà các tình huống an ninh mới nhen nhóm, nảy sinh thì không thể làm chủ được tình thế. Sẽ hoàn toàn bị động, lúng túng khó bề giải quyết hiệu quả. Chiến lược An ninh phòng ngừa phải được xây dựng trên các dữ liệu toàn cầu và khu vực; chia sẻ thông tin tình báo, phân tích và đánh giá, dự báo chuẩn xác… Trên cơ sở đó xây dựng kịch bản, kế hoạch trước mắt, ngắn hạn và dài hạn. Lấy ổn định an ninh đất nước làm cốt lõi, là "bất biến" để "ứng vạn biến" - cương nhu thích hợp với các vấn đề cụ thể - có sự lựa chọn từng lĩnh vực, mục tiêu ưu tiên…
Cần phải nhìn thẳng vào thực tế, cộng đồng ASEAN là một thực thể gồm các quốc gia có thể chế chính trị khác nhau, tôn giáo, văn hóa, xã hội… có nét tương đồng, nhưng cũng có không ít khác biệt. Nay sẽ cùng sống trong mái nhà chung hướng tới những mục tiêu và sứ mệnh cao cả chắc chắn còn không ít việc tiếp tục phải làm, phải hoàn thiện. Trong đó theo tôi, trước nhất vẫn là vấn đề an ninh phải được đảm bảo ở mỗi quốc gia nói riêng và trong nội khối nói chung mới thực hiện được lộ trình phát triển lâu dài và bền vững.