Xuất bản Việt và “giấc mơ triệu bản”

Chủ Nhật, 31/03/2019, 08:43
Đây là năm thứ 2 NXB Trẻ tổ chức bình chọn sách bán chạy nhất trong năm với mục đích khích lệ, động viên và tri ân các tác giả có tác phẩm đạt số lượng phát hành lớn. Năm 2018, các tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thị Ngọc Tư và Tony Buổi Sáng đã được vinh danh...


Ngày 24-3 vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh, NXB Trẻ đã tổ chức trao tặng giải thưởng “Sách bán chạy nhất năm 2018” tính đến ngày 31-12-2018. “Quán quân” của giải thưởng năm nay vẫn là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với  11 cuốn sách đã phát hành có số lượng in vượt qua mốc 100 ngàn bản. Đặc biệt là “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được tái bản lần thứ 66 với tổng số 410.500 bản đã được bán ra thị trường. Liệu “giấc mơ triệu bản” có trở thành một giấc mơ có thật của xuất bản Việt?

Giấc mơ triệu bản - Tại sao không?

Nói một cách khách quan thì việc một cuốn sách của tác giả Việt được tái bản đến lần thứ 66 là điều chưa có tiền lệ trong lịch sử của ngành xuất bản Việt Nam. Và có lẽ sẽ rất khó có thể tìm ra một tác giả văn học nào có thể vượt qua lịch sử ấy. Nhưng nhìn vào danh mục sách đoạt giải thưởng “Sách bán chạy nhất năm 2018” mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được vinh danh năm nay, chắc hẳn bất cứ một độc giả hay người cầm bút nào cũng phải nghiêm cẩn “kính chào”: Trong số 13 đầu sách đoạt giải, có 11 đầu sách thuộc về tác giả Nguyễn Nhật Ánh, bao gồm: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, “Cảm ơn người lớn”, “Chú bé rắc rối”, “Thiên thần nhỏ của tôi”, “Chuyện cổ tích dành cho người lớn”, “Những chàng trai xấu tính”, “Còn chút gì để nhớ”... Hai tác giả được vinh danh khác là Tony Buổi Sáng với tác phẩm “Cà phê cùng Tony” được tái bản lần thứ 8 cán mốc 190 ngàn bản in và nữ tác giả Dương Thụy với “Oxford thương yêu” được tái bản lần thứ 29 với 115 ngàn bản in.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (giữa) và nhà văn Dương Thụy (bìa phải) giao lưu với độc giả trong buổi trao tặng giải thưởng “Sách bán chạy nhất của năm 2018”.

Đây là năm thứ 2 NXB Trẻ tổ chức bình chọn sách bán chạy nhất trong năm với mục đích khích lệ, động viên và tri ân các tác giả có tác phẩm đạt số lượng phát hành lớn. Năm 2018, các tác giả Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thị Ngọc Tư và Tony Buổi Sáng đã được vinh danh.

Thật ngạc nhiên, vẫn là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và  tác giả Tony Buổi Sáng chính là 2 tác giả lần thứ 2 được vinh danh tại giải thưởng này cách đây vài hôm. Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư được vinh danh với tác phẩm gắn liền với tên tuổi của chị - đó là truyện vừa “Cánh đồng bất tận” - tác phẩm đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 và giải thưởng Văn học ASEAN năm 2008.

Được in thành sách lần đầu năm 2005, tính đến 31-12-2017, “Cánh đồng bất tận” đã được tái bản lần thứ 40 với 158.700 bản in và từng được dịch và in tại Hàn Quốc. Tác giả Tony Buổi Sáng được vinh danh với cuốn tản văn “Trên đường băng” ra mắt lần đầu năm 2015, đã cán mốc 311 ngàn bản in với 16 lần tái bản.

