Yếu tố bản sắc trong hội họa Việt nam thời kỳ hội nhập quốc tế

Thứ Sáu, 22/01/2021, 12:28
Trong thời đại hội nhập quốc tế, giao lưu văn hóa, mỹ thuật toàn cầu, yếu tố bản sắc cần được đề cao trong các tác phẩm hội họa Việt Nam, nó tạo nên vẻ đẹp độc đáo của một dân tộc, quốc gia có lịch sử văn hóa lâu đời. Ngày nay nhiều tác phẩm của họa sĩ trẻ đang có xu hướng mờ nhòa bản sắc, khi xem tranh không phân biệt được đặc điểm riêng của nền văn hóa dân tộc.


Bài viết đề cập đến yếu tố bản sắc thông qua các hình tượng nghệ thuật trong một số tác phẩm hội họa Việt Nam tiêu biểu, với mong muốn đóng góp ý kiến cá nhân về vấn đề phát huy truyền thống văn hóa, gìn giữ bản sắc dân tộc trong tác phẩm hội họa giai đoạn hội nhập quốc tế.

Tác phẩm “Mùa hè đầy màu sắc 1”, 2012 - sơn dầu của họa sĩ Đào Quốc Huy.

Nhận diện bản sắc dân tộc thông qua một số tác phẩm hội họa Việt Nam

Những năm gần đây, nền hội họa Việt Nam có nhiều thay đổi, đặc biệt ở nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm, cùng với tư duy, cá tính đa dạng của người nghệ sĩ đã tạo nên sự biến đổi mạnh mẽ cho nền hội họa Việt Nam giai đoạn hội nhập. 

Nhìn lại các tác phẩm hội họa của những họa sĩ trẻ thời gian gần đây cho thấy dấu hiệu chưa rõ nét tiêu biểu về bản sắc văn hóa, những tinh hoa văn hóa truyền thống như ít được thể hiện thông qua hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. 

Có những tác phẩm khó nhận diện được đâu là tác phẩm hội họa của Việt Nam hay một số nước khác trên thế giới, điều này cũng là một phần tất yếu trong thời kỳ cả nước đang trên đà phát triển, khi chưa có những chủ trương, những triển lãm hay hội thảo chuyên đề bàn về bản sắc trong tác phẩm hội họa giai đoạn hội nhập. 

Xong cũng có một số họa sĩ chọn cho mình hướng đi phù hợp, vừa giao lưu tiếp biến văn hóa với thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm nghệ thuật của mình, có thể kể đến họa sĩ tiêu biểu Đào Quốc Huy, Nguyễn Trung Tín, Vũ Đình Tuấn… Trong bài viết ngắn này, tôi muốn nhìn nhận yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc thông qua một số tác phẩm hội họa của những họa sĩ trên.

Tác phẩm “Ban công và sen”, 2012 - sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Trung Tín.

Trong chuỗi tác phẩm Mùa hè đầy màu sắc của tác giả Đào Quốc Huy ta thấy, cách thức thể hiện tác phẩm đã thay đổi cho phù hợp với thời đại, thời kỳ hội nhập, sự thay đổi rõ rệt biểu hiện qua không gian nghệ thuật trong tranh, chủ yếu là không gian đồng hiện, không gian đa chiều hay còn gọi là không gian tổ hợp. 

Với cách chọn không gian này hình tượng nhân vật, cảnh vật được diễn tả phong phú, sống động, không nhất thiết phải theo quy luật của xa gần trong hiện thực cuộc sống. Không gian trong tranh thay đổi theo cảm quan nghệ thuật, làm cho thế giới của hình và sắc trở nên phong phú, biến ảo, đây là một bước thay đổi về cá nhân nghệ sĩ cũng như cho tác phẩm hội họa Việt Nam trong diễn trình phát triển. 

Đặc biệt khi xem tranh ta nhìn nhận bản sắc văn hóa qua hình tượng nghệ thuật như nhân vật, cảnh vật, đồ vật trong tác phẩm rất rõ, tuy mang yếu tố phi lý xong đặc điểm dân tộc hiện diện đậm nét qua hình ảnh của đèn dầu, áo dài Việt Nam, không gian ngôi nhà thời bao cấp và đặc điểm riêng biệt về con người Việt không lẫn với các nước khác. 

Những hình tượng liên kết với nhau qua các yếu tố tạo hình như màu sắc tươi sáng, mảng nét khái quát, chi tiết, điểm nhấn tinh tế đưa đến hiệu quả nghệ thuật mới mà trước đây trong nền hội họa Việt Nam ít thấy. 

Như vậy, hình thức thể hiện trong tác phẩm hội họa của họa sĩ Đào Quốc Huy đã có sự thay đổi so với nền hội họa Việt Nam ở những giai đoạn trước, xong trên thế giới đã được nhiều họa sĩ thể hiện, là một trong những cách vẽ phổ biến, nó được nhiều họa sĩ yêu thích, theo đuổi và tạo dựng dấu ấn cá nhân. 

Qua đây ta thấy, trong quá trình hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới, người họa sĩ tuy có học hỏi để định hình cho bản thân hướng đi riêng, tìm tòi cách thể hiện mới nhưng đặc điểm về bản sắc dân tộc không bị mất đi, mà vẫn được nhận diện rõ nét, tạo nên sự phong phú đa dạng cho nền mỹ thuật nói chung và nền hội họa Việt Nam nói riêng. 

