Ám ảnh "Ngày về"

Thứ Tư, 18/03/2015, 08:00
Nhân xem triển lãm "Ngày về" 1 của 7 họa sĩ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, tháng 2/2015

Ra đi và trở về, đó là hành trình liên tục của cõi người. Có thể nó nằm trong ý nghĩa xê dịch về địa lý cụ thể, nhưng có khi lại mang ý nghĩa trừu tượng. Xưa nay, sự trở về với chính mình vẫn là cuộc hành trình khó khăn và cam go nhất. Nhất là con đường sáng tạo nghệ thuật, thì trở về chính mình, đúng mình, vẫn là khát vọng muôn thuở của người nghệ sỹ.

Triển lãm "Ngày về" lần thứ nhất này, của bảy họa sĩ, nhà điêu khắc cùng làm việc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Người trẻ nhất sinh năm 1982. Người cao tuổi nhất sinh năm 1956. Có người đã thành danh, có người mới có đóng góp ban đầu, nhưng tất cả, qua các tác phẩm trưng bày, đều toát lên lòng yêu cuộc sống thiết tha và những nghĩ suy, trăn trở nghiêm túc trên con đường sáng tạo của chính họ.

Họa sĩ Trần Mạnh Hùng với bộ ba tranh sơn dầu khổ lớn "Dấu thời gian"1, 2, 3. Với phương cách thể hiện vừa hiện thực, vừa huyền ảo, người xem như cảm nhận được những kiếp người đang gồng mình gánh số phận chính mình để cùng lao lên phía trước. Họ hăng hái và lầm lũi vượt lên chính họ. Họ đi như trôi dạt dưới bầu trời mù mịt của gió, của  bão đang vần vũ trên đầu. Xem tranh "Dấu thời gian" của Trần Mạnh Hùng, làm tôi chợt nhớ và liên tưởng đến những vần thơ về những ngọn gió di dân trong trường ca "Những vùng rừng không dân" của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Chân trần 1, gốm của Nguyễn Khắc Quân
Chân dung, sơn dầu của Nguyễn Xuân Tiệp.

Sáu bức tranh sơn dầu "Nhịp điệu sống" của họa sĩ Lê Quốc Huy với sắc màu, sống động, gợi cảm giác cho người xem vừa tin yêu, vừa lo lắng trước cuộc sống đương đại. Có gì bế tắc, có gì hy vọng, đan xen, chộn rộn, thách thức.

Bảy bức tranh sơn dầu của họa sĩ Trần Ngọc Hưng chung đề tài "Chuối rừng", thể hiện vừa rậm rạp vừa mông lung. Có cái gì đó u trầm mà hừng hực, mà thôi thúc ở bên trong. Tranh tĩnh, mà không tĩnh. Xem tranh, gợi nỗi bồn chồn khó tả.

Họa sĩ Nguyễn Ánh Nguyệt với mảng tranh sơn mài, phản ánh sự sống bình dị, yên ả và thanh cao. Có thể là một cổng làng quê, có thể là những vạt áo dài thơ thới của các thiếu nữ với cây lộc vừng. Người và cảnh đều toát lên vẻ đẹp đôn hậu, lắng đọng, mặc cho cuộc sống đương đại có xô bồ, cuộn chảy.

 Họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp rất chắc tay khi thể hiện mười sáu bức chân dung. Mười sáu khuôn mặt như bổ túc cho nhau, để mô tả, khắc họa những khuôn hình muôn màu, muôn trạng thái. Tranh chân dung của Nguyễn Xuân Tiệp gọi ra vẻ đẹp chìm sâu, chứa chất tâm trạng.

Họa sĩ Phạm Hà Hải với bút pháp điêu luyện qua bốn bức tranh sơn dầu, đã lưu giữ vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết và trang trọng. "Liên hoa vàng" như tiếng chuông lanh lảnh rung lên báo mùa thu vàng rực rỡ. "Sương giao mùa" và "Bạch liên" như cùng chộn rộn cảm xúc lãng đãng khói sương. Không gian và thời gian như ngưng đọng trong cái màu trắng trong, mờ mịt và xa xăm. Tranh của Phạm Hà Hải gợi cảm giác vẻ đẹp thiên nhiên nôn nao khó tả.

Cổng làng, sơn mài của Nguyễn Ánh Nguyệt.
Liên hoa vàng, sơn dầu của Phạm Hà Hải.

Họa sĩ Nguyễn Khắc Quân với nhóm tượng gốm gây ấn tượng mạnh. "Chân trần" 1, 2, 3 và "Tay trần" mô tả những con người lam lũ, vất vả, như cắm, như cào cấu, như bấu víu vào cuộc đời. Những bàn chân, bàn tay như hằn từng mạch máu, đường gân. Có bàn chân ròng ròng chảy máu. Có bàn chân trần đạp trên đá sắc, chông gai, đinh nhọn, để đứng dậy, để đi lên, để tiến tới làm con người cần lao, lương thiện. Tượng chân dung của Nguyễn Khắc Quân cuồn cuộn cảm xúc. Thông điệp trên tượng gốm của Nguyễn Khắc Quân như trực diện, chứa chất nhiều nội tâm, có sức lan tỏa.

Triển lãm "Ngày về" 1 của bảy họa sĩ, điêu khắc, tuy mỗi người chọn đề tài và phong cách thể hiện khác nhau, nhưng cùng góp tiếng nói trách nhiệm với cuộc sống đang xô bồ, đa chiều. Vẻ đẹp nhân bản, hướng thiện, đó là nỗi niềm chung của các họa sĩ và các nhà điêu khắc mà tôi nhận được qua triển lãm này.

Có một cơ duyên, bảy họa sĩ và điêu khắc này cùng làm việc trong một cơ quan. Hằng ngày, họ cùng làm công việc lưu giữ, bảo quản, quảng bá những tác phẩm mỹ thuật tiêu biểu của nước nhà. Họ gặp gỡ ở ý thức muốn vươn tới vẻ đẹp hoàn mỹ của sáng tạo nghệ thuật. Họ đã chung sức, mở triển lãm "Ngày về" 1, như góp lên một tiếng nói tha thiết với cuộc sống, với thời cuộc. Đúng như lời giới thiệu của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp trong buổi khai mạc, đó là "lời tri ân và hy vọng là những người giữ lửa, đồng thời tiếp nối, khẳng định con đường nghệ thuật từ lớp những nghệ sỹ đàn anh".

Tháng 2/2015

Vũ Từ Trang
.
.