Âm nhạc Việt Nam - Hụt hẫng một thế hệ
Có thể nói, tạo nên diện mạo nền âm nhạc hiện đại nước nhà trong nhiều thập niên qua là thế hệ nhạc sỹ nay đã ở tuổi từ 70 - 90. Nhiều vị đã qua đời trong đó có những tên tuổi lớn gắn với những tác phẩm bất hủ mà nhiều thế hệ công chúng mãi mãi không thể quên. Đó là những Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Nguyễn Đình Thi, Văn Chung, Huy Du, Lê Yên, Lê Lôi, Lương Ngọc Trác, Trọng Loan, Nguyên Nhung, Hoàng Hiệp… Đó là những nhạc sỹ gạo cội nếu còn sống đều đã trên dưới 90. Tác phẩm của họ đã ra đời từ trước Cách mạng Tháng 8/1945 nhằm kêu gọi, cổ vũ tinh thần yêu nước, đứng lên chống giặc ngoại xâm mà tiêu biểu nhất là hai nhạc sỹ Lưu Hữu Phước và Đỗ Nhuận với hàng loạt ca khúc được nhân dân biết đến như “Tiếng gọi thanh niên”, “Lên đàng”, “Hội nghị Diên Hồng”… (Lưu Hữu Phước), “Hận Sơn La”, “Du kích ca”, “Côn Đảo”… (Đỗ Nhuận).
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, cùng với hai nhạc sỹ lớn trên, một đội ngũ nhạc sỹ vừa cầm súng chiến đấu, vừa sáng tác đã ra đời với hàng loạt tác phẩm nóng hổi hơi thở cuộc kháng chiến như Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Trần Ngọc Xương, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Điểu, Lương Ngọc Trác, Văn Ký, Lê Yên, Lê Lôi, Hồ Bắc, Phạm Tuyên, Hoàng Việt, Tân Huyền, Lưu Bách Thụ… Có thể nói, phần lớn những nhạc sỹ ra đời trong giai đoạn này đều chưa có điều kiện học được nhiều kỹ thuật sáng tác. Những tác phẩm của họ được công chúng đón nhận chủ yếu là tiếng hát được cất lên từ những trái tim đang hòa chung một nhịp đập với nhân dân trong công cuộc kháng chiến. Nội dung tất cả mọi ca khúc trong thời kỳ này chỉ xoay quanh hai chủ đề là chiến đấu và tăng gia sản xuất để có lương thực phục vụ kháng chiến.
Nguyễn Tài Tuệ (bên phải) và Văn Ký - hai nhạc sỹ nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam. |
Hòa bình lập lại, một không khí dựng xây đất nước bao trùm trên khắp miền Bắc. Do kẻ thù tráo trở, lật lọng, việc tổng tuyển cử để thống nhất đất nước theo tinh thần của Hiệp định Geneva không thành, chúng ta có thêm một nhiệm vụ rất lớn lao là đấu tranh thống nhất và sau đó là chiến đấu tại miền Nam để giành độc lập trọn vẹn cho dân tộc. Thế là giới sáng tác âm nhạc đã gánh trên vai trọng trách là phải sáng tác gắn với hai nhiệm vụ chiến lược là sản xuất và chiến đấu, tức là biểu hiện hình ảnh của hậu phương và tiền tuyến trong mọi tác phẩm của mình. Chưa bao giờ có một đội ngũ nhạc sỹ hùng hậu như giai đoạn này. Những nhạc sỹ xuất hiện từ trong kháng chiến chống Pháp vừa nhắc ở trên sau hòa bình (1954) đang ở độ tuổi trên dưới 30, còn rất thanh xuân, đang cực kỳ sung sức. Nhiều người trong số họ được đi tu nghiệp âm nhạc chính quy tại một số nước trong phe XHCN lúc bấy giờ, chủ yếu là tại Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Triều Tiên, Bungari, CHDC Đức, Hungari… Một lứa nhạc sỹ kế tiếp rất đông đảo với nhiều tài năng và nhiệt huyết cùng với lớp đàn anh nói trên đã tạo nên diện mạo nền âm