Cũng với cách thể hiện tương đồng trên, nhưng họa sĩ Nguyễn Trung Tín lại chọn cho mình một hướng đi khác khi chủ yếu tranh của ông được vẽ về hình tượng người thiếu nữ và khung cảnh của không gian nhà cổ, ban công cũ, dãy phổ nhỏ hẹp. Ở đó có những hình ảnh quen thuộc ăn sâu và tâm hồn người Việt, xong với cách thể hiện không gian tổ hợp kết hợp đồng hiện, cùng các yếu tố siêu thực đã tạo nên sự mới lạ cho tác phẩm. 

Trong tranh, tác giả luôn chủ động về hình tượng và chất cảm, từ chất da thịt, trang phục mượt mà lộng lẫy của hình tượng người phụ nữ đối trọng với chất xù xì ở tường nhà, sắt rỉ, thủy tinh, gốm… Nó tạo nên sự biến ảo ở một số vị trí, bộ phận làm cho cơ thể người như kết dính, hòa nhập với không gian xung quanh trong tranh, điều này thường thấy ở các tác phẩm hội họa châu Âu ở thế kỷ XVIII. 

Nhưng cách thể hiện trên đã đem lại sự mới lạ cho cả họa sĩ Việt Nam và thế giới bởi sự tổ hợp về không gian, sự biến ảo về hình thể tuy đã quen thuộc với thế giới nhưng hình tượng nghệ thuật lại mang tinh thần Việt, mang bản sắc văn hóa riêng biệt Việt Nam. 

Với họa sĩ Vũ Đình Tuấn lại chọn cho mình một sự biểu hiện khác khi thể hiện hình tượng nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa Việt qua một số tác phẩm lụa ở những năm gần đây, như tác phẩm Sen, Nữ hoàng, Dạ yến thảo nở hoa… Những hình tượng quen thuộc như hoa sen, hoa quỳnh, hoa dạ yến, hoa súng, hoa gạo, đèn dầu… cùng hình ảnh chân dung đã đem lại hơn thở mới cho chất liệu lụa Việt Nam giai đoạn hội nhập. 

Trong tranh, toàn bộ phần nền xung quanh được khái quát, giản lược để tập trung thị giác người thưởng thức đến hình ảnh của chân dung cùng hương sắc của những loài hoa quen thuộc, gắn bó hằng ngày trong tâm thức, văn hóa truyền thống Việt Nam. Là sự tổ hợp của nhiều vẻ đẹp dung dị về hình tượng để tạo nên sự thanh nhã, cao quý khi kết hợp những hình tượng trên trong tác phẩm, nó tạo nên cách thể hiện mới cho chất liệu lụa Việt Nam mà những giai đoạn trước chưa họa sĩ nào thể hiện. 

Vũ Đình Tuấn là tác giả đã có những thử nghiệm xưa cũ, hoài cổ, người đã trải nghiệm nhiều cuộc sống vùng miền quê Bắc Bộ, hình ảnh hoài cổ, yêu thiên nhiên, cùng với kỹ thuật thể hiện tinh xảo, khéo léo lồng ghép các hình ảnh với nhau, mang nhiều nét khác nhau trong tranh chân dung tạo sự mới lạ và không trùng lặp. 

Tác giả vẽ tương đối hiện đại, hình ảnh hoài cổ được hiện lên cùng với bức tranh với cách thức mang tính đồng hiện, siêu thực, tính bản sắc và hội nhập thể hiện sự lắp ghép các hình ảnh đồng bằng Bắc Bộ, mượn những hình ảnh xưa cũ, hoài cổ, thiên nhiên để đưa và lồng ghép vào các gương mặt, chân dung trong tác phẩm.

Tác phẩm “Sen”, 2017, lụa của tác giả Vũ Đình Tuấn.

Để thấy rằng, với mỗi tác giả mỗi người đều có cách tiếp cận khác nhau, văn hóa đô thị, nhiên nhiên làng quê, hình tượng người thiếu nữ, khung cảnh, dãy phố... Các tác giả vẫn luôn truyền tải tới công chúng được văn hoá bản địa Việt Nam với ngôn ngữ nghệ thuât hiện đại trong cách thức đặt vấn đề, thông điệp về thời gian, về cuộc sống mang tính thời đại.

Như vậy, ngày nay trong quá trình hội nhập quốc tế, một số họa sĩ Việt Nam đã có nhìn nhận, tìm tòi đổi mới, nó là kết quả của quá trình hội nhập, giao lưu văn hóa nghệ thuật của nhiều nước, qua đó đem lại sự phong phú cho nền hội họa Việt Nam thông qua những định hình phong cách cá nhân, những tìm tòi, sáng tạo mới được hội đồng chuyên môn đánh giá cao. 

Mỗi tác giả đều có phát hiện, tìm tòi riêng nhằm truyền tải thông điệp của riêng mình với người thưởng thức nghệ thuật thông qua tác phẩm, ở đó vấn đề bản sắc được các tác giả chú trọng và xây dựng thành hình tượng nghệ thuật, nó trở thành những dòng chảy về bản sắc văn hóa âm thầm được biểu hiện trong tác phẩm, vừa tạo nên phong cách cá nhân vừa đưa đến đặc điểm nhận diện hội họa của dân tộc.

Nguyễn Thị Thu Hương
.
.