 Nhưng tên tuổi nóng hổi nhất thì vẫn là nhà văn Nguyễn Nhật Ánh với 10/12 tác phẩm lọt vào danh sách trao giải với trên 100 ngàn bản in mỗi cuốn, đó là: “Ngày xưa một chuyện tình”, “Ngồi khóc trên cây”, “Mắt biếc”, “Chúc một ngày tốt lành”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Hai con mèo nằm trên cửa sổ”, “Con chó nhỏ mang giỏ hoa hồng”...

Tác phẩm “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã trở thành cuốn sách có lượng phát hành lớn thứ 2 (chỉ sau “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”) của tác giả Nguyễn Nhật Ánh với 250 ngàn bản in và được tái bản lần thứ 33 (chỉ tính đến 31-21-2017).

Có thể nói, Nguyễn Nhật Ánh đúng là nhà văn không có đối thủ về số lượng phát hành. Ông không phải chạy “đua thành tích” với ai ngoài... chính mình. Với 2 năm liền giữ ngôi “quán quân” với trên 20 đầu sách lọt vào danh sách “Sách bán chạy” với tiêu chí sách phải có tổng lượng phát hành trên 100 ngàn bản tính từ bản in đầu tiên, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã có khoảng 2 triệu 500 ngàn cuốn sách được bán ra trên thị trường.

Đó là chưa kể, nếu tính “tổng gia tài”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng phải có đến 50 tác phẩm đã được ấn hành trong hơn 40 năm qua.

“Nhân tố triệu bản” bí ẩn tiếp theo là ai?

Xét ở góc độ tổng quan này, có lẽ Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn đầu tiên của Việt Nam đã cán mốc để rồi vượt xa “giấc mơ triệu bản”. Có lẽ, lịch sử văn học và ngành xuất bản Việt Nam sẽ phải có ghi nhận về những con số đặc biệt này. Đó không chỉ là con số kỳ lạ với một tác giả, con số biết nói đối với giới cầm bút Việt Nam mà cũng là con số đáng nể đối với văn đàn thế giới. Sau Nguyễn Nhật Ánh, hiện tượng xuất bản lại thuộc về cái tên rất lạ, đó là Tony Buổi Sáng.

Với 2 cuốn sách ra đời đều tạo ra cơn sốt là “Cà phê cùng Tony” và “Trên đường băng” (đã có tổng lượng phát hành trên 500 ngàn bản), nhưng đến nay danh tính của tác giả Tony Buổi Sáng vẫn hoàn toàn là một ẩn số. Tony Buổi Sáng chưa từng tổ chức ra mắt sách, chưa từng tổ chức giao lưu - ký tặng sách cho độc giả cũng như chưa từng có hình ảnh nào về tác giả Tony Buổi Sáng được công bố có kiểm chứng.

Ở cả 2 lần được NXB Trẻ trao giải, trở thành 2/3 tác giả được tôn vinh ở hạng mục Sách bán chạy nhất của năm 2017 và 2018 vừa qua, tác giả Tony Buổi Sáng cũng đều không đến nhận giải. Vì thế, một số độc giả tò mò về danh tính của Tony Buổi Sáng đã đến dự buổi trao giải của NXB Trẻ với hi vọng tác giả của 2 cuốn sách họ yêu thích sẽ bất ngờ xuất hiện, nhưng rồi sự thể không được như mong đợi.

Chỉ có trang fanpage Tony Buổi Sáng với trên 1 triệu lượt người like là vẫn hoạt động, cập nhật đều đặn. Kỳ lạ ở chỗ, với nhiều tác giả, việc được vinh danh ở một giải thưởng nào đó đều khiến bản thân tác giả vui mừng về sự ghi nhận của cộng đồng, là một thành tựu mới đạt được, thì trang fanpage Tony Buổi Sáng vẫn “im hơi lặng tiếng”, không có hoạt động, bình luận hay dẫn link báo chí chính thống để loan tin đến fan hâm mộ.

Danh mục các đầu sách có lượng phát hành trên 100 ngàn bản năm 2018 theo thống kê của NXB Trẻ.

