Yêu cái mặn mà xứ Quảng

Thứ Hai, 31/08/2020, 15:19
Trong những chương trình nghệ thuật gây quỹ ủng hộ vùng tâm dịch Quảng Nam - Đà Nẵng, ca khúc được chọn lựa nhiều nhất là “Yêu cái mặn mà” của nhạc sĩ Trần Quế Sơn. Giữa những ngày chống chọi Covid-19, hát lại và nghe lại “Yêu cái mặn mà” càng thấy sự gắn bó của nhạc sĩ Trần Quế Sơn với đất Quảng ân tình.


Nhạc sĩ Trần Quế Sơn là người gốc xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Nhạc sĩ Trần Quế Sơn là con trai út trong gia đình có 8 người con, nên được đặt tên là Trần Văn Tám. Khi bước vào âm nhạc, Trần Văn Tám lấy địa danh quê hương mà thành nhạc sĩ Trần Quế Sơn. Vì vậy, bàn về âm nhạc của Trần Quế Sơn, không phải chuyện “bà Tám” mà đích thị chuyện “ông Tám”.

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn viết ca khúc “Yêu cái mặn mà” ngay sau khi tốt nghiệp khoa sáng tác của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. Khởi đầu, ca khúc “Yêu cái mặn mà” được một ca sĩ có chất giọng Nam bộ đặc trưng là Hạnh Nguyên thể hiện, sau đó mới lần lượt được hát lại với các ca sĩ Dương Hồng Loan, Lê Sang, Quang Hào… Và gần đây ca khúc “Yêu cái mặn mà” lại tạo ấn tượng mới qua tam ca Hoài Linh - Đàm Vĩnh Hưng - Dương Triệu Vũ.

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn.

Ca khúc “Yêu cái mặn mà” được xem là “tình ca xứ Quảng” bởi nội dung đề cập trực diện về đất và người xứ Quảng, bao gồm cả Quảng Nam lẫn Đà Nẵng: “Nếu em yêu cái mặn mà thì về Quảng Nam quê anh. Nếu em ưa cái nồng cay thì về Quảng Nam ân tình. Người ở miền Trung không ngại mưa ngại gió. Người ở miền Trung em về, em sẽ thương”. Nhạc sĩ Trần Quế Sơn không chỉ miêu tả nét riêng của xứ Quảng, mà còn khéo léo đưa vào một câu tỏ tình: “Nếu em yêu những chùa chiền thì về Hội An em xem. Nếu em ưa ngắm trời xanh thì về lãng du Ngũ Hành. Rồi về Hoà Vang nghe mùi xôi nếp mới. Rồi về làng anh, em làm dâu nhà anh”.

Ca khúc “Yêu cái mặn mà” được người Quảng Nam lẫn người yêu Quảng Nam thích thú, vì xuất hiện cả những từ ngữ quen thuộc trong lời ăn tiếng nói của nơi này: “Ôi nghe thương sao cái chi chi mà rứa rứa. Ôi nghe thương sao cái bên ni bên tê. Đất Quảng ân tình anh yêu từ thơ bé. Đất Quảng ân tình anh yêu từng xóm làng. Và yêu sao những nhánh sông dâng mình cho trái ngọt đồng xanh”.

Sau khi Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, nhạc sĩ Trần Quế Sơn viết tiếp một bài cho Quảng Nam có tên gọi “Tình quê”. Ca sĩ hát “Tình quê” được nhiều người thưởng thức nhất là Mỹ Tâm, nhưng ca sĩ hát “Tình quê” khiến nhiều người xúc động nhất là… Trần Quế Sơn. 

Phải nghe chính nhạc sĩ Trần Quế Sơn vừa gõ bàn vừa cất giọng Quảng nằng nặng thì mới thấm thía: “Về đây thăm cố hương, tôi nhìn nơi nao cũng thương. Đất quê đẹp tuyệt vời, tình yêu tôi trải rộng nước non. Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi! Tôi chắc tình tôi thắm trên triền núi, xanh ngắt vòm khoai ươm vàng nải chuối. Tôi mắc tình tôi thắm trên cành bưởi, thơm tóc mẹ tôi, xanh tóc chị tôi. Quảng Nam ơi! Quảng Nam ơi! Thương quá làng quê bão giông chìm nổi. Thương xóm làng xưa cánh đồng trên núi. Thương mía đường thơm tô mì gạo mới. Thương quá Hội An phố cổ đẹp ngàn đời…”.

Tài năng sáng tác của nhạc sĩ Trần Quế Sơn chín muồi vào độ tuổi 30, được giới chuyên môn thừa nhận bằng Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam liên tục hai năm 2004 và 2005. Đã có không ít giải thưởng do giới nhà nghề tôn vinh thì đám đông lại chẳng mấy đoái hoài. Thế nhưng, trường hợp ca khúc “Cõng mẹ đi chơi” của nhạc sĩ Trần Quế Sơn lại dung hòa được cả hai phía thẩm mỹ tiếp nhận. Cái hào quang mà Hội Nhạc sĩ Việt Nam đắp lên cho ca khúc “Cõng mẹ đi chơi” không nhiều bằng sự tán tụng của công chúng dành cho tác phẩm này. 

Cái hay của ca khúc “Cõng mẹ đi chơi” nằm ở yếu tố độc và lạ. Xưa nay, mẹ cõng con đi chơi thì nhiều, nhưng mấy khi con cõng mẹ đi chơi: “Mẹ và con đi chơi đi ra bờ suối, con suối chạy dài khua cả vòm trời lung lay. Rồi vài mươi năm sau đi qua trần thế, con cõng mẹ về con cõng mẹ về thiên thai. Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời. Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai mẹ bỏ con rồi. Mẹ để con mồ côi”.

