Với người ở "miền xa thăm thẳm"

Thứ Ba, 14/06/2011, 08:19
Nhân đọc bài thơ "về thăm bạn" của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu.

Con đường về quê
gồ ghề đá sỏi
bạn ở bên kia
mấp mô đồng nội  

ngược chiều gió thổi
mưa rơi
trái tim giọt giọt
đừng xanh ngút mắt
khuất khuất bạn tôi một mình
đừng tàn héo úa
một mình bạn tôi làm sao chống đỡ
cỏ ơi  

một người bé nhỏ
xin cỏ
một người nhân nghĩa
xin cỏ
bạn tôi hay buồn
giờ về với cỏ tươi non
bạn ở bên kia
miền xa thăm thẳm
hương cây chim trắng xanh rờn cỏ xanh
thiên thu nơi bạn
tôi bờ mong manh
bạn bay mây trắng
tôi còn tóc xanh
 

Theo như Nguyễn Linh Khiếu kể lại với người viết bài này thì cuộc hành trình "về thăm bạn" lần ấy (thực chất là một cuộc thăm viếng mộ bạn) - tụi anh có ba người. Sự ra đi đột ngột của người bạn trẻ cùng lứa đã gây cho họ một sự chấn động, đến độ, chẳng quản đường xa mưa gió, họ lặn lội tìm về Tứ Lộc thắp cho bạn nén nhang. Con đường họ đi khúc khuỷu, gồ ghề - như ý ở khổ đầu bài thơ vẽ ra, nhịp thơ gợi lên. Gió tạt ngang mặt, mưa vắt trên đầu, nhịp tim và giọt mưa hòa đồng. Cứ thế, họ ngồi bên mộ bạn, vừa khóc vừa chung uống chén rượu hòa trộn cả nước mắt lẫn nước mưa. Rồi lặng im, họ nghĩ về cái được, cái mất, cái buồn, cái vui của kiếp người. 

Có lẽ, vì là chuyện buồn, Nguyễn Linh Khiếu không dám đả động nhiều. Câu chuyện chỉ chừng có thế, và khi đưa vào thơ, xem ra tác giả còn "tiết chế" hơn nữa. Tôi đồng ý với cách làm ấy, đúng là không nên tham chi tiết mà để mạch cảm xúc bị chèn lấp, mặc dù đôi lúc - căn cứ trên câu chuyện Nguyễn Linh Khiếu kể - tôi băn khoăn tự hỏi: Vậy thì ở bài thơ, cái dấu ấn tập thể ba người ấy thể hiện chỗ nào? Cụ thể, ai đã nói và nghĩ sao? Việc này na ná như việc một em học sinh tiểu học xem tranh đố của báo Nhi Đồng, rồi lần mò xem trong bức tranh nhằng nhịt nhiều nét ấy cả thảy có bao nhiêu người…Và tôi tự giải "bài toán" ấy cho mình như thế này:

1 - Đừng xanh ngút mắt 
     khuất khuất bạn tôi một mình

Cái cảm giác e sợ thiên nhiên xóa lấp đi dấu tích con người, tuy chỉ còn biểu trưng ở nấm mồ, là của một người tự nhận là "Một người bé nhỏ/ xin cỏ…". 

2 - đừng tàn héo úa 
     bạn tôi một mình làm sao chống đỡ

Đấy là tiếng kêu thầm của "một người nhân nghĩa/ xin cỏ". Khác với tiếng kêu trước đó, anh mong cho mồ bạn cỏ chớ úa tàn, vì khi sống, bạn anh không quen đối mặt với sự trần trụi. 

Và đây: "bạn tôi hay buồn/ giờ về với cỏ tươi non" - ấy là phát lộ tình cảm của chính bản thân tác giả bài thơ, một cán bộ từng có thời công tác tại Viện Triết học, người hay ưu tư về những kiếp nhân sinh nhỏ bé.

Thì - đã có "lãnh địa" của các linh hồn nào được vẽ với một sắc thái tươi xanh như thế: "bạn ở bên kia/ miền xa thăm thẳm/ hương cây chim trắng xanh rờn cỏ xanh". Cảnh đâu đây? Trong chiêm bao (thơ Chế Lan Viên: Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà) hay chùa Hương, hay bức tranh Tàu bốn mùa chim muông hoa lá? Đúng là "thế giới bên kia", nơi "thiên thu" có khác. Thiên thu nơi bạn/ tôi bờ mong manh/ bạn bay mây trắng/ tôi còn tóc xanh. Không biết bốn câu thơ xuất sắc này đã thuộc vào những suy nghĩ "quá đà" hay chưa (và để tránh "quá đà", tôi cũng xin không lạm bình), chỉ tin rằng: như vậy là, Nguyễn Linh Khiếu đã đưa hương hồn người xấu số trở vào một cõi thật vô biên, thanh tĩnh, nơi không có gì có thể làm vẩn đục được lương tri con người, có nghĩa là, anh đã an ủi được bạn rất nhiều…

Phạm Tuấn Đạt
.
.