nhạc đặc sắc những năm tháng hòa bình dựng xây và kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Có thể nhắc tới một số tên tuổi tiêu biểu: Nguyễn Tài Tuệ, Ngô Huỳnh, Hoàng Hà, Nguyễn Đình Tấn, Đàm Linh, Nguyễn Văn Nam, Hoàng Dương, Hồng Đăng, Vũ Thanh, Trần Chung, Văn Dung, Thái Cơ, Hoàng Hiệp, Xuân Hồng, Lưu Cầu, Phan Nhân, Lư Nhất Vũ, Bửu Huyền, Tố Hải, Thế Dương, Trần Hữu Pháp, Thanh Anh, Văn Chừng, Lê Việt Hòa, Thế Song, Vũ Ngọc Quang, Hoàng Sông Hương, Lê Anh… Trẻ hơn, ở thế hệ đàn em của lứa nhạc sỹ trên là Hồ Hữu Thới, Lê Hàm, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Trần Quang Huy, Thanh Trúc, Trương Tuyết Mai rồi Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ, Thanh Tùng, Đoàn Bổng. Đàn em nữa (về tuổi) có Phú Quang, Văn Thành Nho, Nguyễn Văn Hiên, Nguyễn Ngọc Thiện, Vũ Hoàng, Nguyễn Đức Trung, Trọng Đài. Đặc biệt hùng mạnh là một đội ngũ nhạc sỹ gần như cả đời mặc áo lính gồm nhiều tài năng lớn đóng góp rất đáng kể vào kho tàng những tác phẩm âm nhạc có giá trị: Lương Ngọc Trác, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Trọng Loan, Doãn Nho, Huy Thục, Thuận Yến, Nguyên Nhung, Đôn Truyền, Phong Kỳ, Ánh Dương, Phan Ngọc, Quế Loan, Hoàng Tạo, An Thuyên, Ngọc Khuê…
Đó là những thế hệ nhạc sỹ kế tiếp suốt từ trước Cách mạng Tháng 8-1945 đến gần đây. Có thể người viết bài này còn bỏ sót một số tên tuổi nhưng phải khẳng định rằng diện mạo nền âm nhạc hiện đại Việt Nam hơn nửa thế kỷ qua đã được tạo nên bởi sự đóng góp ít, nhiều của những nhạc sỹ trên.
Nếu ai am hiểu và có dịp theo dõi nền âm nhạc nước nhà sẽ thấy rõ hiện nay - từ khoảng 15-20 năm trở lại - ngày càng ít thấy xuất hiện những bài hát hay, có giá trị. Có thể các trường âm nhạc của quốc gia và những thành phố lớn như TP HCM, Huế vẫn ngày càng phát triển chính quy, đào tạo được nhiều nhạc sỹ. Và có thể khí nhạc được phát triển hơn trước với số lượng các tác phẩm có chất lượng nhiều hơn. Nhưng nhìn trên đại thể, ca khúc vẫn là món ăn tinh thần chính của số đông công chúng. Vậy nên chủ yếu vẫn trông nhờ ở chủng loại này.
Có thể nói từ đầu thế kỷ 21 đến nay, rất hiếm thấy những bài hát hay được tất thảy mọi tầng lớp công chúng ưa thích (mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, dân tộc, tầng lớp xã hội). Điều này ở những thời điểm lịch sử trước, nhất là trong giai đoạn xây dựng hòa bình và hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ đã có nhiều. Những bài hát đặc sắc, có giá trị bất hủ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam đều được ra đời ở những giai đoạn lịch sử này. Thời gian qua, không phải là không có một số bài hát của một số tác giả trẻ được giới trẻ ưa thích. Nhưng sự đón nhận chỉ ở một bộ phận tuổi trẻ. Sở dĩ nói vậy vì ngay cả công chúng trẻ tuổi cũng chỉ là ở khu vực thành thị và không phải là tất cả. Bằng chứng là có nhiều bạn trẻ, nhất là sinh viên, giới trí thức đã không để ý đến những bài hát của những tác giả trẻ trên mà ưa thích những bài hát truyền thống - nhiều người vẫn quen gọi là "nhạc đỏ".
