Xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội: Vừa mừng, vừa lo

Chủ Nhật, 14/08/2016, 07:36
Ngày 8-7 vừa qua, trong cuộc họp sơ kết công tác 6 tháng đầu năm của toàn ngành, tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn thừa nhận: “Ta đang đi lạc đường, chạy theo các sự vụ tầm thường trong khi nhiệm vụ đích thực của Bộ là phát triển nghệ thuật đỉnh cao, bảo tồn truyền thống. Tuồng, chèo, cải lương mà không được quan tâm đầu tư rồi sẽ mất hết, các nhà hát sẽ phải đóng cửa, không còn nghệ sĩ tâm huyết và cũng chẳng có người mua vé xem. Không ai khác có thể làm thay chúng ta những nhiệm vụ này”. 

Tân Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng khẳng định, Bộ sẽ có những nỗ lực để hỗ trợ việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đỉnh cao qua việc hỗ trợ kinh phí 100 đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong năm 2017. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có quyết định gửi đến 12 nhà hát nghệ thuật thuộc Bộ, bao gồm: Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Dàn Nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc, Nhà hát Tuổi trẻ và Liên đoàn Xiếc Việt Nam về việc này. 

Theo đó, các nhà hát có tên trên đây sẽ luân phiên đưa các tác phẩm xuất sắc của đơn vị mình vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn (số 1 Tràng Tiền - Hoàn Kiếm - Hà Nội). Chủ trương được đưa ra nhằm mục đích bảo tồn nghệ thuật truyền thống và sau đó là xây dựng các tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao để đưa vào biểu diễn thường xuyên tại địa chỉ từng được coi là "thánh đường nghệ thuật" suốt hơn một thế kỷ qua.

Biểu diễn trong Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn là ước mơ của nhiều nghệ sĩ.

Theo kế hoạch, Nhà hát lớn Hà Nội sẽ là địa điểm thường xuyên biểu diễn các chương trình nghệ thuật đỉnh cao ngay trong quý III năm nay. Cuối tháng 8 này, các nhà hát của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ đưa chương trình nghệ thuật vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn sớm nhất có thể. Trước thông tin này, nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự vui mừng và hi vọng nhờ đó nền nghệ thuật nước nhà sẽ thực sự có sức sống hơn, thoát khỏi tình trạng lay lắt, tối lửa tắt đèn suốt nhiều năm qua. 

Dự kiến, 3 đơn vị khởi đầu cho đợt biểu diễn nhân kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Chèo Việt Nam. Sau đó, lần lượt đến 9 nhà hát khác thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý. 

Trao đổi với phóng viên, NSƯT Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam vui mừng cho biết, do kế hoạch tương đối bất ngờ với nhà hát, các đoàn của nhà hát đều bận rộn cho việc tập luyện các vở diễn mới sẽ tham dự Liên hoan nghệ thuật chèo truyền thống toàn quốc, cho nên tối 1-9, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ biểu diễn chương trình "Năm cung Chèo" gắn với nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng của Nhà hát. Những tháng tiếp là các vở "Xúy Vân", "Bắc Lệ đền thiêng"... và các trích đoạn chèo truyền thống từng làm nên tên tuổi của Nhà hát chèo Việt Nam cũng như các thế hệ nghệ sĩ của nhà hát.

Trước những ý kiến nghi ngại về việc có thể xảy ra tình trạng "đầu voi đuôi chuột" trong việc thực hiện chủ trương đã công bố đang rất "được lòng" nghệ sĩ và công chúng, đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết sẽ hỗ trợ kinh phí để Nhà hát Lớn miễn phí tiền thuê cho 100 buổi biểu diễn của 12 nhà hát thuộc Bộ trong năm 2017. 

Lãnh đạo Nhà hát Lớn cũng thông tin, trước mắt, trong 4 tháng cuối năm 2016, sẽ thực hiện việc miễn phí thuê rạp biểu diễn cho 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ. Sắp tới, Nhà hát Lớn cũng sẽ lựa chọn các chương trình thuê điểm biểu diễn chặt chẽ hơn nhằm giữ gìn hình ảnh, thương hiệu; triển khai thành lập phòng truyền thông lo công tác tuyên truyền, bán vé để có thêm nguồn thu; hợp tác với các nhà hát, đoàn nghệ thuật của Bộ để xây dựng kế hoạch tiếp thị, quảng bá, giới thiệu các chương trình nghệ thuật có chất lượng đến đông đảo công chúng. 

Đây quả là một tín hiệu vui, một tin mừng đối với nhiều nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ luôn coi việc được biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn như một vinh dự của đời mình. Chỉ có điều, một câu hỏi nữa được đặt ra là, liệu với chủ trương mới của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khuyến khích các đơn vị nghệ thuật khai thác thường xuyên địa điểm “vàng” này để biểu diễn những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, có mở ra cánh cửa cho các tác phẩm sân khấu truyền thống, tác phẩm nghệ thuật hàn lâm, kinh điển đến được với công chúng Hà Nội hay không?