Sự “mai danh ẩn tích” hoàn toàn này của Tony Buổi Sáng khiến độc giả trẻ hết sức tò tò. Theo lẽ thông thường, một tác phẩm ra đời mà tác giả của nó được độc giả tò mò, tìm kiếm thì là điều quá đỗi đáng mừng. Nhưng trường hợp của Tony Buổi Sáng lại hoàn toàn khác biệt. Tác giả này đã từng gửi thông điệp đến độc giả của mình: “Các bạn không cần tìm kiếm Tony Buổi Sáng là ai, hãng Phượng Tím ở đâu nhé. Nếu một ngày nào đó bạn thấy Tony trên tivi hay báo đài, thì Tony đã có mưu cầu thương mại kiếm tiền, hoặc ham danh ham lợi rồi!”.

Có lẽ, điều mà tác giả Tony Buổi Sáng hướng đến có ý nghĩa khác biệt, sâu sắc hơn những mối lợi danh có thể nhận được, nên tác giả lựa chọn cách ẩn danh. Bởi vì, tác giả đã từng chia sẻ trong cuốn “Trên đường băng” rằng: “Thế giới sẽ tốt đẹp hơn khi người ta biết chia sẻ, đặc biệt là những trải nghiệm.

Thay vì trải qua và vấp phải để có nó, người trẻ có thể lĩnh hội thông qua sự chia sẻ của những người đi trước. Dành thời gian để trải nghiệm những cái khác nữa vì thế giới rất rộng lớn và xã hội thì muôn màu. Nhưng không dễ để ai đó sẻ chia vì bí quyết, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử, kinh nghiệm làm ăn… họ thường sẽ giữ lại cho riêng mình để kiếm tiền, hoặc chỉ truyền cho con cháu dòng họ. Có dân tộc còn xem như là bảo bối, không để lọt ra ngoài nước...”.

Bởi thế, có lẽ độc giả chỉ còn cách tự tưởng tượng ra theo cách của riêng mình và chờ đợi cuốn sách tiếp của Tony xuất hiện. Chứ theo như cách nói và những việc làm của Tony trong thời gian qua trong việc bảo vệ sự “kín đáo, riêng tư” của mình, thì còn lâu Tony Buổi Sáng mới chịu lộ diện. Thậm chí, trên trang fanpage Tony Buổi Sáng, tác giả còn đặt ảnh bìa với những quy định, những điều cấm kỵ nghiêm ngặt về việc “Không tò mò tiểu nông về tác giả!”.

Cho dù có xuất hiện hay không, có một điều mà nhiều người phải thừa nhận, đó là dù vẫn là “nhân tố bí ẩn”, nhưng Tony Buổi Sáng lại là nhân tố được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo ra “cơn sốt best-seller” tiếp theo và trở thành “tác giả triệu bản” trong tương lai. Chỉ mới xuất hiện trong vòng dăm năm, với 2 đầu sách đã vượt qua mốc nửa triệu bản là một bất ngờ lớn với bất cứ ai quan tâm đến thị trường sách.

Có thể nói, Tony Buổi Sáng đã có số lượng sách phát hành vượt qua những tên tuổi hàng đầu về lượng phát hành của Việt Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Thị Ngọc Tư, Nguyễn Phong Việt... và thậm chí cả tác giả đương đại có tác phẩm dịch ra nhiều thứ tiếng nhất - đó là Bảo Ninh với “Nỗi buồn chiến tranh”.

Và sau cùng, cảm ơn Tony Buổi Sáng đã đem đến niềm hi vọng cho thị trường  xuất bản cũng như văn hóa đọc Việt Nam. Bởi lẽ, với tất cả những điều đã nêu ra trên đây, độc giả tìm đến với những cuốn sách của Tony Buổi Sáng bởi nó thực sự hấp dẫn và lan tỏa theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”: Một cuốn sách hay sẽ tự khắc bán chạy, chẳng cần tác giả phải đăng đàn, mà độc giả cũng không nhất thiết phải biết đó là ai trong cuộc đời này.

Nguyệt Hà
.
.