Người viết bài này trong một số lần đi nói chuyện ở các trường đại học đã thực hiện một vài cuộc điều tra xã hội học với đối tượng là sinh viên, thấy rõ điều trên. Thậm chí có một số bạn còn không bao giờ nghe loại nhạc gọi là "trẻ". Những bạn này chưa bao giờ nghe một số "sao", "ông hoàng", "bà hoàng" nhạc Việt hát mà thích những ca sỹ dòng nhạc truyền thống. Hiện tượng này gắn liền với một thực tế là hiện nay đã không có một thế hệ nhạc sỹ kế tiếp những thế hệ đã nói đến ở trên. Tất nhiên là thời nào cũng sẽ có nhạc sỹ, trong đó có những người nổi lên, có thể được coi là có tài. Nhưng để gọi được là một thế hệ thì không thể.
Hiện nay cũng có một số người trẻ sáng tác bài hát được giới trẻ biết đến. Nhưng số đông công chúng không để ý vì sáng tác của họ không khiến người ta lưu tâm. Nếu trước đây, nhiều bài hát của đội ngũ nhạc sỹ kể ở trên hầu như ai cũng biết, ưa thích, có sức lan tỏa lớn theo chiều rộng không gian lẫn chiều dài thời gian thì giờ đây đã không còn thấy. Thế hệ nhạc sỹ xuất sắc cuối cùng gắn với những tác phẩm nổi tiếng được công chúng rộng rãi đón nhận nay đã ngoài 60 tuổi. Dưới đó là sự hụt hẫng rõ rệt. Một vài "tên tuổi" trong giới nhạc sỹ trẻ ở độ tuổi trên dưới 40 vừa không đủ sức thuyết phục về tác phẩm, vừa quá ít ỏi, không thể gọi được là một thế hệ. Điều cần nói nữa là sáng tác của họ chưa có tầm tư tưởng, tình cảm cần thiết để chạm được vào trái tim của mọi tầng lớp công chúng như thế hệ nhạc sỹ ông, cha, anh trước đây. Họ có thể có học hành chính quy, được trang bị nhiều kiến thức âm nhạc trong nhà trường hơn các thế hệ trước nhưng điều quan trọng nhất để tạo nên giá trị của tác phẩm âm nhạc là vận dụng ngôn ngữ âm nhạc dân tộc để chuyển tải những tình cảm lớn của dân tộc, đất nước thì họ đã chưa có. Ngay cả những sáng tác về tình yêu đôi lứa - lĩnh vực tưởng như họ sở trường và luôn đề cao - cũng không đủ sức làm rung động trái tim người nghe như những Tình ca của Hoàng Việt, Tình em của Huy Du và Ngọc Sơn, Chiếc khăn piêu của Doãn Nho, Nhớ của Hoàng Vân và Nguyễn Đình Thi, Anh ở đầu sông, em cuối sông của Phan Huỳnh Điểu và Hoài Vũ…
Quả là rất đáng băn khoăn trước một hiện trạng: Rất nhiều người trong thế hệ những nhạc sỹ tài danh vừa nhắc ở trên đã lần lượt qua đời. Người còn thì không thể sáng tác như trước do tuổi đã quá cao. Và chỉ trong vòng mươi, mười lăm năm nữa, lần lượt họ cũng sẽ theo nhau về cõi vĩnh hằng. Còn lại là thế hệ nào đây có thể lấp được dù chỉ một phần sự hụt hẫng rất lớn như đã nói?.