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn bên mộ thi sĩ Bùi Giáng.

Ca khúc “Cõng mẹ đi chơi” không hề xuất phát từ sự tưởng tượng. Đó là hình ảnh thật của mẹ con Trần Quế Sơn. Không phải đơm đặt, không phải hư cấu, nhạc sĩ Trần Quế Sơn chỉ viết lại hành trình nhiều xao xuyến lắm suy tư mỗi ngày mình cõng mẹ đi chơi, mà thành lời ca ấm áp lòng người: “Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai ngồi khóc bên trời. Hôm nay cõng mẹ đi chơi, một mai mẹ phải lên trời. Đời là trò chơi, trò chơi lên trời. Cuối đời là trò chơi, trò chơi lên trời”.

Suốt tuổi thanh niên, nhạc sĩ Trần Quế Sơn rong ruổi ở đô thị lớn nhất phương Nam, để thỏa chí tang bồng. Trong những cuộc tranh luận luôn luôn thiếu chút bình tĩnh của đời sống âm nhạc Việt Nam thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, giữa nhạc đỏ và nhạc vàng, giữa nhạc chính thống và nhạc thị trường, giữa nhạc trẻ và nhạc già, thì nhạc sĩ Trần Quế Sơn luôn là một ví dụ ngoại lệ. Bởi lẽ, Trần Quế Sơn không chạy theo xu hướng thời thượng, mà tìm tòi đưa chất liệu âm nhạc dân tộc vào ca khúc của mình, để chinh phục tuổi mới lớn lẫn tuổi nghỉ hưu.

Không chỉ có tư chất chịu thương chịu khó của dân Quảng, nhạc sĩ Trần Quế Sơn còn có cái “bất phàm” của kẻ sáng tạo. Nhiều doanh nhân đồng hương sẵn sàng bỏ số tiền lớn để đặt hàng “công ty ca” hoặc “thương hiệu ca”, nhưng nhạc sĩ Trần Quế Sơn đều lắc đầu từ chối. Vì  vậy, mỗi đêm, nhạc sĩ Trần Quế Sơn tên tuổi lừng lẫy vẫn lọ mọ đi đánh đàn ở các quán bar để mưu sinh chật vật.

Những ngày cơm áo không đùa với giai điệu, nhạc sĩ Trần Quế Sơn cũng phát hành được 6 album, gồm “Saigon Twist”, “Vì anh đấy thôi”, “Thôn nữ”, “Một thời dấu yêu”, “Cõng mẹ đi chơi” và “Tình ca Quảng Nam”…Năm 2011, nhạc sĩ Trần Quế Sơn rời chốn đô hội để về quê nhà Quế Sơn- Quảng Nam chăm sóc cha mẹ già. Ngôi nhà xưa dưới chân núi Hòn Tàu ở xã Quế Hiệp không có son phấn của ca sĩ, cũng không có xiêm áo của khán giả, nhạc sĩ Trần Quế Sơn chỉ có hai khách tri âm là song thân lưng còng gối mỏi. Nhạc sĩ Trần Quế Sơn thanh thản ở đấy, bóp chân cho cha, bưng cháo cho mẹ. 

Nhạc sĩ Trần Quế Sơn thổ lộ: “Tôi không quan tâm đến hào quang hoặc sự nổi tiếng. Tôi chỉ biết sáng tác âm nhạc cho hay để hát chơi, để cống hiến ca khúc cho nền tân nhạc dân tộc mình. Âm nhạc của tôi khơi gợi cho mọi người yêu quê hương, yêu dân tộc, yêu con người và sống hồn nhiên. Tôi luôn tìm thấy những đề tài lạ, giàu tính nhân văn, triết lí sống… để gởi gắm vào các tác phẩm của mình. Đó cũng là lý do các ca khúc của tôi ít nổi tiếng rầm rộ, nhưng khi thính giả đã cảm nhận được thì sẽ yêu thích bền lâu”.

Rồi cha mẹ cũng lần lượt qua đời, nhạc sĩ Trần Quế Sơn mấy lần muốn quay lại TPHCM nhưng cuối cùng anh quyết định chọn sống ở Đà Nẵng. Thỉnh thoảng, nhạc sĩ Trần Quế Sơn xuất hiện ở TPHCM để tổ chức đêm nhạc hội ngộ bạn bè, rồi lặng lẽ quay về miền Trung ruột thịt.

Bây giờ, nhạc sĩ Trần Quế Sơn đã ở tuổi 48. Người con gái “rồi về làng anh, em làm dâu nhà anh” trong ca khúc “Yêu cái mặn mà” cũng đã bỏ đi sau cuộc hôn nhân đầu tiên tan vỡ, và người mẹ lầm lũi thanh cao trong ca khúc “Cõng mẹ đi chơi” cũng không còn nữa. Nhạc sĩ Trần Quế Sơn những ngày một mình ở tâm dịch Quảng Nam - Đà Nẵng lại nghe tha thiết “Nếu em yêu cái bềnh bồng thì dạo thuyền trên sông Thu. Nếu em ưa thích địa linh thì về Mỹ Sơn em nhìn. Rồi chờ hè sang nghe từng cơn gió nóng. Rồi ngồi thềm trăng nghe mẹ anh hò khoan”.

LÊ THIẾU NHƠN
.
.