Câu hỏi chất chứa những lo lắng trên đây là hoàn toàn có căn cứ. Trên thực tế, đã từ lâu sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội thiếu vắng các chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật hàn lâm như Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Việt Nam hay các chương trình nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam. Trong khi đó, nhiều chương trình ca nhạc tạp kỹ, nhiều ca sĩ nhạc nhẹ trong nước hay từ nước ngoài trở về như Tuấn Vũ, Giao Linh hay các đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang lại bước vào Nhà hát Lớn không mấy khó khăn. 

Có năm nhạc sĩ Phú Quang tổ chức đến 6-7 đêm nhạc của mình tại đây nhưng các tập thể nhà hát với hàng trăm nghệ sĩ lại không có một đêm diễn nào xứng tầm. Ngay như vở kịch kinh điển "Hamlet" vừa được Nhà hát Kịch Việt Nam - nơi chỉ cách Nhà hát Lớn vài bước chân -  dàn dựng công phu, với kinh phí lên tới hàng tỉ đồng cũng chỉ dám biểu diễn trong Nhà hát Lớn được 1 đêm duy nhất, sau đó lại phải "thu mình" trong sân khấu nhỏ của mình với 150 chỗ ngồi, âm thanh, ánh sáng đều không đạt chuẩn. 

"Thực tế đau thương" này xảy ra là bởi các đêm diễn của các ca sĩ này bao giờ cũng được bán vé giá cao: từ 500 ngàn đến 2,5 triệu đồng. Nghịch lý ở chỗ, điều này lại không thể xảy ra đối với các bộ môn nghệ thuật hàn lâm hay truyền thống ở Việt Nam.

Những vở diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc như vở chèo "Quan âm thị Kính" rất hiếm có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội.

Chính vì giá thuê nhà hát đắt đỏ, không có chính sách hỗ trợ phù hợp cho các đơn vị nghệ thuật hàn lâm hay truyền thống nên từ hàng chục năm nay, dường như nhà hát đã trở thành “nhà sự kiện” ở một vị trí đắc địa, sang trọng nhất Thủ đô. Điều này không chỉ khiến các nghệ sĩ chạnh lòng, "nuốt nước mắt vào trong" như NSND Anh Tú - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - từng tâm sự với phóng viên, mà còn không phù hợp, tương xứng với công năng, đẳng cấp của một công trình kiến trúc - văn hóa có giá trị của Thủ đô. 

Từ năm 2012, Nhà hát Lớn là đơn vị được giao tự chủ kinh phí thường xuyên trực thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch,  trừ kinh phí tu sửa, bảo dưỡng, đơn vị phải tự lo nguồn thu để trang trải mọi hoạt động của mình. Hiện giá thuê Nhà hát dao động từ 20- 60 triệu đồng mỗi đêm/buổi diễn. Trong đó, cao nhất là các chương trình có yếu tố nước ngoài như hòa nhạc Hennessy, Toyota… (60 triệu đồng), thấp nhất là các chương trình nghệ thuật truyền thống của các nhà hát thuộc Bộ (20 đến 25 triệu đồng). 

Nhưng ngay cả khi đã được thuê với giá thấp nhất trong biểu giá cho thuê nhà hát, nhiều đơn vị nghệ thuật vẫn không dám mạo hiểm chọn Nhà hát Lớn làm địa điểm biểu diễn, bán vé. Đây chính là rào cản lớn, khiến những loại hình nghệ thuật hàn lâm như ba-lê, nhạc cổ điển, nhạc kịch hay sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương không có cơ hội tỏa sáng trong nhà hát với đầy đủ các tiêu chuẩn tốt nhất của thế giới. 

Đơn cử như một loạt các vở kịch được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao về chất lượng nội dung lẫn hình thức như “Hamlet” của Nhà hát Kịch Việt Nam, “Công lý không gục ngã”, “Tất cả là con tôi” của Nhà hát Tuổi Trẻ… cũng chẳng mấy khi dám "chơi sang", mang lên Nhà hát Lớn biểu diễn. Bởi vì chắc chắn sẽ rất ít khán giả tự nguyện bỏ ra từ 600.000 - 2.000.000 đồng/vé để được thưởng thức nghệ thuật truyền thống nhưng lại sẵn sàng chi ra số tiền tương tự để đi xem "sô" ca nhạc của một danh ca hải ngoại nào đó.

Có thể nói, mơ ước có những được những đêm diễn lộng lẫy trong Nhà hát Lớn là mơ ước không của riêng nhà hát nào hay nghệ sĩ nào. Vì thế có thể nói, sự định hướng của Bộ Văn hóa  - Thể thao và Du lịch đang khơi dậy hy vọng mới cho hoạt động nghệ thuật sân khấu đỉnh cao ở Nhà hát Lớn, là một trong những định hướng tạo được sự hứng khởi đối với nghệ sĩ, diễn viên và các nhà hát. 

Tuy nhiên, cần có những đề án, kế hoạch cụ thể cho các đơn vị nghệ thuật và trong từng giai đoạn, từng năm. Nếu không, việc biểu diễn thường xuyên các loại hình nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật đỉnh cao tại “địa điểm vàng” Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ không được bền lâu, dù có sự ủng hộ của Bộ chủ quản. Bởi vì, xét cho đến cùng, một nhà hát có đỏ đèn được hằng đêm hay mỗi cuối tuần hay không, phụ thuộc hoàn toàn vào việc có khán giả đến với nhà hát hay không?

Nguyệt Hà
.
.