Vườn không nhà trống

Thứ Bảy, 10/12/2016, 08:01
Hôm 3-12-2016, khá nhiều chủ tài khoản iTunes (một ứng dụng của Apple) nhận được email thông báo rất cụ thể rằng “Đơn vị tiền tệ trong App Store, iTunes Store và Apple Music của Việt Nam sẽ thay đổi từ đô la Mỹ thành Việt Nam đồng. Bạn không cần phải làm gì để thực hiện thay đổi này. Khi đơn vị tiền thay đổi, tất cả mục mua trước hoặc các đăng ký của bạn sẽ được thanh toán bằng Việt Nam đồng”. 


Thông báo này khiến nhiều người nghĩ rằng “có lẽ Apple đã mở văn phòng chính thức hoặc chi nhánh tại Việt Nam, nên do đó, để tuân thủ pháp luật Việt Nam, họ không thể niêm yết giá bằng USD nữa”.

Nhưng vài ngày sau, khi kiểm tra trên “cửa hàng trực tuyến” của Apple như iTunes hay các cửa hàng ứng dụng, người dùng vẫn thấy giá niêm yết là USD, bất chấp việc họ có thay đổi và xác nhận mình sử dụng cửa hàng ảo ở Việt Nam.

Như vậy, thông báo trên có nghĩa là một dọn đường trước cho những thay đổi sẽ xảy ra đối với riêng Apple ở Việt Nam mà thôi, những thay đổi chắc chắn được thực hiện ở tương lai gần.

Câu chuyện của iTunes kể trên gợi nhắc cho chúng ta một thực trạng đang tồn tại hiện nay là các kho dữ liệu, cửa hàng ứng dụng trực tuyến… của nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam phần lớn vẫn niêm yết giá bằng ngoại tệ. Đơn cử như Netflix, một ứng dụng kinh doanh xem phim trực tuyến, vốn đã góp mặt ở Việt Nam từ gần 1 năm nay, vẫn đều đều thu phí người dùng ở Việt Nam bằng mức giá niêm yết là 7.99USD cho thuê bao chỉ xem 1 màn hình tại một thời điểm; 9.99USD cho thuê bao xem 2 màn hình cùng 1 thời điểm và 11.99 USD cho thuê bao đăng ký xem 4 màn hình cùng một thời điểm.

Chắc chắn, Netflix chưa chính thức đăng ký kinh doanh ở Việt Nam, nhưng họ đã và đang thu tiền của các thuê bao sống ở Việt Nam qua thanh toán điện tử bằng cách mở mã cho các địa chỉ IP từ Việt Nam mà thôi. Việc Netflix làm cũng đầy rẫy các nhãn hiệu khác đang theo đuổi mà cụ thể là youtube. Hoạt động quảng cáo trên youtube vô cùng nhộn nhịp, tạo ra một khoản doanh thu quảng cáo kỹ thuật số khủng khiếp nhưng quản lý nhà nước Việt Nam gần như không thể can thiệp gì, từ nội dung cho tới kiểm soát thuế.

Rõ ràng, đó là một mảng thị trường đang bị bỏ lỏng theo kiểu vườn không nhà trống. Vẫn biết rằng, để quản lý chặt chẽ tình trạng kinh doanh kỹ thuật số hiện nay vô cùng gian khó, nhưng việc không có bất kỳ một động thái nào lại cho thấy dường như chúng ta để mọi thứ trôi đi vì một trong hai nguyên nhân: tảng lờ hoặc khó quá không thể với tới.

Nhưng chúng ta không thể đứng ngoài cuộc được mãi khi kinh doanh các nội dung kỹ thuật số, marketing và quảng cáo kỹ thuật số đang trở thành trào lưu mạnh mẽ và sẽ thay thế các phương pháp kinh doanh, quảng cáo, marketing cổ điển trong tương lai không xa. Và vì lẽ đó, để mình đứng ngoài cuộc ngay cả ở trên vùng lãnh thổ của mình chính là một sai lầm mà nếu không khắc phục sớm ngày nào, hậu quả của tình trạng “vườn không nhà trống” sẽ càng ngày càng lớn đến mức khó có thể hình dung nổi. 

Văn Đoàn
.
.